Những bức xúc thường
trực của người dân về y tế, giáo dục... cần được ưu tiên hơn là xây trụ sở
hoành tráng (trong ảnh: quá tải trầm trọng ở BV, 3 người bệnh nằm một giường) -
Ảnh: Nguyên Mi
Hội chứng tượng đài
chưa ngã ngũ thì trào lưu xây trụ sở hoành tráng lại ngóc dậy. Những cuộc ‘chạy
đua’ này khiến cho người ta hình dung đến cảnh 'văn minh, thịnh vượng' một khi
những công trình này ‘đi vào cuộc sống’.
Nhiều địa phương đang
rần rần nộp ‘hồ sơ’ đòi xây trụ sở hành chính với kinh phí mới nghe đã thấy hoảng.
Này nhé, Hải Phòng đề xuất xây trụ sở 10.000 tỉ đồng. Khiêm tốn hơn thì có các
tỉnh Khánh Hòa 4.300 tỉ, Nghệ An 2.200 tỉ, Hà Tĩnh 2.000 tỉ, Bộ Tư lệnh Cảnh
sát Biển 700 tỉ... Bình Định, Bình Thuận và một số tỉnh khác cũng đang đề xuất.
Lý do: vì trụ sở cũ phân tán, chật hẹp và nhất là… không gần dân.
Ngặt là các tỉnh,
thành trên đều đề xuất lấy kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, còn bản thân
các địa phương trong tình trạng thu không đủ chi. Nhiều địa phương năm nào cũng
phải nhận hàng ngàn tỉ đồng hỗ trợ từ Trung ương. Tỉnh Lâm Đồng xây trụ sở từ
năm 2011, từ gần 500 tỉ đồng đội lên thành 1.012 tỉ. Trụ sở mới đã hoàn thành
và các chủ nhân của nó bắt đầu cuộc chạy marathon 'kiếm tiền’ để bù vào vốn đầu
tư.
Nếu những khoản tiền
hàng ngàn tỉ đó được dùng để giảm tải bệnh viện, cải thiện cuộc sống cơ cực của
người nghèo, của thầy cô và học sinh vùng sâu; cấp vốn cho người dân và các
doanh nghiệp đang khát… thì đất nước này đã hưng thịnh từ lâu.
Trong khi hàng chục
ngàn tỷ đồng được đề xuất cho các tỉnh
xây trụ sở, tượng đài, thì chỉ để tăng lương cho viên chức thêm 60.000đ/ tháng,
các đại biểu Quốc hội đã phải tranh luận gay gắt, cân đo đong đếm, “gật gấu vá
vai” mãi mới thông qua được. Rồi còn biết bao vấn đề nan giải khác cần đến kinh
phí của nhà nước mà vẫn phải "dài cổ" chờ đợi. Đó là quá tải bệnh viện,
bức xúc thường trực của toàn dân nhưng chưa biết khi nào được giải quyết. Là nỗi
cơ cực của thầy và trò các vùng sâu, vùng cao khi phải học, phải ở trong những
lán tre tồi tàn; cơm lạt; áo mỏng trong giá rét… Và rất nhiều "mầm non đất
nước" ấy vẫn phải trông chờ vào lòng hảo tâm của các tổ chức từ thiện.
Hoành tráng đã trở
thành căn bệnh nan y. Ban đầu là hoành tráng về các nhà máy, cảng biển, tổng công
ty, tập đoàn, bất chấp hậu quả kinh tế "âm toàn tập". Rồi lây lan đến
các công trình chào mừng, các lễ hội. Bây giờ di căn đến xe công và trụ sở. Sự
lãng phí ghê gớm đang bào mòn khủng khiếp niềm tin của nhân dân vào những “đầy
tớ” và vào chế độ. Nhiều người nước ngoài, lần đầu đến Việt Nam đã nhận ra những
sự khác lạ không giống ai. Đến Việt Nam, nhà nào to nhất, đích thị là trụ sở cơ
quan nhà nước hoặc nhà thờ và chùa. Cả hai cứ song hành đua nhau hoành tráng
trên nền nghèo khổ của người dân.
Gần đây, trên
facebook của mình, bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh từng kể lại chuyện đến
thăm các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sau khi vấn an sức khỏe, đã hỏi các mẹ về mơ
ước của mình. Có mẹ đã bộc trực trả lời đại ý: “Mẹ già rồi, được nhà nước chăm
sóc chu đáo, đủ ăn, đủ mặc; chẳng mơ gì hơn, chỉ ước tụi Mỹ nó trở lại”. Mấy
lãnh đạo thảng thốt, chưa hiểu chuyện gì, thì mẹ đã tiếp lời: “Mẹ ước vậy để
các con dễ thương như hồi kháng chiến, gian khó mà đứa nào cũng hiếu thảo. Chẳng
bù cho bây giờ…”
Bây giờ, mẹ mà đến mấy
trụ sở hoành tráng đó, chưa chắc đã dám vào. Có cách gì làm cho cán bộ gần gũi,
lo lắng cho người dân hơn không? Bệnh hoành tráng đã nặng lắm rồi. Phải tìm
cách chữa trị tận gốc nếu không muốn nguy hiểm đến tính mạng.
Xuân Hà
Theo Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét