Ngô Nhân Dụng
Ðộc giả Người Việt rất
bén nhậy trước tin thời sự. Sau vụ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ hạ máy bay Nga trên vùng
biên giới Thổ-Syria, độc giả ký tên oldcanon nhận xét: “Sau vụ này nếu mà Nga
không kéo một mớ hỏa tiễn phòng không S-300 hoặc S-400 qua đặt bên Syria gần
biên giới Thổ Nhĩ Kỳ thì mới là chuyện lạ.” Quả nhiên, trong khi ông “đại bác
già, oldcanon” viết thì Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã làm việc đó. Hỏa tiễn
Sam có tầm xa 400 cây số, đặt ở một căn cứ Nga cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng
50 cây số. Chiến hạm Moskva mang hỏa tiễn tiến vào gần bờ biển, và từ nay máy
bay oanh tạc của Nga sẽ có phi cơ chiến đấu đi bên bảo vệ!
Ít khi chính phủ Nga
đưa hỏa tiễn Sam tới một vùng tranh chấp xa như vậy, kể từ sau cuộc chiến tranh
Việt Nam. Ðáng lẽ khối NATO phải phản đối ầm lên khi Nga đưa Sam tới bên bờ Ðịa
Trung Hải; nhưng không thấy. Nhưng họ chỉ nói mấy câu lấy lệ. Ðiều đó chứng tỏ
mấy tên đạn này không thay đổi cục diện. Ông Putin phải điều động tên lửa để chứng
tỏ cho dân Nga thấy ông vẫn là “người hùng,” thế thôi.
Một vị độc giả khác,
Kevin Nguyên thì lo lắng cho Thổ Nhĩ Kỳ: “Putin chứ không phải Obama, sẽ không
có chuyện nhẹ nhàng khi Thổ Nhĩ Kỳ chơi trò 'đâm sau lưng...” Ông Nguyễn Lai
Châu lo ngại hơn: “Ðây là một bài học nhờ đời cho Thổ không chừng... Thổ coi chừng
bị hỏng cẳng vì tính cốc láo của Putin là làm rồi mới nói...”
Nhưng cuối cùng thì
ông tổng thống Nga làm gì? Phản ứng quan trọng nhất phải diễn ra trong vòng một,
hai ngày sau khi máy bay Nga bị hạ, nếu không tức là không có gì quan trọng.
Ông Putin không triệu hồi đại sứ ở Ankara về nước. Hai sĩ quan Nga đã tới Bộ Quốc
Phòng Thổ để hỏi cho ra lẽ, và được nghe những gì tổng thống Thổ đã nói: Bắn
máy bay Nga vì cảnh cáo 10 lần mà không trả lời. Phát ngôn viên quân sự Nga đã
nói ngay sẽ không có phản ứng quân sự nào cả, ngoài việc chấm dứt các cuộc gặp
gỡ đã định trước đó. Ngoại Trưởng Nga Sergey Lavrov bãi bỏ chuyến thăm viếng và
khuyên du khách Nga ngưng sang Thổ-Thổ Nhĩ Kỳ là nơi người Nga hay đi du lịch
nhất.
Hai nước sẽ không lâm
chiến. Nghĩa là khối NATO sẽ không phải đụng độ Nga, sau hơn nửa thế kỷ được
thành lập chỉ để ngăn đế quốc Liên Xô bành trướng. Chiến tranh sẽ rất tốn kém,
trong khi chính quyền Nga đang mang nhiều mối lo khác: Putin đã cho đám quân nổi
dậy ở Ukraine vào tủ lạnh, chấm dứt giấc mộng ly khai không biết đến bao giờ.
Kinh tế Nga tiếp tục suy yếu, giá dầu lửa ngày càng xuống sẽ làm ngân sách kiệt
quệ. Các nước Âu Mỹ tiếp tục cấm vận vì vụ chiếm Crimea; trong khi dân vùng này
đang thất vọng vì du khách ngưng tới, mỗi ngày chỉ có điện trong mấy giờ, bị
dân Tartar phá vì họ bị kỳ thị. Cuộc phiêu lưu tại Syria không biết bao giờ ngừng.
Nếu không được Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nước Á Rập và Tây phương hợp tác thì những
cuộc oanh kích của máy bay Nga sẽ không bao giờ tiêu diệt được lực lượng “Quốc
Gia Hồi Giáo IS.” Nghĩa là không thể nào cứu nổi chế độ Bashar al-Assad.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và
Nga quá quan trọng, không thể cắt đứt. Hai phần ba khí đốt Thổ nhập cảng đến từ
các mỏ bên Nga. Các hợp đồng bán hơi đốt vẫn được thi hành, dù máy bay S-24 đã
bị bắn hạ. Kết cục, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ tiếp tục “đấu võ mồm” để cho
dân chúng hai nước nức lòng ái quốc, giúp cho hai ông tổng thống tăng thêm uy
tín!
Khi ông Tayyp Erdogan
nhảy từ chức vụ thủ tướng, ra ứng cử lên làm tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, phe đối lập
đã chế nhạo là ông ta đang bắt chước ông Putin. Hai người rất giống nhau; đều lấn
áp các phe đối lập, hạn chế tự do ngôn luận, cùng mua chuộc hàng giáo phẩm Hồi
Giáo ở Thổ và Chính Thống Giáo ở Nga. Cả hai đều muốn đóng vai “người hùng” bằng
cách kích thích lòng yêu nước của dân chúng. Ông Erdogan thì đàn áp các nhóm
người Kurd đòi tự trị trong nước. Ông Putin phô trương sức mạnh quân sự ở bên
ngoài.
Bây giờ hai người đụng
độ nhau, và không ai chịu xuống nước, không thể để hình ảnh “người hùng” tan biến.
Ông Putin dọa sẽ không nói chuyện với Erdogan trước khi Thổ xin lỗi và bồi thường.
Erdogan từ chối nhưng đã dịu giọng bằng cách nói rằng máy bay Thổ khi bắn “máy
bay lạ” đã không biết đó là máy bay Nga. Nhưng ông vẫn cứng rắn, nói: “Thổ Nhĩ
Kỳ không bao giờ chịu nhịn khi biên giới và quyền hạn của mình bị xâm phạm. Khối
NATO, kể cả Mỹ, tuyên bố sẵn sàng đoàn kết với Thổ, bảo vệ lãnh thổ một nước
thành viên.”
Ông Erdogan còn nói mạnh
hơn: “Thổ Nhĩ Kỳ phải bảo vệ những người sắc tộc Thổ khác.” Nguyên nhân gây ra
cuộc máy bay đụng độ vừa qua là không quân Nga đã tấn công những làng dân Syria
gốc Thổ, trong vùng đó không có quân IS. Nhưng lời tuyên bố này có nghĩa rất rộng
và có thể gây hậu quả rất sâu xa.
Bởi vì giống dân gốc
Thổ sống rải rác khắp vùng Trung Á, từ sắc dân Uyghur trong tỉnh Tân Cương, qua
Iran, Iraq, Afghanistan, sang tới Syria. Họ là một sắc dân du mục, từ hai ngàn
năm trước đã kéo nhau sang phía Tây trong nhiều đợt, khi biết không thể bành
trướng sang phía Ðông vì đụng phải Ðế quốc Hán tộc. Ðây là một giống dân thiện
chiến, đã gia nhập hoặc chống cự những đoàn quân của các đế quốc, từ thời
Alexander qua Thành Cát Tư Hãn và sau cùng là đế quốc Hồi Giáo.
Từ thế kỷ 11, đạo
quân Thổ Seljuk, cũng thuộc giống Tarar, đã được vị Caliph đứng đầu Hồi Giáo ở
Baghdad sử dụng bành trướng về phía Tây, chống Ðế quốc Byzantine và đánh cả các
đoàn quân Thập tự chinh. Ðến thế kỷ 15, hậu duệ của người Seljuks đã thành lập
Ðế quốc Ottoman sau khi chiếm Constantinople, nay là Istanbul, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ.
Hai đế quốc Nga và
Ottoman (cũng được gọi là đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ) đã tranh hùng suốt từ thế kỷ 16 đến
thế kỷ 20; mỗi cuộc chiến trong tổng cộng 12 lần đều dính tới các nước Châu Âu.
Cuộc tranh hùng kéo dài nhất là Chiến tranh Crimea (1853-56), Nga thua liên
quân Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp và Ý. Trước thế kỷ 20, giống dân Thổ không có ý lập
quốc, vì quen sống trong những đế quốc rộng lớn. Sau khi Ðế quốc Ottoman tan vỡ,
một quốc gia mới ra đời, quyết tâm canh tân theo kiểu mẫu các nước Châu Âu. Họ
quyết định tách tôn giáo khỏi chính trị; bỏ cả lối viết chữ cũ để dùng mẫu tự
La tinh.
Từ khi cầm quyền, ông
Erdogan đã gia tăng liên lạc với các nước Trung Á cùng gốc Thổ. Những quốc gia
Hồi Giáo này mới được độc lập sau khi tách khỏi Liên Bang Xô Viết nhân chế độ Cộng
Sản tan rã. Ðất đai của họ kéo dài từ núi Thiên San, Trung Quốc, tới Hắc Hải.
Dân chúng đều nói một ngôn ngữ gần với tiếng dân Thổ, có thể hiểu nhau được; trừ
8 triệu dân Tajikistan nói giống tiếng Ba Tư. Dân chúng các nước lớn như
Uzbekistan, Azerbaijan đều hướng về Thổ Nhĩ Kỳ và muốn có ngày sẽ kết hợp với
nhau trong một liên bang.
Một cuộc tranh hùng ở
vùng Trung Á trong thế kỷ 21 sẽ diễn ra giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, và các nước
Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ tham dự. Chưa hết, trong nội địa Liên Bang Nga, các vùng
Chechnya và Dagestan cũng đang sôi sục vì dân chúng ở đây theo Hồi Giáo và họ
căm thù các chính quyền Nga từ thời Xô Viết đã kỳ thị và đàn áp họ. Ðại đa số
dân Hồi Giáo ở Nga và vùng Trung Á đều theo phái Sun Ni; trong khi Nga đang ủng
hộ một chính quyền theo phái Shi A ở Syria. Hơn 3,000 người từ Nga đã sang
Syria gia nhập quân IS, một phần ba đến từ Dagestan. Tình báo Nga đã ám sát một
người Chechnya đang đi quyên góp gây quỹ trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, từng gây ra căng
thẳng giữa hai nước.
Ông Putin chỉ nhắm cứu
vãn chế độ Assad trong một thời gian ngắn, để có thể tham dự cuộc bàn luận chia
sẻ nước Syria sau khi Assad ra đi. Putin rất nóng lòng muốn liên kết với các nước
Tây phương trong công việc cùng tiêu diệt lực lượng IS, vì đó chính là một lò
huấn luyện người Sun Ni Hồi Giáo từ Nga sang. Trong khi tuyên bố chống Thổ Nhĩ
Kỳ, Putin vẫn hân hoan tiếp ông Francois Hollande, tổng thống Pháp, cả hai hô
hào tiến hành cuộc liên kết này.
Biến cố máy bay Thổ bắn
hạ máy bay Nga có thể là một cơ hội cho các nước NATO và Nga phải thảo luận với
nhau để phối hợp trên chiến trường Syria, như Putin vẫn chờ đợi. Vì vậy, ông
Putin sẽ không thể giữ tình trạng thù nghịch quá lâu với Thổ Nhĩ Kỳ, một nước kỳ
cựu trong khối NATO. Nên mời ông Francois Hollande đóng vai trò trung gian hòa
giải!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét