Hai thứ đó có thể được mô tả bằng một câu ngắn gọn của người Việt Nam: “Treo đầu dê, bán thịt chó”. Thịt chó này sản xuất ở Mỹ nhưng đậm đà hương vị Ba Đình.
Với hình thức quảng cáo giống như cách thức quảng cáo đầy máu lửa (để câu khách) theo kiểu Hollywood, những người làm phim “Khủng Bố tại Sài Gòn Nhỏ” đã trưng cái “đầu dê” rùng rợn, kết hợp của sự khủng bố tưởng tượng và biểu tượng Little Saigon, trong bối cảnh khủng bố đã trở thành nỗi ám ảnh của toàn thế giới. Thế nhưng, hình ảnh quảng cáo đó lại chẳng liên quan gì đến nội dung được gọi là “điều tra” của bộ phim.
Little Saigon, biểu tượng sự trưởng thành của cộng đồng Việt Nam lớn mạnh đầy sức sống và thành tựu về cả chính trị lẫn kinh tế, với nhiều đóng góp lớn lao trong mọi phương diện cho quốc gia sở tại. Trong cái đầu dê quảng cáo cho phim Khủng Bổ tại Sài Gòn Nhỏ, biểu tượng này được lắp ghép với nỗi ám ảnh khủng bố, tạo nên ấn tượng hoàn hảo (nhưng sai lạc) về một cộng đồng Việt Nam có những hoạt động vô đạo, phi pháp.
Trên kênh truyền hình lịch sử (History) người ta vẫn thấy hình ảnh những cựu quân nhân ngực đầy huy chương của các cuộc chiến chống phát xít Đức, Nhật trong nhiều dịp kỷ niệm; nhưng chẳng ai phê phán hoặc coi đó là những hình ảnh gợi lại bạo lực. Trong khi đó hình ảnh các cựu quân nhân VNCH với quân phục cùng lá cờ vàng trong các sinh hoạt mang tính cách tưởng niệm, nghi thức, thì lại bị những người làm phim “Terror in Little Saigon” dùng các kỹ xảo để nhào nặn thành hình ảnh bạo lực cho món thịt chó (giả): “cuộc chiến cũ trên vùng đất mới”.
Phải chẳng vì các chế độ độc tài phát xít Đức, Nhật đã đi vào lịch sử, trong khi chế độ độc tài cộng sản Việt Nam vẫn tồn tại, nên hình ảnh cựu quân nhân VNCH và lá cờ vàng trở thành..."phạm thượng”? Do đó phải khoác thêm cái áo bạo lực cho phải đạo?
Với một căn bản không có chút hiểu biết tối thiểu nào về quan niệm đấu tranh cho tự do dân chủ tại quê nhà của người Việt Nam, trong đó chính yếu là nỗ lực đấu tranh ở trong nước để thay đổi nguyên trạng, cộng thêm định kiến như vừa nêu trên, A. C. Thompson tưởng tượng ra là người Việt Nam đã và đang cố nối tiếp cuộc chiến tranh đã chấm dứt từ năm 1975.
Nội dung chính của phim “phóng sự điều tra” này là “tái điều tra” những cái chết của một số nhà báo người Việt trong khoảng từ hai đến ba mươi năm về trước. Đây là điều cần thiết để tìm công lý cho các nạn nhân và thân nhân của họ. Các cơ quan chức năng Hoa Kỷ đã nỗ lực 15 năm trời trong các vụ án này nhưng không kết quả nên đã đóng hồ sơ. Nay A.C. Thompson “trổ tài” điều tra theo kiểu “đẽo chân cho vừa giày”. Nghĩa là xào nấu, cắt xén, ráp nối cách hình ảnh, âm thanh sao cho phù hợp với kết luận theo định kiến đã có sẵn của ông ta.
Tuy chỉ dựa theo những điều...”nghe nói”, “hình như” v.v.., nhưng cuối cùng thì A.C. Thompson vẫn đoan chắc để kết án hồ đồ theo kiểu định kiến ngay từ đầu rằng MT nhúng tay sát hại vì những nhà báo đã viết bài chống Mặt Trận (MT).
Thật ra trong 5 người bị ám sát chỉ có hai người có những bài chỉ trích MT là ông Đạm Phong và Lê Triết, trong khi Dương Trọng Lâm chết trước khi MT ra đời và tình nghi về tranh chấp tiền bạc. Ông Đỗ Trọng Nhân chỉ là nhân viên tòa soạn báo Văn Nghệ Tiền Phong, và ông Phạm Văn Tập chủ bút tờ báo Mai mang đặc tính văn nghệ, không liên hệ gì đến chuyện phê phán MT.
Nguyên tắc luật pháp của các nước dân chủ (như Hoa Kỳ) là không kết tội một ai khi không có bằng chứng rõ ràng; tuy nhiên, với sự đoan chắc như trên, A.C. Thompson có khuynh hướng hành xử theo kiểu của công an việt cộng. Không bắt được quả tang, không có bằng chứng, thì bắt đại ai đó bỏ tù (như trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn).
Bởi vậy món “thịt chó” này của đầu bếp A.C. Thompson đâm ra có hương vị Ba Đình.
Cũng đúng thôi, như chính A.C. Thompson cho biết, cố vấn cho ông ta trong phim phóng sự này là ông Tony Nguyễn, một người thân cộng và cổ võ hòa hợp hòa giải đã “đánh lận con đen” bằng cách nêu ra 5 cái chết rồi cáo buộc Mặt Trận và từ đó vẽ lên hình ảnh khủng bố nhằm bôi nhọ Little Sài Gòn của người Việt hải ngoại.
Bởi vậy, khi xem phim này nhiều người đã nhận ra ngay cuốn phim có hơi hướm của việt cộng, do những người thân cộng hoặc tay sai Việt cộng dàn dựng. Vì thế cũng không có gì ngạc nhiên khi báo chí của Hà Nội có bài viết về phim này trước khi phim được trình chiếu.
Tuy không có điều kiện để chứng minh, nhưng xác xuất về sự tài trợ của Hà Nội cho những phim loại này không phải là nhỏ, khi mà từ mấy năm nay bộ trưởng bộ Thông Tin - Truyền Thông của Hà Nội đã nhiều lần nói về việc Hà Nội gia tăng ngân sách cho truyền thông hải ngoại của họ.
Nhưng điều quan trọng cũng nên tìm hiểu là: Tại sao phim lại chọn thời điểm này để xuất hiện? Và nhằm mục tiêu gì?
Trong bối cảnh các tổ chức xã hội dân sự và số lượng người tham gia gia tăng nhanh chóng trên địa bàn gần như khắp cả nước (như tướng công an Trần Đại Quang vừa cho biết); trong lúc đó thì nhà cầm quyền đang kiệt quệ tài chính, nợ nần chồng chất; cùng lúc đó, sự đấu đá trong thượng tầng lãnh đạo đảng trước đại hội đảng sắp tới xem ra vẫn quyết liệt và chưa ngã ngũ...
Theo thói quen ở các nước cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam thì mỗi khi có những khó khăn, lùng bùng trong nội bộ, nhà cầm quyền tìm cách hướng sự chú ý của người dân sang một vấn đề khác. Phim “Terror in Little Saigon” không nằm ngoài thói quen này.
Một nỗ lực thường xuyên khác của Hà Nội là làm tản lực đấu tranh ở hải ngoại, hầu giảm bớt sự hỗ trợ từ hậu phương hải ngoại cho tiền tuyến quốc nội. Phim “Terror in Little Saigon” không chỉ nằm trong nỗ lực thường xuyên này mà còn nhắm đến một mục tiêu khác.
Đó là cố tạo lùng bùng ở hải ngoại để từ đó các nhóm thân cộng xuất hiện ra cộng đồng, tạo ra những khối quần chúng hải ngoại công khai ủng hộ đảng, khi Hà Nội đang muốn xoay trục về phía Mỹ. Trong bối cảnh hiện nay, đây có thể là một nỗ lực mới của Hà Nội, điều mà từ 40 năm qua họ đã tốn nhiều công sức, tiền của, nhưng chưa bao giờ thực hiện được.
Nói tóm lại, sự xuất hiện của cuốn phim đã không những không giúp truy tìm thủ phạm của 5 vụ án mà cho thấy dã tâm dùng vụ án để tấn công và gây phân hóa trong cộng đồng.
http://viettan.org/%C4%90au-de-thit-cho-trong-phim-Terror.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét