Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Cuộc cờ Nga Thổ



Hùng Tâm

Ðằng sau vụ hai máy bay Nga bị bắn hạ trên xứ Thổ

Ngày 24 Tháng Mười Một, một oanh tạc cơ Sukhoi Su-24 của Nga bị bắn hạn trên lãnh thổ của xứ Turkey (xưa kia ta gọi là Thổ Nhĩ Kỳ, và vì cận ngày Thanksgiving với tục ăn thit turkey, xin dùng chữ Thổ... cho tiện).

Theo Bộ Tổng Tham Mưu Thổ Nhĩ Kỳ, rồi chính phủ Ankara với bản đồ làm bằng chứng, thì phi cơ Nga xâm phạm không phận Thổ, và được hai chiến đấu cơ F-16 của Thổ cảnh báo 10 lần trong năm phút mà vẫn bay trên thị xã Yaylidagi của tỉnh Haty nên đã bị bắn hạ. Ngược lại, Bộ Quốc Phòng Nga khẳng định rằng việc khách quan theo dõi phi vụ chứng minh là chiếc Su-24 chỉ bay trên lãnh thổ Syria, ở cao độ sáu ngàn thước.


Người ta chưa có chi tiết chính xác về số phận của hai phi công Nga trong chiếc Su-24, một vấn đề ngoại giao lý thú.

Các nhóm võ trang người Thổ chống chế độ Bashar al Assad thì loan tin là bắt được hai phi công khi họ bật khỏi máy bay nhảy dù xuống đất, một người bị thương và người kia không bị hề hấn. Một số hình ảnh được phổ biến lại làm người ta nghĩ rằng hai phi công đã bị toán võ trang hạ sát. Nhưng nhiều viên chức Thổ thì tin là họ vẫn còn sống.

Tiếp theo đó, một trực thăng Nga được phái đi tìm kiếm phi hành đoàn của chiếc Sukhoi thì cũng bị lực lượng dân quân người Thổ bắn trung liên từ dưới đất làm một Thủy quân Lục chiến Nga thiệt mạng. Sau đó, chiếc trực thăng bị hỏa tiễn chống chiến xa loại TOW của nhóm võ trang kia bắn tan. Hỏa tiễn TOW là do Hoa Kỳ chế tạo và cung cấp cho các nhóm võ trang chống chế độ Bashar al Assad, dưới lá cờ Quân Ðội Syria Tự Do.

Nghĩa là Nga vừa có hai máy bay bị hạ trên lãnh thổ xứ Turkey. Hồ Sơ Người Việt tìm hiểu chuyện nhức tim này thì thấy ra chuyện nhức đầu khác.

Nga Thổ trên đất Syria

Ngay sau khi chiếc Sukhoi bị bắn hạ hôm Thứ Ba 24, Tổng Thống Nga Vladimir Putin giận dữ bảo rằng đây là “một vụ đâm sau lưng từ những kẻ đồng lõa với quân khủng bố (ISIL). Và rằng “ISIL được quân đội của cả một quốc gia bảo vệ.” Diễn giải: nước Thổ yểm trợ khủng bố ISIL! Ông cũng bày tỏ mối quan tâm và sự kinh ngạc, rằng Thổ không tìm cách liên lạc với Nga sau sự biến mà lật đật họp hành với Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương NATO, trong khi “Liên Bang Nga coi nước Thổ không chỉ là lân bang mà còn là một quốc gia bạn.”

Sự thật thì Nga và Thổ đang tranh hùng trên một vùng đất có lắm người bay. Hồ Sơ Người Việt phải trở lại bối cảnh sâu xa của chuyện tranh hùng ấy.

Xứ Thổ Nhĩ Kỳ có lãnh thổ tiếp cận với tám quốc gia. Ngược chiều kim đồng hồ, tại miền Nam có hai nước Syria và Iraq đang bị nội chiến. Từ hướng Ðông có Iran và đất Nakhchivan của xứ Azerbaijan. Lên hướng Ðông Bắc là Georgia đã bị Liên Bang Nga uy hiếp từ năm 2008. Miền Tây Bắc có Bulgaria và tại hướng Tây thì đấy là Hy Lạp. Then chốt hơn cả, phía Bắc của Thổ Nhị Kỳ là biển Hắc Hải và phía Nam là biển Ðịa Trung Hải, còn hướng Tây có biển Aege.

Từ năm 2011, khi chế độ Bashar al Assad đàn áp đối lập và tàn sát thường dân thì nội chiến bùng nổ tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ các lực lượng võ trang chống al Assad, trong đó có các nhóm nổi dậy thuộc sắc tộc Thổ. Ngày 22 Tháng Sáu năm 2012, hơn ba năm trước rồi, dàn phòng không của al Assad bắn hạ một phi cơ của Thổ khiến hai phi công thiệt mạng. Từ đấy, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng cảnh giác và canh phòng nghiêm mật biên giới miền Nam với Syria. Kết quả, ngày 16 Tháng Chín 2013, chiến đấu cơ Thổ bắn hạ một trực thăng Mi-17 của Syria khi bay vào không phận của mình. Sáu tháng sau, một máy bay MiG-23 của Syria cũng gặp số phận tương tự.

Từ 30 Tháng Chín vừa qua, khi Liên Bang Nga của Putin nhập cuộc để bảo vệ chế độ al Assad thì những rủi ro đụng độ như vậy gia tăng đáng kể. Chính quyền Thổ tại Ankara nhiều lần khiếu nại việc Nga và Syria vi phạm không phận của mình và còn uy hiếp phi cơ Thổ trong vùng biên giới. Ðến tuần qua thì quân binh Nga yểm trợ các đơn vị của al Assad tấn công phe nổi dậy ở vùng biên giới với đất Thổ. Trong phe nổi dậy có các lực lượng võ trang người Thổ do Ankara yểm trợ.

Vì vậy quan hệ giữa Ankara và Moscow càng căng thẳng, cho tới vụ hai phi cơ Nga bị Thổ quyết định bắn hạ chứ không khiếu nại than van nữa. Việc Putin cho rằng Thổ là một nước bạn của Nga chỉ là một cách nói ngoại giao, tức là không thật.

Nước Thổ đóng chốt

Vấn đề trong quan hệ Nga-Thổ không chỉ có Syria hay số phận chính trị của Bashar al Assad. Vấn đề nó nằm ngoài biển.

Do vị trí địa dư, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên đường Tây tiến của hạm đội hay các thương thuyền Nga muốn từ Hắc Hải xuống Ðịa Trung Hải. Và Thổ giữ hai cái chốt là eo biển Dardanelles và Bosphorus. Là thành viên của Minh Ước NATO từ thời Chiến Tranh Lạnh, Thổ là cái khóa của NATO khiến Nga khó đi xuống vùng biển nóng. Sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc thì xứ Thổ hết còn thiết tha với nhu cầu khóa cửa cho NATO.

Nhưng khi Putin đưa quân vào Syria ở miền Nam nước Thổ thì có lẽ hai nước đang đóng chốt vào lưng nhau.

Ðịa dư đã vậy, về lịch sử, Nga-Thổ từng là hai đế quốc tranh hùng trong năm thế kỷ với mâu thuẫn quyền lợi bao trùm lên các khu vực Balkan, Caucasus, Trung Ðông và Trung Á. Khi Putin đưa quân chiếm đóng hai vùng tự trị của Georgia vào Tháng Tám năm 2008 rồi bán đảo Crimea của Ukraine vào đầu năm 2004, chính quyền Ankara không mấy yên tâm.

Như trong một ván cờ vi, hai nước đang vây nhau!

Là một nước yếu hơn, chỉ có gần 80 triệu dân, lại cần khí đốt của Nga để giải quyết hơn phân nửa nhu cầu của mình, Thổ lững lờ nhích qua một bên để NATO và các nước như Hoa Kỳ, Ba Lan, Romania cùng nhiều xứ khác lãnh đạo việc be bờ chống Nga. Cho đến khi Nga đưa quân vào Syria và còn gây rối trong vùng đang có tranh chấp với Thổ là Nagorko-Karabakh thì Thổ phải có phản ứng. Hai phi cơ của Nga bị bắn hạ cho thấy phản ứng mới của Ankara. Nước Thổ đã dứt khoát chống Nga chứ không dập dình ở giữa như xưa.

Trong vụ này, khi một trực thăng của Nga lại bị hỏa tiễn POW của Mỹ bắn hạ, vào lúc Tổng Thống Pháp ve vãn Putin sát cánh với mình để cùng chống lực lượng ISIL thay vì bênh vực chế độ al Assad, rõ ràng là quốc tế có một cuộc cờ quá rắc rối!

Nhìn lại toàn vụ

Thế giới đang gặp một lúc ba thách đố sinh tử là thứ nhất, phong trào Thánh Chiến của các phần từ Hồi Giáo cuồng tín; thứ nhì làn sóng di dân từ Trung Ðông và nhiều nơi khác đổ vào Âu Châu, bên trong có nhiều đặc công khủng bố của al-Qaeda hay ISIL; và thứ ba là những hạt mầm khủng bố Hồi Giáo trong xã hội của các nước không bị nội chiến. Thổ Nhĩ Kỳ là một nước Hồi Giáo, thuộc hệ phái Sunni, nằm tại giao điểm của ba thách đố ấy và cũng từng bị khủng bố phá tác bên trong.

Giữa hoàn cảnh nguy ngập như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ còn gặp bài toán cổ điển là tranh chấp quyền lợi đại cường. Chính quyền Ankara muốn củng cố thế lực Sunni tại Syria bằng cách lật đổ chế độ al Assad, một nhánh Allawite của hệ phái Shia thân Iran thì gặp sự cản trở của một đối thủ xa xưa là nước Nga. Nhưng Thổ không đứng một mình vì là thành viên của NATO, là đồng minh của Hoa Kỳ và có quan hệ chặt chẽ với các nước Ðông Âu chống Nga.

Thành thử, ngoài bài toán khủng bố, di dân và mầm loạn vì lý do tôn giáo, ta còn thấy bài toán địa dư chính trị trong trận đụng độ Nga-Thổ. Trong trận thế xen kẽ rất nhiều động lực phức tạp, hiểu ra ưu tiên của từng phe vào từng lúc cũng là điều khó.

Chẳng hạn như đã có lúc các nước liên hệ bàn đến một giải pháp chính trị cho Syria: lãnh tụ Bashar al Assad rút lui mà không bị thảm sát hay truy tố trước Tòa án Quốc tế tại The Hague, để các nước thiết lập một chính quyền liên hiệp nhiều thành phần Hồi giáo. Mục tiêu là ổn định Syria để giải trừ mối nguy ISIL. Nhưng bây giờ, sau khi phi cơ Nga bị lực lượng võ trang Thổ bắn hạ, có khi hai phi công đã bị họ sát hại, Chính quyền Putin khó chấp nhận đại diện của lực lượng võ trang này trong hội nghị quốc tế về Syria. Putin mà tỏ ra mềm yếu thì bị nguy ở nhà!

Nhờ vậy, ISIL vẫn sống khi các kẻ thù bắn vào nhau.

Trong khi chờ đợi một giải pháp chính trị quốc tế thì tại chỗ, súng đạn vẫn có chức năng giải quyết qua tàn phá. Thổ nhất quyết yêu cầu thiết lập vùng cấm bay ở phía Bắc Syria làm vùng trái độn chống ISIL và cũng là nơi tạm cư nạn dân Syria. Ðồng thời, Ankara triệt để yểm trợ các lực lượng võ trang người Thổ chống chế độ al Assad tại Damascus và canh chừng sự lớn mạnh của dân Kurd.

Dù có lần lữa nói lảng, chính quyền Barack Obama cũng đang cần một nước Thổ mạnh mẽ tham gia việc diệt trừ ISIL và ổn định được miền Bắc Syria. Vì vậy, Obama tuyên bố là Ankara có quyền tự vệ mà vẫn ra giọng chủ hòa, kêu gọi đôi bên xuống thang chiến tranh.

Quân đội Mỹ và Nga thi đã có thỏa thuận về thông tin để các phi cơ của mình khỏi bắn vào nhau, nước Thổ thì không và lần này không chịu lép.

Những ưu tiên ấy gây khó cho Putin, là người chẳng thể lùi tại Syria. Ông đã ra lệnh cho chiến đấu cơ từ nay sẽ tháp tùng các oanh tạc cơ truy kích các lực lượng võ trang chống al Assad. Có gì là phải nổ súng! Trên vùng trời có quá nhiều máy bay như vậy, một vụ đụng độ Nga Thổ nữa là điều rất dễ xảy ra.

Kết luận ở đây là gì?

Từ hai tháng qua, người ta thấy Putin có vẻ quả cảm vì lâm trận để bảo vệ các chư hầu tại Syria, Iran và Beirut cho tới khi chuyến bay Metrojet của Nga bị ISIL cho nổ tung trên đất Ai Cập. Lần này, sự quả cảm ấy của Putin lại bị Thổ bắn hạ.

Phản ứng quyết liệt của Thổ khiến người ta tự hỏi về sức mạnh của NATO. Ðiều 5 Hiến chương NATO quy định là khi một thành viên bị tấn công thì cả Minh ước phải bảo vệ. Nếu Putin lại bày tỏ sự quả cảm và liều lĩnh với nước Thổ thì NATO sẽ làm gì?

Nhức đầu và nhức tim!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét