Nguyễn Huy Hoàng
Nguồn: “Major battle
erupts in the Ia Drang Valley,” History.com (truy cập ngày 13/11/2015).
Vào ngày này năm
1965, trong trận đánh lớn đầu tiên giữa các lực lượng quân chính quy Hoa Kỳ và
Bắc Việt, Lữ đoàn 3, Sư đoàn Kỵ binh số 1 Hoa Kỳ đã có một trận hội chiến với
các đơn vị quân chủ lực cộng sản tại thung lũng Ia Đrăng, Tây Nguyên.
Sáng hôm đó, Trung tá
Harold G. Moore thuộc Tiểu đoàn 1, Lữ Đoàn 7 đã tiến hành một cuộc tấn không bằng
trực thăng vào bãi đáp “X-Ray” gần núi Chư Prông. Khoảng giữa trưa, Trung đoàn
33 Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt đầu tấn công lính Mỹ. Cuộc chiến kéo dài
trong cả ngày đến đêm. Lính Mỹ đã nhận được hỗ trợ từ các đơn vị pháo binh gần
đó và các cuộc không kích chiến thuật.
Sáng hôm sau, Trung
đoàn 66 Bắc Việt tham gia tấn công chống đơn vị lính Mỹ. Cuộc chiến diễn ra rất
ác liệt, nhưng sự hỗ trợ từ các cuộc không kích chiến thuật và pháo binh đã gây
nhiều tổn thất cho phía Bắc Việt và cho phép Sư đoàn Kỵ binh số 1 Hoa Kỳ cầm cự
trước các cuộc tấn công liên tục.
Đến giữa trưa ngày
15, hai đại đội tiếp viện của Mỹ đổ xuống và được Trung tá Moore sử dụng khéo
léo để hỗ trợ cho quân lính đang bị bao vây của ông. Đến ngày thứ ba của cuộc
chiến, phía Mỹ phần nào giành được thế thượng phong. Trận chiến kéo dài năm
ngày (14 đến 18 tháng 11) đã khiến 634 lính Bắc Việt hy sinh và hơn 1.000 người
bị thương (tuy nhiên theo tài liệu của Việt Nam, con số này là khoảng 550 người
chết và gần 700 người bị thương).
Cũng trong chiến dịch
này, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 7 Kỵ binh Hoa Kỳ đã bị quân đội Bắc Việt phục kích
trên đường tới bãi đáp Albany vào sáng ngày 17. Trong 500 quân số ban đầu, khoảng
150 lính Mỹ đã thiệt mạng và chỉ 84 lính còn khả năng chiến đấu; trong đó Đại đội
C chịu 93% tổn thất, một nửa trong số đó hy sinh.
Bất chấp những con số
thiệt hại này, các quan chức cấp cao của Mỹ ở Sài Gòn lại tuyên bố trận Ia
Đrăng là một trận đánh vô cùng quan trọng vì đây là cuộc đụng độ đáng kể đầu
tiên giữa quân đội Mỹ và các lực lượng Bắc Việt. Nó chứng minh rằng quân đội Bắc
Việt đã chuẩn bị sẵn sàng để đứng lên chiến đấu trong những trận đánh lớn ngay
cả khi họ có thể phải chịu thương vong nghiêm trọng. Các nhà lãnh đạo quân sự cấp
cao của Mỹ đã kết luận rằng quân đội Mỹ có thể gây thiệt hại đáng kể cho lực lượng
cộng sản trong các trận chiến như vậy – chiến thuật này đã dẫn tới một cuộc chiến
tranh tiêu hao khi các lực lượng Hoa Kỳ cố gắng dần triệt hạ phía cộng sản.
Bắc Việt cũng đã học
được một bài học quý giá trong trận đánh này: bằng chiến thuật “nắm thắt lưng Mỹ
mà đánh,” tức cận chiến áp sát lính Mỹ, quân đội Mỹ sẽ không thể sử dụng pháo binh
hoặc không kích mà không có nguy cơ gây tổn thất cho chính lính Mỹ. Phong cách
chiến đấu này đã được Bắc Việt áp dụng cho đến khi kết thúc Chiến tranh Việt
Nam.
http://nghiencuuquocte.net/2015/11/14/tran-ia-drang/#more-12077
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét