Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

B-52 và Tu-95: Hai 'Lão Tướng' từ thời Chiến Tranh Lạnh


Hà Tường Cát/Người Việt


HOA KỲ - Hiện nay hai kiểu oanh tạc cơ B-52 của Mỹ và Tu-95 của Nga là những máy bay 'già' nhất thế giới, trên 60 tuổi, và dự trù sẽ còn sống tới 85 tuổi. Ngoài đặc điểm ấy, hai kiểu máy bay này còn có rất nhiều tương đồng trong tính năng và quá trình hoạt động.

Ngày 17 tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên các phi đội máy bay oanh tạc chiến lược tầm xa, bao gồm Tu-95, Tu-22 và Tu-160 xuất phát từ Nga đã đến oanh tạc loạn quân khủng bố trên lãnh thổ Syria. Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Nga cho biết sau vụ IS đặt bom máy bay hành khách Nga và tấn công khủng bố tại Paris, 25 máy bay oanh tạc đặt căn cứ trên đất Nga sẽ thực hiện các phi vụ oanh tạc  tăng cường cho lực lượng máy bay chiến đấu đã có ở căn cứ gần thành phố Latakia.

Tu-22 là máy bay oanh tạc siêu thanh, cỡ trung, 2 động cơ phản lực, vận tốc tối đa Mach 1.42 (938 mph), do Liên Xô sản xuất khoảng 300 chiếc từ 1962 đến 1968 và từng được bán cho Libya, Iraq. Tu-22 là oanh tạc cơ Nga duy nhất đã bay một số phi vụ tác chiến của Libya ở Trung-Phi và trong chiến tranh Iraq-Iran.

Tu-160 mới hơn, bắt đầu sản xuất từ 1985 và còn được tiếp tục. Tu-160 là máy bay quân sự tác chiến lớn nhất thế giới, nặng trên 250 tấn kể cả nhiên liệu và vũ khí, 4 động cơ phản lực, cũng là máy bay oanh tạc duy nhất có cánh xếp suôi 65 độ về phía sau khi bay nhanh, vận tốc tối đa Mach 2.04 (1,390 mph) trên cao độ 40,000 feet, vận tốc bình phi Mach 0.9 (960 mph), tầm bay xa 7,500 dặm không cần tiếp tế nhiên liệu.

Còn Tu-95MS (lớp được cải tiến mới nhất) là máy bay oanh tạc hạng nặng, tầm bay xa 9,400 dặm trên cao độ 50,000 feet, có thể hơn nếu được tiếp thêm nhiên liệu trên không, và vận tốc tối đa chỉ 575 mph.

B-52H bay xa 10,000 dặm trên cao độ 50,000 feet và có thể tiếp thêm nhiên liệu trên không, vận tốc tối đa 650 mph.

B-52 và Tu-95 được phát triển gần như cùng lúc, vào giai đoạn sau Thế Chiến II. Trong chiến tranh các máy bay oanh tạc hạng nặng của Đồng Minh, được gọi là pháo đài bay, như B-17, B-24, B-29 đã san bằng nhiều thành phố Đức và Nhật. Hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki cũng do B-29 chở đi. Nhưng sau Thế Chiến, và sau những đợt oanh kích của B-29 trong chiến tranh Triều Tiên, những máy bay này đã trở thành lỗi thời. Vào giai đoạn đầu của Chiến Tranh Lạnh, Hoa Kỳ cũng như Liên Xô cần có những máy bay oanh tạc chiến lược có tầm bay xa hơn, nhanh hơn và có thể chở bom nguyên tử. B-52 và Tu-95 được phát triển đáp ứng với những mục đích ấy.

Sau một thời gian cân nhắc, không quân Liên Xô chấp thuận kiểu máy bay Tu-95 do nhà thiết kế Andrei Tupolev đề nghị. Đậy là máy bay oanh tạc đủ khả năng bay liên lục địa đầu tiên và có thể chở bom nguyên tử đến tấn công bất cứ mục tiêu nào trên đất Mỹ. Vấn đề lớn cho Tupolev là vào thời gian đó, động cơ nổ dùng pistons không đủ mạnh để hoàn thành sứ mạng này, trong khi động cơ phản lực AM-3 tiêu thụ rất tốn nhiên liệu và do đó không thể bay đường xa.

Loại động cơ cánh quạt bán phản lực (turboprop) được xem là trung gian giữa hai loại trên và thích ứng với nhu cầu. Dự án Tu-95 “Bear,” biệt danh do NATO đặt ra để gọi từng kiểu máy bay Liên Xô, được chấp thuận tháng 7/1951 và chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Tu-95 được thực hiện tháng 12/1952, tới 1956 máy bay này bắt đầu được triển khai cho các đơn vị không quân Nga. Tổng cộng khoảng hơn 500 chiếc Tu-95 đã được chế tạo cho đến năm 1994.

Tu-95 có hình dáng đặc biệt khác hẳn các loại máy bay trên thế giới. Nó có 4 động cơ turboprop, mỗi động cơ vận hành 2 chong chóng đồng truc nhưng quay ngược chiều nhau, như vậy máy bay có tới 8 chong chóng 4 cánh. Nhóm kỹ sư Đức làm việc ở hãng chế tạo máy bay nổi tiếng của Đức, Junkers, bị bắt làm tù binh đưa về Nga, đã góp phần vào việc sáng chế động cơ cho Tu-95. Một nhược điểm của  máy bay dân sự Tu-114, phiên bản của Tu-95, là đầu cánh quạt khi quay nhanh đạt  vận tốc siêu thanh nên máy bay rất ồn và không thích hợp với các hãng hàng không thương mại. Hai cánh của Tu-95 suôi về phía sau 35 độ, hình dán quen thuộc thường thấy ở các máy bay phản lực, và Tu-95 là máy bay cách quạt duy nhất trên thế giới có cánh hình chữ V.

Cùng thời gian với Tu-95, Không Quân Hoa Kỳ tìm kiếm một loại oanh tạc cơ hạng nặng bay tầm xa để thay thế B-29 bốn động cơ máy nổ cánh quạt. Dù động cơ phản lực thời đó chưa được hoàn hảo nhưng các giới chức trách nhiệm Mỹ không chấp nhận dùng động cơ cánh quạt bán phản lực, và do đó phải qua nhiều năm và thẩm định nhiều nỗ lực thiết kế, cuối cùng tới 1951 mới chấp thuận dự án B-52 của công ty Boeing. Chiếc B-52 đầu tiên bay chuyến thử nghiệm vào tháng 4/1952 và Không Quân Hoa Kỳ bắt đầu sử dụng từ 1955. Từ 1952 đến 1962 có tổng cộng 744 máy bay B-52 được sản xuất. Để đẩy nhanh kế hoạch, Boeing đã dùng tới hơn 5,000 nhà thầu con, cung cấp phụ tùng thiết bị và linh kiện các loại.

B-52 có 8 động cơ phản lực chia làm bốn cặp treo dưới 4 trụ dưới cánh. Qua thời gian, động cơ được thay thế nhiều lần bằng những kiểu mới có hiệu suất cao hơn. Hiện nay Không Quân Hoa Kỳ còn 76 chiếc B-52 đang hoạt động và 9 chiếc khác dự trữ, tất cả đều thuộc lớp B-52H. Cả thảy 102 B-52H được sản xuất, chiếc cuối cùng tháng 10/1962. Một đặc điểm đáng kể của B-52 là giàn bánh đáp có thể xoay 20 độ, giúp máy bay hạ cánh an toàn trong trường hợp gió ngang.

B-52 và Tu-95 đều được sản xuất với mục đích đầu tiên là mang vũ khí nguyên tử nhưng qua nhiều chục năm, việc này chỉ mang tính cách phòng thủ và răn đe. Các máy bay B-52 mang bom nguyên tử luân phiên bay tuần thám thường xuyên suốt 24 giờ gần biên giới Liên Xô và trong trường hợp khẩn cấp khi nhận lệnh đặc biệt bằng mật hiệu, sẽ tiến tới mục tiêu đã ấn định sẵn. May mắn cho nhân loại là chưa bao giờ đi đến tình thế ấy và B-52 cũng như Tu-95 chưa bao giờ phải thi hành nhiệm vụ tác chiến nguyên tử.

Trước 1960, các phi vụ tuần thám của B-52 được thực hiện ở cao độ, nhưng sau đó với sự phát triển của hỏa tiễn phòng không, các phi vụ như thế trở nên nguy hiểm. Mặc dầu trông bề ngoài hình dáng cồng kềnh và nặng nề, B-52 lại có khả năng rất uyển chuyển trong hoạt động, có thể bay ở tầm cao cũng như tầm thấp. Vì thế sau này các phi vụ tuần thám gần Bức Màn Sắt đều bay thấp để tranh sự phát hiện theo dõi của radar địch. Đặc tính đó giúp B-52 sống lâu, dù nhiều lần máy bay này bị coi như cổ hủ và lỗi thời. Những dự án thay thế với các máy bay oanh tạc siêu thanh B-58 Hustler hay XB-70 Valkyrie đều không được chấp thuận và B-52 vẫn tồn tại.

Năm 1965 với nhu cầu của chiến tranh Việt Nam, một số B-52D và B-52G được sửa đổi để có thể mang bom quy ước trong thân và đeo dưới hai cánh thi hành các phi vụ ném bom trải thảm ở miền Nam và sau đó tới miền Bắc. Trong cuộc hành quân Linebacker II ném bom thành phố Hà Nội và Hải Phòng thời gian Giáng Sinh 1972, B-52 bay 741 phi xuất từ các căn cứ Andersen, Guam và Utapao, Thailand; 15 chiếc bị hỏa tiễn phòng không SA-2 bắn rớt và 5 chiếc khác hư hại nặng (Bắc Việt nói 34, trong đó một do MiG-21 của phi công Phạm Tuân). Ngược lại, không kể thành công và tổn thất của các máy bay chiến thuật, xạ thủ ngồi ở đuôi B-52 cũng bắn rơi 2 chiếc MiG-21 bằng đại liên .50 bốn nòng. Sau này các chiếc B-52 đã bỏ pháo tháp của xạ thủ ngồi ở đuôi máy bay để thay thế bằng hỏa tiễn phòng thủ.

Sau chiến tranh Việt Nam, B-52 được tân trang cả về kỹ thuật cũng như vũ khí, mang hỏa tiễn bình phi và bom điều khiển JDAM, không còn dùng bom rơi tự do và ném kiểu trải thảm. Kinh nghiệm của phi vụ oanh tạc đầu tiên ngày 18 tháng 6 năm 1965, 30 chiếc B-52 tấn công mật khu Bến Cát từ cao độ 20,000 feet, chỉ có hơn 50% bom rơi trúng mục tiêu ấn định 1 dặm x 2 dặm. B-52 xuất phát từ Diego Garcia trên Ấn Độ Dương, Guam trên Thái Bình Dương và cả từ Louisiana bay qua Đại Tây Dương đã tham gia các chiến dịch trong Chiến Tranh Vùng Vịnh 1991, chiến tranh Afghanistan và chiến tranh Iraq.

Trong khi B-52 có quá trình 40 năm oanh tạc bằng vũ khí quy ước thì Tu-95 mới chỉ xuất trận lần đầu tiên trên chiến trường Syria và theo tin tức cho đến nay vẫn dùng hình thức ném bom trải thảm, mặc dầu Tu-95M, phiên bản mới nhất và được cải tiến của Tu-95, cũng mang được nhiều loại vũ khí khác bao gồm hỏa tiển bình phi và bom điều khiển. Do đó các cuộc oanh tạc của một số ít Tu-95 có lẽ chưa có hiệu quả đáng kể.

Theo đánh giá của các chuyên viên Nga, Tu-95 chưa được chuẩn bị để mạng nhiều vũ khí quy ước như B-52. Hai kiểu máy bay này có kích thước gần tương đương: B-52H dài 48 mét, sải cánh 56 mét, trọng lượng tối đa cất cánh 220 tấn; Tu-95MS dài 46 mét, sải cánh 50 mét, trọng lượng tối đa cất cánh 190 tấn nhưng B-52H có thể mang 31 tấn bom và vũ khí khác, gấp đôi Tu-95MS.

Khác B-52H có vẻ “lùn,” Tu-95MS cao lênh khênh vì giàn bánh đáp phải rất cao để cho các chong chóng có đường kính lớn không chạm đất. Do đó khi di chuyển trên mặt đất, Tu-95MS quay vòng rộng hơn B-52H rất nhiều.

Các máy bay oanh tạc chiến lược như B-52 và Tu-95 cần phi đạo rất dài rộng để cất cánh, khoảng 3,000 mét và thêm một đoạn 2,000 mét an toàn trong trường hợp việc cất cánh bị hủy vào phút chót. Nhưng giống như nhiều loại vũ khí của Mỹ đòi hỏi điều kiện bảo trì đầy đủ thì B-52 cũng đòi hỏi phi đạo bê-tông vững chắc bằng phẳng, và ở xa chiến trường. Trong lịch sử, Nga thường phải chiến đấu ngay gần hay trong lãnh thổ của mình nên vũ khí của họ không luôn luôn có điều kiện đầy đủ để sử dụng như thế. Ưu điểm vượt trội của Tu-95MS là có thể lên xuống ở những phi trường dã chiến, kể cả không tráng xi-măng hoặc chỉ là đất mới dọn quang. Cuối cùng, công tác bảo trì động cơ bán phản lực tương đối cũng dễ dàng hơn động cơ phản lực ở B-52.

Không quân Hoa Kỳ và không quân Nga đều dự trù những loại máy bay này sẽ tiếp tục được sử dụng 1/4 thế kỷ nữa, cho tới 2040.    (HC)


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=218237&zoneid=1


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét