Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Cuộc cờ chống IS thay đổi


Ngô Nhân Dụng

Bốn ngày sau khi quân khủng bố IS tấn công giết 129 người ở Paris, hôm qua chính phủ Nga lên tiếng công nhận chiếc máy bay Airbus A321 rớt ở bán đảo Sinai trong tháng trước trên đường từ Sharm al-Sheikh bay về St. Petersburg là do bị đặt bom. Ông Vladimir Putin treo giải thưởng 50 triệu Mỹ kim cho ai cung cấp tin tức truy tầm thủ phạm làm chết 224 người, đa số là người Nga.


Vụ đánh bom có quy mô lớn xẩy ra tại Paris tạo cơ hội cho ông Putin và chính quyền Ai Cập chấp nhận chính quân khủng bố IS ở Sinai chủ mưu vụ tấn công máy bay Nga mà không bị mất mặt, sau khi điện Kremlin đã bác bỏ giả thuyết này tới sau khi quân khủng bố IS thừa nhận họ đánh chiếc máy bay và chính phủ Anh cũng đồng ý. Ngay từ đầu Nga công ty hàng không Metrojet đã mặc nhiên công nhận chiếc máy bay của họ bị tấn công, khi khẳng định chiếc máy bay đã được bảo trì và kiểm soát hoàn hảo; nhưng ông Putin vẫn muốn bác bỏ vì không muốn dân Nga nhận ra họ đang trở thành mục tiêu bị IS tấn công vì cuộc phiêu lưu của ông ở Syria nhằm bảo vệ chính quyền Bashar Assad. Chính phủ Ai Cập cũng phụ họa với Nga vì không muốn cơ quan an ninh của họ bị mang tiếng không bảo vệ được một khu du lịch quan trọng. Nhưng bây giờ ông Vladimir Putin thấy có thể chấp nhận quân IS đang nhắm vào thường dân Nga, trong khi cả thế giới đang kinh ngạc và đau đớn với cuộc tấn công có kế hoạch và chuẩn bị công phu của quân IS ngay tại thủ đô Pháp. Công bố thủ phạm là quân IS, ông Vladimir Putin ra lệnh Không Quân Nga đánh mạnh hơn vào thành phố Raqqa, được coi là thủ đô của IS, và còn tuyên bố sẽ đánh quân IS “bất chấp các luật lệ và giới hạn.”


Ðây cũng là một cơ hội để Vladimir Putin nhắc lại lời kêu gọi các nước Châu Âu và Mỹ đứng chung với Nga trong cùng một mặt trận đánh lại quân IS, lời kêu gọi vẫn chưa được đáp ứng trong gần hai tháng qua. Quân IS đã chiếm được một phần ba mỗi xứ Iraq và Syria, tự nhận là một “quốc gia Hồi Giáo” (caliphate) với tham vọng thay thế tất cả các chính quyền Hồi Giáo khác trong vùng Trung Ðông, nhưng IS nhắm lôi kéo những người cực đoan theo giáo phái Sun Ni để đánh các người theo phái Shi A mà Iran đóng vai trò lãnh đạo.

Nga cùng các nước Tây phương và Iran đang họp ở Wien, thủ đô nước Áo, bàn về một giải pháp cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm ở Syria. Nhưng cuộc thảo luận không có kết quả vì lập trường của Mỹ và Châu Âu là ông Bashar Assad phải ra đi, trong khi Nga muốn Assad giữ được một chỗ ngồi trong một chính quyền liên hiệp kéo dài trong hai năm. Cuộc thương thuyết đang bế tắc thì vụ IS tấn công Paris làm thay đổi cuộc cờ, thúc đẩy các nước Châu Âu và Mỹ phải tích cực hơn trong việc tấn công tiêu diệt quân IS chứ không thể chỉ chờ coi quân IS và quân chính quyền Assad giết nhau, trong khi Tây phương chỉ tham gia một cách giới hạn. Mặt khác, giới lãnh đạo các nước Châu Âu cùng Nga và Mỹ đang có cơ hội gặp nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong hội nghị G-20; cùng với đại diện các chính phủ Sau đi và Thổ Nhĩ Kỳ, là hai đồng minh của Mỹ đang góp phần tích cực giúp các lực lượng chống IS và Assad.


Cuộc cờ thay đổi vì quân IS chứng tỏ họ có khả năng tổ chức những cuộc tấn công quy mô lớn, như ở Paris. Một ngày trước cuộc tấn công đó, tình báo Iraq đã báo cho các nước liên hệ biết lãnh tụ IS Abu Bakr al-Baghdadi đã ra lệnh thủ hạ tấn công vào các quốc gia Tây phương cũng như Nga và Iran; trong đó nước Pháp được nói rõ tên. Cuộc tấn công Paris có ít nhất 24 tên khủng bố tham dự, bẩy tên đã chết khi bom nổ. Nhưng việc huấn luyện những người này ở Syria, việc gửi họ qua Pháp, liên lạc với “tay trong” đang có mặt ở Pháp cùng với các thứ vũ khí tấn công, tất cả đòi hỏi một hệ thống tổ chức, thông tin, do thám, một mạng lưới yểm trợ, và khả năng hoạch định cao; chứ không phải chỉ gồm những tay quyết tử lẻ loi như đám tàn quân của al-Qaeda trước đây.

Cuộc cờ cũng thay đổi trên mặt trận truyền tin qua Internet mà các cơ quan tình báo Mỹ và Tây phương không hoàn toàn nắm thế mạnh. Các tổ chức khủng bố không còn sử dụng các mạng như Google hay Yahoo, cả hai có thể bị tình báo Mỹ theo dõi. Hiện có những mạng hỗ trợ thông tin khác mới mọc lên, chưa kể những mạng của Nga, cũng được các nhóm khủng bố sử dụng. Quân khủng bố cũng dùng các nhu liệu mới, như “Tor” khiến cho tình báo Tây phương khó thâm nhập. Tình báo Mỹ công nhận họ đang dự một “cuộc chạy đua” với quân khủng bố trên mặt trận thông tin.

Cuộc cờ thay đổi vì quân khủng bố IS đã mở nhiều cuộc tấn công bên ngoài lãnh thổ Iraq và Syria. Trước vụ đặt bom vào máy bay Nga, Quân IS ôm bom tự tử đã làm chết hàng trăm người tại Ankara, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, một nước láng giềng đang tích cực huấn luyện và vũ trang những dân quân Syria chống IS và Assad. Sau đó, quân IS ôm bom tự sát còn tấn công khu vực do tổ chức Hezbollah kiểm soát trong thành phố Beirut, thủ đô nước Lebannon. Hezbollah gồm những người theo đạo Shi A ở Lebanon, vừa là một đảng chính trị, vừa là một đạo quân thường chống Israel nhưng đang tham chiến tại Syria, đánh quân IS để ủng hộ chính quyền Assad. Vụ tấn công cùng một lúc trên nhiều địa điểm ở Paris cho thấy quân IS vừa có tham vọng vừa có khả năng mở những “cuộc hành quân” ở xa và có quy mô lớn. Hiện có hàng trăm người quốc tịch Mỹ và hàng ngàn người từ Châu Âu đang được IS huấn luyện ở Syria, có thể đang sẵn sàng trở về.

Với tình trạng IS đang bành trướng, Mỹ và các nước Châu Âu sẽ phải thay đổi nước cờ của họ. Nhân lúc cuộc cờ thay đổi này, ông Putin có thể lập lại lời kêu gọi hợp tác cùng đánh IS, mà trong đó Không Quân Nga có vai trò quyết định, tạo được hiệu quả cao hơn vì, đúng như ông Putin nói, họ không bị giới hạn bởi một quy luật nào. Ông tổng thư ký Liên Hiệp Quốc mới nhắc lại các nước can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria phải “tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền con người.” Các nước Châu Âu và Mỹ đã theo quy tắc đó cho nên tìm cách tránh gây thiệt hại và chết chóc cho thường dân Syria. Trong khi đó, quân Nga đã bất chấp cả “luật pháp quốc tế lẫn quyền con người” cho nên có thể tấn công quân IS một cách dã man hơn; đồng thời đánh cả các lực lượng vừa chống IS vừa chống chính quyền Assad, vẫn được Mỹ cùng các nước Á Rập và Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ.

Ông Putin nhấn mạnh đến chủ trương “bất chấp” này để cho các nước Tây phương thấy có lợi khi cộng tác với Nga, bởi vì quân Nga sẵn sàng làm những hành động “nhơ bẩn” nhưng được việc, thay cho quân các nước khác. Trong lúc ông Putin nhắc nhở điều đó thì báo Der Spiegel ở Ðức mới đăng một “tin mật” từ Nga mới tiết lộ. Bản tin này cho biết một công văn lưu hành trong chính quyền Nga, trong đó ông Putin cho biết ông sẵn sàng loại bỏ quân bài Bashar Assad, thay thế bằng một chính quyền Syria thân Nga khác, miễn là các nước phương Tây đồng ý Syria vẫn thuộc vùng ảnh hưởng của Nga.

Việc tiết lộ tin mật trên một tờ báo Ðức có ý nghĩa, vì Thủ Tướng Ðức Angela Merkel và ông Putin nói chuyện với nhau thường xuyên. Bà Merkel trước là một giáo sư ở Ðông Ðức nói thông thạo tiếng Nga, còn ông Putin đã đóng vai sĩ quan mật vụ KGB ở thành phố Dresden, nói giỏi tiếng Ðức. Mặt khác, nước Ðức và các nước Châu Âu khác đang bị làn sóng dân tị nạn tràn ngập, cũng muốn giải quyết vấn đề Syria sớm.

Nhưng ông Putin còn một hậu ý khác trong khi kêu gọi các nước Tây phương hợp tác ở Syria, là nhân dịp cộng tác mật thiết này sẽ đạt được một thỏa thuận ngầm ở Ukraine; công nhận ảnh hưởng của Nga trong miền Ðông của xứ này. Tuy nhiên, điều này Putin khó đạt được. Ngay khi máy bay Nga bắt đầu đến Syria và tấn công quân IS, bà Angela Merkel, thủ tướng Ðức đã cảnh cáo trước rằng Syria và Ukraine là hai vụ tách biệt, các nước Châu Âu sẽ không nhượng bộ gì ở Ukraine, dù cùng Nga tìm cách tiêu diệt quân Iraq. Vụ Ukraine còn rắc rối lâu, và những biện pháp phong tỏa kinh tế trên nước Nga sẽ còn kéo dài.

Dù ông Putin không đạt được mục tiêu ở Ukraine, thì ông vẫn có thể thi hành được kế hoạch ở Syria, lôi kéo chính phủ Mỹ vào một thỏa hiệp cùng tiêu diệt quân IS, mà từ trước đến nay chính quyền Mỹ vẫn dửng dưng dù bên ngoài vẫn hô hào việc chống khủng bố. Vụ tấn công ở Paris khiến chính quyền Mỹ phải thay đổi, tích cực dấn thân vào Syria để giải quyết vấn đề IS nhanh hơn, không chờ đến ngày quân IS tấn công vào cả nước Mỹ. Chính phủ Mỹ vẫn từ chối không gửi bộ binh vào Syria, nhưng vẫn có thể gia tăng lực lượng không quân oanh kích, đủ để giảm khả năng tổ chức và điều động của nhóm lãnh đạo IS. Việc thỏa hiệp một giải pháp chính trị tại Syria lại là vấn đề khác, vì Mỹ sẽ phải tôn trọng ý kiến của các đồng minh lâu đời như Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét