Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Nguồn: Richard N. Haass, “After Paris,” Project Syndicate,
16/11/2015.
Các cuộc tấn công ở Paris của những cá nhân có liên quan đến
Nhà nước Hồi giáo ngay sau các vụ đánh bom ở Beirut và tai nạn của một máy bay
Nga trên bán đảo Sinai đã củng cố thực tế rằng mối đe dọa khủng bố đã bước vào
một giai đoạn mới và thậm chí nguy hiểm hơn. Chỉ có thể phỏng đoán tại sao Nhà
nước Hồi giáo quyết định dàn dựng những cuộc tấn công vào thời điểm này. Có thể
là do nó đang mở rộng ra toàn cầu để bù đắp cho những mất mát lãnh thổ gần đây ở
Iraq. Nhưng dù lý do là gì thì điều chắc chắn là cần phải có một phản ứng rõ
ràng từ thế giới.
Trên thực tế, thách thức mà Nhà nước Hồi giáo đặt ra đòi hỏi
phải có một số phản ứng khác nhau, do không có chính sách riêng lẻ nào hứa hẹn
là đủ. Cần có nhiều nỗ lực trong nhiều lĩnh vực.
Thứ nhất là quân sự. Các cuộc không kích dữ dội hơn nhằm vào
tài sản quân sự, các cơ sở dầu khí, và đầu não của Nhà nước Hồi giáo là rất
quan trọng. Nhưng chỉ không kích thì bao nhiêu cũng không thể có hiệu quả. Một
bộ phận bộ binh đáng kể là cần thiết nếu cần chiếm giữ các vùng lãnh thổ.
Thật không may, không đủ thời gian để xây dựng một lực lượng
đối tác trên bộ từ đầu. Điều này đã được thử nghiệm và thất bại, và các nhà nước
Ả Rập không thể hoặc không sẵn sàng thành lập một lực lượng như vậy. Quân đội
Iraq cũng đã thất bại. Lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn chỉ làm cho vấn đề
tồi tệ hơn.
Lựa chọn tốt nhất là phối hợp chặt chẽ hơn với quân đội người
Kurd và một số bộ lạc người Sunni ở cả Iraq và Syria. Điều này đồng nghĩa với
việc cung cấp thông tin tình báo, vũ khí, và sẵn sàng gửi thêm binh sĩ – hơn
3.500 lính Mỹ đã có mặt ở đây, và có thể lên đến khoảng 10.000 lính – để đào tạo,
cố vấn, và giúp chỉ đạo một phản ứng quân sự.
Một nỗ lực như vậy phải được thực hiện tập thể. Nó có thể
mang tính không chính thức – một “liên minh ý nguyện” (coalition of the willing)
bao gồm Hoa Kỳ, Pháp, Anh, các nước Ả Rập, và thậm chí cả Nga trong trường hợp
cần thiết – hoặc được thực hiện dưới sự bảo trợ của NATO hoặc Liên Hợp Quốc.
Hình thức ít quan trọng bằng kết quả. Tuy nhiên, việc tuyên chiến một cách biểu
tượng phải được cân nhắc cẩn thận, đề phòng trường hợp Nhà nước Hồi giáo sẽ có
vẻ đang giành chiến thắng chừng nào nó chưa bị đánh bại.
Biện pháp ngoại giao cũng quan trọng không kém đối với bất cứ
phản ứng nào. Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một công cụ tuyển quân cho
Nhà nước Hồi giáo và phải bị lật đổ. Nhưng bất kỳ chính phủ nào kế nhiệm cũng
phải có khả năng duy trì trật tự và không cho phép Nhà nước Hồi giáo khai thác
khoảng trống quyền lực, như nó đã làm ở Libya.
Hơn nữa, sự thay đổi chính trị một cách có trật tự chỉ xảy
ra nếu có sự hỗ trợ của Nga và Iran. Một lựa chọn ngắn hạn đáng xem xét là
chính phủ liên minh vẫn do một đại diện của nhóm thiểu số Alawite lãnh đạo, một
sự nhượng bộ có thể là cái giá của việc hạ bệ Assad. Về nguyên tắc, và theo thời
gian, một chính phủ quốc gia mang tính đại diện hơn có thể được thành lập, mặc
dù việc tổ chức bầu cử trong vòng 18 tháng là ảo tưởng dưới mọi kịch bản.
Nhưng cũng có thể là sẽ không thể đạt được một thỏa hiệp như
vậy. Đó là lý do tại sao nỗ lực quân sự gia tăng là cần thiết để giành lại những
phần lãnh thổ lớn và an toàn hơn, qua đó có thể bảo vệ dân thường hiệu quả hơn
và chiến đấu với Nhà nước Hồi giáo. Syria không phải là một quốc gia bình thường
theo mọi ý nghĩa, và nó sẽ tiếp tục như vậy trong một thời gian dài, nếu không
nói là mãi mãi. Một Syria bao gồm các vùng lãnh thổ cho các cộng đồng sắc tộc
khác nhau là mô hình thực tế hơn trong tương lai gần.
Các yếu tố không thể thiếu khác của bất kỳ chiến lược hiệu
quả nào bao gồm mở rộng trợ giúp hay gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải hành động
nhiều hơn nữa để ngăn chặn dòng chảy của tân binh tới Nhà nước Hồi giáo. Và Thổ
Nhĩ Kỳ, cùng với Jordan và Li-băng, cần được hỗ trợ tài chính nhiều hơn khi họ
gánh vác phần lớn gánh nặng người tị nạn. Các nhà lãnh đạo Ả Rập và Hồi giáo có
thể làm phần việc của mình bằng cách lên tiếng thách thức tầm nhìn của Nhà nước
Hồi giáo và tước bỏ tính chính danh trong hành vi của nó.
Ngoài ra còn cần có các chính sách về mặt nội địa . An ninh
quốc gia và thực thi pháp luật – như tăng cường bảo vệ ở cả biên giới và trong
biên giới – sẽ phải được điều chỉnh theo mối đe doạ gia tăng. Khủng bố đơn lẻ –
tức là việc các cá nhân hay các nhóm nhỏ thực hiện các cuộc tấn công vũ trang
chống lại các mục tiêu mềm (không được bảo vệ) trong các xã hội mở – là hết sức
khó đối phó. Mối đe dọa và các cuộc tấn công thực tế sẽ đòi hỏi sự vững chắc, bền
bỉ hơn của toàn xã hội, và có thể cả một sự tái cân bằng giữa các quyền riêng
tư của mỗi cá nhân và an ninh của tập thể.
Một quan điểm hiện thực cũng là điều cần thiết. Cuộc đấu
tranh chống Nhà nước Hồi giáo không phải là một cuộc chiến tranh quy ước. Chúng
ta sẽ không thể xóa bỏ hoặc phá hủy nó trong một sớm một chiều, do nó vừa là một
mạng lưới và ý tưởng, vừa là một tổ chức và một nhà nước trên thực tế có kiểm
soát các vùng lãnh thổ và tài nguyên.
Quả thật, chủ nghĩa khủng bố đang và sẽ tiếp tục là một
trong những tai ương của thời đại này. Tuy nhiên, tin tốt là mối đe dọa của Nhà
nước Hồi giáo ở Trung Đông và ở phần còn lại của thế giới có thể bị trấn áp
đáng kể thông qua các hành động có phối hợp và bền bỉ. Bài học chính của các cuộc
tấn công ở Paris là chúng ta phải chuẩn bị để hành động theo thời gian và ở mọi
địa điểm.
*
Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR),
nguyên là Giám đốc Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2001-2003),
đặc phái viên của Tổng thống George W. Bush ở Bắc Ireland, và Điều phối viên của
chương trình Tương lai của Afghanistan. Cuốn sách mới nhất của ông có nhan đề
Foreign Policy Begins at Home: The Case for Putting America’s House in Order.
http://nghiencuuquocte.net/2015/11/18/tieu-diet-nha-nuoc-hoi-giao/#more-12213
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét