Biên dịch: Đặng Thị
Phương Thảo | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Hãy bỏ qua những
nguyên tắc và đạo đức. Bỏ qua hoặc cố bỏ qua gần 250.000 cái chết mà Bashar
al-Assad phải chịu trách nhiệm, trực tiếp hay gián tiếp, kể từ khi chọn cách
đáp lại cuộc nổi dậy hòa bình của người dân Syria bằng bạo lực. Để sang một bên
sự thật rằng các lực lượng của chính quyền Assad đã gây ra số người chết nhiều
hơn gấp từ 10 đến 15 lần so với Nhà nước Hồi giáo (IS), những kẻ mà các clip
hành quyết man rợ của chúng đã làm lu mờ những vụ thảm sát ít được biết tới của
nhà độc tài ở Syria. Nhưng kể cả nếu bạn loại bỏ những điều này khỏi suy nghĩ của
mình thì một chính sách Syria trong đó coi Assad là một sự “thay thế” cho IS vẫn
đơn giản là không thể khả thi.
Rốt cuộc, chính Assad
đã khơi mào cho sự dã man hiện nay của IS, theo đúng nghĩa đen: vào tháng 5 năm
2011, ông ta đã thả hàng trăm kẻ Hồi giáo cấp tiến ra khỏi tù, nhanh chóng mang
lại cho đội quân (IS) mới thành lập này các binh lính và chỉ huy. Sau đó ông ta
nã pháo một cách kỹ lưỡng vào các vị trí do các phiến quân ôn hòa nắm giữ,
trong khi nương tay với các đồn lũy của IS tại Raqqa. Sau đó đến giữa năm 2014,
ông ta cho phép các phần tử IS là người Iraq có chỗ trú ẩn ở miền Đông Syria.
Nói cách khác, Assad
tạo ra một con quái vật mà bây giờ ông ta đang giả vờ chống lại. Chẳng phải điều
đó là quá mức để Assad có thể trở thành một đồng minh tiềm năng sao? Liệu hợp
tác với Assad có thể mang lại nền tảng cơ bản cho cái được coi là nỗ lực chung
không?
Điểm mấu chốt là
Assad không có nhu cầu chiến thắng (trong cuộc chiến với IS). Người đàn ông
đang coi mình là bức tường thành cuối cùng của nền văn minh nhân loại chống lại
IS này cũng chính là người cuối cùng muốn nhìn thấy nó bị trừ khử.
Sau tất cả, liệu một
người chơi cờ, thậm chí là một kẻ dốt tệ hại, có chủ đích hi sinh quân cờ quyền
lực nhất của mình hay không? Liệu có ai trong số chúng ta xé nát các hợp đồng bảo
hiểm của mình hay không? Chúng ta có thực sự tin rằng Assad và những thân hữu của
ông ta ngốc nghếch đến mức không nhận ra rằng sinh mệnh chính trị của họ phụ
thuộc vào sự tồn tại của IS và việc tiếp tục làm những người gác cổng mà chúng
ta phải vượt qua để có thể tiến hành chiến tranh chống lại nó?
“Tất nhiên là không rồi”.
Những người ủng hộ chủ trương hợp tác với Assad thừa nhận. “Nhưng hãy thử tiếp
cận theo hai bước xem sao. Hãy đánh bại IS trước và sau đó mới tính đến Assad”.
Nhưng điều này cũng dựa
trên giả định rằng những kẻ độc tài ngốc nghếch hơn thực tế. Tồi tệ hơn là nó lờ
đi rằng chính trị có logic riêng, hoặc ít nhất là động lực riêng của nó. Cái mà
những người học việc của phù thủy – tức những kẻ muốn hợp tác với Assad – lờ đi
là đến một lúc nào đó họ nhiều khả năng sẽ rất khó khăn nếu muốn tự tách ra khỏi
vị đồng minh của mình, người sẽ không hề ngại ngùng đòi phần trong chiến thắng.
Kết quả là chủ nghĩa thánh chiến sẽ quay lại, cho dù có lẽ sẽ dưới một vỏ bọc
khác.
“Bashar al-Assad
chính là nhà nước Syria”, chính những người này sẽ nói như vậy, “và chúng ta
không được mắc một lỗi nghiêm trọng là phá hủy nhà nước đó”. Nhưng lập luận này
cũng không xác đáng. Nhà nước này đã thất bại: chế độ Assad chỉ kiểm soát được
1/5 lãnh thổ và 4/5 còn lại sẽ không bao giờ sẵn sàng quay lại dưới sự kiểm
soát đáng sợ đó. Nếu chế độ của Assad giành phần thắng, người dân Syria sẽ tiếp
tục lũ lượt chạy trốn đến Thổ Nhĩ Kỳ, Li-băng và châu Âu.
Thực tế, chế độ Assad
quan tâm ít đến nhà nước giả hiệu của mình đến mức họ bỏ rơi cả binh lính của
chính mình bị bắt ở bên ngoài vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát, như những gì xảy
ra ở Tabqa, gần Raqqa. Bất chấp những gì mà bạn bè của Assad ở điện Kremlin hoặc
ở bất cứ nơi đâu nói, Syria của đảng Baath (đảng của Assad) đã chết và đã được
chôn cất. Và không một ảo tưởng quân sự nào có thể làm nó hồi sinh.
Nhưng những người được
cho là theo chủ nghĩa hiện thực lại từ chối chấp nhận sự thực này. Họ cho rằng,
cũng như cần liên minh với Stalin để đánh bại Hitler, chúng ta không nên sợ
dùng con bài Assad để tiêu diệt IS. Đúng, chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo
(jihadism) chính là chủ nghĩa phát xít của thời đại chúng ta, bị tiêm nhiễm với
các kế hoạch, ý tưởng và sự sẵn sàng để có được sự thanh khiết tương tự như các
chính sách của Đức Quốc xã. Tôi từng là một trong số những người đầu tiên đưa
ra sự so sánh này vào tầm 20 năm trước.
Tuy nhiên, thật vô lý
khi so sánh sức mạnh của hai hiện tượng, hoặc cho rằng trong cuộc đối đầu với
những tên đồ tể ở Mosul và Palmyra, các nền dân chủ đang đối mặt với thử thách
chiến lược tương tự như thử thách từ Đức Quốc xã. Sự so sánh lịch sử khập khiểng
này chỉ có thể xảy ra với những người mà sự vô trách nhiệm chính trị được kết hợp
với sự lười biếng trong tư duy so sánh.
Một điều rõ ràng là
IS mạnh, nhưng nó không đủ mạnh tới mức buộc những người chiến đấu chống lại nó
phải lựa chọn thứ ít xấu xa hơn trong số hai con ác quỷ.
Phương Tây phải quyết
định nên làm gì. Sau các cuộc hòa đàm ở Vienna tuần trước, trong đó có sự tham
dự của Mỹ, Nga, Iran, Trung Quốc, Ai Cập, Thổ Nhỹ Kỳ, Arab Saudi và các quốc
gia vùng vịnh khác, Jordan, Li-băng và các quốc gia thành viên chủ chốt của EU,
câu hỏi đó trở nên ngày càng khó khăn. Liệu chúng ta có nên trang bị cho tàn
quân của Quân đội Giải phóng Syria không? Liệu chúng ta có nên hợp tác với số
chỉ huy ít ỏi còn lại của dòng Alawite mà tay họ chưa hề nhuốm máu, hoặc với những
thành viên của phe Assad, những người đã chọn lưu vong từ sớm và do đó không
liên quan đến các vụ thảm sát hay không?
Có lẽ vẫn còn thời
gian để tập hợp các nhân tố thuộc Syria cũ ở một địa điểm trung lập. Hoặc cũng
có thể cần các giải pháp triệt để hơn –những giải pháp đã được thực hiện ở Đức
và Nhật sau Thế chiến II.
Tất cả mọi con đường
đều vẫn mở, nhưng chúng đang thu hẹp lại. Và không có con đường nào phụ thuộc
vào sự tồn tại của Bashar al-Assad.
***
Bernard-Henry Lévy là
một trong những thành viên sáng lập của phong trào “Triết gia mới” (“Nouveaux
Philosophes”), và là tác giả cuốn sách
Left in the Dark Times: A Stand Against the New Barbarism.
Copyright: Project
Syndicate 2015 – The Assad Dead End
http://nghiencuuquocte.net/2015/11/26/buoc-duong-cung-cua-assad/#more-12354
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét