Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Angela Merkel: Người châu Âu không thể thiếu


Biên dịch: Vũ Hồng Trang
Nguồn: “The indispensable European”, The Economist, 07/11/2015.



Angela Merkel đang phải đối mặt với thách thức chính trị cam go nhất từ trước tới giờ. Nhưng Châu Âu cần vị nữ thủ tướng này hơn bao giờ hết.

Nhìn khắp châu Âu và chúng ta thấy một nhà lãnh đạo nổi bật hơn cả: Angela Merkel. Tại Pháp, François Hollande đã từ bỏ sự ngộ nhận rằng đất nước của ông là đầu tàu châu lục. David Cameron, tái đắc cử một cách huy hoàng, đang biến Liên Hiệp Anh (Britain) thành một nước Anh (England) nhỏ bé. Matteo Renzi đang bận tâm với nền kinh tế trì trệ của Ý.

Ngược lại, trong mười năm giữ cương vị thủ tướng, bà Merkel ngày một nổi bật hơn sau mỗi biến động. Trong cuộc khủng hoảng nợ, tuy lúc đầu tỏ ra do dự nhưng cuối cùng bà cũng đoàn kết được khu vực đồng euro. Về vấn đề Ukraine, bà đã kêu gọi châu Âu áp đặt cấm vận với nước Nga (trong khi chính tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng bà là người lãnh đạo châu Âu duy nhất đáng để đàm phán). Đối mặt với thách thức người nhập cư, bà đã mạnh dạn phát huy giá trị châu Âu, gần như đơn thương độc mã trong việc cam kết chào đón những người tị nạn.

Cho rằng điều này là sự chuyển biến từ thận trọng và nổi trội thành bồng bột và thảm họa cũng là lẽ thường tình. Các nhà phê bình khẳng định rằng, với thái độ chào đón người tị nạn, bà Merkel đã gây ra một trận lụt nhấn chìm cả châu Âu và sau đó là tự kết liễu sự nghiệp chính trị của chính mình. Cả hai lập luận đều không đúng, và thực sự không công bằng. Bà Merkel mạnh mẽ hơn những gì nhiều người nghĩ về bà. Hay nói đúng hơn là trước không ít thách thức mà EU đang phải đương đầu, bà là một người mà châu Âu đang cần hơn bao giờ hết.


Tại sao Mutti[1] lại đóng vai trò quan trọng?

Ưu thế của bà Merkel một phần phản ánh tầm quan trọng của Đức – nền kinh tế lớn nhất EU và cũng là quốc gia xuất khẩu mạnh nhất, với tài chính công hiệu quả và tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục. Merkel hiện giờ cũng là người lãnh đạo cầm quyền lâu nhất trong EU.

Phẩm chất cá nhân của bà cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Bà bảo vệ lợi ích của Đức nhưng cũng không quên để mắt tới lợi ích chung của châu Âu; mạo hiểm dùng ngân sách Đức để cứu đồng euro, trong khi vẫn duy trì được sự ủng hộ của những người Đức còn hoài nghi; vẫn giành được sự tôn trọng của các nhà lãnh đạo khác thậm chí sau khi tranh cãi nảy lửa với họ. Ấn tượng nhất (và duy nhất hiện nay trong số lãnh đạo trung hữu ở châu Âu) phải kể đến việc bà đã làm được điều này mà không chiều theo những người theo chủ nghĩa dân túy vốn có tư tưởng chống EU và phản đối người nhập cư. Trước tất cả những thiếu sót của EU, bà không coi EU là nơi để trút mọi chỉ trích, mà coi đó một trụ cột của hòa bình và thịnh vượng.

Bà Merkel không phải là lãnh đạo hoàn hảo. Bà không có tài hùng biện vĩ đại hay tầm nhìn vĩ mô. Bà vừa có thể là một tắc kè hoa chính trị áp dụng chính sách cánh tả trong khi vẫn đi theo hướng trung dung, và cũng có thể là một con bọ cạp lặng lẽ loại bỏ các đối thủ tiềm năng. Sự thận trọng bắt nguồn từ tính cách của bà đã làm xuất hiện một từ mới trong tiếng Đức, động từ “merkeln” (có nghĩa là trì hoãn việc đưa ra những quyết định lớn). Sự rụt rè của bà trong việc đương đầu với những rắc rối của đồng Euro đã làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng một cách không cần thiết; bà loại bỏ việc chia sẻ rủi ro mà khu vực đồng euro cần để có thể phát triển mạnh mẽ.

Trớ trêu thay là tính táo bạo, chứ không phải là sự dè dặt, đã mang đến thách thức lớn nhất cho nữ thủ tướng trong nhiệm kỳ của bà. Việc bà kiên quyết không ủng hộ việc đặt một giới hạn trần số lượng người tị nạn mà Đức có thể tiếp nhận đã gây ra sự sửng sốt trong nước và những lời chỉ trích bên ngoài ngày một lớn. Các đô thị Đức biểu tình, đồng minh chính trị lên án bà, còn các nước Đông Âu thì cáo buộc bà mang “tinh thần chủ nghĩa đế quốc về đạo đức” (moral imperialism). Trước việc văn hóa chào đón đến với nước Đức (Willkommenskultur) đang dần phai nhạt dần, thậm chí đã có lời bàn tán rằng bà có thể sẽ mất ghế thủ tướng.

Đây là những ngờ vực thái quá. Những người chỉ trích đã sai lầm khi cho rằng bà Merkel sắp bị lật đổ. Nếu gạt những than phiền sang một bên, thì bà vẫn là nhân vật thống trị của đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU). Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy rằng 82% các thành viên CDU ủng hộ vai trò lãnh đạo của bà và 81% mong muốn bà tranh cử nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư trong cuộc bầu cử diễn ra năm 2017. Các con số thống kê về bầu cử cũng nghiêng về một chính phủ do đảng CDU cầm quyền. Bà Merkel sẽ khó có khả năng rời ghế quyền lực trừ khi tự bà lựa chọn điều đó.

Và những người phản đối cũng đã sai khi cho rằng bà đã hoàn toàn lạc lối trong vấn đề người di cư. Hoàn toàn ngược lại. Trong suốt cuộc khủng hoảng, người con gái của một mục sư giáo hội Luther này đã tìm thấy sự thôi thúc chính trị và tiếng gọi lương tâm mạnh mẽ. Bà Merkel không phải là nguyên nhân của dòng người di cư ồ ạt, như những người chỉ trích bà vẫn thường lên tiếng. Dù sao đi nữa thì những người di cư cũng vẫn đến: bà đã hành động để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo. Hàng rào không thể ngăn được dòng người đổ xô tới. Bà Merkel không thể chấm dứt những cuộc chiến tranh đẩy những người tị nạn ra khỏi chính quê hương của họ cũng như không thể thiết lập các chính sách của các quốc gia mà họ đi qua. Những người phê phán bà cũng không đưa ra được giải pháp thay thế hợp lý. Nếu không muốn đảo lộn luật pháp quốc tế và châu Âu, không ngồi yên nhìn những những người tị nạn bị chết đuối hoặc chết do nhiễm lạnh, thì các nước EU phải xem xét những lời thỉnh cầu của người tị nạn. Câu hỏi đặt ra là: quá trình này sẽ diễn ra theo cách trật tự hay hỗn loạn?

Dưới sự đề xướng của thủ tướng Merkel, một chính sách gồm bốn phần đang hình thành: không nề hà việc tiếp nhận những người tị nạn tại Đức; chia sẻ gánh nặng người tị nạn trên khắp châu Âu và xa hơn nữa; tăng cường kiểm soát và xử lý người tị nạn tại biên giới bên ngoài của châu Âu; và đàm phán với các nước quá cảnh.

Cách tiếp cận này là có nguyên tắc, và về lâu dài đó là giải pháp hiệu quả duy nhất. Tất nhiên những hạn chế và rủi ro đi kèm là không tránh khỏi. Có khả năng sẽ có các thỏa thuận thiếu tính nguyên tắc diễn ra, đặc biệt là với Thổ Nhĩ Kỳ: nhắm mắt làm ngơ trước sự xói mòn của tự do dân sự và chiến thắng đáng lo ngại trong cuộc bầu cử của đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AK) của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, và nhiều nhượng bộ khác, với hy vọng rằng ông sẽ đồng ý đóng vai trò người gác cổng cho châu Âu.

Và không thể phủ nhận rằng việc người tị nạn ồ ạt tràn vào đã làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề mới chỉ chớm manh nha khác của châu Âu: làm xấu đi mối quan hệ giữa Đức và các nước Đông Âu đúng vào lúc tinh thần đoàn kết là cốt lõi để kiềm chế sự hiếu chiến của Nga; bổ sung thêm vào gánh nặng của Hy Lạp, vốn đã khốn đốn sau nhiều năm thắt lưng buộc bụng và có nguy cơ rời khỏi khu vực đồng tiền chung euro bất cứ lúc nào;  khiến việc Anh rút khỏi EU càng dễ trở thành sự thật, bằng việc trao cho cử tri Anh nhiều lý do rời bỏ EU trong các cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề ra đi hay ở lại mà thủ tướng Cameron hứa hẹn; và khơi dậy chủ nghĩa dân túy ở khắp mọi nơi.

Tình thế gian nan

Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất của châu Âu trong suốt một thế hệ. Nếu hội nhập dường như là một thực tế không thể thay đổi, câu hỏi bức thiết hiện nay là làm thế nào để ngăn chặn EU khỏi xung đột gay gắt. Bà Merkel không gây ra hiện thực nghiệt ngã này, nhưng bà là hy vọng lớn nhất của lục địa này để đối phó với nó. Vì lợi ích cao nhất của châu Âu, nữ thủ tướng cần được hỗ trợ thay vì một mình đương đầu với khủng hoảng. Sau một thập kỷ nắm quyền, các chính trị gia thường nghỉ hưu, bặt vô âm tín hoặc bị lật đổ. Nhưng, không có bà Merkel, rất khó để nhìn thấy châu Âu vượt qua những thách thức đang phá hủy châu lục này.

——————-

[1] Mutti là biệt hiệu người Đức dành cho thủ tướng Merkel, nghĩa là bà mẹ (ND).

http://nghiencuuquocte.net/2015/11/27/angela-merkel-nguoi-chau-au-khong-the-thieu/#more-12322

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét