Ngô Nhân Dụng
Ngày 26 Tháng Mười,
khu trục hạm Mỹ USS Lassen đã tiến vào vùng 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo
do Trung Cộng bồi lên trong quần đảo Trường Sa. Tổng Thống Barack Obama đã bật
đèn xanh cho hành động này ngay sau bữa ăn tối với Chủ Tịch Tập Cận Bình, vào ngày
24 Tháng Chín.
Tối hôm đó Obama mời
Tập Cận Bình dự một bữa tiệc nhỏ, chỉ có mặt các nhân vật thân cận để nói chuyện
kín đáo, trước khi chính thức đãi quốc yến linh đình vào hôm sau. Trong bữa ăn
đó Obama đã nhắc đến vấn đề các đảo nhân tạo do Trung Cộng dựng lên, và yêu cầu
Tập Cận Bình hãy ngưng công tác này và yêu cầu không được quân sự hóa các hòn đảo
mới đắp. Theo nguồn tin Tòa Bạch Ốc tiết lộ, Tập Cận Bình không đáp ứng mà chỉ
tìm cách nói lảng sang chuyện khác. Ngay khi ăn xong, Obama đã sai nhân viên
thân cận gọi điện thoại cho Ðô Ðốc Harry Harris, chỉ huy hạm đội Mỹ ở Thái Bình
Dương, cho phép Hải Quân Mỹ đưa tàu chiến tới thực hiện điều mà ông Harris đã
yêu cầu từ bốn tháng trước.
Hành động này đánh dấu
một bước ngoặt mới trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Cộng. Thái độ lì lợm của Bắc
Kinh đã đẩy chính quyền Mỹ đến quyết định này, sau khi hai bên đã đấu khẩu gần
nửa năm qua. Ðối với người Việt Nam chúng ta thì điều đáng chú ý nhất là mặc dù
đã phản đối và “cảnh cáo” rất mạnh mẽ từ trước, Bắc Kinh không có một hành động
cụ thể nào thể hiện những lời tuyên bố hùng hổ.
Ngoại Trưởng Trung Cộng
Vương Nghị (Wang Yi, 王 毅) đã đe dọa: “Chúng tôi khuyến cáo
chính phủ Mỹ hãy suy nghĩ kỹ trước khi hành động, đừng làm những việc mù quáng
gây thêm rắc rối.” Sứ quán Trung Cộng tại Washington cảnh cáo: “Chính phủ Mỹ
hãy tỏ ra có trách nhiệm, tự kiềm chế đừng nói và làm những việc khiêu
khích...” Nhưng họ đều không nói đến một phản ứng cụ thể nào nếu Mỹ cứ làm tới.
Quả nhiên, khu trục hạm
USS Lassen tiến vào trong “vùng cấm” bên các đảo Chử Bích (Subi) và Bãi Vành
Khăn (Mischief) mà không hề hấn gì cả. Bộ Quốc Phòng Mỹ còn báo trước rằng sau
chiếc Lassen sẽ còn những chuyến tầu tuần thám khác. Một ngày sau khi USS
Lassen làm nhiệm vụ, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng là Lục Khảng (Lu
Kang, 陆慷) chỉ khoe rằng rằng “các bộ phận hữu
trách Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ chiếc tàu chiến theo đúng luật lệ quốc tế,
đã bám sát chiếc tàu này và phát lệnh cảnh cáo.” Lục Khảng nói thêm: “Chính phủ
Trung Quốc sẽ đáp ứng một cách quyết liệt trước tất cả các hành động khiêu
khích.” Phát ngôn viên sứ quán Trung Cộng Châu Hải Toàn (Zhu Haiquan, 朱海泉) cũng chỉ lập lại một ý cũ: “Mỹ
không nên dùng khái niệm ‘tự do hải hành’ để phô trương vũ lực và vi phạm chủ
quyền cùng an ninh của các quốc gia khác.”
Tóm lại, Trung Cộng
nói rất mạnh trước khi biến cố xảy ra, rồi sau đó họ vẫn nói rất mạnh nhưng
không dám ngăn cản. Ngược lại, đối với ngư dân Việt Nam thì Trung Cộng từng nhiều
lần vô cớ tấn công không cần cảnh cáo trước. Cộng Sản Việt Nam chỉ dám phản đối
lấy lệ. Ðây là đường lối ngoại giao “mềm nắn rắn buông” cố hữu của Cộng Sản
Trung Quốc. Dù nay mai Bắc Kinh có rầm rộ đưa thêm tàu chiến hay mẫu hạm và tàu
ngầm xuống vùng biển phía Nam thì cũng không bao giờ dám đọ súng với tàu chiến
Mỹ, vì biết sức không địch nổi.
Một điều ít được chú
ý là từ trước tới nay Bắc Kinh chưa bao giờ công bố vùng chủ quyền 12 hải lý
(22 cây số) chung quanh các hòn đảo nhân tạo họ mới xây dựng. Ðó chỉ là điều được
suy diễn từ những văn kiện cũ, như bản tuyên bố về lãnh hải năm 1958, trong đó
bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà đảng Cộng Sản Việt Nam, qua
Phạm Văn Ðồng, đã vội vã hoan nghênh. Chuyến đi của tầu Lassen, và các tàu chiến
khác sau này, không nhằm phản đối một lời tuyên bố mới nào về chủ quyền của
Trung Cộng mà chỉ cốt chứng tỏ cho Bắc Kinh biết việc đắp lên các hòn đảo nhân
tạo là vi phạm luật biển quốc tế. Ðó là một cách chứng tỏ thái độ của
Washington rõ rệt và cương quyết chứ không chỉ nói suông.
Trong quá khứ chính
quyền Mỹ đã làm giống như vậy. Tuy các quan chức Trung Cộng mới chỉ đưa ra ý kiến
mơ hồ rằng “đường chín đoạn” thuộc Trung Quốc; mà chưa bao giờ chính thức minh
định bằng văn kiện, nhưng các nhân viên ngoại giao và quốc phòng Mỹ cũng đã phản
đối ngay. Tư Lệnh Hạm Ðội Số 7 Harry Harris đã nói trước một ủy ban Quốc Hội rằng:
“Tên gọi Biển Nam Trung Quốc (South China Sea) quen dùng không có nghĩa rằng
vùng biển đó thuộc Trung Quốc, cũng như gọi tên Vịnh Mexico không phải là vịnh
đó là của nước Mexico.” Ông Harris có thể nói thêm rằng Ấn Ðộ Dương không là biển
của nước Ấn Ðộ.
Việc Trung Cộng xây dựng
các đảo nhân tạo xâm phạm chủ quyền các nước Ðông Nam Á hơn là các nước khác.
Nhưng hành động này là dấu hiệu của tham vọng bành trướng trên biển của Bắc
Kinh, khiến cả thế giới phải quan tâm. Từ Tháng Sáu năm 2015, Bộ Trưởng Quốc
Phòng Mỹ Ash Carter đã đề nghị những hành động cụ thể để chứng tỏ chính phủ Mỹ
không công nhận Trung Cộng có chủ quyền trên các hòn đảo nhân tạo đó. Theo luật
biển, trong hải phận quốc tế không quốc gia nào có chủ quyền trên những vùng đá
ngầm bị ngập khi nước triều lên cao. Việc bồi đắp cho các tảng đá cho cao hơn
không thay đổi tình trạng pháp lý đó.
Trong vùng Biển Ðông
nước ta, nhiều quốc gia đã xây đắp các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa,
trong đó có Ðài Loan, Việt Nam và Philippines. Từ năm ngoái, Trung Cộng bắt đầu
bành trướng, đã xây dựng ba phi trường, một đã hoàn tất. Theo lời tố cáo của bộ
quốc phòng Mỹ, trong vòng 20 tháng họ đã đắp thêm các đảo nhân tạo diện tích tổng
cộng lớn gấp 17 lần tổng số những đảo mà các nước khác đã đắp trong vòng 40
năm. Hành động này không những thay đổi thế cân bằng quân sự trong vùng Biển
Ðông mà còn cho Trung Cộng cơ hội xây dựng các căn cứ quân sự đe dọa các nước
Ðông Nam Á. Vào Tháng Năm, nhật báo The Wall Street Journal loan tin quân đội
Trung Cộng đã đặt trọng pháo trên một nhóm đảo tên quốc tế là Johnson Reef. Sau
đó, tin tình báo cho biết không còn thấy các khẩu súng này nữa, hoặc đã chuyển
đi, hoặc được che đậy. Tập Cận Bình đã hứa hẹn rằng các đảo nhân tạo chỉ nhằm mục
đích dân sự mà không được quân sự hóa. Một hải đăng do Trung Cộng mới lập đã bắt
đầu làm việc, thông tin với các thương thuyền đi qua. Nhưng người ta vẫn biết rằng
các hòn đảo mới đó sẽ là một hàng rào bảo vệ căn chứ tầu ngầm ở đảo Hải Nam.
Các tàu ngầm này có thể sẽ được trang bị vũ khí nguyên tử, đe dọa trực tiếp các
nước khác. Nếu đứng riêng thì các hòn đảo nhân tạo này không có khả năng tự vệ
nếu bị tấn công.
Tháng Chín vừa qua, một
đoàn năm chiến thuyền Trung Cộng trong khi tập trận chung với hải quân Nga đã
đi vào trong vùng 12 hải lý quanh các đảo Aleutian Islands của Mỹ, trong vùng
eo biển Bering giữa Mỹ và Nga. Ngày 6 Tháng Chín, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng
Mỹ tuyên bố rằng các chiến thuyền đó đã theo đúng các thủ tục quốc tế và không
có hành động gây hấn nào. Ðiều khác biệt giữa chuyến đi của năm chiến thuyền
trên và của khu trục hạm USS Lassen là các hòn đảo Aleutian được thế giới công
nhận thuộc nước Mỹ; ngược lại, không nước nào chấp nhận các đảo Vành Khăn và Chử
Bích thuộc Trung Quốc. Chuyến đi tuần thám vào sâu trong 12 hải lý của chiếc
USS Lassen chỉ cốt chứng tỏ điều đó một cách minh bạch, công khai.
Tổng Thống Mỹ Barack
Obama từ khi nắm quyền đã theo đường lối ôn hòa, ngay trong vùng Trung Ðông là
nơi nước Mỹ đứng giữa những cuộc tranh chấp đẫm máu. Trong vấn đề chủ quyền
trên các đảo trong vùng Biển Ðông, ông Obama cũng cho thấy rất kiên nhẫn khi đối
phó với Trung Cộng. Nhưng chính quyền Mỹ từng cho thấy họ không ngần ngại đối đầu
khi cần thiết. Năm 2013, khi Trung Cộng công bố “Vùng nhận diện không phận”
(Air Defense Identification Zone) trong khu vực biển chia với Nhật Bản và Nam
Hàn, ông Obama đã cho hai pháo đài bay B-52 bay qua khu vực này mà không cần
thông báo; chỉ để chứng tỏ nước Mỹ không công nhận hành động đơn phương đó.
Tháng Năm năm nay, máy bay tuần thám P8-A Poseidon của Mỹ đã bay qua các hòn đảo
nhân tạo của Trung Cộng, với các phóng viên đài CNN để quay phim. Tuy chuyến
bay này chưa đi qua vùng 12 hải lý, nhưng binh lính Trung Cộng đã lên tiếng đuổi,
và phi công Mỹ đã xác định rằng họ đang bay trong hải phận quốc tế không thuộc
quốc gia nào. Bây giờ, ông Obama đã làm mạnh hơn. Chính phủ các nước Ðông Nam Á
và Nhật Bản đã thúc giục Mỹ có hành động mạnh mẽ. Sau chuyến đi của USS Lassen
ngày Thứ Hai vừa qua, Philippines, Nhật Bản và Úc đã lên tiếng hoan nghênh ngay
lập tức. Chuyến đi của khu trục hạm Lassen cho thấy ông Obama đã thay đổi từ
thái độ ngoại giao mềm dẻo sang một hành động cứng rắn đối với Trung Cộng.
Chỉ có chính quyền Cộng
Sản Việt Nam còn chậm chạp, do dự không lên tiếng ủng hộ ngay hành động mới của
chính quyền Mỹ. Trong khi đó ai cũng biết Việt Nam là nước bị đe dọa trực tiếp
nhất trong chiến dịch bành trướng của Trung Cộng trong vùng biển Ðông Nam Á.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét