Tác giả: Nguyễn Thế
Phương
Có lẽ phản ứng thú vị
và đáng chú ý nhất của Trung Quốc trước sự kiện Mỹ đưa tàu chiến USS Lassen tuần
tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo là việc toàn bộ vụ việc đã
được Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng vào chương trình
tin tức giờ vàng lúc 7 giờ tối. Andrew Chubb, một nghiên cứu sinh về quan hệ quốc
tế tại Đại học Tây Úc đã có những bình luận đáng chú ý xung quanh nội dung này.
Chương trình tin tức
mang tên Tân Văn Liên Bố (新闻联播), chương trình tin tức được nhiều người
xem nhất và cũng là chương trình bị kiểm soát chặt chẽ nhất Trung Quốc. Bất cứ
tin tức nào xuất hiện trong Tân Văn Liên Bố đều được hiểu là mang động cơ chính
trị, không phải là những tin tức có giá trị truyền thông cao. Một điểm khác của
Tân Văn Liên Bố so với các kênh thông tin chính thống cao cấp khác như Nhân dân
Nhật báo hay Nhật báo Giải phóng quân chính là việc chương trình này được theo
dõi bởi khoảng 50 tới 100 triệu người xem trên toàn quốc. Nói ngắn gọn là truyền
tải thông điệp của Đảng trực tiếp tới đông đảo công chúng.
Nội dung chính của
Tân Văn Liên Bố là đưa các thông tin chi tiết về hoạt động của các lãnh đạo Đảng
và nhà nước, cập nhật các chính sách mới, ca ngợi con người Trung Quốc. Thông
thường, những nội dung như vậy được tóm tắt ngắn gọn và súc tích. Các tranh cãi
về mặt đối ngoại như tranh chấp Biển Đông thường ít được đề cập, có chăng là
thông qua các buổi hội đàm của lãnh đạo Trung Quốc với các quốc gia có liên
quan khác.
Cần phải lưu ý rằng các
thông tin về tranh chấp lãnh hải cũng ít khi xuất hiện trên Tân Văn Liên Bố. Ví
dụ, quá trình xây dựng và mở rộng đảo của Trung Quốc tại Trường Sa bắt đầu từ đầu
năm 2014, nhưng phải tới 16 tháng 6 năm 2015 thì sự kiện này mới được đề cập lần
đầu tiên trên Tân Văn Liên Bố. Vì thế, việc bản tin đề cập tới sự kiện tàu USS
Lassen được coi là một điều thú vị.
Bản tin dài 1 phút 40
giây cho thấy rõ thông điệp mà Đảng Cộng sản mong muốn gửi tới công chúng và
cũng để định hướng các phương tiện truyền thông khác. Một giả định khác được
đưa ra là các nhà lãnh đạo mong muốn những tin tức có liên quan sẽ được đề cập
thường xuyên, ít nhất là trong ngắn hạn.
Ba đặc điểm chính mà
Andrew Chubb đã đưa ra liên quan đến bản tin của Tân Văn Liên Bố:
Thứ nhất, Đảng Cộng sản
Trung Quốc (CCP) coi sự kiện tàu USS Lassen là một vấn đề mang yếu tố chủ quyền.
Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn áp dụng chiến thuật gây mơ hồ trong việc xác
định các tuyên bố chủ quyền hay pháp lý của mình tại Biển Đông. Trong bản tin của
Tân Văn Liên Bố, từ “chủ quyền” đã được nhắc năm lần. Người phát ngôn Bộ Ngoại
giao Trung Quốc đã đề cập tới “lợi ích quốc gia”, “quyền và lợi ích hàng hải”,
“leo thang” và “hành vi nguy hiểm”. Bản tin của CCTV đã có thể tập trung vào
các điểm này, nhưng thay vào đó lại nhấn mạnh vào yếu tố “chủ quyền”.
Thứ hai, việc nhấn mạnh
vào các hành vi “ảo tưởng” của các quốc gia nào đó nhằm ngăn cản hoạt động xây
dựng của Trung Quốc tại Trường Sa cho phép CCP tự nhận mình là nhân tố giúp chống
lại áp lực từ ngoại bang. Nội dung này của bản tin chủ yếu mang yếu tố hướng nội,
rằng hành vi tuần tra của Mỹ có mục tiêu ép Trung Quốc ngừng các hoạt động cải
tạo đảo. Điều này có sẽ khiến các tin tức cập nhật về đảo nhân tạo của Trung Quốc
trong tương lai được coi hành động giúp chống lại sức ép từ phía Mỹ.
Thứ ba, một nội dung
khác được đề cập trong bản tin là yêu cầu Mỹ “sửa lỗi”. Nhấn mạnh vào cụm từ
này khiến cho dư luận hiểu rằng hành động cứng rắn của CCP đã buộc một siêu cường
hung hăng phải “xuống nước”. Một quan chức Mỹ đã nhấn mạnh rằng hoạt động tuần
tra sẽ được tiến hành thường xuyên hơn. Tuy nhiên, CCP sẽ quyết định tần suất
xuất hiện của các bản tin tương tự.
Phản ứng trước hoạt động
tuần tra của tàu USS Lassen, các nước trong khu vực đã đưa ra những phản ứng
khác nhau.
Tổng thống
Philippines Benigno Aquino III hầu như hoàn toàn ủng hộ hoạt động này. Ông nói
rằng “không có vấn đề gì” với việc Mỹ tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự
do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế. Ông cũng khẳng định thêm là các hoạt động
đảm bảo tự do hàng hải (FONOP) cho thấy Mỹ và đồng minh không chấp nhận quan điểm
xét lại hiện trạng của Trung Quốc và đảm bảo “cân bằng quyền lực” khu vực.
Với Australia, Bộ trưởng
Quốc phòng nước này đã mạnh mẽ ủng hộ quyền tự do hàng hải của Mỹ và các quốc gia
khác. Lợi ích của Australia liên quan đến ổn định và hoà bình khu vực, cùng với
dòng chảy thương mại không bị ngắt quãng. Mặc dù Canberra không tham gia vào
FONOP nhưng nước này sẽ “hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các đối tác khu vực nhằm đảm
bảo an ninh hàng hải”. Australia đã dừng hay hoãn các cuộc tập trận đã lên kế
hoạch từ trước với Trung Quốc dự định diễn ra vào tuần này.
Người phát ngôn chính
phủ Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối không bình luận về hành động của Mỹ. Thay
vào đó, ông nhấn mạnh cam kết của Nhật “đảm bảo các vùng biển tự do và hoà
bình” và phản đối hành vi cải tạo đảo, quân sự hoá hay các hành vi đơn phương
khác nhằm thay đổi hiện trạng. Cũng giống như Australia, Nhật Bản sẽ có khả
năng tham gia vào các nhiệm vụ FONOP trong tương lai.
Tổng thống Indonesia
Joko Widodo trong chuyến thăm tới Washington đã phát biểu tại Viện Brookings rằng
các bên nên kiềm chế sau khi cả Mỹ và Trung Quốc đều lời qua tiếng lại sau vụ
tuần tra của USS Lassen. Ông nhấn mạnh rằng mặc dù Indonesia không phải là một
bên tranh chấp, nhưng Jakarta có lợi ích hợp pháp liên quan tới hoà bình và ổn
định khu vực. Các tranh chấp nên được giải quyết dựa theo UNCLOS, và Indonesia
mong muốn đóng một vai trò chủ động hơn trong vấn đề này.
Trong khi đó, chính
phủ Đài Loan tuyên bố rằng Đài Loan sẽ sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền
và quyền lợi hàng hải của mình tại Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan nói
rằng Đài Bắc sẽ lên kế hoạch “ứng phó khẩn cấp” với các xung đột tiềm tàng và sẽ
tiếp tục “nâng cao năng lực chiến đấu trên đảo Ba Bình”, đảo lớn nhất tại Trường
Sa (nếu không tính các đảo nhân tạo Trung Quốc đang cho xây dựng).
Đối với Mỹ, Cố vấn An
ninh Bộ Quốc phòng Ben Rhodes ngày thứ hai đã nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục tiến
hành FONOP xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng mỗi quý hai lần
(tám lần một năm). Mục đích là nhằm nhắc nhở Trung Quốc về luật pháp quốc tế.
Một số tin vắn đáng
chú ý
Hội nghị Bộ trưởng Quốc
phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) đã không đưa ra được tuyên bố chung lần đầu tiên do
các nỗ lực vận động của Trung Quốc. Bắc Kinh đã phản đối việc đề cập tới hoạt động
xây dựng đảo nhân tạo trong tuyên bố chung, nhưng “một số nước Đông Nam Á” lại
cho rằng làm như vậy là không hợp lý. Một quan chức Mỹ cho biết thêm rằng quan
điểm của Washington là thà không có một tuyên bố chung còn hơn là không đề cập
tới hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hoá của Trung Quốc.
Cũng bên lề hội nghị
ADMM+, có thông tin cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cùng Bộ trưởng
Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein sẽ lên tàu sân bay USS Theodore
Roosevelt để thực hiện tuần tra Biển Đông vào hôm nay, 5 tháng 11. Giới chức
chưa cung cấp thông tin về hành trình di chuyển của tàu song động thái này có
thể làm nổi bật sự căng thẳng về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Đài Loan đã chính thức
lên tiếng xác nhận sẽ mua 10 trực thăng MH-60R Seahawk của Mỹ. Đây là loại trực
thăng chống ngầm sẽ thay thế cho phi đội máy bay MD-500 đã cũ của hải quân Đài
Loan. Thoả thuận có trị giá khoảng 700 đến 800 triệu USD. Vào tháng 8, Đài Loan
cũng đã tuyên bố nâng cấp 18 máy bay chống ngầm Sikorsky S-70C cho tới cuối năm
2017.
Một tàu ngầm Trung Quốc
đã tiến hành theo dõi một tàu sân bay hạt nhân của Mỹ, chiếc USS Ronald Reagan.
Sự kiện này được các quan chức Lầu Năm Góc xem là hành vi chạm trán ở phạm vi gần
nhất kể từ năm 2006 giữa một tàu chiến Trung Quốc và tàu sân bay Mỹ. Sự kiện
này xảy ra vào ngày 24 tháng 10 khi USS Ronald Reagan đang tuần tra xung quanh
phần phía nam của Biển Nhật Bản. Đây là chiếc tàu sân bay tiền phương duy nhất
của Mỹ triển khai tại Châu Á – Thái Bình Dương. Hộ tống tàu sân bay Mỹ còn có
các tàu chiến khác.
Nguồn: nghiencuuquocte.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét