Phi Khanh/Người Việt
HUẾ (NV) - Cách Huế chừng 10km, đi men theo hướng Ðông Nam thành phố,
qua những ngôi làng cổ kính nằm bên bờ một con sông đào, băng qua một cánh đồng,
rồi lại gặp một con sông đào, gặp một ngôi chợ đầu làng, còn gọi là chợ Cầu
Ngói.
Có thể nói rằng hiếm ở đâu có được cảm giác yên bình, hiền hòa, con người
hòa điệu với thiên nhiên như nơi này. Mái đình, khu chợ, chiếc cầu và đồng quê
yên ả. Quần thể này lại nằm cách thị tứ chỉ một chiếc cầu khác nhưng cảm giác
như đang bước vào một ngôi làng của mấy thế kỷ trước.
Người phụ nữ hết lòng vì làng
Cầu Ngói Thanh Toàn bắc qua một con sông nhỏ chảy từ đầu làng đến cuối
làng Thanh Toàn, thuộc xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế,
cách trung tâm thành phố Huế chừng 8km theo đường bộ về phía Ðông.
Một vị cao niên tên Thành, gia đình cụ đã trải qua năm đời tại làng
Thanh Toàn, đã chứng kiến nhiều bận phục chế và sửa chữa cầu, cho biết: “Cầu
Ngói Thanh Toàn là loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu
cổ ở trên cả nước chứ không riêng gì Huế.”
“Vì cho đến bây giờ, các cây cầu nổi tiếng như cầu Nhật Bản ở Hội An
thì không mang hồn vía của nghệ nhân Việt, hơn nữa là một lai viễn kiều chứ
không phải là an tọa kiều. Nghĩa là cầu để đi qua lại, cúng vái trong miếu Bắc
Ðế Trấn Vũ chứ không có hai hàng ghế hai bên cầu để ngồi ngắm dòng nước, cánh đồng
như cầu Thanh Toàn.
“Làng này được thành lập vào thế kỷ 16. Những di dân từ đất Thanh Hóa
theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, có 12 vị tộc trưởng đã dừng chân lập nghiệp
ở đây, tạo nên 12 họ khai canh của làng. Người xây cầu này là một phụ nữ, cháu
đời sau của một trong mười hai vị tộc trưởng đó, tức là tộc Trần.”
“Bà Trần Thị Ðạo đã cúng tiền cho làng xây dựng chiếc cầu gỗ để dân
làng qua lại được thuận tiện. Ðây cũng là nơi cho lữ khách cùng người tha
phương tạm dừng chân lỡ bước. Bà Trần Thị Ðạo là vợ một vị quan cao cấp dưới
triều vua Lê Hiển Tông nhưng không có con. Bà muốn dùng tiền của mình để làm
phúc cho dân làng, cho xứ.”
“Bà được dân làng tôn sùng, thờ phụng. Năm 1776, vua Lê Hiển Tông đã
ban sắc khen ngợi bà Trần Thị Ðạo. Năm 1925, vua Khải Ðịnh cũng ban sắc phong
thần cho bà là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò và lệnh cho dân lập bàn thờ ngay
trên cầu để thờ cúng bà.”
Tạm chia tay với cụ Thành, rời ghế quán nước trong góc chợ đầu làng, dưới
một gốc si già, chúng tôi tiến về phía cầu ngói Thanh Toàn. Thật sự là một điều
gì đó rất nên thơ và khó nói. Con nước trong veo chảy lượn lờ qua những bông
súng, thỉnh thoảng vài người tản bộ qua cầu, vài khách phương xa ngồi trên băng
ghế giữa cầu, cảm giác bình yên lạ!
Chiếc cầu vồng bằng gỗ, có chiều dài 17m và chiều rộng 4m, hai bên thân
cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp
ngói ống tráng men chia làm 7 gian. Và gian giữa có bàn thờ người đã xây dựng cầu,
có thùng phước sương để khách cúng dường cho lễ giỗ của người xây dựng cầu, đầu
cầu là hai cây sưa đỏ trồng được chừng mươi năm nhưng bóng mát đã phủ một vùng
đất.
Những gốc lim, gụ, gạo đỏ, gòn, sến mọc đầy hai bên đường, bên kia bờ
sông nhỏ là cánh đồng rộng mênh mông, vựa lúa của xứ Huế. Cũng theo một người
dân nơi đây, vào mùa mưa lũ, cánh đồng thành một biển nước, chỉ lấy lác đác mái
nhà và nóc cầu. Khung cảnh mùa mưa nơi đây hiu quạnh không thể tưởng. Bù cho
bên kia, cách làng Thanh Toàn chưa đầy ba trăm mét thì xe cộ ngược xuôi, nền đất
cao, lụt lớn cũng chỉ vào đến sân là cùng.
Theo một người phụ nữ tên Hoa, làm việc trong bảo tàng nông nghiệp, nơi
lưu giữ những cối xay lúa, dần, sàng, nong, nia, thúng, mũng và nhiều nông cụ rất
lạ, chị cũng là hướng dẫn viên du lịch ngẫu nhiên của chúng tôi: “Cầu được xây
dựng cách đây hơn hai thế kỷ, đã bao lần bị gió bão, lụt lội và chiến tranh tàn
phá. Tuy nhiên, sau các lần hư hỏng, bà con đều chung nhau tu sửa, tôn tạo.”
“Mãi cho đến tháng 9 năm 1991, cầu được trùng tu lớn theo qui mô cũ. Cầu
Ngói Thanh Toàn được xây dựng theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu).
Cầu dài 43 thước mộc (18.75m), rộng 14 thước mộc (5.82m), chia làm 7 gian, hai
bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái
che, lợp ngói lưu ly. Cầu đã được trùng tu, sửa chữa vào các năm 1847, 1906,
1956, 1971. Qua các lần tu sửa, kích thước thu hẹp chiều dài còn 16.85m và rộng
là 4.63m.”
Thời gian và quên lãng
Trở lại chợ Cầu Ngói, gặp cụ Thành, cụ đang ngồi hút thuốc rê, dáng hom
hem của người già nơi thôn ổ cùng với nụ cười ấm áp, hồn hậu khiến chúng tôi thấy
buổi chiều đẹp đến nao lòng. Cụ Thành cho chúng tôi biết thêm về chuyện cầu
ngói, cụ nói rằng chiếc cầu thì đơn giản là chiếc cầu, sở dĩ nó làm cho người
ta quan tâm bởi yếu tố lịch sử của nó. Cầu Thanh Toàn thì không phải là cầu Nhật
Lệ hay cầu Hiền Lương, chỉ đơn giản là cây cầu đi qua một ngôi làng nghèo khổ,
do người phụ nữ tốt bụng xây dựng.
Và nếu như Bộ Văn Hóa Thông Tin không công nhận là cây cầu quí thì cây
cầu vẫn là bảo bối trong lòng người dân nơi đây. Nhưng chính bởi cái bằng di
tích đã mang đến cho làng khá nhiều thứ lạ lẫm, tiền cũng có mà tật ách cũng
nhiều.
Cụ Thành chép miệng: “Bà con dân làng nơi đây thảo thơm lắm, ít có ai
gian xảo. Nhưng từ ngày du lịch ghé qua đây, cây cầu được công nhận này nọ, tôi
thấy nhiều người gian ra.”
“Ví dụ như tiền phục chế cầu, số tiền cao lắm nhưng thực tế phục chế
đâu có bao nhiêu. Vẫn dàn gỗ ngày xưa để lại, lợp thêm mấy viên ngói vậy thôi.
Nhưng người ta tính tiền tỉ, con cháu trong làng nhiều người nhận thầu cũng có
cắt xén nhiều phần. Như vậy buồn lắm!”
“Ðó là chưa nói cho đến bây giờ, trong làng đã có nhiều người sống
không thành thật, bán hàng giá cắt cổ, cứ giả vờ nghèo để người ta thương tình
đến mua, khi khách nhận một bó rau hay một trái ổi thì lấy người ta mười ngàn đồng,
hai chục ngàn đồng. Giá cao gấp mười lần ngoài chợ. Như vậy là thiếu lương
tâm.”
“Tôi không hiểu vì đâu ngôi làng này trở nên xa lắc xa lơ trong tôi nữa,
dường như mọi thứ đã bị bỏ rơi, đã đi vào quên lãng. Ý tôi muốn nói là cái bản
tính, cái hồn vía của làng mới quan trọng chứ không phải cái chợ, cái cầu được
sơn phết, những thứ ấy chỉ là hình tướng.”
“Nhưng hầu như bây giờ người ta chạy theo đồng tiền, mọi thứ bị ném vào
quên lãng. Buồn lắm chứ!”
Nói đến đây, cụ Thành dừng hẳn câu chuyện, ngồi hút thuốc và im lặng. Tạm
biệt cụ, trên đường về, chúng tôi cứ luôn sợ một điều, rồi đây cây cầu, ngôi
làng sẽ ra sao nếu như một ngày không hay, những người như cụ Thành không còn nữa!
Nguồn: nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét