Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Bánh mì Hòa Mã, nửa thế kỷ ở Sài Gòn

Bài và hình: Nguyễn Đạt/Người Việt

SÀI GÒN (NV) - Bánh mì Hòa Mã ở số 51 đường Cao Thắng, Quận 3, Sài Gòn, gắn bó với bữa ăn điểm tâm sáng của nhiều cư dân Sài Gòn đã hơn nửa thế kỷ qua.


Cửa hàng của bánh mì Hòa Mã kinh doanh từ năm 1958, tính đến nay đã được 57 năm, vẫn là căn nhà nhỏ hẹp cũ kỹ không thay đổi. Trong hai năm đầu, bánh mì Hòa Mã đặt tại số 511 đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu), sau đổi tới căn nhà này ở đường Cao Thắng.


                                                   Mặt trước của tiệm bánh mì Hòa Mã.

 Từ năm 1962, khi chúng tôi còn là học sinh lớp đệ nhị C tại Trường Trung Học Chu Văn An, thầy Vũ Hoàng Chương dạy môn Việt Văn đã giới thiệu: “Các cậu có ăn casse-croute ở quán Hòa Mã chưa? Đúng điệu Tây đấy!”

Lúc đó chúng tôi được biết ông chủ bánh mì Hòa Mã là nhà thơ Lê Minh Ngọc, có giao tình thân thiết với thầy Vũ Hoàng Chương, nhà thơ lừng lẫy đương thời. Người vợ của nhà thơ Lê Minh Ngọc từng chế biến thực phẩm tại hãng thịt nguội chuyên cung cấp cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội. Trước khi di cư vào Sài Gòn, gia đình nhà thơ Lê Minh Ngọc đã có ý định mở quán bán bánh mì thịt nguội kiểu Pháp. Quán mang tên làng Hòa Mã ở vùng ngoại ô Hà Nội.

Thời chúng tôi là học sinh, khi ăn điểm tâm bánh mì, tới quán bánh mì Hòa Mã, nếu không có thì giờ ngồi ăn tại quán, ổ bánh mì mang đi cũng xẻ ra cho thịt nguội vào trong. Bánh mì Hòa Mã được gọi theo người Pháp là casse-croute, tức ăn điểm tâm. Từ thuở đó bánh mì Hòa Mã đã đắt hàng, chúng tôi gặp nhiều thực khách lớn tuổi ngồi ăn tại quán như bữa ăn chính trong ngày của người Pháp.

Nhiều người tỏ ý, nếu mua bánh mì mang đi thì mua ở xe bán bánh mì trên đường phố nào đấy cũng được. Còn tới quán bánh mì Hòa Mã thì nên ngồi ăn tại chỗ. Đây là chuyện phong cách, là ý vị của buổi điểm tâm, đặc biệt là cái “gout Tây” của bánh mì Hòa Mã.

Ngó khung cảnh quán bánh mì Hòa Mã cũng thấy dễ cảm. Bên trong căn nhà nhỏ hẹp, chừa chỗ cái tủ sắp đặt các thứ thực phẩm thịt nguội, chỗ tráng trứng ốp-la, quầy tính tiền, thì chỉ còn chỗ cho một hai bàn khách ngồi. Thế nên chủ yếu của quán bánh mì Hòa Mã là một dãy bàn thấp, đặt dọc theo chiều dài bên hông căn nhà, có mái che bằng vải bạt phía trên.

Thực khách gọi một phần bánh mì ốp-la thịt nguội, đây là đặc điểm của bánh mì Hòa Mã. Sẽ thấy trên mặt bàn một đĩa đựng khẩu phần ấy, gồm: hai trứng gà dàn rộng, lộ hai tròng đỏ chưa chín hẳn, trên mặt trứng ốp-la có xúc xích, jambon, thịt ba rọi muối, chả các loại… và những vòng hành tây sắt mỏng.

Thực khách sẽ rắc chút muối tiêu lên trên các thứ ấy, thêm chút tương ớt và xì-dầu nữa, là hoàn chỉnh món ốp-la thịt nguội của bánh mì Hòa Mã.

                                              Phía bên hông của tiệm bánh mì Hòa Mã.

Đồ chua như dưa leo, củ cải trắng, cà-rốt… ăn kèm cho đỡ ngán thực phẩm chính, bánh mì Hòa Mã cũng có cung cách riêng, không giống với hầu hết các nơi bán bánh mì.

Đồ chua của bánh mì Hòa Mã được xắt miếng lớn, không thái nhỏ như các nơi khác; như vậy khi ăn sẽ cảm nhận rõ rệt hương vị của từng loại đồ chua.

Riêng phần bánh mì, xu hướng chung của Sài Gòn hiện nay là bánh mì đặc ruột. Thế nhưng bánh mì Hòa Mã vẫn là thứ bánh mì giòn ngoài vỏ, ruột không đặc. Người sành điệu cho rằng, bánh mì giòn vỏ và không đặc ruột ăn không bị ngán, và dễ cảm nhận vị ngon của thực phẩm ăn với bánh mì. Bánh mì giòn như ở Hòa Mã, khi ăn, những vụn vỏ bánh rớt xuống lả tả; có nhiều người không thích bánh mì giòn vỏ và không đặc ruột chính vì vậy.

Nhiều thực khách e ngại ăn trứng, nhất là lòng đỏ trứng ốp-la, nên thực đơn của bánh mì Hòa Mã còn có món thịt nguội thập cẩm. Trong một khẩu phần thịt nguội thập cẩm, paté sẽ nhiều hơn, và có cả bơ tươi.

Bánh mì cũng như phở, hủ tíu, bánh cuốn, là những món có thể ăn hàng ngày không ngán. Thực khách không ngớt chiếu cố bánh mì Hòa Mã, dù rằng các thứ thịt nguội, thực phẩm đặc trưng của Pháp hiện nay trở thành phổ biến, không những tại Sài Gòn mà ở khắp các tỉnh thành của Việt Nam.

Nhiều hàng quán bánh mì-thịt nguội, từ bánh mì Hà Nội tới bánh mì Hàn Quốc, nhiều nơi sản xuất các loại thịt nguội… đang hoạt động mạnh tại Sài Gòn, nhưng không vì thế mà bánh mì Hòa Mã bị “phá giá.”

Có lẽ dân Sài Gòn, nhất là những thực khách lớn tuổi của bánh mì Hòa Mã muốn lưu giữ cái nề nếp “giấy rách giữ lấy lề” chăng. Bởi bánh mì Hòa Mã đã trở thành một trong những cái lề của trang giấy lịch sử Sài Gòn. Người thân trong gia đình bánh mì Hòa Mã từng bày tỏ với chúng tôi: “Thật cảm động khi nhận ra những thực khách của bánh mì Hòa Mã, định cư ở nước ngoài vài chục năm, trở về Sài Gòn vẫn ghé quán Hòa Mã ăn bánh mì ốp-la thịt nguội…”


Nguồn: nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét