Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019

16876 - Lịch sử Việt Nam thời tự chủ: Nùng Trí Cao đánh Tống (P1)



Cuộc trường chinh từ Ung Châu đến Quảng Châu
Năm 1048 Nùng Trí Cao giao tranh với quân nhà Lý bất lợi, bèn xin hàng để củng cố nội bộ; rồi quay sang gây hấn với Trung Quốc. Cuộc chiến tuy châm ngòi vào năm 1049, nhưng sau đó tạm hòa; để rồi bùng nổ khốc liệt trong năm 1052. Trong vòng 1 năm, đạo quân bách chiến bách thắng của Nùng Trí Cao lần lượt chiếm từng thành từ Ung Châu [Nam Ninh] đến Quảng Châu; rồi lại quay trở về Ung Châu, cuối cùng bị tiêu diệt bởi kỵ binh của Địch Thanh tại Qui Nhân Phố. Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên của Lý Đào chép về cuộc chiến khởi sự như sau:
Trường Biên, quyển 167. Năm Hoàng Hựu thứ nhất [1049]                    
Ngày Ất Tỵ tháng 9 [14/10/1049], Chuyển vận ty Quảng Nam Tây Lộ báo man Quảng Nguyên cướp phá Ung Châu; chiếu ban cho các lộ Giang Nam [tỉnh Giang Tây], Phúc Kiến phát binh phòng bị.
Châu Quảng Nguyên vị trí tại phía tây nam Ung Châu, thượng nguồn sông Uất,[1] đất hiểm trở, sản xuất vàng, chu sa, sống cư tụ. Dân búi tóc phía bên trái, thiện chiến, coi thường cái chết, ham làm loạn. Tổ tiên họ Vi, họ Hoàng, họ Chu, họ Nùng làm thủ lãnh, tranh nhau cướp phá; Kinh lược sứ đời Đường Từ Thân Hậu chiêu phủ. Họ Hoàng nạp chức cống, nên 13 bộ, 29 châu đều yên định. Từ khi man Giao Chỉ chiếm cứ An Nam,[2] châu Quảng Nguyên tuy do Ung Châu ràng buộc ky my, nhưng kỳ thực phục dịch Giao Chỉ.
Trước kia có Nùng Toàn Phúc giữ chức Tri châu Thảng Do,[3] em là Tồn Lục Tri châu Vạn Nhai,[4] em vợ Toàn Phúc là Nùng Đương Đạo Tri châu Vũ Lặc. Một hôm Toàn Phúc giết Tồn Lục, Đương Đạo, thôn tính đất đai. Giao Chỉ giận, mang binh bắt Toàn Phúc, cùng con là Trí Thông mang về. Vợ là A Nùng vốn người châu Vũ Lặc, Tả Giang; A Nùng rời đến châu Thảng Do, Toàn Phúc lấy làm vợ. Khi Toàn Phúc bị bắt, A Nùng bèn lấy thương nhân, sinh ra Trí Cao. Lúc Trí Cao 13 tuổi, giết người cha thương nhân, và bảo rằng:
Trong thiên hạ há lại có người 2 cha!’
Nhân mạo họ là Nùng, cùng mẹ đến ở động Lôi Hỏa;[5] người mẹ lại lấy Nùng Hạ Khanh, người đạo Đặc Ma. Lâu sau đó, Trí Cao lại cùng người mẹ đến chiếm châu Thảng Do, lập nước gọi là Đại Lịch. Giao Chỉ lại chiếm châu Thảng Do, bắt Trí Cao, rồi tha, cho làm Tri châu Quảng Nguyên. Lại lấy động Lôi Hỏa, 4 động Tần Ba, cùng châu Tư Lang[6] cho phụ thêm. Nhưng trong lòng oán Giao Chỉ, 4 năm sau bèn chiếm châu An Đức, tiếm xưng là nước Nam Thiên,cải niên hiệu Cảnh Thụy; rồi xin nội phụ triều Tống, nhưng chưa được, bèn bắt đầu cướp phá.[7]
Trong trận đánh đầu tiên với quân Tống, quân Nùng Trí Cao bắt được viên Chỉ sử Ung Châu Nguyên Bân; viên này khuyên Nùng Trí Cao nên theo Trung Quốc. Trí Cao bèn dâng biểu xin cống, nhưng triều Tống cho rằng đất Quảng Nguyên vốn thuộc nước Đại Cồ Việt, nên từ chối:
Trường Biên, quyển 170. Năm Hoàng Hựu thứ 3 [1051]
Ngày Ất Dậu tháng 2 [18/3/1051], Chuyển vận ty Quảng Nam Tây Lộ tâu Nùng Trí Cao, man châu Quảng Nguyên xin nội thuộc. Chiếu ban Chuyển vận sứ, cùng Đề điểm hình ngục lộ này, Ty kiềm hạt, tâu trình đầy đủ những điều lợi hại.
Trước đó Giao Chỉ phát binh đánh Trí Cao, nhưng không dẹp được. Bấy giờ Chuyển vận sứ Tiêu Cố người đất Tân Dụ [ thuộc Giang Tây] sai Chỉ sử Ung Châu Nguyên Bân thám thính; nhưng Bân tự tiện đánh Trí Cao, nên bị bắt. Bị thẩm vấn tin tức về Trung Quốc, Bân trình bày đại lược và khuyên Trí Cao nội phụ. Bèn tha cho Bân về, rồi dâng biểu xin hàng năm cống sản vật địa phương. Triều đình cho rằng Quảng Nguyên lệ thuộc Giao Chỉ, nên chưa chấp thuận. Tiêu Cố tâu:
Người man thấy lợi thì động tâm, tất giữ cái chiếm được, thần không thể làm gì hơn. Nhưng xem ra hiện tại, Trung Quốc chưa thể gây sự với bọn man; đối với bọn Trí Cao nên chiêu phủ mà thôi. Vả lại tài năng về vũ lực, Giao Chỉ không thể tranh đấu chế ngự được. Cho dù chúng tranh nhau, thì ta cũng yên bình vô sự thôi.’
Cuối cùng triều đình không nghe lời Cố. Những lời Tiêu Cố, lấy từ mộ bia Vương An Thạch.[8]
Nùng Trí Cao dâng biểu hiến voi và vàng, Vua Tống sai viên Chuyển vận sứ Quảng Tây cho biết trong trường hợp đưa đồ cống gộp chung với Sứ thần nhà Lý thì chấp thuận, nhưng Trí Cao không tuân:
Trường Biên, ngày Qui Dậu tháng 3 [5/5/1051], Chuyển vận ty Quảng Nam Tây Lộ tâu rằng Nùng Trí Cao dâng biểu hiến voi thuần, cùng vàng bạc các loại sống và luyện.[9] Chiếu ban Chuyển vận sứ và Kiềm hạt ty cho dừng lại; và lấy tư cách Ty chuyển vận đáp rằng châu Quảng Nguyên lệ thuộc vào Giao Chỉ, nếu đưa gộp với nước này cùng tiến phụng thì chấp nhận.”[10]
Bấy giờ Trí Cao giận vì bị khước từ, lại có 2 viên Tiến sĩ Trung Quốc bất mãn với triều Tống đến kết đảng xúi dục, nên quyết định tập kích trại Hoành Sơn, vị trí bên dòng sông Hữu Giang cách thành Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây] khoảng 20km về phía tây:
Trường Biên, quyển 172. Năm Hoàng Hựu thứ 4 [1052]
Ngày Bính Tuất tháng 4 [12/5/1052], trước đó Nùng Trí Cao cống sản vật địa phương xin nội thuộc, bị triều đình khước từ. Sau đó dâng thư viết trên vàng lá, Tri Ung Châu Trần Cung tâu lên, nhưng không được trả lời. Trí Cao đã xin không được, lại cừu địch với Giao Chỉ, bèn dựa vào lợi thế sông núi đất Quảng Nguyên, chiêu tập những thành phần vong mệnh. Mấy lần mang y phục cũ xin đổi gạo ăn, nói dối rằng dân trong động đói, bộ lạc ly tán; Ung Châu tin rằng chúng yếu nhược, nên không phòng bị. Bèn cùng với các viên Tiến sĩ đất Quảng Châu [Quảng Đông] Hoàng Vi, Hoàng Sư Mật; cùng đồng đảng Nùng Kiến Hầu, Nùng Chí Trung, ngày đêm mưu vào cướp phá. Một buổi chiều, đốt sạch sào huyệt, lừa dối bảo bộ hạ rằng:
Từ lâu nay tích tụ, nay thiên tai thiêu hủy, không còn gì để sống, kế cùng rồi. Cần phải đánh Ung Châu, chiếm cứ Quảng Châu làm Vương; nếu không thì chết.’
Vào ngày này, mang 5.000 quân xuôi dòng sông Uất tiến sang phía đông, đánh chiếm trại Hoành Sơn.[11] Trại chủ Hữu thị cấm Trương Nhật Tân, Ung Châu Đô tuần kiểm tả ban điện trực Cao Sĩ An, Khâm Hoành châu đồng tuần kiểm hữu ban điện trực Ngô Hương đều tử trận.”[12]
Sau khi chiếm Hoành Sơn, vào 19 ngày sau chiếm nốt Ung Châu; nếu trừ hao thời gian di chuyển, việc đánh hạ thành tương đối nhanh. Ung Châu là thành lớn, ắt phải có quân phòng thủ bên ngoài; do bởi quân Trí Cao với đồng phục màu ráng, trông dữ tợn, với chiến thuật một tay cầm thuẫn che ngực, một tay cầm gươm đao đâm chém, nên tên bắn vô sự, xông lên như một bức thành di động nên khí thế rất mạnh; riêng quân Tống yếu nhược, thiếu tinh thần, khiến mau tan rã. Thành bị hãm, trong lúc viên Chủ soái Trần Cung còn đang mở tiệc mừng đạo quân mới đến tăng viện:
Trường Biên, quyển 172. Ngày mồng một Ất Tỵ tháng 5 [31/5/1052]. Nùng Trí Cao đánh chiếm Ung Châu, bắt Tri châu Bắc tác phòng sứ Trần Cung, Thông phán điện trung thừa Vương Càn Hữu, Quảng Tây đô giám Trương Lập.
Trước đó giặc vây thành, Cung ra lệnh cho Càn Hữu giữ cửa Lai Viễn; Quyền đô giám tam ban phụng chức Lý Túc giữ cửa Đại An, Chỉ sử Vũ Cát giữ cửa Triều Thiên. Trương Lập từ Tân Châu[13] đến tăng viện; khi mới đến, Cung cho khao quân tại trên thành, lúc đang uống rượu thì thành phá. Cung, Lập, Càn Hữu, cùng Tiết độ suy quan Trần Phụ Nghiêu, Quan sát suy quan  Đường Giám, Ty hộ tham quân Khổng Tông Đán đều bị bắt, quân tử trận 1.000 người. Trí Cao duyệt kho quân tư, bắt được thư dát vàng gửi cho triều đình, tức giận bảo Cung rằng:
Ta xin nội thuộc, muốn một chức quan để cai trị các bộ lạc, người không đưa lên là tại sao?’
Cung đáp, đã từng tâu nhưng triều đình không trả lời; Cao đòi xem bản thảo tờ tâu nhưng không thấy, bèn dắt Cung ra ngoài. Cung mắt đau, không thấy gì, kinh hoảng hô “Vạn tuế” mong được tha, nhưng vẫn bị giết. Rồi lại giết hại luôn bọn Lập, Càn Hữu, Phụ Nghiêu, Giám, Tông Lập. Lập bị hành hình, chửi to không khuất phục; hơn tháng sau, tìm được thi thể, trông như còn sống. Còn Lý Túc, Vũ Cát, Vũ Duyên Lệnh, Mai Vi Chi, Chi sử Tô Tòng vốn quen với giặc Hoàng Sư Mật, nên được miễn. Lúc Trí Cao chưa làm phản, có bạch khí bay lên giữa sân Ung Châu, nước sông dâng lên; Tông Đán cho rằng có điềm về việc binh, đoán rằng Trí Cao sẽ làm phản, bèn gửi thư cho Cung, nhưng Cung không nghe. Tông Đán tiếp tục báo động, Cung giận, trách rằng:
Ty hộ điên ư!’
Đến lúc Trí Cao phá trại Hoành Sơn, Đán bèn cho gia đình di tản đến Quế Châu [Quế Lâm, Quảng Tây] và bảo rằng:
Ta có việc quan không đi được, không có nhiệm vụ thì đừng chết theo.”
Giặc bắt Tông Đán, muốn giao việc cho, Tông Đán chửi rồi bị giết. Tông Đán người đất Lỗ [tây nam tỉnh Sơn Đông], trước kia làm quan tại Đông Kinh, cùng với bọn Lý Đạo, Từ Trình, Thượng Đồng 4 người làm tai mắt cho Giám ty, bị nhiều người ghét; nhưng giữ tiết được như vậy.
Sau khi Trí Cao chiếm được Ung Châu, lập nước ngụy Đại Nam, tiếm hiệu là Nhân Huệ Hoàng đế, cải niên hiệu Khải Lịch, tuyên bố xá tội; bọn Sư Mật trở xuống đều được chức quan giống như Trung Quốc.”[14]
Sau khi chiếm xong thành Ung châu, quân Trí Cao dùng thuyền xuôi dòng sông Uất, kế tiếp là sông Tây Giang, thủy trình trên 500 km xuống tận Quảng Châu [Quảng Đông]; liên tục đánh phá 9 châu: Hoành, Quí, Cung, Tầm, Đằng, Ngô, Phong, Khang, Đoan trong vòng hơn 1 tháng; có thể gọi đây là một cuộc hành quân lướt gió, nhanh chóng như qua chỗ không người. Sử liệu cung cấp chi tiết như sau:
-“Trường Biên, quyển 172, ngày Quí Sửu tháng 5 [8/6/1052]. Nùng Trí Cao chiếm Hoành Châu [huyện Hoành tỉnh Quảng Tây], Tri châu Điện trung thừa Trương Trọng Hồi, Giám áp đông đầu cung phụng quan Vương Nhật Dụng đều bỏ thành.”[15]
-“Trường Biên, quyển 172, ngày Bính Thìn [11/6/1052], vào chiếm Quí Châu [huyện Quí tỉnh Quảng Tây]; Tri châu Bí thư thừa Lý Cư bỏ thành.”[16]
-“Trường Biên, quyển 172, ngày Canh Thân [15/6/1052], vào Cung Châu [huyện Bình Nam tỉnh Quảng Tây], Tri châu Điện trung thừa Trương Tự bỏ thành.”[17]
-“Trường Biên, quyển 172, ngày Tân Dậu [16/6/1052], vào Đằng Châu [huyện Đằng, tỉnh Quảng Tây], rồi vào Ngô Châu [Ngô Châu Thị, tỉnh Quảng Tây], Phong Châu [Phong Khai, tỉnh Quảng Tây]. Tri Đằng Châu Thái tử trung xá Lý Thực, Tri Ngô Châu Bí thư thừa Giang Tư đều bỏ thành.
Tri Phong Châu Thái tử trung xá Tào Cận chết. Người dân Phong Châu chưa từng biết việc binh; quân lính chỉ có 100 người không quen chiến trận, không có thành quách để phòng thủ. Có kẻ khuyên Tào Cận nên tránh giặc; Cận nghiêm mặt bảo:
Ta là quan giữ lãnh thổ, chỉ biết chết mà thôi, ai bảo tránh giặc sẽ chém.
Rồi ra lệnh Đô giám Trần Hoa mang quân đánh giặc, viên Lệnh Phong Châu đốc suất dân đinh cùng lính bắn cung kế tục tiến. Giặc đông đến hàng trăm lần, quân Hoa thua chạy, dân đinh cũng tan, Cận đốc suất tùy tòng đánh nhưng thua rồi bị bắt. Giặc không giết, nắm đầu bắt bái rồi dụ dỗ:
Theo ta, sẽ được chức quan tốt, cho cầm quân, tìm gái gả cho.”
Cận không chịu bái, mắng lại rằng :
Làm bầy tôi chỉ hướng về phương bắc bái Thiên tử, ta há lại theo người để sống cẩu thả ư; mong các người mau giết ta.”
Giặc còn tiếc chưa giết, bèn đưa xuống thuyền. Cận không ăn trong 2 ngày, rồi lấy ấn chương dấu trong túi giao cho viên lính hầu và dặn:
Ta sẽ chết, hãy tìm đường tắt đưa vật này dâng lên quan.”
Giặc biết rằng Cận không muốn hàng, bèn giết; cho đến lúc gần chết vẫn chửi không ngừng. Rồi giặc ném thây xuống sông; Cận mất năm 35 tuổi.”[18]
-“Trường Biên, quyển 172, ngày Nhâm Tuất [17/6/1052], quân Trí Cao vào đánh Khang Châu; viên Tri châu Thái tử hữu tán thiện đại phu Triệu Sư Đán, Giám áp hữu ban điện trực Mã Quí đều chết. Sư Đán là cháu Sư Tích.
Sau khi giặc đánh phá Ung Châu bèn xuôi dòng sông sang phía đông, Sư Đán sai người trinh sát giặc, khi họ trở về báo rằng:
“Các châu phòng thủ đều bỏ thành chạy.”
Sư Đán la lên:
Ngươi lại muốn ta bỏ chạy ư!”
Bèn cho làm cuộc lục soát lớn, bắt được 3 điệp viên, đem ra chém để răn. Nhưng giặc kéo đến đầy thành, Sư Đán chỉ có 300 quân, vẫn mở cửa nghênh chiến, giết được mấy chục tên. Đến chiều, áp lực quân giặc hơi giảm; Sư Đán sai vợ mang con đi trốn cùng mang ấn tín theo và bảo rằng:
Hôm sau đại quân giặc sẽ đến, ta biết rằng không địch nổi, nhưng không thể trốn; nàng ở lại đây chết, vô ích.”
Bèn cùng với quân lính dưới quyền Mã Quí cố thủ thành. Sư Đán bảo Quí đi ăn, Quí không ăn nổi; một mình Đán ăn no như bình thường; đêm Quí nằm không yên chiếu, riêng Đán ngáy như sấm. Đến sáng, giặc đánh thành gấp; kẻ xung quanh khuyên nên tránh né; Sư Đán nói:
“Bị giặc giết, hoặc đánh giặc chết, cái nào hơn!”
Quân lính đều bảo:
“Nguyện vì nước tử chiến.”
Cho đến lúc thành bị phá, không một ai trốn. Tên hết, Đán cùng Quí quay trở về ngồi tại công đường. Trí Cao điều binh la hét, tranh vào uy hiếp, Sư Đán chửi lớn:
Bọn man liêu đói! Triều đình có gì phụ bạc các người đâu, lại dám làm phản? Khi Thiên tử phạt một đạo binh đến, thì bọn người không còn!”
Trí Cao giận, bắt giết Đán cùng Quí.”[19]
-“Trường Biên, quyển 172, ngày Quí Hợi [18/6/1052], quân Trí Cao vào Đoan Châu [Triệu Khánh, Quảng Đông], viên Tri châu Thái thường bác sĩ Đinh Bảo Thần bỏ thành chạy; Bảo Thần người đất Tấn Lăng [Thường Châu, Giang Tô]. Âu Dương Tu, Vương An Thạch soạn mộ bia cho Bảo Thần đều ghi Bảo Thần từng  xuất chiến, đánh bắt được giặc, nhưng cuối cùng không thắng; đó chỉ là những lời văn chương che đậy tội, không đúng sự thực, nên không đưa vào sử.”[20]
Sau khi đánh chiếm Đoan Châu, chỉ mấy ngày sau Trí Cao xua quân vây thành Quảng Châu, khiến dân chúng vùng phụ cận thành hoảng hốt, phải đạp nhau, tranh vào thành để tỵ nạn.
(còn tiếp)
———————
[1] Sông Uất: do 2 sông Tả Giang và Hữu Giang hợp lại tại phía tây nam Nam Ninh thị, tỉnh Quảng Tây.
[2] Ý chỉ thời Khúc Thừa Dụ dành quyền tự chủ cho nước Việt Nam.
[3] Châu Thảng Do: theo sách Độc Sử Phương Dư Kỷ Yếu của Cố Tố Vũ, châu Thảng Do giáp châu Quảng Nguyên.
[4] Châu Vạn Nhai: theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Châu Vạn Nhai thuộc tỉnh Thái Nguyên. Xưa gọi là châu Vạn Nhai (nhai là sườn núi); nhà Lý gọi là Vạn Nhai (nhai là bến nước); khi thuộc Minh gọi là Vũ Lễ; nhà Lê gọi là Vũ Nhai, tức là châu Vũ Nhai ngày nay.
[5] Động Lôi Hỏa: theo sách Độc Sử Phương Dư Kỷ Yếu của Cố Tố Vũ, động Lôi Hỏa ở phía tây bắc phủ Lạng Sơn, khoảng giữa châu Quảng Nguyên và châu Thảng Do.
[6] Châu Tư Lang: theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tư Lang trước thuộc tỉnh Thái Nguyên, bây giờ thuộc tỉnh Cao Bằng. Nhà Lý gọi là Tư Lang; nhà Trần vẫn theo như trước; khi thuộc Minh chia làm Thượng Tư Lãng và Hạ Tư Lãng; nhà Lê đổi làm Thượng Lang và Hạ Lang, tức là huyện Trùng Khánh và huyện Hạ Lang bây giờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét