Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

17062 - Điểm sách: ‘Đông Âu và Việt Nam: 30 Năm Nhìn Lại’ của Lý Thái Hùng



Sách "Đông Âu và Việt Nam: 30 Năm Nhìn Lại" của tác giả Lý Thái Hùng do Vietnam Reform Foundation xuất bản và phát hành tháng 10/2019. Ảnh: Tác giả cung cấp.
Sách "Đông Âu và Việt Nam: 30 Năm Nhìn Lại" của tác giả Lý Thái Hùng do Vietnam Reform Foundation xuất bản và phát hành tháng 10/2019. Ảnh: Tác giả cung cấp.


Ngày 9 tháng Mười Một  tới dân Đức sẽ kỷ niệm 30 năm ngày Bức tường Bá Linh sụp đổ, một Đông Đức cộng sản chấm dứt tồn tại và sáp nhập vào một nước Đức thống nhất trong dân chủ tự do. Biến cố này đã mở đầu cho việc một chuỗi các quốc gia Đông Âu vùng lên thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản một cách ôn hòa, trừ trường hợp Romania. Hai năm sau, vào cuối năm 1991, khối Liên Bang Sô Viết cũng tan rã theo, và chủ nghĩa cộng sản chính thức bị khai tử tại Âu Châu.
Các biến cố trên đã ảnh hưởng tới đảng Cộng Sản Việt Nam ra sao vào thời điểm Bức tường Bá Linh sụp đổ, và bây giờ sau 30 năm xã hội Việt Nam đã phát triển thế nào so với các nước cựu cộng sản Đông Âu và các quốc gia trong vùng Đông Nam Á; đấy là chủ đề của tập sách “Đông Âu và Việt Nam: 30 Năm Nhìn Lại (1989-2019)” của Lý Thái Hùng.


Dân chúng Đức vui mừng về sự kiện bức tường Berlin sụp đổ đêm 9 tháng Mười Một, 1989, dẫn đến việc thống nhất nước Đức và chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh, tại Công Trường Brandenburg sáng ngày 10 tháng Mười Một, 1989. Ảnh: theatlantic.com / viettan.org edit
Dân chúng Đức vui mừng về sự kiện bức tường Berlin sụp đổ đêm 9 tháng Mười Một, 1989, dẫn đến việc thống nhất nước Đức và chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh, tại Công Trường Brandenburg sáng ngày 10 tháng Mười Một, 1989. Ảnh: theatlantic.com / viettan.org edit

Tôi được cái vinh dự đọc “Đông Âu và Việt Nam” khi còn trong dạng bản thảo với từng bài rời mà tác giả đã cuối cùng gói ghém lại thành tập sách gần 200 trang khá cô đọng, được sắp xếp khá mạch lạc, với bài giới thiệu và năm chương chính.
Mở đầu là bản đồ của tám quốc gia cộng sản tại Đông Âu trước năm 1989, gồm Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Romania, Bulgaria, Albania, Nam Tư, và Đông Đức còn trong chế độ cộng sản và sơ lược về mỗi quốc gia trước và sau 1989, giúp cho độc giả có một ý niệm về các quốc gia này.
Kế đó là bài giới thiệu nội dung tập sách mang tựa nhỏ “30 năm, một chặng đường…” mà theo tác giả đó là một khoảng thời gian tuy ngắn ngủi đối với dòng lịch sử nhân loại song “là một chặng đường đủ dài để một đất nước cất cánh nếu có một chương trình canh tân phù hợp,” một việc đã diễn ra tại các nước Đông Âu đã thoát khỏi ách cộng sản song đã không đến với Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, nếu không nói là ngày càng tụt hậu thê thảm khiến nhiều người đã phải tha phương cầu thực qua các chương trình xuất khẩu lao động, chưa kể nhiều tệ nạn khác.
“Những chính sách cải cách kinh tế nửa vời, dè chừng, tuy có mang lại một số thay đổi, nhưng về căn bản, đất nước và xã hội Việt Nam đã không phát triển lành mạnh được như tại các quốc gia Đông Âu theo đúng tiềm năng của dân tộc,” Lý Thái Hùng viết. “Chính bộ máy độc tài của đảng Cộng sản Việt Nam đã biến Việt Nam thành một xứ ‘tư bản hoang dã,’ cạnh tranh theo quy luật ‘mạnh được yếu thua.’ Nói cách khác, sau 30 năm ‘mở kinh tế – siết chính trị,’ nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam không chỉ thất bại trong mục tiêu công nghiệp hóa đất nước để trở thành con Rồng Á Châu, mà còn biến thành một quốc gia phát triển bất bình đẳng về mọi mặt.”
Cũng trong bài mở đầu này, tác giả cung cấp cho chúng ta một số những con số và dữ kiện khiến một người, như tôi, vốn chỉ theo dõi chuyện Việt Nam qua các bản tin ngắn rời rạc và không đủ thì giờ hay nhu cầu nghiên cứu thêm để nối các chi tiết lại thành một chuỗi cho các câu hỏi như: tại sao Việt Nam hiện nay có nhiều (thực ra là rất ít) người giầu? tại sao giá bất động sản ở Việt Nam tăng vọt? tại sao có nhiều người trong nước ra tranh nhau mua nhà ở Nam Cali và dám trả bằng tiền mặt và cao hơn cả giá đề ra khiến giá địa ốc khu này tăng vọt?
Cá nhân tôi, cho đến khi nghiên cứu cho bài viết về cuộc thi ảnh chụp Vườn Rau Lộc Hưng bị cưỡng chế ở Quận 6, Sài Gòn hồi đầu năm, tôi mới thực sự biết tới nguyên nhân sâu xa của nạn dân oan, đó là do luật lệ về đất đai “sở hữu toàn dân” của chế độ cộng sản khiến bất cứ khi nào cần, chính quyền (ở đây là địa phương, trong khi trung ương bó tay trên bảo dưới không nghe theo) cần lấy đất của dân dưới danh nghĩa phát triển thì cứ việc, hoặc trưng mua với giá rẻ mạt bất kể đất đang canh tác hay đã có nhà cửa, hoặc ngang nhiên mang xe ủi tới cưỡng chế.
Mà “phát triển” là phần lớn xây các trung tâm nghỉ mát, nhà cao tầng, lấp hồ lấp lạch láng xi măng bê tông gây lụt lội vì nước không có chỗ thoát tự nhiên. Thậm chí thành phố cao nguyên Đà Lạt mà cũng lâm cảnh lụt lội khó tin tháng Tám vừa qua. Còn đầu tư của ngoại quốc thì phần lớn là những cơ xưởng gây ô nhiễm mà không quốc gia nào trong vùng muốn nhận, hoặc ráp lắp để xuất khẩu thay vì sản xuất.
Tôi vẫn nhớ năm ngoái, trong chuyến ghé thăm Hà Nội, lang thang vào một tiệm tạp hóa trong Phố Cổ, tôi ngắm nghía một cái cây selfie, hỏi cô bán hàng cái này có phải làm ở Việt Nam không, thì cô hàng bĩu môi bảo tôi: “Làm gì có! Việt Nam chả sản xuất được gì hết, bác ơi!”


Ảnh trái: Lech Walesa đã lãnh đạo cuộc đình công của hơn 20.000 công nhân thuộc xưởng đóng tàu Lênin tại thành phố Gdańsk để đòi hỏi quyền thành lập Công Đoàn Độc Lập; và phải: Kịch tác gia Vaclav Havel là linh hồn của Nhóm Hiến Chương 77 và cũng là người lãnh đạo Diễn Đàn Dân sự năm 1989, để khởi động phong trào bất tuân dân sự tại Tiệp Khắc. Nguồn ảnh: Krzysztof Korczyński/Ze Zbiorów & hedailybeast.com; viettan.org edit
Ảnh trái: Lech Walesa đã lãnh đạo cuộc đình công của hơn 20.000 công nhân thuộc xưởng đóng tàu Lênin tại thành phố Gdańsk để đòi hỏi quyền thành lập Công Đoàn Độc Lập; và phải: Kịch tác gia Vaclav Havel là linh hồn của Nhóm Hiến Chương 77 và cũng là người lãnh đạo Diễn Đàn Dân sự năm 1989, để khởi động phong trào bất tuân dân sự tại Tiệp Khắc. Nguồn ảnh: Krzysztof Korczyński/Ze Zbiorów & hedailybeast.com; viettan.org edit.


Các chương một tới ba của “Đông Âu và Việt Nam” có tính cách lịch sử, vẽ lại trình tự thoát Cộng của mỗi trong tám quốc gia gồm Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Romania, Bulgaria, Albania, Nam Tư, và Đông Đức. Đây là kết quả phân tích của tác giả rút ra từ những năm trước và sau biến cố 1989 khi sưu tầm và suy nghĩ về biến cố Đông Âu (mà kết quả là tập sách trên 600 trang, “Đông Âu tại Việt Nam,” do Việt News xuất bản năm 2006); và cập nhật bằng những nghiên cứu về các thành tựu phát triển chính trị, kinh tế và xã hội của các quốc gia này kể từ khi thoát Cộng.
Hai chương quan trọng nhất của tập sách là chương thứ tư và cuối cùng. Trong chương thứ tư, tựa là “Việt Nam trong cơn bão dân chủ tại Đông Âu,” dựa vào nhiều tài liệu gốc (primary source), như hồi ký, diễn văn, hoặc các bài viết của các nhân vật trong cuộc, tác giả trình bày khá chi tiết các phản ứng lúng túng đến hoảng loạn của đảng Cộng Sản Việt Nam trước biến cố Đông Âu; phản ứng của giới trí thức trong và ngoài đảng và của quần chúng; cũng như của tập thể người Việt ở hải ngoại, kể cả các nhóm gọi là Việt kiều có khuynh hướng thân cộng hoặc còn vướng giây mơ rễ má ở Việt Nam. Và trong chương sau cùng, tựa là “Đông Âu hậu Cộng sản và Việt Nam ngày nay,” tác giả cung cấp cho chúng ta những phân tích và đối chiếu về tình hình phát triển của tám quốc gia cựu cộng sản trong 30 năm qua với tình trạng Việt Nam hiện nay.
Có thể nói tập sách “Đông Âu và Việt Nam” là một cuốn sách không thể thiếu đối với người nào còn quan tâm và muốn nắm vững tình hình Việt Nam. Tôi phải cảm ơn tác giả Lý Thái Hùng đã cho tôi cơ hội đọc bản thảo nguyên thủy. Tôi nghĩ đây là một cuốn sách cần được dịch ra tiếng Anh cho các bạn trẻ gốc Việt biết rõ hơn chuyện Việt Nam. Tôi biết có nhiều bạn trẻ gốc Việt có nhu cầu này.
Gấp cuốn sách lại, tất nhiên sẽ có người hỏi: “Thế thì bao giờ Đông Âu xảy ra tại Việt Nam?”
Câu trả lời xin nhường cho độc giả khi đọc tới trang cuối vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét