Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

17056 - Sao không dùng dự trữ ngoại hối trả nợ mà phải ‘vay đảo nợ’?



Rất nhiều nghi vấn đang xoáy vào việc chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc phải cắm mặt vay mượn nước ngoài và trong nước đến 460.000 tỷ đồng, tương đương 20 tỷ USD cho tài khóa năm 2020, nhưng tại sao lại không lấy ngoại tệ trong quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia - vẫn thường được tự hào lên đến hơn 70 tỷ USD - để trả nợ nước ngoài và chi dùng?




Nhưng ngay cả kho dự trữ ngoại hối quốc gia hơn bảy chục tỷ USD cũng chỉ là một khái niệm tạm bợ về mặt an toàn ngoại thương, vì chỉ đáp ứng cho tiêu chí tối thiểu ba tháng nhập khẩu, trong khi còn phải chi trả nợ nước ngoài và chi dùng cho đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức hành chính với ít ra 30% trong số đó là ăn không ngồi rồi và ‘hành là chính’.  

Song lại chẳng có gì chắc chắn và minh chứng cho báo cáo tô hồng của chính phủ về con số trên 70 tỷ USD trên, bởi cho tới nay, Ngân hàng Nhà nước trước sau vẫn chỉ thông tin duy nhất con số này mà không minh bạch bất kỳ chi tiết nào về cơ cấu của quỹ dự trữ ngoại hối - gồm USD, vàng và ngoại tệ chuyển đổi được (SDR). Cũng bởi thế, con số hơn 70 tỷ USD của quỹ này vẫn bị nghi ngờ rất lớn là ‘số ma’, còn thực tế ngoại tệ trong quỹ thấp hơn nhiều.

Hiện thời, ngân sách Việt Nam đang thiếu tiền nghiêm trọng, đặc biệt là thiếu tiền để trả các khoản nợ gốc và lãi nước ngoài lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm, và nhiều khoản nợ đang lao đến kỳ đáo hạn vào những năm 2020 và 2021. Nếu không thể thanh toán cho nhiều khoản nợ đáo hạn này, chính phủ Việt Nam sẽ không thể vay tiếp, mà không vay được tiếp thì càng khốn quẫn trong việc trả nợ.

Người ta có thể tự hỏi vì sao trong rất nhiều năm qua, năm nào chính phủ cũng phải vay nợ từ 15 - 20 tỷ USD, trong đó có một phần  là dạng ‘vay đảo nợ’.

Trước đây, ‘vay đảo nợ’ là cụm từ bị chính quyền xem là ‘nhạy cảm chính trị’ và cấm báo chí nói về nó. Nhưng về sau này khi mạng xã hội phát triển và quá nhiều thông tin nhạy cảm được đăng tải trên mạng xã hội, khái niệm ‘vay đảo nợ’ đã không còn bị xem là cấm kỵ.

‘Vay đảo nợ’ tức vay nợ mới để trả nợ cũ.

Trong nhiều năm qua, thực tế đã được chính giới chuyên gia tài chính nhà nước xác nhận là ngân sách Việt Nam không có ‘tiền riêng’ để trả cho vô số các khoản nợ trong nước và nước ngoài, mà phải cắm đầu vay mượn: ở nước ngoài vay từ Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu, Nhật Bản và một số nước khác, với phần  lớn số tiền vay được dùng để trả nợ cho nợ gốc và lãi; còn trong nước vay từ các ngân hàng thương mại cổ phần, từ quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, và đổi lại là phát hành ‘trái phiếu chính phủ’ để trả nợ, nhưng thực chất trái phiếu này mất giá nhanh theo thời gian và chẳng có gì bảo đảm là sẽ bù đắp vốn gốc cho những chủ nợ.

Hiện thời, nợ nước ngoài của chính phủ - được công bố chính thức - đã vượt quá 100 tỷ USD. Còn nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, cũng hơn 100 tỷ USD. Nếu tính cả phần nợ vay trong nước, tổng nợ công vào thời điểm năm 2019 có thể xấp xỉ 500 tỷ USD, tức gấp hơn hai lần GDP mỗi năm của Việt Nam (gần 500 tỷ USD bao gồm nợ công Việt Nam đã được xác định là 431 tỷ USD vào năm 2016, cộng với nợ tăng thêm mỗi năm khoảng 20 tỷ USD từ năm 2017 đến nay).

Cứ như một vòng xoáy điên đảo dành cho kẻ sắp lao đầu xuống vực thẳm. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét