Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

17086 - Quốc hội họp riêng, họp kín hay họp ‘mafia’?



‘Quốc hội Việt Nam’, nhưng đã từ lâu không còn là của người dân Việt Nam, ngày càng tỏ rõ năng lực quay lưng với hàng chục triệu cử tri khi cố thủ họp riêng, mà về thực chất là họp kín, về tình hình Biển Đông vào ngày 28/10/2019.



Bất chấp một số đại biểu quốc hội trước đó đã phải lên tiếng yêu cầu Quốc hội công khai quan điểm về tình hình Biển Đông và Bãi Tư Chính cho toàn dân biết, cùng phản ứng cần phải có của cơ quan này đối với hành động xâm phạm lãnh hải Việt Nam của Bắc Kinh, cuộc họp kín trên chỉ dành riêng cho giới ‘nghị gật’ và do đảng chỉ đạo toàn diện.

‘Bản lĩnh’ Quốc hội Việt Nam là như thế!

Người ta đã không thể quên rằng nếu trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014 đã xông thẳng vào Biển Đông như một cái tát nổ đom đóm vào mặt Bộ Chính trị đảng Việt Nam, Quốc hội và Nguyễn Thị Kim Ngân đã không há nổi miệng và cũng chẳng hé ra được nghị quyết nào về Biển Đông, thì 2019 còn tồi tệ hơn: trong khi bà Ngân ‘mắt liếc mày cong’ với Tập Cận Bình ở Bắc Kinh về ‘làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện’ và cả một khái niệm cực kỳ trừu tượng và bỉ bôi là ‘đại cục’, cái bóng ma Hải Dương 981 lại hiện hình trên Biển Đông. Nhưng ngay cả thế, từ khi chia tay Tập đến nay, Nguyễn Thị Kim ngân vẫn không thốt nổi một lời về phản đối Trung Quốc.

Trong khi đó, Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc chỉ lặp lại trơn tuột cụm từ “không bao giờ nhân nhượng” đối với vấn đề độc lập, chủ quyền khi ông ta cúi mặt đọc báo cáo trước nghị trường.

Vào kỳ họp tháng 10 - 11 của Quốc hội Việt Nam, người ta chờ đợi xem cơ quan được xem là ‘dân cử tối cao’ này có dám hé răng về một nghị quyết Biển Đông hay không.

Nhưng ngay cả trong trường hợp Quốc hội Việt Nam có trưng ra một nghị quyết về Biển Đông trong kỳ họp tháng 10 - 11 năm 2019, cũng chẳng có gì bảo đảm là trong tờ giấy đó có được cụm từ ‘Bãi Tư Chính’, càng không hy vọng nào rằng tờ giấy ấy sẽ dám đả động cái tên Trung Quốc.

Nhưng trong lúc rụt đầu trước Trung Quốc và cúi đầu trước Bộ Chính trị đảng Việt Nam, Quốc hội lại trở thành đồng lõa cho thể chế chính trị nặng về đàn áp người dân. Nhiều dự án luật quá cấp thiết cho quyền dân như dự luật về hội, dự luật biểu tình, dự luật trưng cầu dân ý… đã được quy định trong Hiến Pháp, nhưng đã bị đảng “treo” từ rất nhiều năm qua, cho đến nay vẫn không được đưa ra Quốc hội để bỏ phiếu thông qua.

Dân gian và giới “nghị gật” cũng nhớ như in là vào Tháng Năm, 2018, chính Nguyễn Thị Kim Ngân đã lạm dụng cái ghế chủ tịch Quốc Hội để át đi tiếng nói phản biện của một ít đại biểu Quốc Hội phản bác dự luật đặc khu bằng lối nói đầy thủ thuật “Bộ Chính Trị đã quyết định về luật đặc khu rồi…”

Không chỉ hành xử khuất tất với dự luật đặc khu mà còn “gật vô thức” với một số vụ khác mang đậm yếu tố lợi ích nhóm như bỏ phiếu cho tăng giá điện, xăng dầu, dịch vụ y tế, với nhiều loại thuế được “kiến tạo” để bóp hầu bóp họng dân chúng,… Quốc Hội đã tự biến nó thành cơ quan không chỉ vô tích sự về công tác phản biện và giám sát, mà còn bị không ít người dân xem là “phản động” – theo đúng nghĩa hành động ngược lại quyền lợi của tuyệt đại đa số nhân dân đã bầu ra nó.

Họp kín về tình hình đối ngoại và biển Đông là cách thức mà giới chóp bu của Quốc hội không muốn người dân và cử tri biết về hành vi khuất tất, thậm chí có thể là hành vi phản bội lại lợi ích dân tộc của giới cầm quyền ở Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà càng về sau này, càng nhiều người dân nói công khai về Quốc hội hoạt động giống như một tổ chức mafia…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét