Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

16858 - Điều tra luận tội Trump: những 'kịch bản' khả dĩ



Bức ảnh Chủ tịch Hạ viện Pelosi chỉ tay vào Tổng thống Trump trong cuộc họp ở Nhà Trắng hôm 17/10.Bản quyền hình ảnhTWITTER/DONALD TRUMP
Image captionBức ảnh Chủ tịch Hạ viện Pelosi chỉ tay vào Tổng thống Trump trong cuộc họp ở Nhà Trắng hôm 17/10.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, anh Ngô Di Lân, nghiên cứu sinh ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ, cho rằng, khả năng cao là ông Trump sẽ bị luận tội nhưng sẽ thoát được việc bị phế truất.
Nhà nghiên cứu trẻ tuổi này nói thêm: "Theo đánh giá của tôi, khả năng Tổng thống Donald Trump bị Quốc hội luận tội là không nhỏ. Cựu Tổng thống Bill Clinton trước đây bị luận tội chỉ vì bê bối cá nhân trong khi uy tín cá nhân của ông ấy lúc đó đang tương đối cao và nền kinh tế Mỹ đang trên đà đi lên.''
"Còn lần này, ông Trump đang đứng trước nguy cơ bị luận tội và thậm chí là phế truất vì cáo buộc đã lạm dụng quyền lực để phục vụ mục đích chính trị của riêng mình. Nếu đúng như vậy, thì đây là tội danh nghiêm trọng hơn rất nhiều, không kém gì Nixon trong vụ Watergate, thế nên sẽ không có gì ngạc nhiên nếu ông Trump bị luận tội," anh Ngô Di Lân nói.
Tuy nhiên, cũng theo nhà nghiên cứu Ngô Di Lân, do hiện nay, đảng Cộng hòa đang nắm đa số trên Thượng viện, nên quá trình luận tội có dẫn đến phế truất hay không thì quả thực rất khó nói, bởi khó để có đủ 2/3 số phiếu nhằm phế truất tổng thống đương nhiệm.
Nhưng mặt khác, cũng phải thấy rằng, tình thế hiện nay đang rất bất lợi cho Tổng thống Trump. Và những Thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống laị việc phế truất ông Trump sẽ cần có lý do rất thuyết phục để biện minh cho lá phiếu của mình.
Khi được hỏi về việc liệu quá trình luận tội lần này có khiến ông Trump chủ động từ chức hay từ bỏ việc tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai, anh Ngô Di Lân cho rằng, do Trump là một chính trị gia vô cùng hiếu thắng, nên việc luận tội sẽ không khiến ông chủ động từ chức hay từ bỏ việc tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai.

Tổng thống Trump đang là đối tượng của một cuộc điều tra luận tội về những cáo buộc rằng, ông đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Ukraine để tăng cơ hội tái đắc cử.Bản quyền hình ảnhEPA
Image captionTổng thống Trump đang là đối tượng của một cuộc điều tra luận tội về những cáo buộc rằng, ông đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Ukraine để tăng cơ hội tái đắc cử.

'Lằn ranh đỏ' của các chính khách Cộng hòa

'Kịch bản' khả dĩ nhất cho quá trình luận tội, do vậy, theo anh Ngô Di Lân, sẽ là "Hạ viện bỏ phiếu thông qua việc luận tội ông Trump và chuyển tiến trình luận tội qua Thượng viện."
"Tại Thượng viện, tôi tin rằng, ông Trump sẽ thoát được việc bị phế truất với một số phiếu vừa đủ. Trong bối cảnh phân cực chính trị trong xã hội Mỹ đang lên đến đỉnh điểm và khoảng cách về ý thức hệ, cũng như lợi ích giữa hai chính đảng ngày càng gia tăng, thì rất khó để một bên 'giúp' bên còn lại giành chiến thắng như vậy được.
"Tôi tin rằng dù nhiều Thượng nghị sĩ Cộng hòa tin rằng việc ông Trump làm là sai trái song họ vẫn đặt việc bảo vệ lợi ích của đảng Cộng hòa trước sự đe dọa từ bên đảng Dân chủ lên trên hết. Nếu như Tổng thống Trump bị phế truất, nội bộ đảng Cộng hòa sẽ rạn nứt và uy tín của đảng này cũng sẽ đi xuống đáng kể. Vì thế, việc bỏ phiếu phế truất ông Trump tại thời điểm này không khác gì đảm bảo một Tổng thống Dân chủ sẽ giành chiến thắng vào năm 2020. Đây là 'lằn ranh đỏ' mà có lẽ đại đa số các chính khách Cộng hòa không sẵn sàng vượt qua."

'Canh bạc' của đảng Dân chủ?


Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry tuyên bố từ chức giữa khi điều tra luận tội ông Trump vẫn đang tiến hành.Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionBộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry tuyên bố từ chức giữa khi điều tra luận tội ông Trump vẫn đang tiến hành.

Trả lời câu hỏi, tại sao đảng Dân chủ lại quyết định điều tra luận tôi, dù họ đã tỷ lệ rất cao gần như chắc chắn rằng, đảng Cộng hòa đang nắm Thượng viện sẽ chặn việc ông Trump bị truất phế, điều này, nhà nghiên cứu Ngô Di Lân cho rằng, ai ở vào vị trí của bà Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ - như hiện nay cũng sẽ làm những điều y hệt như bà ấy đã làm.
Ông Lân phân tích:
"Nếu những gì chúng ta biết về những cuộc gọi điện trao đổi giữa ông Trump và ông Zelensky là đúng thì việc điều tra luận tội là hết sức dễ hiểu. Về việc phe Dân chủ quyết định triển khai quá trình luận tội dù biết đảng Cộng hòa nắm Thượng viện có thể chặn điều này thì có hai điều đáng nói ở đây. Thứ nhất, không ít người tin rằng những việc ông Trump đang làm là 'tày đình,' và vì vậy, dù bên Cộng hòa có muốn bảo vệ ông Trump cũng khó. Nói cách khác, dù bên Cộng hòa nắm Thượng viện nhưng vẫn có một khả năng nào đó, dù rất nhỏ, là vẫn sẽ đủ 2/3 phiếu ở Thượng viện để phế truất ông Trump.''
"Thứ hai, có thể họ cho rằng đây là một cách tốt để 'bôi xấu' bên Cộng hòa, bằng cách cho thấy những người này đang bảo vệ ông Trump bằng mọi giá. Điều này có thể sẽ giúp bên Dân chủ thuyết phục những cử tri trung dung ở các bang 'chiến trường' như Ohio, Pennsylvania hay Florida bỏ phiếu cho ứng viên của đảng Dân chủ vào kỳ bầu cử 2020."
Do đây là việc phe Dân chủ bắt buộc phải làm tại thời điểm này, nên kể cả ông Trump không bị phế truất đi nữa thì cũng không có gì là tồi tệ cả, nhà nghiên cứu này phân tích tiếp.
Theo đó, "kịch bản xấu duy nhất là cuộc bỏ phiếu dưới Hạ viện thất bại bởi chính các Hạ nghị sĩ Dân chủ không bỏ phiếu để đưa quá trình này lên Thượng viện. Tuy nhiên tại thời điểm này, tôi không nghĩ đấy là một kịch bản thực tế."

Tổng thống Trump bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTT Trump bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ông Trump tuyên bố, đàm phán thương mại giữa hai nước đã đạt thỏa thuận giai đoạn một.

Không chỉ là chuyện của nước Mỹ

Tất nhiên, chuyện nội bộ nước Mỹ sẽ không chỉ ảnh hưởng trong vòng nước Mỹ. Nội bộ nước Mỹ rối ren bao nhiêu thì sẽ càng tốt cho các đối thủ của họ bấy nhiêu bởi thay vì tập trung sức lực và tâm trí cho những cuộc đấu trí ở bên ngoài, các lãnh đạo chóp bu của chính quyền Trump sẽ phải dành nhiều thời gian để bảo vệ sự nghiệp chính trị và quyền lực của chính mình.
Hơn thế, tình hình thế giới hiện nay đang có nhiều điểm nóng. Chẳng hạn, tình hình Bắc Syria mà nhà báo Jeremy Bowen, thuộc BBC cho rằng đây là "thời khắc thảm họa với chính sách Trung Đông của Hoa Kỳ".
Trong khi đó, đàm phán thương mại để có thể chấm dứt thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc với một thỏa thuận giai đoạn 1 được hai bên tuyên bố là đã đạt được, nhưng theo báo Wall Street Journal là hãy 'còn rất mờ mịt."
Nhà nghiên cứu Ngô Di Lân phân tích thêm:
"Nhiều khả năng các nước đang đàm phán với Mỹ hiện nay như Trung Quốc hay Triều Tiên sẽ chọn trì hoãn và kéo dài tiến trình đàm phán với Hoa Kỳ để chờ một tổng thống tiếp theo mềm mỏng hơn ông Trump. Tuy nhiên, cũng có khả năng là những nước này sẽ thừa cơ hội lúc ông Trump đang cần hướng sự chú ý của dư luận trong nước ra khỏi vấn đề luận tội hiện nay để 'ra giá'chính quyền Trump và kết thúc các cuộc đàm phán theo chiều hướng có lợi cho họ."
"Cá nhân tôi cho rằng, khi nội bộ nước Mỹ bị rối ren, nước Mỹ sẽ suy yếu và khi nước Mỹ suy yếu, các điểm nóng xung đột sẽ trở nên bất ổn hơn. Cục diện giữa các nước lớn sẽ không thể thay đổi trong một sớm một chiều nhưng các đối thủ của Mỹ hòan toàn có thể nhân cơ hội chính quyền hiện nay đang bị phân tâm để 'nắn gân' Mỹ và gia tăng sức ảnh hưởng của mình ở mọi nơi có thể," nhà nghiên cứu trẻ này nhấn mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét