Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

16851 - Điều vô lý



"Người ta" đang thăm dò dư luận, coi phản ứng về cách xử lý miếng gân gà BOT Cai Lậy. Họ muốn dân thông qua phương án mở thêm BOT nữa trên đường tránh, và họ tiếp tục thu phí trên BOT Cai Lậy với mức khác, ra cái vẻ đã tính toán, xem xét hợp lý, chú ý đến quyền lợi của dân.

Dù mưu mẹo cách nào chăng nữa thì rốt cục họ cũng không chịu nhả BOT Cai Lậy, muốn "thắng dân", muốn duy trì sự trấn lột vô lý.

Cần nói rõ, nhà nước và nhà đầu tư có quyền lập BOT mới trên tuyến tránh để thu phí theo quy định. Họ bỏ tiền ra làm đường mới thì người chạy xe trên đó phải có nghĩa vụ nộp phí. Chẳng ai cho không nhau thứ gì. Nhà đầu tư cũng vậy. Dân không muốn trả thì đừng đi vào đó. Vậy thôi.


Tuy nhiên, BOT Cai Lậy thì dứt khoát phải bị dẹp, không được tiếp tục thu nữa. Nếu Bộ GTVT và nhà đầu tư lý sự rằng thu nhằm hoàn vốn số tiền 300 tỉ đồng (con số rất đáng ngờ này do nhà đầu tư tự nêu ra) sửa chữa, vá víu, san lấp ổ gà, mở rộng vài nơi trên quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy, là không thể chấp nhận. 

Trước hết, việc sửa chữa, mở rộng quốc lộ 1 là việc của nhà nước, bởi đây là con đường cũ, đã có từ lâu, bảo dưỡng và sửa chữa nó do ngân sách chi trả. Dân và các doanh nghiệp nộp thuế để lấy ngân sách thực hiện điều này, chứ không thể bảo mượn tạm tiền của nhà đầu tư làm, rồi lại xoay qua móc túi dân. 300 tỉ đồng ấy, nếu đúng là dùng vào việc trên, thì cơ quan nhà nước cần tiến hành kiểm tra lại thực địa, kiểm toán phù hợp, nếu hết bao nhiêu thì nhà nước trả lại cho nhà đầu tư, tất nhiên cần cấn trừ số tiền mà họ đã thu phí một thời gian. Thế mới là hợp lý. Không được tùy tiện thu của dân, coi dân như cái mỏ vô tận, lấy đủ mọi cách. Không thể cứ hễ thiếu tiền là thò tay vào túi dân, móc túi dân. Không thể dân thì trả tiền, còn tài sản, công lao, danh tiếng… lại thuộc về nhà nước và nhà đầu tư.


Cũng xin nêu ra đây vài trường hợp tương tự. Trên quốc lộ 51 đi Vũng Tàu, xưa kia có cây cầu Cỏ May, lưu thông hai chiều, dân không phải trả phí. Còn từ Sài Gòn đi Biên Hòa cũng vậy, có cây cầu Đồng Nai, lưu thông hai chiều, không phí phiếc gì. Nhà nước lấy lý do mở rộng, làm cầu mới, giao cho nhà đầu tư ứng vốn ra làm. Cầu cũ biến thành một chiều, ai đi qua cầu mới phải trả tiền. Thế là dân thiệt cả đôi đường. Cầu cũ miễn phí thì không được dùng (bởi đã phân luồng một chiều), còn đi cầu mới phải mất tiền. Thực chất cầu mới này cũng làm bằng tiền của dân (trả dần), nhưng chả ai coi đó là tiền dân bao giờ, chỉ nói đó là của nhà đầu tư và nhà nước. Công thì nhà nước và nhà đầu tư nhận, tiền thì dân gánh.


Vô lý ở xứ này là vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét