Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

16916 - Trung Quốc: Tứ cố vô thân (Phần 2)


Bên cạnh những thách thức về kinh tế trong nước, Tập Cận Bình còn phải đối mặt với một nước Mỹ đang nhanh chóng mở rộng khả năng quân sự. Không dừng ở đó, ông Tập cũng phải đối mặt với các khả năng quân sự ngày càng mở rộng của Nhật Bản, Đài Loan và Philippines.
  
Những luận điểm chính
-Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối mặt với những thách thức về kinh tế trong nước.
-Ông cũng phải đối mặt với một nước Mỹ được tiếp thêm sinh lực, đang nhanh chóng mở rộng khả năng quân sự.
-Đồng thời, ông cũng phải đối mặt với các khả năng quân sự ngày càng mở rộng của Nhật Bản, Đài Loan và Philippinesnhững dấu hiệu cho thấy những quốc gia này mong muốn Mỹ quay trở lại lãnh thổ nước mình.
-Xét tình hình đó, Chủ tịch Tập Cận Bình có rất ít sự lựa chọn thay thế ngoài việc chuyển hướng sang Nga và Tổng thống Putin để tìm kiếm sự giúp đỡ về quân sự và chính trị.
Tóm tắt
Phần 1 của bài viết này đã lưu ý rằng Tổng thống Trump có thể đẩy các kế hoạch tăng trưởng của Trung Quốc vào vùng nguy hiểm, khi ông yêu cầu nước này phải chấp nhận mối quan hệ công bằng, bình đẳng và mang tính giao dịch với Mỹ. Cuộc chiến thương mại hiện nay xuất phát điểm từ yêu cầu của Tổng thống Trump khi ông cho rằng các thỏa thuận song phương liên quan đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và quyền tiếp cận của các công ty Mỹ tới thị trường Trung Quốc phải được quy định trong luật pháp, một yêu cầu mà Trung Quốc không thể thực hiện. Tăng trưởng của Trung Quốc dựa trên việc tiếp thu tri thức công nghệ, thông qua cách thu mua, thành lập công ty liên doanh hoặc thậm chí là đánh cắp một cách trắng trợn. Do đó, việc Mỹ có được một sự đảm bảo chắc chắn như vậy sẽ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và thậm chí cho họ thêm cơ hội để cạnh tranh với các công ty Trung Quốc.
Phân tích
Tuy nhiên, chính việc Bắc Kinh từ chối đưa ra một sự đảm bảo như vậy đã dẫn đến hậu quả là một cuộc chiến thương mại nhấn chìm cả hai nước,và nền kinh tế Trung Quốc vẫn phải hứng chịu một tác động tàn phá đặc biệt hơn cả. Như một báo cáo chỉ ra: “Sản lượng công nghiệp – một thước đo sản lượng của các ngành công nghiệp trong nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm chế tạo, khai thác và dịch vụ tiện ích – đã tăng 4,8% trong tháng 7/2019. Con số này giảm từ mức 6,3% trong tháng 6/2019, và tăng so với mức 5,0% trong tháng 5/2019”. Báo cáo này lưu ý thêm rằng: “Bán lẻ, thước đo chủ chốt để đánh giá mức tiêu thụ của quốc gia đông dân nhất thế giới này, đã tăng 7,6% trong tháng 7/2019, giảm từ mức tăng 9,8% trong tháng 6, và thấp hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế học là 8,6%”.
Doanh số bán lẻ hàng tháng của Trung Quốc đã giảm. Cần phải lưu ý rằngTổng thống Trump đang đưa ra cấu trúc áp thuế 2 mức đối với hàng hóa của Trung Quốc, một là mức thuế 10% từ ngày 1/9/2019 và mức thứ hai là 15% bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/12/2019. Mặc dù việc ông quyết định trì hoãn quyết định áp thuế này cho đến tháng 12/2019 ban đầu được báo cáo đánh giá như một dấu hiệu cho thấy sự nhượng bộ, nhưng giờ đây việc thực thi khoản thuế bổ sung đó sẽ diễn ra một cách đứt quãng, với 130 tỷ USD giá trị hàng hóa sẽ bị áp thuế trong tháng 9/2019 và phần còn lại là 155 tỷ USD sẽ bắt đầu bị áp thuế vào ngày 15/12/2019.
Mối đe dọa lớn hơn đối với Trung Quốc là việc họ có khả năng đánh mất vị thế công xưởng của thế giới. Các nhà cung cấp công nghệ đang rời khỏi Trung Quốc và các chuỗi logistic bị gián đoạn khi Mỹ tìm cách chia tách nền kinh tế nước này khỏi Trung Quốc. Châu Âu sẽ không bù đắp được khối lượng hàng hóa xuất khẩu đang ngày càng giảm sang thị trường Mỹ, vì nền kinh tế Đức đang giảm tốc, gần tiến tới tình trạng suy thoái và có khả năng kéo nền kinh tế trong Khu vực đồng euro suy giảm theo. Hơn nữa, Liên minh châu Âu (EU) nhìn nhận Trung Quốc là “một đối thủ về kinh tế đang theo đuổi vị trí lãnh đạo công nghệ và một kẻ thù mang tính hệ thống đang thúc đẩy các mô hình cai trị thay thế”.
Chúng ta phải thẳng vào vấn đề là nền kinh tế Trung Quốc hiện đang ở trong tình trạng vô cùng khó khăn. Như Giáo sư Hướng Tùng Tộ đến từ Đại học Tài chính Nhân dân Trung Quốc và là cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, lưu ý trong bài phát biểu vào ngày 16/12/2018 có tên “Một sự thay đổi lớn chưa từng thấy trong 40 năm qua” (bài phát biểu này vẫn bị kiểm duyệt ở Trung Quốc) rằng: “Như tất cả mọi người biết, năm nay, nền kinh tế Trung Quốc đã suy giảm. Năm 2018 là một năm không bình thường đối với chúng ta, với rất nhiều điều đã diễn ra. Nhưng chủ yếu là tình trạng suy giảm kinh tế. Mọi chuyện tồi tệ đến mức nào? Con số tăng trưởng GDP mà Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) đưa ra là 6,5%, nhưng chỉ mới ngày hôm qua, một nhóm nghiên cứu thuộc một tổ chức lớn đã công bố một bản báo cáo nội bộ. Bạn có thể đoán được tốc độ tăng trưởng GDP mà họ sử dụng số liệu của NBS không? Họ sử dụng 2 loạit hước đo. Với thước đo thứ nhất, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2018 là 1,67%. Và theo cách tính khác thì tỷ lệ tăng trưởng ở mức âm”.
Phải xem xét bài phát biểu này kết hợp với bài viết có tên “Những nỗi sợ sắp xảy ra, những niềm hy vọng trước mắt” của Hứa Chương Nhuận, Giáo sư ngành Luật học và Luật Hiến pháp tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. Trong bài viết cho Viện Kinh tế Unirule, Giáo sư Hứa Chương Nhuận đã chỉ trích con đường chính trị hiện nay của Trung Quốc. Bài phát biểu của Hướng Tùng Tộ và bài viết của Hứa Chương Nhuận cho thấy tình trạng kinh tế và chính trị khó khăn hiện nay của Trung Quốc – và sự bất mãn đang ngày càng tăng ở Trung Quốc đối với việc Chủ tịch Tập Cận Bình quay trở về chủ nghĩa chuyên chế của Mao Trạch Đông.
Quyền cai trị Trung Quốc của ĐCSTQ dựa trên một khế ước xã hội với người dân Trung Quốc, tuyên bố rằng ít nhiều ĐCSTQ sẽ đảm bảo rằng công dân phát triển thịnh vượng hơn; về phần mình, công dân sẽ ủng hộ ĐCSTQ. Nếu đảng không thể tuân thủ khế ước đó, bất chấp chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng lớn mạnh ở Trung Quốc, thì vẫn phải xem họ sẽ kháng cự như thế nào, chẳng hạn, qua sự bất mãn công khai với chính quyền đang thể hiện ở Hong Kong và thái độ bất mãn đó đang lan tới những nơi khác, ví dụ như Macau. Hơn nữa, nếu tình trạng suy thoái toàn cầu xảy ra, thì kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 20% GDP nước này, sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt. Dù thế nào, Trung Quốc cũng sẽ chịu tác động trước sự suy thoái của Mỹ, điều được dự báo sẽ xảy ra vào cuối năm 2021.
Tóm lại, tình hình kinh tế ảm đạm đối với Chủ tịch Tập Cận Bình dường như chỉ cho thấy những dấu hiệu của việc ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Thật đáng tiếc cho Chủ tịch Tập Cận Bình, những tin xấu chưa dừng lại tại đây. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump dường như đã nhận ra tình trạng bất lợi về mặt quân sự khi mà họ phải cạnh tranh với Trung Quốc và giờ đây đang thực hiện những bước đi cần thiết nhằm vô hiệu hóa mọi lợi thế mà Trung Quốc có thể đạt được. Năm 2019, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà họ đã ký kết với Liên Xô là một ví dụ cho thấy những bước đi này. Theo điều khoản của INF, Mỹ và Liên Xô sẽ phá hủy các tên lửa hành trình đặt trên mặt đất với tầm phóng từ 500-1.000 km (tức là các tên lửa hành trình tầm ngắn) và từ 1.000-5.500 km (tên lửa hành trình tầm trung). Hiệp ước này cũng cho phép xác minh tại chỗ để đảm bảo rằng các tên lửa này đã được phá hủy và không có gì thay thế. Mỹ rút khỏi hiệp ước này được cho là vì Nga (nhà nước kế nhiệm Liên Xô, được thừa hưởng các hiệp ước cũ) đã vi phạm điều khoản của hiệp ước khi chế tạo tên lửa hành trình tầm trung Novator 9M729 (NATO gọi là SSC-8).
Trung Quốc không bị ràng buộc với những sự hạn chế đó vì họ không phải một bên ký kết hiệp ước hoặc thậm chí còn bị coi là mối đe dọa khi hiệp ước trên có hiệu lực, mà vẫn chế tạo tên lửa có tầm phóng nằm trong giới hạn mà INF đã đề ra. Do đó, mọi động thái của Mỹ nhằm nhem nhóm việc tiến hành một cuộc chiến gần Trung Quốc đại lục đều gặp nguy hiểm bởi Trung Quốc có khả năng tấn công các lực lượng của Mỹ trong khi họ vẫn ở trên biển và quá xa để có thể triển khai một cuộc tấn công. Trong bối cảnh này, họ đã sở hữu tên lửa tầm trung DF-21D, được gọi là “sát thủ tàu sân bay”, và tên lửa tầm trung DF-26, với biệt danh là “Tên lửa siêu tốc Guam” vì nó có khả năng tiêu diệt các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương, như Căn cứ Không quân Andersen trên Vịnh Guam. Tên lửa DF-21D với tầm phóng trên 2.000 km có thể tấn công tàu sân bay của Mỹ trước khi chúng có thể chuyên chở máy bay trong tầm hoạt động để tiến hành các cuộc tấn công của mình. Điều đó khiến các lực lượng của Mỹ rơi vào tình thế bất lợi rõ ràng và nguy cơ thất bại ở mức cao.
Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF vào ngày 2/8/2019, và ngay lập tức tiến hành phóng thử một tên lửa hành trình từ mặt đất vào ngày 18/8. Vụ thử đó đã gây ra phản ứng không hề bất ngờ từ phía Trung Quốc. Họ tuyên bố rằng vụ thử này “hoàn toàn cho thấy ý định thực sự của việc Mỹ rút khỏi hiệp ước, nhằm khiến hiệp ước này không còn ràng buộc họ để họ có thể dốc toàn sức phát triển các tên lửa tối tân và đơn phương tìm kiếm sức mạnh quân sự. Động thái này của Mỹ chắc chắn sẽ châm ngòi cho một đợt chạy đua vũ trang mới và dẫn đến tình trạng đối đầu quân sự leo thang, điều mà có thể tác động tiêu cực đến an ninh quốc tế và khu vực”.
Trung Quốc đã đúng khi lo lắng về vụ thử này. Trên thực tế, họ đã lo lắng đến mức phải kết nhóm với một người bạn đáng tin cậy mới – Nga – để yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giải quyết việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, viện dẫn “những mối đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế” và “các tuyên bố của quan chức Mỹ về kế hoạch phát triển và triển khai các tên lửa tầm trung”. Tên lửa mà Mỹ phóng thử có khả năng rất khác so với những tên lửa được chế tạo khi Hiệp ước INF được ký kết 30 năm trước. Theo một nguồn tin cho biết, tên lửa này “có thể nhắm lại mục tiêu khi đang phóng, có thể bay vòng quanh thăm dò, có hệ thống điều hướng và nhắm mục tiêu cuối cùng tiên tiến hơn, và có thể tấn công các mục tiêu đang di chuyển như tàu thuyền. Không nói đến việc tất cả các đặc điểm này là cần thiết đối với một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất mới, nhưng chắc chắn chúng sẽ cải thiện được khả năng linh hoạt của hệ thống và có thể cho phép sử dụng đầu đạn hạt nhân với mức độ nổ thấp hơn khi nhắm vào những mục tiêu cố định”.
Sau vụ thử này, Lầu Năm Góc phát biểu ngắn gọn rằng: “tên lửa phóng thử rời khỏi thiết bị phóng di động trên mặt đất và tấn công chính xác mục tiêu sau hơn 500 km bay. Dữ liệu thu thập được và bài học rút ra từ vụ thử này sẽ cung cấp thông tin để Bộ Quốc phòng phát triển các khả năng tên lửa tầm trung trong tương lai”. Việc nhắc đến “các khả năng tên lửa tầm trung trong tương lai” dường như hàm ý rằng Bộ Quốc phòng sẽ lên kế hoạch gia tăng số lượng và chủng loại tên lửa tầm trung trong kho vũ khí của họ. Mặc dù thông báo đó khiến Trung Quốc phải dừng lại để suy nghĩ, nhưng tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper rằng ông “muốn triển khai tên lửa thông thường tầm trung trong khu vực Thái Bình Dương trong vòng vài tháng” khiến Bắc Kinh quan ngại hơn. Mark Esper nói thẳng thừng rằng vụ thử này nhằm mục đích gửi đến Trung Quốc, chứ không phải Nga, một thông điệp rằng: “Chúng tôi muốn làm rõ, nếu cần, rằng chúng tôi có khả năng ngăn chặn các hành động sai trái của Trung Quốc bằng việc sở hữu khả năng tấn công tầm trung của riêng mình”.
Ông Esper tiếp tục nói rằng mặc dù Mỹ “có khả năng sẽ cần thời gian để phát triển thêm các khả năng tên lửa mặt đất tiên tiến… nhưng không sớm thì muộn chúng tôi sẽ triển khai khả năng này”. Thêm vào đó, một số ước tính của Lầu Năm Góc cho thấy họ có thể phóng thử tên lửa hành trình với tầm phóng khoảng 1.000 km trong tháng 9/2019 và sẵn sàng triển khai trong vòng 18 tháng. Nếu Mỹ sở hữu khả năng đó,họ sẽ làm giảm đáng kể khả năng phá hoại tiềm tàng của lực lượng tên lửa Trung Quốc, vì 80% số lượng tên lửa của nước này là tên lửa tầm trung.
Yue Gang, Đại tá Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã nghỉ hưu, nói: “Điều Washington đã làm đối với Hiệp ước INF là một đòn giáng có tính hủy diệt cao vào một trong những trụ cột cuối cùng của chế độ kiểm soát vũ khí quốc tế và nó sẽ phá vỡ cán cân quân sự mong manh giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh và chắc chắn sẽ dẫn đến một đợt chạy đua vũ trang mới”.
Mặc dù lập luận đó có giá trị, nhưng dường như Đại tá Yue Gang thận trọng khi không cho rằng kế sách của Trung Quốc đơn giản là tham gia một hiệp ước tương tự về tên lửa tầm trung với Mỹ và có thể phủ nhận động thái theo định hướng đó của Washington.
Hơn nữa, Mỹ bắt đầu tìm kiếm những địa điểm để lắp đặt tên lửa ở châu Á. Mặc dù Úc đã tuyên bố rằng họ sẽ không tiếp nhận tên lửa của Mỹ, nhưng điều đó có vẻ không rõ ràng. Ngoài ra, Mỹ có thể đặt tên lửa tại các căn cứ của họ tại Vịnh Guam và có khả năng là Okinawa, Nhật Bản, và Philippines, nếu các tư lệnh có thể làm điều đó. Các tên lửa của Mỹ, có tầm tấn công gần 1.000 km, cũng có thể được phóng từ các tàu nổi và tàu ngầm mà ít lo sợ bị trả đũa hơn.
Những khó khăn của Chủ tịch Tập Cận Bình không dừng lại với Mỹ. Ngay cả Nhật Bản, vốn nhìn nhận việc Trung Quốc đã xâm phạm không phận và lãnh hải nước này mới đây với một sự lo sợ nhất định, đã bắt đầu củng cố khả năng phòng thủ của riêng mình. Trong vài năm qua, họ đã mở rộng và củng cố các căn cứ không quân và lực lượng bảo vệ bờ biển ở Okinawa, vốn là nơi có căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tiếp nhận hàng chục nghìn binh lính Mỹ. Tokyo cũng đã thành lập Lữ đoàn đổ bộ triển khai nhanh gồm khoảng 2.100 quân, được huấn luyện để bảo vệ và giành lại các hòn đảo của Nhật Bản bị xâm lược, và thiết lập các căn cứ quân sự trên những hòn đảo xa xôi hơn trải dài đến Đài Loan. Được gọi là “bức tường Tây-Nam”, những căn cứ này là nơi đóng quân của các quân nhân và là nơichứa tên lửa nhằm bảo vệ lãnh thổ, không phận và lãnh hải Nhật Bản. Lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật Bản xây dựng hai căn cứ mới trên đảo Miyako và Amami hồi tháng 3/2019 làm nơi đóng quân cho hơn 800 người, các tên lửa đất đối không và chống hạm cũng nhưcác thiết bị thu thập tin tức tình báo. Một căn cứ nhỏ hơn được xây dựng trên đảo Yonaguni vào năm 2016 và một căn cứ khác được lên kế hoạch xây dựng trên đảo Ishigaki vào năm 2021.
Tổng thống Trump đã làm Chủ tịch Tập Cận Bình lo lắng hơn bằng việc chấp thuận bán máy bay chiến đầu F-16 cho Đài Loan trong một thỏa thuận trị giá 8 tỷ USD. Việc Mỹ bán 66 chiếc máy bay chiến đấu F-16V phiên bản tối tân nhất, bên cạnh quyết định bán xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams và các tên lửa phòng không cho Đài Loan, ước tính có giá trị trên 2,23 tỷ USD.
Ở Philippines, bất chấp việc công khai chỉ trích Mỹ, Tổng thống Rodrigo Duterte đã cho phép xây dựng một cơ sở quân sự của Mỹ tại một căn cứ Không quân của Philippines ở tỉnh Pampanga, phía Bắc Manila, theo điều khoản của Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường. Một vài cơ sở quân sự khác của Mỹ cũng đang được xây dựng, dẫn đến lời suy đoán rằng Mỹ đang được mời quay trở lại Philippines một cách kín đáo. Dù thế nào, giới quan chức quốc phòng của Manila cũng đang nhìn Bắc Kinh với một ánh mắt nghi ngờ ngày càng tăng và thể hiện thái độ thiện chí với Washington – ít nhất là vào thời điểm hiện nay.
Các đối thủ trong và ngoài khu vực dường như đang “giúp” tăng cường và củng cố các chuỗi đảo của Trung Quốc. Xét tình hình này, Chủ tịch Tập Cận Bình hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển hướng sang đối thủ của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin, để tìm kiếm sự giúp đỡ về chính trị và quân sự. Ông đã làm đúng điều đó. Để phô diễn lực lượng, gần đây hai nước đã tiến hành hoạt động tuần tra chung trên không và Trung Quốc đã tham gia các cuộc tập trận Vostok của Nga hồi đầu năm 2019.
Tuy nhiên, phần cuối của bài viết này sẽ cho thấy mối quan hệ này hoàn toàn dựa trên sự cần có nhau, với Mỹ là đối thủ chính. Ngoài nhân tố đó, hầu như hai nước không có điểm chung nào. Do đó, nhiều khả năng quan hệ Trung-Nga sẽ thất bại thay vì thành công. 
Tác giả bài viết là Lindsay Hughes, một nhà nghiên cứu cao cấp trong Chương trình Nghiên cứu Ấn Độ - Thái Bình Dương tại tổ chức Định hướng tương lai Quốc tế. Bài viết được đăng tải trên trang web của Future Directions International.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét