Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

16863 - Cảnh sát giao thông ngày càng lạm quyền?




Cảnh sát giao thông Việt Nam.

Lạm quyền - Kiếm chác
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết nhằm giảm tai nạn giao thông, từ nay đến cuối năm, CSGT TP.HCM sẽ kiểm tra tất cả các xe lưu thông trên đường vào ban đêm, từ 7 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau đối với tất cả các xe tham gia giao thông, đặc biệt là kiểm tra đối với người đi xe máy, xe tải, xe khách, container...
Trong khi đó, Bộ Công an lại đang xây dựng dự thảo thay thế Thông tư 01/2016 với nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung, trong đó có quy định CSGT chỉ được dừng xe để kiểm soát trong 4 trường hợp thay vì 5 trường hợp như trước đây.
Thứ nhất, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Thứ hai, thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện, kế hoạch, phương án TTKS, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ ba, có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
Thứ tư, tin báo, phản ánh, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Có ý kiến về vấn đề này, bác sĩ Đinh Đức Long nói với RFA vào hôm 17/10:
Thứ nhất chuyện này giờ họ nói công khai nhưng thực tế họ làm từ lâu rồi. Không phải giờ họ mới làm đâu. Bây giờ họ mới vừa làm vừa nói ra thôi.
Thứ hai nói giảm tai nạn giao thông thì họ có thống kê chưa? Tai nạn giao thông ban đêm nhiều hay ban ngày nhiều? Ban đêm vắng người thì làm sao tai nạn nhiều hơn ban ngày được?
Thứ ba nữa là họ làm ban đêm như vậy thì lấy gì, cơ sở nào, ai giám sát quyền lực của họ nếu lúc bấy giờ chỉ có một người dân đơn thuần với một đội ngũ công an được trang bị tận răng thì chuyện lạm quyền là điều khó tránh.”
Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ TPHCM, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019 đã có hơn 2.560 vụ tại nạn giao thông khiến hơn 460 người chết và bị thương gần 1.800 người.
Còn theo thông tin từ Bộ Công an, từ năm 2009 đến tháng 5 năm 2019, toàn quốc xảy ra hơn 326.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết gần 98.000 người, bị thương gần 330.000 người.
Như vậy, bình quân mỗi năm có gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Ông Minh Đức, chủ một cơ sở vận tải nhỏ ở TP.HCM nêu ý kiến:
“Về chủ trương (giảm tai nạn giao thông - pv) thì nó là tốt, là đúng, nhưng phía sau nó, với thực tế tình hình giao thông và tình hình cảnh sát giao thông ở Việt Nam thì đó là cơ hội để CSGT lạm quyền và tư lợi. Nếu cho phép CSGT dừng xe bất kể lý do gì thì đó là cơ hội cho họ lạm quyền, cho họ tư lợi - mà tiếng dân dã mình gọi là kiếm chác - đối với người tham gia giao thông.”
Lấy cớ để hạch sách dân?
Theo ghi nhận của RFA, đa số người dân đều phản ứng với những thay đổi được đề xuất hay áp dụng với lực lượng CSGT, bởi một thực tế là người dân không còn tin vào lực lượng này nữa.
Một đề xuất mới đây nhất về việc trang bị vũ khí sát thương như súng trường, súng tiểu liên  cho CSGT, đã bị nhiều người phản ứng khi họ cho rằng đó chỉ là cách duy trì quyền lực cho đảng cộng sản, bởi công an để bảo vệ đảng, và chính phủ luôn coi dân như lực lượng chống đối.
Lúc đó, luật sư Đặng Đình Mạnh đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của ông rằng đề nghị của Bộ công an là thái quá vì từ hồi nào giờ chưa thấy có sự chống đối nào của người dân với lực lượng cảnh sát hay chính quyền tới mức độ phải sử dụng tiểu liên cả. Vậy trang bị tiểu liên cho cảnh sát giao thông không thích hợp với môi trường xã hội hiện nay.
Nay, với thông tin từ giờ đến cuối năm, CSGT sẽ tăng cường tổng kiểm tra tất cả các xe trên đường vào ban đêm nhằm làm giảm tai nạn giao thông, cô Trang, một người dân TP.HCM lên tiếng phản đối ngay. Cô cho rằng mục đích chính là để lực lượng này “kiếm tiền”:
Tôi không đồng ý chuyện tự nhiên chặn xe như vậy nếu mình không có vi phạm gì. Nếu muốn giảm tai nạn giao thông thì bổ sung những phương tiện khác cho dân đi, như xe buýt chẳng hạn. Gần Tết nó đưa vụ này ra để nó kiếm tiền thôi!
Bác sĩ Đinh Đức Long cũng nhận định đây là cơ hội để họ lạm dụng quyền lực vì không có cách nào người dân có thể giám sát quyền lực của họ khi chỉ có người dân đối mặt với lực lượng chức năng vào đêm hôm như thế. Ông cho biết mình từng là nạn nhân của CSGT, và buộc lòng phải “hối lộ” để khỏi trễ chuyến bay trong một lần đi khám bệnh từ thiện và bị CSGT chặn lại không lý do trên đường từ nhà ra phi trường Tân Sơn Nhất. Ông kết luận:
Thật ra, họ lấy cớ này để trang bị vũ khí thêm cho họ nhằm tăng khả năng kiểm soát và đàn áp người dân. Một trong những nguyên nhân họ làm như vậy là vì họ sợ hiệu ứng Hong Kong.
Từ năm 2013, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam đã công bố Kết quả khảo sát về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng. Báo cáo cho biết “Tham nhũng tăng lên trong hai năm qua, trong đó cảnh sát vẫn là lĩnh vực có mức độ tham nhũng nhiều nhất”.
Nói đến ngành công an thì CSGT không là ngoại lệ với những nhũng nhiễu, vòi tiền người tham gia giao thông ngay cả khi họ không vi phạm lỗi gì.
Một trong những vụ nổi cộm là tháng 3 năm 2018, một video clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hình ảnh người vi phạm giao thông rút trong ví ra các tờ giấy có hình thù, màu sắc giống các tờ tiền mệnh giá 100.000 - 200.000 đồng hoặc cầm trên tay đưa trực tiếp và nhét vào tập hồ sơ của cảnh sát giao thông.
Lực lượng cảnh sát giao thông trong clip có hành vi tiếp nhận các tờ giấy giống tiền nói trên bằng cách để yên cho người vi phạm nhét vào tập hồ sơ hoặc nhận trực tiếp bằng tay và rút các tờ này từ tập hồ sơ mang cất đi…
Vụ này khiến 26 cán bộ từ cấp chỉ huy trở xuống trong lực lượng CSGT bị đình chỉ công tác để điều tra.
Ông Minh Đức nêu trường hợp của mình và nói rõ, CSGT không bao giờ lấy được tiền của ông vì ông không bao giờ vi phạm lỗi gì, thế nên họ kiếm tiền bằng cách khác:
“Tôi bị rồi, ban đêm tôi đi về, đường vắng nó ngoắc vô. Tôi hỏi có vấn đề gì không, nó nói ‘xin tiền uống cà phê thôi’. Tôi móc 50 ngàn hoặc 100 ngàn cho nó. Khi mở miệng xin tiền uống cà phê tôi sẵn sàng cho!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét