Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

16837 - Vì sao tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tấn công người Kurdistan-Syria




Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại một phiên họp của đảng AKP tại Ankara ngày 10/10/2019. Murat Kula/Presidential Press Office/Handout via REUTERS


Bất chấp khuyên can của các đồng minh truyền thống từ Mỹ cho đến châu Âu và các nước Ả Rập, ngày 09/10/2019, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh cho quân đội tấn công vào miền bắc Syria để « tiêu diệt khủng bố », lực lượng FDS Kurdistan-Syria. Động cơ nào, lợi ích quốc gia hay tham vọng cá nhân, thúc đẩy tổng thống Erdogan sử dụng vũ lực ? Giới phân tích tiên đoán trong ván cờ ngoại giao phiêu lưu này, Ankara sẽ bị tổn hại nặng.
Ngày 14/10/2019, tác giả bài xã luận của nhật báo Sabah, một trong những tờ báo phản ảnh lập trường của liên minh Hồi Giáo và bảo thủ cầm quyền phóng bút : « Thổ Nhĩ Kỳ đang viết một trang sử mới thách thức cả thế giới. Chúng ta đã kéo nước Nga về phía chúng ta, chúng ta trói tay châu Âu với vấn đề người tị nạn, và cuối cùng buộc Mỹ phải rút khỏi miền đông bắc Syria ».
Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tổng thống Erdogan khẳng định chiến dich quân sự sẽ mang lại « hoà bình và an ninh khu vực ».
Trên thực tế, theo nhật báo Pháp Le Monde, chiến dịch quân sự đã làm cho Thổ Nhĩ Kỳ bị cô đơn hơn bao giờ hết. Phe ủng hộ chỉ đếm trên đầu ngón tay gồm năm nước là Pakistan, Hungary, Venezuela, Kazakhstan và Azerbaijan. Trong nhóm tay ba cùng với Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ Syria, chính quyền Nga và Iran đều chống can thiệp quân sự. Matxcơva còn yểm trợ Damas đưa quân lên biên giới chận trước lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy huy động máy bay, xe tăng, đại pháo đánh chiếm được một số làng và phố thị nhỏ từ tay lực lượng FDS, nhưng cái lợi trước mắt không đủ che lấp cái hại sau lưng. Trên chiến trường, FDS kháng cự mãnh liệt và từ nay được quân đội Syria hậu thuẫn.
Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ trong vòng một tuần, đồng tiền Thổ bị mất 3% trị giá so với đôla. Ngân Hàng Nhà Nước phải khẩn cấp bỏ ra 3,5 tỷ đôla để trợ giá cho đồng tiền quốc gia. Mỗi ngày sàn giao dịch Istanbul đều trượt giá.
Lực lượng FDS
Trước khi tìm hiểu thêm vì sao tổng thống Erdodan động binh, thử xem qua sức mạnh của lực lượng FDS của người Kurdistan-Syria. Trả lời phỏng vấn RFI, nhà báo Olivier Piot, tác giả quyển sách “Kurdistan, La colère d’un peuple sans droits - Nỗi căm hờn của một dân tộc không có quyền tự quyết", cho biết :
Chiến binh Kurdistan-Syria nhận được vũ khí từ nhiều nguồn cung cấp. Trước hết là do chiến binh Kurdistan ở Irak và đảng Lao động Kurdistan PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao. Từ hai, ba năm nay, nhiều người Kurdistan từ Irak và từ Thổ Nhĩ Kỳ kéo qua Syria chiến đấu chống Daech mang theo vũ khí là B40, đại liên. Họ không có nhiều tên lửa địa-không nhưng có súng phòng không để chống máy bay oanh tạc và trực thăng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lực lượng FDS cũng có vũ khí do Nga viện trợ vì trong một thời gian dài Nga và Kurdistan-Syria là đồng minh, bây giờ mối quan hệ này ít nhiều vẫn còn. Đến giai đoạn chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech, người Kurdistan-Syria được Mỹ và châu Âu viện trợ vũ khí và cố vấn kỹ thuật tác chiến.
Giấc mơ Đại Thổ Nhĩ Kỳ hay cứu chiếc ghế tổng thống ?
Theo giới quan sát, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là một nhà chính trị hoang tưởng, mang hoài bão tái lập thời hoàng kim của đế chế Ottoman, Đại Thổ Nhĩ Kỳ. Giấc mơ làm cho Thổ Nhĩ Kỳ « Great again » (như khẩu hiệu của Donald Trump) đã thất bại. Chiến dịch Syria sẽ làm Ankara trả giá đắt theo tiên đoán của giới phân tích.
Nhưng nguyên nhân nào, động lực nào buộc tổng thống Erdogan phiêu lưu ?
Omer Taspinar, giáo sư Mỹ gốc Thổ, thuộc Học Viện Chiến Tranh Washington khẳng định : « Erdogan đang ở trong vị thế khó tồn tại được. Từ chính trị cho đến kinh tế đều khó khăn. Đảng AKP mất dần thế áp đảo trước một liên minh đối lập, tuy còn lỏng lẻo. Để phân hóa đối phương, Erdogan gây chiến để đoàn kết nội bộ, kích động tinh thần quốc gia chủ nghĩa chống khủng bố Kurdistan ».
Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư chính trị Jan Jabbour, Đại Học Chính Trị Paris cũng cùng nhận định :
Phải đặt chiến dịch quân sự Thổ Nhĩ Kỳ vào bối cảnh lớn hơn từ an ninh cho đến chính trị nội bộ.
Trước hết, về quân sự, Ankara luôn xem lực lượng FDS là mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Bởi vì, nếu người Kurdistan-Syria thành công thiết lập một vùng tự trị ở miền bắc Syria thì sự kiện này có thể đưa đến hệ quả domino, khuyến khích 20 triệu người Kurdistan ở Thổ Nhĩ Kỳ tranh đấu đòi độc lập.
Về nhu cầu chính trị nội bộ, vấn đề then chốt là con số 3,8 triệu người Syria tị nạn. Tổng thống Erdogan muốn qua chiến dịch quân sự, lập một vành đai an toàn, đưa họ trở về Syria. Công luận Thổ Nhĩ Kỳ rất bất bình vì phải gánh vác số lượng dân tị nạn đông đảo. Dân tị nạn Syria không ở trong các trại tạm cư. Họ tập trung kéo về thủ đô kinh tế Istanbul để dễ kiếm sống. Khi đưa vấn đề hồi hương dân tị nạn làm mục tiêu của chiến dịch quân sự, Erdogan hy vọng thu hút được công luận ủng hộ phục hồi phần nào uy tín của ông đang bị sụp đổ.
Tổng thống Erdogan còn một lý do thứ ba nữa là nhằm làm cho công luận quên đi tình hình kinh tế suy thoái. Thế nhưng, vấn đề kinh tế sẽ bất lợi cho tổng thống Erdogan cũng như thời gian duy trì lực lượng tại Syria. Giữ một đạo quân ở Syria sẽ rất tốn kém từ nhân mạng binh sĩ cho đến tài chính, ngân sách quốc gia.
Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, đầu tư quốc tế ngày càng ít dần, Thổ Nhĩ Kỳ bắt buộc phải kết thúc nhanh chóng chiến dịch Syria, phải triệt thoái ngay sau khi đạt được mục tiêu quân sự hầu tránh tổn thất lớn lao cho quân đội và tiền bạc.
Lấn đất Syria ?
Trước những lời tuyên truyền có tính cường điệu của Damas, đe dọa bẻ gẫy âm mưu bá quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Erdogan khẳng định ông chỉ muốn lập một vành đai an toàn dọc theo biên giới để cho 3,8 triệu di dân tị nạn Syria hồi hương. Muốn thực hiện mục tiêu này, trước tiên phải vô hiệu hóa lực lượng FDS mà ông gọi là « khủng bố ».
Nhưng liệu Ankara có thể khống chế một cộng đồng 2,5 triệu dân có lực lượng võ trang, có 40 triệu người anh em cùng sắc tộc, cùng khát vọng lập quốc ? Rất khó, theo phân tích của nhà báo Olivier Piot :
Tôi không tin quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trấn đóng lâu dài ở miền bắc Syria bởi một lý do đơn giản mà ít được nói đến : đó là lý do quân sự.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là lực lượng đứng hàng thứ hai trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, sau Hoa Kỳ, gồm 450 ngàn quân chính quy và 1 triệu quân trừ bị.
Thế nhưng, quân đội này trấn giữ vùng Kurdistan Thổ Nhĩ Kỳ từ 40 năm nay mà không chiến thắng được du kích của đảng Lao Động PKK.
Giờ đây, trong bối cảnh chiến binh Kurdistan được huy động đứng chung dưới lá cờ của lực lượng Kurdistan-Syria FDS, PKK-Irak và PKK Thổ Nhĩ Kỳ. Làm cách nào quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể đánh thắng sau ba bốn tháng hành quân ?
Tổng thống Erdogan ý thức được giới hạn của giải pháp quân sự. Ông sẽ không dại gì lao vào một cuộc chiến mà không thấy trước lối ra. Rồi đây, khi ông sẽ phải đem xác những người lính tử trận về Ankara và Istanbul. Do vậy, tổng thống Erdogan mới tìm cách đánh động công luận, dùng biện pháp quân sự này để đưa vấn đề tị nạn lên bàn đàm phán quốc tế. Nhưng, đúng là vì lý do kinh tế suy yếu, chiến dịch đánh vào miền bắc Syria không thể kéo dài.
Đào sâu thêm chia rẽ trong nước
Trái với hy vọng của tổng thống Erdogan, chiến dịch quân sự không thu hút được dân chúng trong nước ủng hộ. Trừ thành phần bị ảnh hưởng của bộ máy tuyên truyền và diễn văn thêu dệt thời hoàng kim, đa số dân chúng bị đời sống kinh tế khó khăn làm chia trí. Thêm vào đó, họ biết rõ tổng thống Erdogan sử dụng quân sự để phục vụ nhu cầu chính trị trong nước, cứu đảng và cứu chiếc ghế tổng thống của ông.
Đã vậy, ông còn đào sâu hố phân cách giữa chính phủ và cộng đồng Kusdistan-Thổ Nhĩ Kỳ. Giáo sư Jan Jabbour nhận định:
Rất xấu. Quan hệ giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng Kurdistan- Thổ Nhĩ Kỳ rất xấu nhất là từ năm 2014, khi không quân Thổ Nhĩ Kỳ oanh kích một vị trí của lực lượng Kurdistan-Syria FDS, đang bao vây một nhóm chiến binh Daech, ở trận Kobané. Trong mắt của người Kurdistan-Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Ankara là kẻ thù vì đàn áp anh em của họ ở Syria.
Tình liên đới, cho dù là biểu tượng, thì cũng là tình liên đới giữa hai cộng đồng. Lập trường của chính phủ Ankara chống người Kurdistan ở Syria đã gây ra một hệ quả là tiến trình hòa giải, đối thoại với cộng đồng Kurdistan-Thổ Nhĩ Kỳ khởi động từ năm 2009, 2010 đã chết từ trong trứng nước.
Tổng thống Donald Trump sau khi bật đèn xanh bỏ ngỏ Syria, quyết định trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, gây áp lực ngưng chiến dịch quân sự. Trên chiến trường, quân đội Syria và đồng minh Nga nhập cuộc như một lời khuyến cáo Ankara.
Ván cờ chính trị của tổng thống Erdogan khó mà thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét