Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

16829 - Trung Quốc: Tứ cố vô thân (Phần 1)



Cơ hội “từ trên trời rơi xuống” dành cho Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và thương mại thực sự đã qua. Hiện Trung Quốc đang vấp phải sự phản ứng dữ dội từ các nước trong khu vực và đặc biệt là từ Mỹ với một vị tổng thống dường như muốn đối đầu với Trung Quốc trên mọi mặt trận và bằng mọi cách.
Những luận điểm chính
- Cơ hội “từ trên trời rơi xuống” dành cho Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và thương mại thực sự đã qua.
- Trung Quốc cũng đang vấp phải sự phản ứng dữ dội từ các nước trong khu vực và đặc biệt là từ Mỹ.
- Tổng thống Donald Trump dường như muốn đối đầu với Trung Quốc trên mọi mặt trận và bằng mọi cách.
- Tuy nhiên, Trung Quốc cần hoạt động thương mại với Mỹ. Không có thương mại với Mỹ, chỉ số thặng dư thương mại củaTrung Quốc sẽ ở mức rất thấp, khiến các kế hoạch tăng trưởng của họ bị cản trở.
Tóm tắt
Thay vì từ bỏ chính sách “quyết không đi đầu” trong các vấn đề của thế giới và “giấu mình chờ thời cơ” như trong suốt kỷ nguyên của Đặng Tiểu Bình, một Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã thông qua một chính sách thể hiến một sự hung hăng có chủ ý. Giờ đây, chính sách này vấp phải sự phản ứng dữ dội từ các nước láng giềng sát vách của Trung Quốc cũng như từ các nước ở xa khác. Mặc dù một số nước láng giềng sát vách Trung Quốc, như các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã lựa chọn lập trường không thể hiện thái độ hung hăng chống lại Bắc Kinh, nhưng họ cũng đã chứng tỏ rằng họ sẽ không hoàn toàn sợ hãi trước sức mạnh kinh tế và quân sự áp đảo của quốc gia này. Các nước lớn hơn, như Ấn Độ, chọn cách đối đầu với những hành động của Trung Quốc theo từng đợt, trong khi các siêu cường khác như Liên minh châu Âu (EU), giờ đây dường như đã quyết định chống lại sự hung hăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã có lập trường chống Trung Quốc mạnh mẽ nhất trong số tất cả các nước, chủ tâm kiềm chế nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành lại tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới bằng cách tăng cường sức mạnh quân sự và kinh tế của riêng mình.
Kể từ đó Bắc Kinh đã nhận ra rằng cơ hội từ trên trời rơi xuốngcủa họ, theo cách gọi của Tổng thống Trump, ít nhiều đã trôi qua. Tổng thống Mỹ đã khởi động một vài nỗ lực chống lại ý đồ mở rộng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế của Trung Quốc. Các đời Tổng thống Mỹ trước đây đã chấp nhận nhiều yêu cầu khác nhau của Trung Quốc, việc họ coi thường và bóp méo luật pháp quốc tế và các quy tắc lâu đời, và nhắm mắt cho qua các chính sách khiêu khích của nước này với hy vọng rằng sự tham gia hơn nữa vào hệ thống quốc tế tự do sẽ giúp Trung Quốc trở nên tự do hơn và ít độc đoán đi. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã thông qua một lập trường cứng rắn hơn nhiều nhằm chống lại Trung Quốc. Ông đã áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc, thậm chí còn chặn đứng chiến lược sử dụng các nước thứ ba để bán phá giá các sản phẩm được sản xuất quá nhiều do nhà nước Trung Quốc tài trợ sang Mỹ - từ đó đưa ra giá thấp hơn các nhà sản xuất địa phương, gạt họ ra khỏi hoạt động kinh doanh và phá hoại các cơ hội việc làm ở Mỹ, qua đó làm suy yếu tổng thể nền kinh tế Mỹ - và gần đây hơn, ông tuyên bố Trung Quốc là một nước thao túng tiền tệ.
Mặc dù bản thân các biện pháp này dường như không có khả năng làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc – ước tính tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2018 từ mức chính thức công bố là 6,6% (một con số phi lý), xuống còn chưa đầy một nửa, khác xa với số liệu tăng trưởng hai con số của những năm trước – nhưng chúng vẫn là một cái gai đặc biệt khó chịu đối với Trung Quốc. Tình hình này, cùng với những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm khôi phục quân đội Mỹ và việc ông rút khỏi các sáng kiến như Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga, vốn ngăn chặn việc chế tạo tên lửa có khả năng hạt nhân với tầm phóng từ 500-5.500 km, đã khiến Bắc Kinh lo lắng, bởi vì giờ đây Mỹ có thể ngăn chặn chính những tên lửa của họ có tầm phóng nằm trong giới hạn đó, một ước tính chiếm đến 80% lực lượng tên lửa.
Tóm lại, Chủ tịch Tập Cận Bình đang phải chịu áp lực rất lớn về kinh tế, chính trị và quân sự. Nhận ra rằng việc gây áp lực chính là thế mạnh của Mỹ, ông đã dần chuyển hướng sang Tổng thống Nga Putin. Sự chuyển hướng sang Nga khiến giới quan sát cho rằng Trung Quốc và Nga sẽ kết hợp để chống lại nỗ lực của Mỹ và các đồng minh của nước này nhằm cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc và đồng thời mang đến cho Nga cơ hội mà họ đang tìm kiếm là một lần nữa trở thành một siêu cường. Tư tưởng đó dựa trên sự hiểu biết rằng Mỹ là một kẻ thù chung mà chỉ có nỗ lực kết hợp giữa Trung Quốc và Nga mới có thể kiềm chế, lật đổ họ khỏi vị trí bá quyền toàn cầu hoặc thậm chí là đánh bại. Tuy nhiên, tư duy đó có khiếm khuyết, như bài viết này sẽ chứng minh. Bài viết sẽ cho thấy lý do tại sao mối quan hệ Trung-Nga cũng chỉ có thể được coi là một cuộc kết hôn giả tạm thời và tại sao Việt Nam sẽ là nhân tố then chốt để ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc nhằm nhận được sự ủng hộ của Nga và giành được tầm ảnh hưởng lớn hơn trong hệ thống quốc tế. Phần này sẽ cho biết lý do tại sao Trung Quốc phụ thuộc vào hoạt động thương mại với Mỹ.
Phân tích
Rất nhiều vấn đề vây quanh Chủ tịch Tập Cận Bình. Có thể nói, vấn đề chính là sự suy giảm nhanh chóng của nền kinh tế và mối đe dọa mà Tổng thống Trump gây ra. Ngay cả khi giả định rằng tuyên bố tăng trưởng GDP của nước này đạt khoảng 6,6% trong năm 2018, thì mục tiêu của Tập Cận Bình là biến Trung Quốc trở thành một trong những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới vào năm 2049 ngày càng xa vời chứ không còn tính thực tế. Cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump phát động với Trung Quốc chỉ bổ sung thêm vào các vấn đề vốn đã và đang gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc: mức nợ kỷ lục; ô nhiễm tràn lan; và một dân số ngày càng già, hậu quả từ sai lầm do chính sách một con của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Mọi khả năng xảy ra đều có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc trở nên trì trệ trước khi nước này đạt được mức độ phát triển như ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, kể từ năm 1960, chỉ có 5 nước đang phát triển thành công trong việc chuyển dịch sang vị thế nước tiên tiến, trong khi duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế cao. Chủ tịch Tập Cận Bình đã gia tăng thêm áp lực của việc phải đối phó với tình hình bài trừTrung Quốc đang ngày càng cao ở Mỹ, điều đã khiến Tổng thống Mỹ áp đặt một vài hình phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Vấn đề đối với Trung Quốc là ngay cả khi ông Trump không tái đắc cử, thì vị tổng thống tiếp theo, cho dù là đến từ đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, cũng sẽ gần như chắc chắn tiếp tục các biện pháp bài trừTrung Quốc của chính quyền đương nhiệm và có khả năng còn tăng cường thêm. Báo cáo thường niên theo Điều IV của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) về nền kinh Trung Quốc đã nhấn mạnh tình thế bế tắc của Tập Cận Bình, lưu ý rằng nếu Trung Quốc không đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện, thì họ có thể đánh mất quyền tiếp cận các thị trường và công nghệ - một sự ám chỉ có chủ ý và không mấy tế nhị đến những ưu tiên về kinh tế của Trung Quốc trước mắt và trong tương lai. Bản báo cáo này cũng lưu ý rằng IMF dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 6,2% trong năm 2019, 6% trong năm 2020 và 5,8% trong năm 2021.
Khu vực công nghiệp của Trung Quốc là xương sống của tăng trưởng kinh tế nước này, giờ đây đang cho thấy những dấu hiệu rơi vào tình trạng suy yếu. Giá xuất xưởng giảm 0,3% trong tháng 7/2019 so với năm 2018, tạo ra mức sụt giảm lớn hơn so với mức ước tính trung bình là -0,1% mà các nhà kinh tế học dự báo.
Bổ sung thêm vào những vấn đề này là tuyên bố của Tổng thống Trump rằng từ ngày 1/9/2019, ông sẽ áp thuế 10% đối với số hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trị giá 300 tỷ USD. Nếu điều đó xảy ra, trên thực tế, Mỹ sẽ áp thuế đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Điều tồi tệ hơn là ông cũng ám chỉ rằng con số 10% có thể tăng lên cao hơn. Khi Bắc Kinh đáp trả tuyên bố đó bằng việc dừng mua nông sản của Mỹ và hạ giá đồng nhân dân tệ xuống mức hơn 7 nhân dân tệ một USD, Chính quyền Trump đã trả đũa chỉ trong vài giờ, tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Lời đáp trả vô cùng nhanh chóng đó đã chứng tỏ thêm một điều: Mỹ đã lường trước được động thái đó của Trung Quốc và sẵn sàng hành động đáp trả.
Tuy nhiên, “những vấn đề liên quan đến Trump” của Trung Quốc không dừng lại ở đây. Các khoản thuế tăng nhanh chóng và việc gán Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ chỉ là 2 vũ khí trong kho vũ khí kinh tế vô cùng lớn của Tổng thống Trump. Ông có thể tăng thuế lên mức 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng điều nguy hiểm hơn đối với Trung Quốc là việc bắt đầu thực thi một chính sách mà cho đến nay ông mới chỉ gợi ý: biến đồng đôla Mỹ, tiền tệ dự trữ của thế giới, trở thành vũ khí. Bất chấp việc tuyên bố lại một thỏa thuận đã có từ lâu là không tham gia chiến tranh tiền tệ, nhưng ông đã nhiều lần yêu cầu Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất, do đó hạ giá USD và làm lợi cho các nhà xuất khẩu Mỹ. Nền kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã chứng kiến sự phục hưng từ thời kỳ suy thoái, do các chính sách kinh tế thất bại của Tổng thống trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức thấp nhất kể từ năm 1969, và việc mức thu nhập thực sự gia tăng và quyền tiếp cận các nguồn năng lượng trong nước, trước đây vốn bị hạn chế, đã được nới lỏng chỉ là một số trong những nhân tố kết hợp với nhau khiến đồng USD trở nên mạnh hơn. Việc hạ giá USD tại thời điểm này, đặc biệt là khi Trung Quốc đang trải qua nhiều vấn đề kinh tế khác nhau, có thể mang đến cho Mỹ một lợi thế vô cùng lớn so với Trung Quốc.
Một đồng USD yếu hơn một lần nữa không phải là vũ khí duy nhất mà Tổng thống sở hữu. Bộ Thương mại Mỹ, hành động dựa trên việc gọi Trung Quốc là một nước thao túng tiền tệ, đã đưa ra đề xuất cho phép các công ty Mỹ tìm kiếm biện pháp bảo hộ trước hàng xuất khẩu của Bắc Kinh bằng cách áp các khoản thuế trả đũa cụ thể. Nếu đề xuất đó được thực thi, thì chúng ta sẽ chứng kiến hàng loạt yêu cầu tìm kiếm biện pháp bảo hộ đó từ các công ty Mỹ. Hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cũng sẽ giảm mạnh, đồng thời việc có thêm nhiều khoản thuế áp lên hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc hay số lượng các công ty nước ngoài rút khỏi Trung Quốc ngày càng tăng. Kết quả cuối cùng đó sẽ làm tăng dòng chảy vốn đ ra khỏi Trung Quốc do việc hạ giá đồng nhân dân tệ gây ra.
Hai trụ cột chính trong kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm biến Trung Quốc trở thành cường quốc lãnh đạo thế giới là sự vượt trội trong lĩnh vực công nghệ viễn thông và trí tuệ nhân tạo (AI). Tổng thống Trump, người đã áp đặt biện pháp hạn chế đối với chất bán dẫn và phần mềm đối với tập đoàn Huawei, công ty viễn thông lớn nhất của Trung Quốc, sau đó đã bớt gay gắt sau khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Osaka và cho phép một số hoạt động thương mại của Mỹ trở lại với công ty này. Tuy nhiên, thậm chí ông hoàn toàn có thể rút lại quyết định đó. Vấn đề của Mỹ với Huawei không phải về việc hạn chế hoạt động bán thiết bị viễn thông hay điện thoại di động của họ; đây là nỗ lực nhằm ngăn công ty này không được ở vào vị thế có quyền đưa ra những giao thức và khuôn khổ viễn thông mà theo đó các công ty không phải của Trung Quốc khác sẽ cần phải tuân thủ. Nếu Huawei đạt được mục tiêu đó, họ sẽ ở vào vị trí có khả năng yêu cầu phần còn lại của thế giới tuân theo những quy tắc mà họ sẽ phải vận hành trong các mạng lưới viễn thông của mình, điều Mỹ ghét cay ghét đắng. Hầu như không có nghi ngờ gì về việc Tổng thống Trump sẽ tích cực nỗ lực để ngăn không để tình huống đó xảy ra.
Lý do tương tự áp dụng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Bất chấp việc một vài công ty Mỹ vận động hành lang, lập luận rằng việc đặt ra những biện pháp hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu công nghệ AI của Mỹ sang Trung Quốc đổi lại sẽ hạn chế sự phát triển của chính họ và khiến nguồn vốn cho hoạt động nghiên cứu cạn kiệt, Bộ Thương mại Mỹ đã làm việc để đưa ra một danh sách rộng hơn về những hạn chế trong hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc đối với các sản phẩm đến từ những ngành công nghiệp mới và đang nổi lên, như AI và người máy. Các công ty này sẽ cần có giấy phép đặc biệt để xuất khẩu sản phẩm của mình.
Bên cạnh các biện pháp này, Chính quyền Trump có thể đưa vào danh sách đen và trừng phạt các công ty Trung Quốc và các cá nhân đồng lõa dính líu đến vấn đề vi phạm nhân quyền trong nước; đồng thời trừng phạt các tổ chức và cá nhân không phải của Trung Quốc hiện đang tiến hành hoạt động kinh doanh với các công tyTrung Quốc. Mỹ có thể hạn chế hoạt động nghiên cứu chung giữa Mỹ-Trung và họ đã hạn chế số lượng sinh viên Trung Quốc đăng kí họccác ngành khoa học, kỹ sư, toán học và công nghệ ở Mỹ. Mục tiêu của các biện pháp hạn chế này là nhằm kiềm chế khả năng đổi mới của Trung Quốc, điều sẽ làm giảm tốc mọi sự tiến bộ và đột phá về công nghệ, nếu không muốn nói là dừng hoàn toàn;do đó đặt kế hoạch tái thiết Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình vào nguy hiểm.
Không chỉ Mỹ, những mối đe dọa lớn nhất đối với giấc mộng tạo ra một quốc gia đổi mới của Chủ tịch Tập Cận Bình xuất phát từ chính trong nước. Những ví dụ nổi bật nhất như: tình trạng bất ổn ngày càng tăng ở Trung Quốc; các cuộc biểu tình ở Hong Kong, đang trên bờ vực trở thành một cuộc bạo loạn chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự tiến bộ về công nghệ đi cùng với tình trạng tham nhũng và việc thực thi pháp luật một cách yếu kém đến mức không thể chấp nhận nổi ở Trung Quốc. Vụ tai nạn tàu cao tốc do lỗi thiết kế đã trở nên tồi tệ hơn vì sự che đậy của chính quyền sau đó. Có nguồn tin đã đặt ra một câu hỏi trọng tâm rằng liệu Trung Quốc có phải nhà lãnh đạo thế giới trong việc gian lận? Điều này được ghi chú tạm thời rằng: “Một nghiên cứu vào năm 1998 cho biết các nhà khoa học Trung Quốc không bao giờ báo cáo những kết quả tiêu cực – một điều không thể xảy ra trong ngành khoa học. Kể từ đó dường như không có gì thay đổi. Theo một nghiên cứu vào năm 2016, những kết quả ngoài dự đoán vẫn xuất hiện vô cùng ít trong các tài liệu y khoa truyền thống của Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc cũng dẫn đầu thế giới trong việc thu hồi lại kết quả do tình trạng gian lận trong quá trình thẩm định đồng cấp, trong khi một khảo sát của các nhà quản lý Trung Quốc phát hiện ra rằng khoảng 80% dữ liệu nghiên cứu lâm sàng là ngụy tạo”.
Một nguồn tin khác lưu ý rằng “nhiều tạp chí khoa học của nước này chỉ toàn đăng tải thông tin cũ mà không có gì mới mẻ, hầu như không có ai đọc và tình trạng đạo văn diễn ra tràn lan”. Ngay cả đối với trẻ sơ sinh, những công dân Trung Quốc dễ bị tổn thương nhất, vẫn trở thành nạn nhân của tham nhũng, như vụ bê bối sữa công thức kém chất lượng cho thấy.
Trung Quốc cần tiếp cận thị trường Mỹ nếu họ muốn đạt được mục tiêu trở thành một nước giàu có. Như phía Trung Quốc cho biết: “Tổng thặng dư thương mại hàng hóa của nước này trong năm 2017 là 419,32 tỷ USD. Trong số đó, 275,81 tỷ USD là thặng dư thương mại với Mỹ. Không có hoạt động thương mại với Mỹ, thương mại của Trung Quốc sẽ chỉ thu được 143,5 tỷ USD. Tuy nhiên, từ tháng 1 đến hết tháng 6/2018, thặng dư từ hoạt động buôn bán hàng hóa của nước này là 138,576 tỷ USD. Trong số đó, 133,57 tỷ USD đến từ thương mại với Mỹ. Hoạt động buôn bán hàng hóa của Trung Quốc với các nước khác chỉ đạt 5 tỷ USD, giảm 12 lần so với năm 2017. Nếu Trung Quốc để mất thị trường Mỹ, thì quả thật họ sẽ rơi vào tình thế khó khăn”.
Trung Quốc phải đối mặt với những vấn đề khác, có thể nói là còn đặt ra mối đe dọa thậm chí lớn hơn đối với nền kinh tế nước này so với mối đe dọa từ Mỹ. Hiện nay, nợ công của nước này ở mức gần 300% GDP, bất chấp nỗ lực của ĐCSTQ nhằm không để hoạt động kinh doanh của Trung Quốc rơi vào tình trạng kích thích tín dụng. Bong bóng bất động sản có thể vỡ bất kỳ lúc nào và có thể sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính trên khắp cả nước. Cho đến nay, 3 ngân hàng đã bị quốc hữu hóa vì đứng trên bờ vực phá sản. Trên mặt trận chính trị, một lần nữa, Mỹ đang khiến tình hình trở nên trầm trọng thêm bằng việc sử dụng Đài Loan như một cách quấy rầy Bắc Kinh. Washington đã nhất trí bán tên lửa chống tăng, xe tăng chủ lực và các vũ khí khác cho Đài Bắc. Ngoài ra, Chính quyền Trump đã bị cáo buộc trì hoãn vụ mua bán phiên bản mới nhất của chiếc máy bay chiến đấu F-16, một thương vụ trị giá khoảng 10 tỷ USD, có thể buộc Trung Quốc phải chấp nhận những đòi hỏi về thương mại của nước này. Trong bất kỳ trường hợp nào, bất kể lý do có thể là gì, ở Mỹ ngày càng có nhiều yêu cầu nhìn nhận Trung Quốc là một cường quốc thù địch với ý định làm cách mạng luôn nung nấu. Các cuộc biểu tình ở Hong Kong lại gây ra một thách thức lớn khác đối với quyền cai trị của ĐCSTQ. Các cuộc biểu tình vốn bắt đầu như một sự phản kháng chống lại dự luật dẫn độ dường như đã phát triển trở thành một cuộc cách mạng (hoặc điều gì đó gần như vậy) và yêu cầu đòi một nền dân chủ thực sự. Mặc dù Bắc Kinh đã điều động binh lính đến khu vực tiếp giáp với Hong Kong, nhưng bất kỳ nỗ lực nào nhằm sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình cũng đều đi ngược lại tuyên bố của họ về sự hòa hợp chính trị ở Trung Quốc và hơn nữa có thể gợi lại ký ức về cuộc thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Nếu điều đó xảy ra, thì hầu như không có nghi ngờ gì rằng Mỹ và EU sẽ giảm mạnh hoạt động thương mại của họ với Trung Quốc, nếu không muốn nói là chấm dứt hoàn toàn, dù chỉ trong một khoảng thời gian hạn chế. Trong bất kỳ trường hợp nào, Bắc Kinh sẽ đánh mất nền tảng đạo đức, giả sử là họ đã có điều đó từ ban đầu.
Tuy nhiên, những khó khăn của Bắc Kinh không dừng lại tại đây. Phần tiếp theo của bài viết này sẽ chứng tỏ rằng Trung Quốc cũng đã khiến các nước khác tức giận, buộc Bắc Kinh phải quay sang tìm sự giúp đỡ của Nga. Tuy nhiên, bất kỳ liên minh non trẻ nào giữa họ cũng sẽ không hơn gì một cuộc kết hôn giả và dễ rơi vào cảnh nghi ngờ lẫn nhau. Trong bối cảnh đó, Việt Nam, được EU và có thể là Mỹ hỗ trợ, có thể trở thành nhân tố chủ chốt để cản trở việc Trung Quốc chuyển hướng sang Nga.
Tác giả bài viết là Lindsay Hughes, một nhà nghiên cứu cao cấp trong Chương trình Nghiên cứu Ấn Độ - Thái Bình Dương tại tổ chức Định hướng tương lai Quốc tế. Bài viết được đăng tải trên trang web của Future Directions International.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét