Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

16804 - BOT và ‘tầm nhìn’ hướng vào đâu?




Dân phòng sừng sộ và văng tục với những người không mua vé khi qua trạm BOT An Sương - An Lạc. (Hình: Trích từ video www.youtube.com/watch?


Nếu không có gì thay đổi, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ tổ chức thu phí đối với các phương tiện giao thông qua lại đoạn cao tốc… TP.HCM - Trung Lương (công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT, đã thu hồi đủ cả vốn lẫn lãi và đã trở thành công lộ, ngừng thu phí từ tháng giêng năm 2019), sau khi hoàn tất việc xây dựng đoạn cao tốc… Trung Lương - Mỹ Thuận (1)!
Ý tưởng… tái khai thác đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương để kiếm thêm tiền chỉ ra nhiều yếu tố đáng ngẫm nghĩ về cái gọi là “tầm nhìn” – một từ thời thượng!
Đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài khoảng 62 km, vốn đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng, bắt đầu thu phí từ năm 2010 cho đến đầu năm nay thì phải để xe cộ qua lại tự do.
Đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là phần tiếp theo của đoạn cao tốc TP.HCM – Mỹ Thuận. Đoạn này dài khoảng 51 km, lúc đầu, vốn đầu tư cũng khoảng 10.000 tỉ đồng, khởi công hồi 2009, dự trù sẽ hoàn tất vào 2013 nhưng đến nay (2019) vẫn chưa xong, cho dù đoạn cao tốc này được xem là một trong những yếu tố quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Sau những chỉ trích kịch liệt về cách đối xử thiển cận, bạc bẽo đối với khu vực ĐBSCL (chỉ vắt cho kiệt chứ không đầu tư, nên hạ tầng từ giao thông tới các cơ sở giáo dục, y tế, … luôn ở dưới đáy) và đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được dùng như một ví dụ minh họa, giữa năm nay, hệ thống công quyền Việt Nam mới chịu chuyển động. Song chưa rõ chuyển động đó sẽ đem lại những lợi ích cụ thể nào cho khu vực ĐBSCL…
Trước mắt, chuyển động vừa kể chỉ thuận lợi cho… nhà đầu tư đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Về nguyên tắc, chỉ những doanh nghiệp hội đủ cả năng lực tài chính lẫn năng lực thi công, giàu kinh nghiệm trong quản trị - điều hành mới được chọn làm nhà đầu tư của những dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT nhưng Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận lại… không có tiền! Thay vì loại Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận thì hệ thống công quyền cho phép công ty này vừa… đầu tư, vừa than… thiếu tiền!
Cuối cùng, khi tầm vóc của đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đối với sự phát triển của khu vực ĐBSCL khiến chuyện chậm trễ tới bảy năm trở thành không thể chấp nhận được, hệ thống công quyền vui vẻ trích 228 tỉ từ công khố… tạm ứng cho nhà đầu tư. Bởi khoản tiền đó vẫn không đủ, một mặt, chính phủ đề nghị Quốc hội phân bổ thêm 500 tỉ nữa hỗ trợ cho nhà đầu tư (2), mặt khác, đích thân Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng phải cho nhà đầu tư vay, “không được gây khó dễ” (3). Tháng trước, ông Phúc chỉ đạo giải ngân thêm 2.186 tỉ đồng để có thể khánh thành đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào đầu quý hai năm 2021 (4).
Dòng tiền từ cả ngân sách lẫn ngân hàng đã và đang rót vào tài khoản nhà đầu tư đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được giải thích là để thực thi “cam kết với nhân dân”!
***
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam về cuộc họp giữa Ủy ban Kinh tế thuộc Quốc hội với Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận hồi tuần trước thì mục tiêu chính của cuộc họp ấy không nhắm vào đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận mà để tìm sự đồng thuận trong tái khai thác đoạn cao tốc TP.HCM – Trung Lương, giải cứu Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang đang sa lầy tại Dự án Tuyến tránh Cai Lậy ở Tiền Giang.
Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang từng làm một con đường dài 12 km bên ngoài thị xã Cai Lậy theo hình thức BOT (BOT Cai Lậy) để xe cộ di chuyển trên quốc lộ 1 có thể băng qua Cai Lậy mà không cần phải đi vào trung tâm thị xã này như trước. Dẫu nhà đầu tư BOT Cai Lậy được phép thu phí từ tháng 8 năm 2017 nhưng họ chỉ lấy được tiền của bá tánh trong một thời gian rất ngắn…
Cả giới tài xế lẫn công chúng cùng phản ứng dữ dội khi Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang chỉ đầu tư cho Tuyến tránh Cai Lậy nhưng lại được phép buộc tất cả xe cộ qua lại trên quốc lộ 1 đoạn băng ngang Tiền Giang phải trả phí, bất kể có dùng Tuyến tránh Cai Lậy hay không. Vì các hình thức phản kháng khiến giao thông trên quốc lộ 1 liên tục tắc nghẽn, hệ thống công quyền loay hoay suốt một thời gian dài nhưng vẫn không tìm được lý do chính đáng để sử dụng “bạo lực cách mạng”, giúp nhà đầu tư thu hồi cả vốn lẫn lãi, cuối cùng, Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang đành ngưng thu phí. Trạm thu phí cho BOT Cai Lậy đóng cửa, ngưng hoạt động đã gần hai năm.
Giống như đa số nhà đầu tư vào các công trình giao thông theo hình thức BOT tại Việt Nam, Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang cũng không có… tiền! Tiền đầu tư cho Tuyến tránh Cai Lậy là tiền vay của ngân hàng. Không thu được phí, Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang sẽ phá sản, các ngân hàng đã cho doanh nghiệp này vay để đầu tư vào dự án Tuyến tránh Cai Lậy sẽ vỡ… nợ.
Đó là lý do cả đại diện Ủy ban Kinh tế thuộc Quốc hội và Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận… “nhất trí cảnh báo”: Khi các đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ hoàn tất, lượng xe cộ qua lại trên đoạn quốc lộ 1 băng ngang Tiền Giang sẽ giảm đáng kể, Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang và các ngân hàng đã cho doanh nghiệp này vay tiền đầu tư Tuyến tránh Cai Lậy sẽ… chết chùm!
Tổ chức thu phí trở lại trên đoạn cao tốc… TP.HCM - Trung Lương được Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông Việt Nam (VARSI) ca ngợi là giải pháp tối ưu: Vừa cứu được Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang và các ngân hàng đã cho doanh nghiệp này vay tiền, vừa “lập lại trật tự” trên đoạn cao tốc… TP.HCM – Trung Lương được cho là đang hỗn loạn kể từ khi ngưng thu phí và đang xuống cấp nhưng không có tiền bảo trì.
***
Về nguyên tắc, phát triển hệ thống giao thông theo hình thức BOT là dùng vốn của các nhà đầu tư để thực hiện công trình giao thông, cho phép các nhà đầu tư thu phí trong một giai đoạn nhất định để thu hồi vốn, hưởng lãi. Hết hạn thu phí, công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT sẽ trở thành công trình công cộng, một dạng phúc lợi dành cho toàn dân.
Đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã trở thành công trình công cộng từ tháng 1 năm 2019, Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận và VARSI vốn chỉ quan tâm đến lợi nhuận có thể táo tợn tới mức đề nghị tổ chức thu phí sử dụng một công trình giao thông công cộng nhằm kiếm tiền hỗ trợ cho một dự án BOT nhưng ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì dựa vào qui định pháp luật và cuộc trưng cầu dân ý nào để… “nhất trí” và cam kết ủng hộ?
“Cảnh báo” của Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận về tương lai ảm đạm của Dự án Tuyến tránh Cai Lậy vô tình vạch ra một âm mưu: Sự chậm trễ trong việc thực hiện đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã góp phần khai sinh Dự án Tuyến tránh Cai Lậy. Tại sao đã có qui hoạch Cao tốc Bắc – Nam mà lại không nhìn thấy Tuyến tránh Cai Lậy sẽ thừa? Nếu đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn tất đúng hạn (2013), chắc chắn không có BOT Cai Lậy! Vậy ai phải chịu trách nhiệm?
Bảo vệ an toàn – trật tự giao thông tại Việt Nam thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, chính quyền địa phương. Vì sao không truy cứu trách nhiệm của hai bộ này và chính quyền các địa phương khi đoạn cao tốc TP.HCM – Trung Lương trở thành “hỗn loạn”? Chấp nhận lập luận, phải tổ chức thu phí trở lại để “vẫn hồi trật tự” và kiếm tiền bảo trì công trình công cộng có khác gì xác nhận hệ thống công quyền là bù nhìn, không đủ khả năng quản trị - điều hành nên đành trông vào các… nhà đầu tư?
Chính phủ “kiến tạo” từng nhiều lần thề “minh bạch” nhưng vẫn chưa công bố phương án thu phí đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tiếng là BOT song đã ngậm đến vài ngàn tỉ tiền thuế, tiền chính phủ phải vay trả lãi)! Tuy sự chậm trễ trong việc hoàn tất đoạn cao tốc này đã được xác định là tác hại nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL nhưng tại sao vẫn tin cậy giao cho Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận nắm giữ vai trò chủ đầu tư?
Chẳng phải chỉ có các chuyên gia, gần đây, một số đại biểu Quốc hội cũng nhận ra, hệ thống ngân hàng Việt Nam, nền kinh tế đã bị các nhà đầu tư vào những công trình giao thông theo hình thức BOT biến thành “con tin”. Đó cũng là lý do hệ thống ngân hàng từng đòi vốn tự có của các nhà đầu tư vào đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận phải chiếm 30% giá trị suất đầu tư, hệ thống công quyền phải dùng ngân sách hỗ trợ tối thiểu 20,5% tổng mức đầu tư (2.575 tỉ).
Sở dĩ hệ thống ngân hàng không yên tâm vì theo tính toán của Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, doanh nghiệp này chỉ có khả năng trả lãi cho số vốn đi vay ở mức 7,82%/năm (phương án tài chính), trong khi mức lãi thực được các ngân hàng xác định trên những hợp đồng tín dụng ký với Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, doanh nghiệp này phải trả mức lãi tới 10,8%/năm (5). Tại sao hệ thống ngân hàng ngần ngại vì rõ ràng là rủi ro rất cao mà Thủ tướng lại ra lệnh “không được gây khó dễ”?
***
Trong vài năm gần đây, theo sau tên gọi của đủ loại “chiến lược phát triển”, “qui hoạch” luôn luôn có “tầm nhìn” đến vài chục năm. Từ thực trạng liên quan đến hoạt động đầu tư vào lĩnh vực giao thông theo hình thức BOT, đã đến lúc phải tự hỏi “tầm nhìn” của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam hướng vào đâu?
Vì sao những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến BOT đã được Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra vạch ra, chính phủ thừa nhận, dân chúng “bức xúc” (6) song không những không được xử lý mà còn tiếp tục đẩy an ninh tài chính quốc gia, kinh tế, xã hội lún sâu hơn vào vũng lầy BOT: Dùng công quỹ, đi vay trả lãi, chỉ đạo ngân hàng phải hỗ trợ các nhà đầu tư vào những công trình được thực hiện theo hình thức BOT?
Tại sao một số doanh nghiệp thiếu cả năng lực tài chính lẫn thi công, chất lượng công trình tồi, giao dự án cho những doanh nghiệp này giống như bắt cả kinh tế lẫn xã hội cùng gánh rủi ro - 90% tổng giá trị của đa số dự án là vốn vay, thiếu hiệu quả là chết… chùm, tính đến tháng 3 năm nay, các nhà đầu tư đang nợ ngân hàng khoảng 103.573 tỉ (7) - nhưng những doanh nghiệp ấy vẫn được chọn làm nhà đầu tư?
Rồi để không chết… chùm, phải cho thu phí cao, phải chấp nhận cả cách thu lẫn thời gian thu phí bất hợp lý so với suất đầu tư, thậm chí phải tính đến chuyện xuất ngân sách bù lỗ cho nhà đầu tư (8)… mà vẫn không dừng? Vạch ra “tầm nhìn” như một cách trưng bày viễn kiến nhưng quản trị - điều hành quốc gia như thế thì cái gọi là “tầm nhìn” ấy dẫn dân tộc và quốc gia đến đâu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét