Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

16491 - Bản tin ngày 1-10-2019



Thủ tướng… vịt!
Báo Dân Trí đưa tin: Thủ tướng muốn mỗi khách du lịch đến Lạng Sơn “mua 1 con vịt quay mang về”! Lên Lạng Sơn, Thủ tướng Phúc nói: “Sáng nay, xem các gian hàng ở đây, tôi có nói là làm sao mỗi người khách du lịch đến Lạng Sơn phải mua 1 con vịt quay mang về. Nếu mỗi ngày ở đây thu hút hàng trăm nghìn du khách thì có biết bao nhiêu vịt quay, lợn quay được tiêu thụ. Điều đó yêu cầu phải sản xuất lớn, mang giá trị gia tăng cao”.
Ông Phúc vẫn quen thói nói chuyện như người bị mộng du. Không phải ai cũng là người thích ăn uống vô tội vạ để bụ bẫm như ông Phúc, mà ông muốn họ đến đó phải mua vịt quay mang về. Những người ăn chay, những người không ăn được nhiều dầu mỡ, những người không thích ăn thịt vịt, hoặc ăn kiêng, chẳng lẽ cũng phải bắt họ mua vịt quay cho bằng được? Sự phát triển kinh tế của một khu vực chẳng lẽ phải trông vào mấy con vịt quay?

Phúc thăm quan các gian hàng được trưng bày tại hội nghị. Ảnh: H.Nụ/ HQ

Ngoài chuyện kêu gọi mọi người mua vịt quay ở Lạng Sơn, ông Phúc còn kêu gọi, cần xây dựng hành lang kinh tế biên giới với Trung Quốc, theo VTV. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị “Lạng Sơn hơn ai hết, cần cùng với các địa phương của Trung Quốc xây dựng mối quan hệ kinh tế cởi mở, bằng hữu và tin cậy, trước hết là Quảng Tây với dân số gần 50 triệu người”.
Ông Phúc không cần phải sốt sắng “kết nối” với Trung Quốc như vậy, vì ở ngoài Biển Đông, tàu “khảo sát” của TQ đã vào khá gần vùng biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên. Ông Phúc và các lãnh đạo CSVN sống trong mộng du, thì không cần lo xây dựng “hành lang kinh tế biên giới” gì cả, “bạn vàng” sau khi nuốt từng phần lãnh thổ, lãnh hải của VN, sẽ lo “kết nối” dùm các lãnh đạo chỉ lo ăn vịt quay, chỉ biết tuyên truyền, mà không thấy được kẻ thù đã cận kề đến thế nào. 
Vụ lắp camera nhà cán bộ tỉnh ủy Sóc Trăng
Sau khi cư dân mạng lên tiếng vụ chi gần 1 tỉ để lắp camera an ninh tại nhà của các cán bộ tỉnh ủy Sóc Trăng, khoảng có 48 giờ đồng hồ sau, lãnh đạo tỉnh này đã hủy quyết định cấp kinh phí lắp camera nhà các lãnh đạo: Sóc Trăng hủy quyết định chi gần 1 tỷ gắn camera nhà cán bộ Thường vụ, VietNamNet đưa tin. Thông cáo báo chí của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng:
Hoan hô Tỉnh ủy Sóc Trăng đã phản ứng rất nhanh trong vụ này, chỉ tiếc là dự án “chống khủng bố” của tỉnh đưa ra ngay từ đầu, không thực hiện được. Nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết: “Sóc Trăng không hề có khủng bố. Đó là tỉnh mà dân rất hiền. Giờ thu hồi kiểu gì? Gỡ camera trả nhà thầu hay quan phải móc tiền ra? Công nhận cộng đồng mạng ác quá“.
Cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường đề nghị thanh tra việc Sóc Trăng chi 1 tỷ lắp camera nhà lãnh đạo, theo Zing. Ông Trường nhắc lại một số vụ bê bối ở Sóc Trăng vừa qua, như vụ buôn xăng giả của “đại gia” Trịnh Sướng, vụ Trưởng đoàn ĐBQH Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào tổ chức đám cưới “khủng” cho con trai, rồi bây giờ đến vụ Phó bí thư Tỉnh ủy ký quyết định lắp camera cho 16 lãnh đạo trong ban Thường vụ, cần xem lại cách lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương.
Ông Trường kiến nghị: “Sóc Trăng có quá nhiều chuyện, chuyện cũ chưa qua lại có chuyện mới nên các cơ quan Trung ương nên vào cuộc kiểm tra làm rõ, đồng thời có nhắc nhở, cảnh báo và xử lý tùy theo mức độ vi phạm… Phải làm rõ trách nhiệm từng cá nhân và xử lý nghiêm để thắt chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách”
Báo Phụ Nữ TPHCM có bài: Có cái camera cán bộ cũng giành. “Có một dạo, rộ lên vụ việc Hà Nội dự kiến xây nghĩa trang 1.400 tỷ đồng dành cho cán bộ cấp cao. Đến chết, cũng muốn phân biệt mình – lãnh đạo cấp cao với những người còn lại – nhân dân. Huống gì khi còn sống, lại đương chức, hình như cái ‘khát vọng’ ấy còn mãnh liệt ghê gớm, dù chỉ là mấy chiếc camera cỏn con“.
Xét xử VN Pharma: Bộ Y tế tiếp tục “đấu khẩu” với VKS
Diễn biến mới vụ xét xử VN Pharma: Thành viên chuyến đi Ấn Độ phản bác quan điểm của Viện kiểm sát, Infonet đưa tin. Trong phiên xử sáng 30/9, trước khi các bị cáo nói lời sau cùng, luật sư và đại diện Bộ Y tế tiếp tục tranh luận với đại diện VKS xung quanh việc H-Capita là thuốc giả hay kém chất lượng.
Bà Nguyễn Minh Hoài, đại diện của Cục quản lý Dược, từng có mặt trong đoàn công tác của Bộ Y tế sang Ấn Độ, trình bày: “Cơ quan điều tra xác nhận có căn cứ xác định lô thuốc sản xuất tại Ấn Độ. Việc đại diện VKS không sử dụng các tài liệu được cơ quan chức năng Ấn Độ, Việt Nam là chưa đảm bảo thực tế khách quan. Đề nghị HĐXX xem xét các tài liệu này khách quan để làm rõ bản chất sự việc”.
Đáp lại, VKSND đề nghị điều tra việc làm lộ bí mật nhà nước vụ án VN Pharma, theo VOV.  Đại diện VKS kiến nghị tòa xem xét, xử lý hành vi của ông Ngô Nhật Phương, là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Ông Phương cho biết, ông đã cử người giúp Hiệp hội Dược Ấn Độ nộp tài liệu đến cơ quan điều tra, chứng minh thuốc H-Capita là thuốc được sản xuất ở Ấn Độ và đạt tiêu chuẩn, trong đó có các tài liệu của Bộ Y tế. Theo VKS, hành vi này có dấu hiệu của tội “Làm lộ bí mật Nhà nước” vì để cá nhân không có thẩm quyền có thông tin mật của Bộ Y tế.
Một bài viết của báo Pháp Luật TP HCM nhắm vào Bộ Y tế: Quá nhanh, quá nguy hiểm, thưa bộ trưởng Y tế! Bài báo xoáy vào chuyện: Trong khi đại diện VKS khẳng định lô thuốc H-Capita trong vụ VN Pharma “không chỉ giả về nguồn gốc, xuất xứ mà giả cả về chất lượng”, thì Bộ Y tế lại đưa ra các luận điểm nội dung bất nhất. Ý kiến sau cùng cho rằng, đó là thuốc thật, chỉ là kém chất lượng. 
Đại diện Cục Quản lý Dược giải thích thêm sự “giả” của VN Pharma “chỉ là giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ của lô thuốc (hàng Ấn Độ nhưng được ngụy tạo là hàng Canada để bán giá cao hơn gấp nhiều lần)”. Ngay khi tòa tiến hành xử sơ thẩm lần 2 vụ VN Pharma, Cục QLD và Bộ Y tế đã “thần tốc” tìm cách đánh tráo khái niệm trong vụ nhập thuốc ung thư giả này.
Sài Gòn và nhiều khu vực ĐBSCL bị ngập lụt
VietNamNet ghi nhận trong chiều 30/9: Đỉnh triều cường ở Sài Gòn chiều nay cao lịch sử.  Chuyên gia khí tượng thủy văn, ThS Lê Thị Xuân Lan phân tích, hơn một tuần qua gió chướng hoạt động mạnh khiến mực nước tại các cửa sông dâng cao đúng lúc triều cường lên.
Bà Lan cho rằng: Ngoài yếu tố biến đổi khí hậu thì tình trạng nền đất Nam Bộ nói chung và TP.HCM đang bị sụt lún do hệ quả của việc bê tông hóa và khai thác nước ngầm quá mức, khiến triều cường ngày càng tăng cao”. Bài báo lưu ý, mức triều cường cao nhất ở TP HCM vào thời điểm cùng kỳ năm 2018 đã là 1,72m, nhưng năm nay lên tới hơn 1,75m.
Video Player
00:00
01:45
Cũng VietNamNet đưa tin: Triều cường vỡ bờ bao 30m, nước bủa vây khu dân cư ở Sài Gòn. Triều cường dâng cao đã làm vỡ toang một đoạn bờ bao dài 30m ở quận 8, TP.HCM, khiến hàng trăm nhà dân bị ngập nặng. Sinh hoạt của người dân trong khu vực như đi lại, buôn bán… bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cuộc sống của dân bị đảo lộn.
Không chỉ TPHCM, mà các tỉnh ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cũng bị ngập nặng. Ngày 30/9/2019, triều cường ở Đồng bằng Sông Cửu Long tiếp tục dâng cao, gây ngập lụt ở nhiều khu vực. VOV đưa tin: Triều cường nhấn chìm nhiều tuyến đường giao thông ở ĐBSCL.
Tại TP Vĩnh Long, triều cường bất ngờ dâng cao khiến nhiều tuyến đường trong thành phố bị ngập sâu trong nước. Trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ xã Tân Phú của huyện Tam Bình kéo dài đến các xã Thuận An và thị trấn Cái Vồn của thị xã Bình Minh có chiều dài gần chục cây số bị ngập rất sâu.
Tại tỉnh An Giang, triều cường lên cao kết hợp với nước ở thượng nguồn đổ về, làm nhiều tuyến đường ở TP Long Xuyên bị ngập sâu, giao thông bị ùn tắc, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nơi đây. Tại phường Mỹ Quý, tỉnh An Giang bị ngập rất sâu, có những đoạn nước ngập hơn 50cm, khiến nhiều xe máy từ hướng Long Xuyên đi Cần Thơ đều bị chết máy.
Cần Thơ cho học sinh nghỉ học do lo ngại triều cường, theo báo Sài Gòn Giải Phóng. Chiều 30/9, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ thông báo đến các đơn vị trực thuộc về việc cho học sinh nghỉ học trong những ngày triều cường đầu tháng 9 Âm lịch đạt đỉnh tại đây. Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ dự báo mực nước đỉnh triều trên các sông rạch Cần Thơ tiếp tục lên và đạt đỉnh trong ngày 1/10. Đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu có khả năng lên mức 2,15 – 2,20 m, cao hơn mức báo động 3 từ 0,25 đến 0,30 m. 
Vụ bê bối ở ĐH Điện lực và ĐH Luật TPHCM
Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố ‘bóng ma tiêu cực’ tại Đại học Điện lực, báo Tiền Phong đưa tin. Một trong các vụ tiêu cực nghiêm trọng: Trước học kỳ 2 năm học 2017 – 2018, trường ĐH Điện lực không chấm thi tập trung, cán bộ chấm thi nhận túi bài đã rọc phách rồi đưa về chấm, sau đó thì trường này tổ chức chấm chung do Phòng khảo thí và Đảm bảo chất lượng chủ trì nhưng công tác quản lý thiếu chặt chẽ, còn để xảy ra hiện tượng sửa điểm bài thi, người không có nhiệm vụ và sinh viên vào phòng chấm thi.
Thanh tra Bộ GD&ĐT đã kiểm tra ngẫu nhiên các túi bài thi của sinh viên khoa Điều khiển – Tự động hóa, tuyển sinh năm 2013 và năm 2014 môn Điều khiển logic và Kỹ thuật lập trình PLC1, thì phát hiện, các túi 14549, 16128, 16130, 17222 có bài thi chỉ có 1 chữ ký của cán bộ chấm thi 1, không ghi điểm kết luận bằng chữ, không ghi điểm từng câu. 
ĐH Luật TP HCM cũng không “thua kém”, Zing có bài: Hàng loạt sai phạm tại ĐH Luật TP.HCM. Thanh tra Bộ GD&ĐT nhận định, với khoản nợ công 29 tỷ đồng đã tồn đọng từ giai đoạn 2014 – 2017, ĐH Luật TP.HCM chưa thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Khoản tiền hơn 3,4 tỷ đồng chi cho quản lý chung thì chứng từ chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa bảo đảm cơ sở quyết toán.
ĐH Luật TP HCM còn có 5 hồ sơ viên chức xét tuyển đặc cách sai quy định, trong đó có 4 viên chức không có bằng đại học loại giỏi theo quy định tại Thông tư số 15 của Bộ Nội vụ. Bà Mai Quốc Thu Trang chỉ có bằng cao đẳng công nghệ thông tin chính quy, loại trung bình khá, nhưng được xét tuyển đặc cách là trái quy định.
Thêm tin giáo dục
Báo Dân Trí đưa tin: Học sinh làm đơn xin đổi giáo viên vì bị đánh trong giờ học. Sự việc xảy ra ở lớp 8A4 trường THPT An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Các học sinh lớp này đã ký đơn tập thể gửi Ban giám hiệu nhà trường xin được đổi giáo viên, trong đó viết: “Lớp 8A4 của chúng em môn Ngữ văn nhiều bạn bị thầy đánh chúng em cảm thấy không được an toàn khi đi học nên chúng em muốn được bảo đảm an toàn vì rất là nhiều bạn nữ bị thầy đánh mông”.
Hiệu trưởng Lâm Văn Cam xác nhận: “Tuần vừa rồi nhà trường đã nhận được đơn và tường trình của các em về việc thầy Đặng Văn Quế, giáo viên môn Ngữ văn đánh các em, nên hôm nay (30/9) tôi và thầy Phó Hiệu trưởng đang ngồi trao đổi về hướng giải quyết vụ việc này”. Một GV trường này cho biết, sự việc đã kéo dài nhiều năm, đến nay học sinh không chịu đựng nổi nữa mới cùng làm đơn. 
Báo Giáo Dục VN viết: Hoàn cảnh bi đát, khốn khó của gia đình cô giáo Cà Mau kiện Hiệu trưởng. Đó là chuyện của cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh ở Trường Tiểu học – THCS Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, chỉ trong một năm nhận quyết định buộc thôi việc đến 2 lần, “đẩy gia đình cô rơi vào cảnh khốn cùng, túng quẫn khi một tháng mất đi gần chục triệu đồng tiền lương”.
Cô Thanh đã nộp đơn kiện hiệu trưởng trường này vì cách làm việc tùy hứng, không tôn trọng pháp luật, nhưng sự việc kéo dài suốt 2 năm, sau 2 lần hòa giải không thành, phiên tòa sẽ diễn ra công khai vào tháng tới.
Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét