Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

6064 - Bịa chuyện nhà báo bị ám sát, Ukraina tự đánh mất uy tín

Minh Anh

Nhà báo Nga Arkadi Babtchenko (P) gặp tổng thống Ukraina Petro Porochenko ngày 30/05/2018.
Mykola Lazarenko/Ukrainian Presidential Press Service/Handout vi

Truyền thông phương Tây ngày 30/05/2018 loan tin rộng rãi, phóng viên Arkadi Babtchenko, nổi tiếng là chỉ trích điện Kremlin, đã bị ám sát tàn nhẫn. Nhưng ngay trong tối hôm qua, xuất hiện một thông tin khác, khẳng định đó là cảnh dàn dựng nhằm phá vỡ một âm mưu ám sát nhà báo. Giới chuyên gia Pháp nhận định chính quyền Kiev trong dài hạn sẽ phải trả giá đắt cho hành động thiếu suy nghĩ này.

Đan xen với cảm xúc thở phào nhẹ nhõm về việc nhà báo này còn sống là sự bất bình, khó hiểu và nhiều câu hỏi được đặt ra. Đối với cộng đồng nhà báo, « một lằn ranh đã bị vượt qua ». Có nên dùng một tin giả để chứng minh một tin thật ? Quả thật, Arkadi Babtchenko đã phải bỏ trốn khỏi nước Nga, vì lo sợ cho an toàn của bản thân và ông biết rõ kịch bản ám sát nào có thể nhắm vào ông. Thế nhưng phương pháp hành động của cơ quan an ninh Ukraina trong vụ này đã bị báo chí phương Tây chỉ trích là « phản tác dụng », vì ai cũng biết là « các vụ ám sát được chỉ đạo từ Nga rõ ràng là có thật ».

Kể từ sau cách mạng Maidan cách nay bốn năm, tình hình đất nước Ukraina vẫn tăm tối. Cuộc chiến giữa quân chính phủ và phe đòi ly khai đông Ukraina đã làm thiệt mạng hơn 10.000 người, một triệu rưỡi người khác phải sơ tán, kinh tế đất nước lụn bại, tham nhũng lan tràn. Trong khi đó, thỏa thuận Minks xem như đã « chết yểu » và chưa có một giải pháp chính trị nào được đưa ra.

Kiev mong muốn một nước Ukraina không có cộng đồng người Nga. Trong khi Matxcơva muốn duy trì một hình thức gây áp lực nào đó đối với nước láng giềng này. Do vậy, cả hai bên đều tìm cách nói dối, bịa đặt và cuộc chiến tuyên truyền gia tăng nhịp độ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, vụ việc này không những không giúp cải thiện được quan hệ Nga – Ukraina mà còn để lại tác động xấu lên giới báo chí. Truyền thông phương Tây nhắc lại rằng cho đến lúc này, Matxcơva vẫn phủ nhận mọi trách nhiệm trong vụ đầu độc Serguei Skripal, cựu điệp viên người Nga đang sống tị nạn ở Anh, « cái chết giả được dàn dựng này sẽ còn củng cố hơn nữa lập trường của Nga, trong vụ việc này cũng như là trong các vụ khác ».

Do vậy, theo phân tích của Cyrille Bret, chuyên gia địa chính trị, hiện đang giảng dậy tại trường đại học Khoa Học Chính Trị, trên đài RFI, chính quyền Ukraina đang tự đánh mất uy tín của mình trên trường quốc tế :

« Rủi ro đầu tiên liên quan đến hình ảnh Ukraina. Từ nay, chính quyền Kiev bị coi là không ngần ngại nói dối, bịa đặt dàn dựng chuyện.

Rủi ro thứ hai là lòng tin, nhất là trong quan hệ với các đối tác châu Âu. Mọi người đều biết là các đối tác châu Âu tìm cách ủng hộ Kiev trong vụ Nga sáp nhập Crimée và có các hoạt động trong vùng Donbass. Giờ đây, các nước châu Âu tự hỏi liệu có thể tin được vào những tuyên bố của chính quyền Kiev hay không.

Rủi ro thứ ba là sự trả đũa của Nga, nhất là các hoạt động bí mật, lần này thì thành công ; các trả đũa của Nga trên thực địa và đương nhiên là chiến dịch bài Ukraina trên các diễn đàn quốc tế.

Về lâu dài, các hoạt động bí mật của một cơ quan Nga nào đó, trên lãnh thổ Ukraina, sẽ được che lấp, bởi vì khi Ukraina lên tiếng tố cáo, báo động thì ít ai tin » .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét