Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

6009 - Ấn Độ: Nhà máy đóng cửa trước sức ép người dân

BBC

Ít nhất 13 người chết tại cuộc biểu tình ở bang Tamil Nadu hôm 22/5
Ít nhất 13 người chết tại cuộc biểu tình ở bang Tamil Nadu hôm 22/5
Hôm thứ Hai 28/5, bang Tamil Nadu ở miền Nam Ấn Độ ra lệnh đóng cửa một nhà máy luyện đồng mà người dân địa phương đã biểu tình phản đối hơn 20 năm.
Chính quyền bang này có lệnh đóng cửa nhà máy luyện đồng Sterlite vài ngày sau khi cảnh sát bắn vào đám đông người biểu tình, làm ít nhất 13 người thiệt mạng. Chúng tôi điểm lại phong trào của người dân thu hút hàng chục ngàn người đã dẫn đến việc đóng cửa nhà máy này.
Ai là người biểu tình?
Người dân của Tuticorin, một thành phố cảng ở bang Tamil Nadu, cáo buộc nhà máy đồng gây hủy hoại nghiêm trọng về môi trường, gồm ô nhiễm không khí và gây độc hại nguồn nước ngầm.
Công ty khai thác khoáng sản Vedanta, chủ của nhà máy Sterlite, liên tiếp phủ nhận các cáo buộc. Công ty này nói việc đóng cửa nhà máy, đã hoạt động hơn 22 năm nay, là "một diễn biến đáng tiếc".
Nhà máy luyện đồng Sterlite có công suất 400.000 tấn đồng này có tai tiếng kể từ khi còn chưa được xây dựng hồi năm 1995.
Dự án xây dựng nhà máy đã từng bị từ chối ở ba bang khác tại Ấn Độ - các bang Maharashtra, Gujarat và Goa - do "tính chất gây ô nhiễm cao" trước khi được bang Tamil Nadu duyệt, theo Trung tâm Khoa học và Môi trường Ấn Độ.
Việc công bố dự án này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều người dân địa phương, những người đã phối hợp với các hiệp hội môi trường để thành lập phong trào chống Sterlite.
Sterlite được xây năm 1996 - sau khi được cấp giấy phép môi trường từ ủy ban chống ô nhiễm của bang Tamil Nadu và bộ môi trường, bất chấp sự phản đối của công chúng.



Người biểu tình cáo buộc nhà máy luyện đồng đã gây ra sự hủy hoại môi trườngBản quyền hình ảnhAFP
Image captionNgười biểu tình cáo buộc nhà máy luyện đồng đã gây ra sự hủy hoại môi trường

Điều gì khiến phong trào kéo dài?

Ông Nityanand Jayaram, một nhà hoạt động môi trường đã tham gia phong trào chống Sterlite từ năm 2003, nói với BBC luôn có sự "tức giận ngấm ngầm" với nhà máy này. Ông nói nhà máy liên tục nói dối người dân về tác hại gây ra cho môi trường.
"Công ty liên tục phủ nhận lo lắng của người dân và vì thế họ cảm thấy họ không được lắng nghe, và vì thế nỗi tức giận chưa bao giờ lắng xuống," ông cho biết.
Việc nhà máy Sterlite "dùng bộ máy chính phủ để làm lợi cho họ, trong lúc liên tục phủ nhận tác động môi trường đến những người dân sống trong vùng" làm tình hình thêm tồi tệ, ông Jayaram nói thêm.
Ông nói nhiều vụ việc như rò rỉ ga và vi phạm trắng trợn quy định quy hoạch làm tăng thêm thêm sự tức giận với công ty này.
Bang Tamil Nadu không lạ gì với các phong trào người dân phản đối các công ty và dự án của chính phủ. Năm 2016 hãng sản xuất hàng tiêu dùng khổng lồ Unilever buộc phải đóng cửa một nhà máy ở Kodaikana sau cuộc đấu tranh kéo dài một thập kỷ về xử lý chất thải độc hại. Trong một vụ khác, người dân ở Kudankulam biểu tình chống việc xây dựng và vận hành của một nhà máy điện hạt nhân suốt hơn 20 năm.
Phóng viên BBC News tiếng Tamil Muralidharan Kasi Vishwanathan nói một trong các lý do của những phong trào này là trình độ khá cao của người dân ở bang này, có nghĩa là người dân quan tâm nhiều đến các vấn đề hơn.
Ông cũng cho rằng các phong trào bảo vệ môi trường ở bang Tamil Nadu là rất mạnh, với sự tham gia của người dân từ mọi tầng lớp trong xã hội và được sự ủng hộ lớn của số đông.
"Chẳng hạn trong trường hợp biểu tình phản đối Sterlite, các chủ cửa hàng, tiểu thương và thậm chí ngư dân đều tham gia ngay từ đầu. Năm 1997, hai chuyến tàu từ Úc chở quặng đồng tìm cách cập bờ ở cảng Tuticorin, nhưng ngư dân dùng thuyền bao quanh các tàu này, và họ không thể giao quặng đồng được."



Cảnh sát nói người biểu tình "nổi loạn" và họ buộc phải nổ súng.Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionCảnh sát nói người biểu tình "nổi loạn" và họ buộc phải nổ súng.

Điều gì dẫn đến việc đóng cửa nhà máy?

Hôm 22/5, người dân Tuticorin xuống đường kỷ niệm 100 ngày biểu tình chống Sterlite. Nhưng các cuộc biểu tình hòa bình kéo dài hàng tháng này bất ngờ trở nên bạo lực khi cảnh sát đụng độ với người biểu tình. Cảnh sát nói họ phải nổ súng khi đám đông kéo vào trụ sở chính quyền quận. Ít nhất 13 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Cảnh sát và giới chức bang thanh minh chuyện bắn vũ khí vào đám đông người biểu tình "nổi loạn". Nhưng việc cảnh sát xả súng làm dấy lên phản đối trên toàn quốc và nhiều người gọi vụ việc này là giết người.
Trước sức ép ngày càng lớn của người dân, các quan chức bang phải ra lệnh đóng cửa nhà máy sau đó ba ngày.
Liệu đây có phải là kết cục cho Sterlite Copper?
Khó mà nói được. Đây không phải là lần đầu tiên nhà máy này phải đóng cửa. Đây là lần thứ tư nhà máy phải ngưng hoạt động do các vụ việc như rò rỉ ga, ô nhiễm không khí hay gây độc nguồn nước ngầm.
Ông Jayaram cho rằng văn bản ra lệnh đóng cửa nhà máy không vượt qua được các thách thức về luật pháp. Ông nói văn bản không đề cập đến những vi phạm của nhà máy trong nhiều năm qua và cáo buộc ủy ban kiểm soát ô nhiễm "có lịch sử phác thảo những điều luật yếu ớt chắc chắn sẽ không được chấp nhận ở tòa".
Người phụ trách mảng đồng thị trường Ấn Độ của hãng Vedanta, ông P Ramnath nói công ty có kế hoạch "chống lại bằng pháp luật bất kỳ nỗ lực nào nhằm đóng cửa nhà máy."
Nhà máy đóng cửa ảnh hưởng tới kinh tế Ấn Độ ra sao?
Nhà máy Sterlite ở bang Tamil Nadu là nhà máy nung đồng lớn thứ bảy trên thế giới, và đáp ứng 36% nhu cầu đồng của Ấn Độ. Điều này có nghĩa việc đóng của nhà máy có thể dẫn tới tình trạng thiếu đồng ở nước này và tạm thời khiến đồng tăng giá. Nỗ lực nhập khẩu để bù lượng đồng thiếu có thể sẽ tốn khoảng 3 tỷ USD hàng năm.
Thêm vào đó, 3.500 nhân viên của nhà máy bị mất việc. Một kỹ sư của Sterlite nói với BBC Tiếng Tamil rằng chỉ có ít công việc tương tự ở các nhà máy đồng khác tại Ấn Độ.
"Nhiều nhân viên đang rất khổ tâm vì họ đều ở trong tình trạng mất ổn định," ông nói


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét