Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

6000 - Khi loài khỉ được dạy cách tiêu tiền

BBC

Getty ImagesGetty Images
Trên một hòn đảo ngoài khơi Puerto Rico đã diễn ra một thí nghiệm thú vị về loài khỉ.
Kết quả thí nghiệm này có thể khiến chúng ta hiểu rõ hơn về kinh tế học hành vi, tâm lý rủi ro và có thể giải thích tại sao nền kinh tế của chúng ta bị khủng hoảng tài chính mang tính chu kỳ. Thí nghiệm này diễn ra trên sáu con khỉ Capuchin được đặt tên theo các nhân vật trong phim James Bond.
Chọn mua chỗ rẻ hơn
Các nhà nghiên cứu đã huấn luyện cho các con khỉ này biết đổi những tấm thẻ kim loại nhỏ lấy thức ăn. Chúng được đặt trong một cái chợ dã chiến nhỏ, nơi những người làm thí nghiệm sẽ cung cấp thức ăn với các mức giá khác nhau.
Một trong những người 'bán hàng' cho khỉ là bà Laurie Santos, giáo sư khoa học nhận thức và tâm lý học tại Đại học Yale. "Chúng tôi có thể sử dụng cách sắp đặt đó để đặt câu hỏi rằng liệu những con khỉ này có để ý đến những thứ như là giá cả - liệu chúng có cố gắng tối đa hóa số tiền dành cho khỉ mà chúng có hay không?" bà giải thích.
"Điều mà chúng tôi thấy ngạc nhiên là chỉ cần được huấn luyện qua loa, những con khỉ này sẽ mua hàng ở những ai cho chúng thức ăn ở mức giá rẻ hơn. Do đó nếu chúng mua được gấp đôi số thức ăn với cùng một số tiền ở một người bán hàng thì chúng sẽ mua hàng của người đó thường xuyên hơn."
Chúng cũng thể hiện những nét tính cách khác của con người như tính cơ hội. Chúng sẽ tìm cách chộp lấy bất cứ tấm thẻ kim loại đổi thức ăn nào mà chúng thấy ở xung quanh khi các nhà khoa học không để ý. Chắc chắn là khỉ làm trò khỉ, nhưng nó cũng cho thấy chúng xem những 'đồng tiền' này là những thứ quý giá.
Tăng độ rủi ro
Tuy nhiên, chính thái độ của chúng sẵn sàng liều với tiền của chúng mới chính là bài học đáng suy ngẫm nhất đối với con người chúng ta.
Các nhà nghiên cứu đã đưa vào thí nghiệm yếu tố chọn lựa. Các con khỉ có thể mua bán với một trong hai người. Một người sẽ đưa cho chúng hai miếng thức ăn, trong trường hợp này là quả nho, để đổi lấy tiền mỗi khi chúng trao đổi. Đó là lựa chọn an toàn, không có mất mát gì.
Nhưng người còn lại sẽ đưa cho chúng hoặc là một hoặc là ba quả nho để đổi lấy tiền của chúng. Mua đồ ở người bán thứ hai này sẽ có nhiều rủi ro hơn vì 50% cơ hội là một quả còn 50% còn lại là ba quả nho.
Tương ứng trong thế giới loài người, hãy xem câu chuyện này như sau: bạn có lựa chọn như sau: hoặc bạn được đảm bảo 2.000 đô la hoặc bạn có 50% khả năng có 1.000 đô la và 50% khả năng có 3.000 đô la.
Dám đánh cược hay không dám đánh cược - bạn chọn cái nào?
Hầu hết mọi người đều đi theo lựa chọn an toàn - họ lấy 2.000 đô. Đó cũng chính là lựa chọn của những con khỉ này.

Đánh cược

Đến giờ mọi thứ đều ổn. Suy cho cùng, khỉ đột và khỉ là họ hàng gần gũi nhất của chúng ta. Chúng có cùng lịch sử tiến hóa với chúng ta. Tuy nhiên, khi thí nghiệm được điều chỉnh để cho bọn khỉ có cùng lựa chọn giống vậy nhưng với xuất phát điểm khác nhau, điều thú vị đã xảy ra.
Giáo sư Laurie Santos giải thích: "Bọn khỉ đi vào và có vẻ như cả hai người bán hàng đều cầm trên tay ba quả nho cho nên bộ não khỉ của chúng có lẽ đang nghĩ rằng 'Ồ, có khả năng là sẽ lấy được ba quả nho'."
"Một người là lựa chọn an toàn. Lần nào anh ta cũng làm như nhau… bọn khỉ trao đổi với anh ta và anh ta có trên tay ba quả nho nhưng anh ta giữ lại một quả và chỉ đưa cho bọn khỉ hai quả, cho nên đây là một mất mát chắc chắn - mất mát ít nhưng chắc chắn," Santos nói.
"Người thứ hai thì rủi ro hơn - đôi khi anh ta đưa hết cả ba quả nho nhưng cũng có khi anh ta chỉ đưa cho bọn khỉ có một quả."
Một lần nữa, hãy nhìn theo cách sau: bạn bắt đầu với 3.000 đô la và bạn có một lựa chọn. Hoặc là bạn bị chắc chắn lỗ 1.000 và chỉ còn lại 2.000 đô la hoặc là bạn đánh cược.
Nếu bạn đánh cược thì một nửa khả năng là mất đến 2.000 đô la và chỉ còn lại 1.000 đô la nhưng một nửa khả năng là bạn không mất đồng nào cả. Bạn sẽ làm sao?
Hầu hết mọi người sẽ đánh cược và sẽ đi theo lựa chọn rủi ro.
Điều ngạc nhiên là bọn khỉ trong thí nghiệm cũng làm như vậy. Cảm giác bị mất mát thật là đau lòng đến nỗi chúng sẵn sàng đánh liều bị mất nhiều hơn để có cơ hội bảo toàn không bị mất gì cả.
Khi cổ phiếu và cổ phần sụp đổ hay khi giá nhà chạm đáy, bạn có thể cho rằng mọi người sẽ trở nên cẩn trọng hơn.
Thật ra, họ lại càng liều lĩnh hơn. Mọi người sẽ bám vào cổ phiếu đang bị mất giá với dự đoán rằng giá của nó sẽ tăng trở lại bởi vì chúng ta không chịu được ý nghĩ rằng chúng ta sẽ có ít hơn những gì chúng ta hiện có. Đó là cảm giác sợ mất mát.

Vận dụng vào tiết kiệm

Vậy thì, nếu cảm giác sợ mất mát nằm trong gien di truyền của chúng ta thì chúng ta phải làm gì đây?
Giáo sư Santos nói rằng đôi khi tìm những cách gian xảo để thúc đẩy mọi người có hành động đi ngược lại với bản năng gây hại của chúng ta lại có lý.
Một ví dụ là tiết kiệm.
"Nhiều người muốn tiết kiệm, nhưng hành động lấy tiền ra khỏi tấm séc trả lương của bạn và bỏ vào tài khoản tiết kiệm lại khiến người ta có cảm giác như bị mất mát," bà giải thích.
Để giải quyết vấn đề này, các học giả đã nghĩ ra các chương trình có tính đến chuyện này và lấy tiền tiết kiệm ra khỏi mức lương mà bạn sẽ được tăng sau này để cho nó không bao giờ thật sự gây cho bạn cảm giác bị mất mát.
Các kinh tế gia Richard Thaler (nổi tiếng với Lý thuyết thúc đẩy) và Shlomo Benartzi đã nghĩ ra chương trình Tiết kiệm Nhiều hơn vào Ngày mai (SMarT). Đây là một cách làm đơn giản nhưng khôn khéo bao gồm bốn bước để thúc nhân viên tiết kiệm cho đến khi nghỉ hưu.
Đầu tiên, các nhân viên được khuyến khích đăng ký tham gia chương trình rất lâu trước khi nó thật sự bắt đầu - do đó mà họ không thấy thiệt hại về tài chính ngay.
Sau đó, tiền đóng vào lương hưu thật sự không bắt đầu được trích ra cho đến khi họ được tăng lương vào lần tiếp theo để cho các nhân viên không cảm thấy rằng đồng lương hiện tại mà họ lãnh được bị mất tiền.
Theo thời gian thì khoản đóng góp này cũng tăng lên với mỗi lần được tăng lương cho đến khi khoản đóng góp đạt đến mức tối đa được xác định ngay từ đầu.
Cuối cùng, nhân viên có thể chọn rút ra khỏi chương trình này vào bất cứ lúc nào. Bước cuối cùng hoạt động dựa trên cơ sở rằng con người có xu hướng có định kiến với tình trạng thực tại. Nói cách khác, không làm gì dễ hơn là làm cái gì đó.
Những quyết định mà con người đưa ra về tiền bạc thường dường như bị phi lý và có thể dẫn đến bong bóng giá và thị trường sụp đổ. Đôi khi, chúng ta chỉ đưa ra những quyết định tồi tệ vốn không hề hợp lý chút nào.
Do đó, có lẽ điều mà Giáo sư Santos và các nhà kinh tế học về loài khỉ nhấn mạnh là có thể có một số thói quen tiến hóa tự nhiên mà vẫn khó mà xóa bỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét