Các thỏa thuận thương mại trị giá hàng tỷ đôla, tạo hàng chục nghìn
công ăn việc làm ở Mỹ, đã giúp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc “lấy
lòng” được “ông chủ” Nhà Trắng, giới quan sát nhận định. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ứng cử viên Donald Trump từng
nhiều lần chỉ trích Hà Nội “đánh cắp” việc làm tại Mỹ, cũng như nói rằng
Việt Nam là “một trong những nước trả lương thấp nhất trên thế giới”.
Tuy nhiên, trên cương vị tổng thống, ông Trump hôm 31/5 cho báo giới
biết rằng phía Mỹ “đánh giá cao” Việt Nam vì đã ký kết các thỏa thuận
thương mại “mang lại công ăn việc làm cho Hoa Kỳ”.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết rằng trong chuyến công du của ông Phúc, Hoa
Kỳ đã ký 13 giao dịch mới với Việt Nam trị giá tới 8 tỷ đôla, mang lại
ước tính hơn 23 nghìn công ăn việc làm.
Về ý kiến của một số cư dân mạng cho rằng nhà lãnh đạo Việt Nam
đã sử dụng chiến thuật “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” để lấy
lòng Tổng thống Trump, bạn đọc Soat Bui nhận định với VOA Việt Ngữ rằng
“đây là một sự hợp tác sòng phẳng, đôi bên cùng có lợi”.
Trước Thủ tướng Phúc, ông Trump đã có các giao dịch thành công với
lãnh đạo một số nước khác mà cựu doanh nhân này luôn nhấn mạnh tới
chuyện mang lại việc làm cho người Mỹ.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Việt – Mỹ hôm 31/5 cũng
đánh dấu ngày cuối cùng trong chuyến công du Hoa Kỳ của người đứng đầu
chính phủ Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer từ Australia cho VOA Việt Ngữ biết rằng chuyến
công du đã “thành công tốt đẹp”, “cho thấy đường lối ngoại giao tích cực
và nỗ lực lớn của Việt Nam” và mở ra “một thời kỳ mới” trong quan hệ
giữa hai nước cựu thù.
Chuyên gia về tình hình chính trị Việt Nam này cho rằng các thỏa
thuận khác nhau trị giá nhiều tỷ đôla “rõ ràng đã tạo ra một bầu không
khí thuận lợi và Tổng thống Trump đã phản ứng một cách tích cực”.
Đích thân nguyên thủ Mỹ thông báo rằng thương mại đứng đầu trong
nghị trình thảo luận giữa đôi bên. Đây cũng là vấn đề nằm ở top đầu
trong bản tuyên bố chung công bố sau đó, mà theo giáo sư Thayer đã đề
cập một cách “công bằng” quyền lợi của hai bên.
Nhà nghiên cứu này cũng nhận xét rằng phía Việt Nam “tỏ ra linh hoạt
và đưa ra những đề xuất về cách thức các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể gia
tăng việc xuất khẩu sang Việt Nam”, trong bối cảnh thâm hụt thương mại
của Mỹ với Việt Nam đứng ở mức khoảng 30 tỷ đôla.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán
chính sách đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi
cho các công ty nước ngoài, bao gồm các công ty Hoa Kỳ kinh doanh, đầu
tư tại Việt Nam”, tuyên bố chung do Nhà Trắng cung cấp có đoạn.
Hồi cuối năm ngoái, ngay sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump từng
nói với ông Tim Cook, Tổng giám đốc điều hành của Apple, rằng ông muốn
tập đoàn sản xuất iPhone này lập nhà máy ngay tại Hoa Kỳ, thay vì sản
xuất sản phẩm ở các nước như Trung Quốc hay Việt Nam.
Theo giáo sư Carl Thayer, “dù dường như có sự hỗn loạn trong Nhà
Trắng cũng như sự bất nhất về mặt chiến lược xuất phát từ nhiều tuyên bố
trái ngược của Tổng thống Trump, Việt Nam giờ hiểu rõ hơn về đường
hướng của mối quan hệ song phương với Mỹ trong những năm tới. Điều này
có tính chất trấn an Hà Nội”.
Ông nói tiếp: “Việt Nam sẽ vẫn có thể 'đa phương hóa và đa dạng hóa'
mối quan hệ song phương, khi biết rằng Hoa Kỳ duy trì cam kết về mối
quan hệ đối tác toàn diện với Hà Nội và Hoa Kỳ sẽ vẫn hướng về Đông Nam
Á”.
Các bức ảnh trên mạng cho thấy rằng Tổng thống Trump đã ra tận cửa
Nhà Trắng để đón lãnh đạo Việt Nam rồi sau đó cả hai tươi cười hướng về
ống kính của các phóng viên. Nguyên thủ Mỹ sau đó cũng chủ động chìa tay
để bắt tay ông Phúc.
Phát biểu tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng với ông Trump kế bên, Thủ
tướng Việt Nam nói rằng “quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong lịch sử đã có
những bước thăng trầm nhưng nay là đối tác toàn diện của nhau”.
Ông cũng nói tiếp rằng “cuộc hội đàm sẽ đóng góp vào sự phát triển
của hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng lẫn nhau
vì hòa bình, phát triển của ASEAN, của khu vực châu Á – Thái Bình Dương
và của thế giới”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét