Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Bà Nguyễn Tuyết Lan, mẹ của nhà
hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - người vừa bị Tòa án “nhân dân”
Khánh Hòa xử đến 10 năm tù trong một phiên tòa được tuyên truyền là “công khai”
- không nên quá xúc động khi thốt lên với cháu mình: “Khi con 21 tuổi con mới
được gặp mẹ!”. Bởi một lần nữa trong bao lần của
lịch sử, nước Việt đang bước vào thời đoạn “cùng tắc biến”.
Chỉ là những con số
Vào giờ phút này, ở vào tình thế
5 mối nguy mất nước “Trẻ không kính già, Trò không trọng thầy, Tham nhũng tràn lan,
Binh kiêu tướng thoái, Sĩ phu ngoảnh mặt với thời cuộc” mà cổ nhân Lê Quý Đôn
đã đúc kết, 10 hay 20 hoặc cả 30 năm tù cũng chỉ là những con số. Những con số ấy
có thể đột ngột rút ngắn tuổi thọ của chúng một cách đáng kể theo đà sóng lừng
dồn đến sóng thần của biển cả dân tộc.
Nhớ lại năm 2012, vụ Câu lạc bộ
Nhà báo tự do bị đem ra xét xử. Những nhà đấu tranh cho tự do báo chí là Điếu
Cày Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần đã bị chính quyền xử án lần lượt đến 12 năm
và 10 năm tù. Những viên công an đanh ác hả hê trước Tần: “Cứ thế mà ở cho đủ
10 năm đấy!”.
Nhưng chỉ 2 năm sau, Điếu Cày đã
được tự do bởi nguyên cớ chính quyền Việt Nam khi đó tràn trề hy vọng được Hoa
Kỳ chấp nhận cho tham gia vào Hiệp định TPP. Một năm sau đó, Tạ Phong Tần cũng
được tự do.
Song đó là chuyện cũ. Chuyện “đổi
tù nhân lương tâm lấy lợi ích thương mại” đã ăn vào bản chất của chính quyền Việt
Nam.
Còn 2017 - năm xử án Nguyễn Ngọc
Như Quỳnh - lại khác xa bối cảnh năm 2012. Câu chuyện của những người như Quỳnh
cũng sẽ khác.
Nếu năm 2012, tình hình kinh tế mới
dợm chân vào suy thoái, nội bộ đảng còn chưa phân hóa mạnh dù bắt đầu xảy ra
mâu thuẫn đủ lớn “Trọng - Dũng”, còn xã hội chưa đến mức hỗn loạn dù đã bùng nổ
“người nông dân nổi dậy” Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng…, thì từ đó đến năm 2017 đã
có hàng loạt bằng chứng không thể che giấu về một cơn khủng hoảng kinh tế đang ập
tới, kéo theo rất nhiều dấu hiệu cho thấy ngân sách đang cạn kiệt với gia tốc
nhanh hơn hẳn, hàng loạt dấu hiệu hiển hiện về phân hóa và phân rã trong đảng,
và đặc biệt là những cái tên sôi sục như Formosa, Đồng Tâm…
Bầu không khí xã hội và chế độ đã
trở nên kích nén, bấn loạn, khẩn cấp lắm rồi!
Cả đất nước như một lò lửa không
chỉ còn âm ỉ.
Bức nén và bấn loạn đến mức ngay
cả một nhân vật nguyên thứ trưởng Bộ công an là ông Võ Viết Thanh còn phải ấp ủ
ao ước có được “đối lập xây dựng” trong đảng Cộng sản. Bức bối kìm nén đến mức
nhiều trí thức, cựu quan chức và cả quan chức đang vận động để đảng cầm quyền
trở về tên đảng Lao Động thời Hồ Chí Minh, cho dù một số chủ nhân ông của kế hoạch
đó vẫn thầm thì với nhau “chỉ là thay áo thôi mà”…
Với một bầu không khí dễ kích nổ
đến thế, lấy đâu ra cơ sở luận chứng để giới bảo thủ trong đảng cầm quyền tưởng
tượng về “tầm nhìn đến năm 2030” cùng các kế hoạch cho sự tồn tại của đảng
trong hàng chục năm nữa?
Nhà tù nhỏ và nhà tù lớn
Năm 1986, tình hình Liên Xô trước
khi tan rã vẫn có vẻ ổn định vào. Kể cả đến năm 1988 vẫn chưa có gì xáo động lớn,
ít ra trên bề mặt xã hội. Nhưng chỉ một vài năm sau, bức tường Berlin bất thần
sụp đổ trước làn sóng khổng lồ của người dân Đông Đức, còn 20 triệu đảng viên
cùng vài triệu binh sĩ và công an xô viết đã trở nên tê liệt trước hình ảnh chấm
dứt độc quyền của đảng cộng sản ngay tại đất nước này.
Mọi chuyện cũng có thể diễn biến
nhanh, thậm chí rất nhanh ở Việt Nam. Dân chủ và quyền dân đã bị dồn vào chân
tường để luôn có thể bật ra, bùng lên bất cứ lúc nào. Cái gọi là “dân chủ nội bộ”
cũng nghẹt thở. Tưởng chừng sau Đại hội 12 vào dầu năm 2016, chính trường sẽ
“thống nhất”. Nhưng ngược lại là đằng khác, bầu không khí chính trị như trở về
thời tiền Mười hai sứ quân. Nhanh đến phát sợ, ngày càng nổi lên nạn cát cứ quyền
lực và sứ quân địa phương. Hừng hực và mê muội như thiêu thân, các nhóm lợi ích
móc chặt cùng các nhóm thân hữu trong chính quyền và trong đảng đua nhau lao
theo “chuyến tàu vét”. Xung đột tràn lan và tàn nhẫn từ địa phương đến trung
ương, thật như thời Lê mạt.
Nhưng xung đột ghê gớm không kém
là giữa một bên là chủ nghĩa Mác - Lê với bên kia là thuyết kim tiền.
Kể từ thời Liên Xô tan vỡ và khủng
hoảng Đông Âu vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, chưa bao giờ có nửa năm đầu đầy
biến động hỗn tạp cả về chính trị, kinh tế, xã hội và đối ngoại như năm 2017
này. Tất cả cứ như bị siết nghẹt trong một cái áo quá chật hẹp, những đường chỉ
chỉ chờ chực nứt tung. Sau tất cả các cuộc xung đột triền miên, phần đông đang
nhìn thấy một cơn sóng thần lừng lững xô đến. Nhưng bi kịch thay, tất cả vẫn
còn nguyên trong vòng luẩn quẩn. Tất cả vẫn còn nguyên bế tắc.
Nếu những người như Như Quỳnh bị
giam hãm trong nhà tù nhỏ, chắc chắn những kẻ cầm quyền cũng chẳng sung sướng
gì: họ đang nằm trong một nhà tù lớn.
Lối thoát
Nhưng kém may mắn hơn Như Quỳnh rất
nhiều, những kẻ cầm quyền không có nhân dân bên cạnh. Xung quanh họ và trong họ
chỉ là một sự cô độc mênh mông, một sự cô đơn tự nguyền rủa.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi một bộ
phận đảng viên và một số thế lực trong đảng đang ngày càng nhiều hơn những biểu
hiện muốn “tự cải cách” để thoát khỏi con tàu sắp đắm… Đây mới chính là tác
nhân lớn nhất, hiện thực nhất và khả thi nhất dẫn đến một cuộc đảo lộn và bắt
buộc phải dân chủ hóa chính thể trong những năm tới, chứ không chỉ là tác động
từ yếu tố đối ngoại và cộng đồng nhân quyền quốc tế.
Thời gian không còn nhiều nữa. Mà
lại thật ngắn ngủi cho những cá nhân cầm quyền muốn tìm lối thoát. Có lẽ nửa cuối
năm 2017 sẽ chứng kiến những bùng nổ xung đột cùng những chuyển động không những
“thay da” mà còn phải dần “đổi thịt” cho năm 2018 và những năm sau đó.
Không hẳn giống với kịch bản một
Miến Điện chuyển tiếp dân chủ từ năm 2012 khi có đến vài trăm tù nhân chính trị
được trả tự do theo lộ trình, nhưng Việt Nam cũng phải chuyển biến theo cách
đó, không khác hơn được. Nếu không, chế độ và cả đất nước này sẽ bị cô lập như
một ốc đảo giữa đại dương cuồn cuộn sóng dữ.
Cũng không thể khác hơn, những
người đấu tranh nhân quyền bị xử án tù ở thời điểm này đều có hy vọng sẽ phải
được trả tự do sớm. 10, 20 hay cả 30 năm tù đều chỉ là những con số tự huyễn hoặc
về ảo tưởng sức mạnh của buổi chợ chiều chính thể.
Là một cựu đảng viên đảng cộng sản
và có lẽ đã quá hiểu cái đảng này, tôi tin chắc rằng những người đấu tranh vì
nhân quyền, vì nhân dân như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ không phải thụ hết cái án
tù 10 năm. Thậm chí ngay cả một nửa hay một phần ba của con số đó sẽ là quá bội
thực đối với giới cầm quyền đã nhốt giam Như Quỳnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét