Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Lại nói về đối thoại

1- Đã gần hai tháng sau cái ngày 18/05, ngày ông Võ Văn Thưởng, trưởng ban Tuyên giáo TƯ phát ra thông điệp đối thoại, khiến bao người ngơ ngác, bao người sửng sờ. Cuối cùng thì vẫn im lặng, không có gì xảy ra. Ban bí thư chưa ra được bản hướng dẫn. Có thể sẽ chẳng có bản hướng dẫn nào cả. Với thái độ kẻ cả ngạo mạn vốn có, đối thoại với những người lãnh đạo trong chế độ độc đảng cầm quyền có thể vẫn chỉ là ảo tưởng.


- “Sự ngạo mạn đần độn” đã làm những người cộng sản đi từ sai lầm này sang sai lầm khác, không phải chỉ ở Việt Nam. Trung Quốc từng có một cơ hội cải cách thành một chế độ dân chủ.

Trong tuyên bố chung Anh-Trung năm 1984 giữa Đặng Tiểu Bình và bà thủ tướng Thatcher, ông Đặng giải thích, sở dĩ có công thức “một quốc gia hai chế độ” là vì sau 50 năm, Trung Quốc có thể đã trở thành một quốc gia phát triển (ngang với Hồng Kông hiện tại), thì "Trung Quốc và các nước khác có thể trở nên lệ thuộc lẫn nhau, thế nên không có lý do gì để thay đổi hệ thống ở Hồng Kông". Ý của ông Đặng rõ ràng là trong khoảng 50 năm, Trung Quốc cũng sẽ là một quốc gia dân chủ hiện đại, sẽ không có gì mâu thuẫn với chế độ đang có tại Hồng Kông.

“Sự ngạo mạn ngu xuẩn” của những kẻ cầm quyền ở Bắc Kinh đã nghiền nát phôi thai của một nền văn minh bằng bánh xích xe tăng trên quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng sáu năm 1989, để bây giờ, khi ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói trong một cuộc họp có mặt Tập Cận Bình, ngày 17/03 tại Singapore, rằng “Trung Quốc không thể dẫn dắt khu vực vì nước này phi dân chủ”. Hai nhà nghiên cứu Trung Quốc GS. William C. Kirby, cũng nói: “...những tranh luận về tương lai của TQ, dù là ngầm, đang sôi nổi chưa từng có ở đại lục. Nhưng khi nào những cuộc tranh luận như thế trở nên cởi mở, công khai và thậm chí là dự đoán được, ở đại lục, khi đó - và chỉ khi đó - mới tin được là TQ có năng lực để thực sự làm người lãnh đạo.”

Nếu những lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc không mắc bệnh “ngạo mạn”, thì họ đã có cơ hội cất cánh từ 30 năm trước. Và với một nền dân chủ, Trung Quốc có thể đã là một trung tâm khu vực Đông Nam Á như một liên minh theo mô hình liên minh châu Âu.

Khát vọng bành trướng đại hán kết hợp với một cuồng vọng vĩ nhân đang thúc ép ông Tập dàn trận cho một cuộc cải cách muộn màng. Để cải cách, ông Tập cần quyền lực, nhưng ông ta quên rằng chính quyền lực sẽ phá hủy hạ tầng của dân chủ.

- “Sự ngạo mạn ngu xuẩn” tương tự cũng đã khiến ông cựu tổng bí thư Lê Duẩn đã cướp đi của lịch sử cơ hội phát triển hợp tác với Mỹ ngay từ sau chiến tranh.

- Có thể cũng chỉ do “ngạo mạn ngu xuẩn” mà ông Nguyễn Phú Trọng ngộ nhận về một ảo tưởng “mình phải thế nào họ mới đón tiếp như vậy chứ”. Nếu ông Trọng biết lắng nghe bằng hai tai, ông sẽ tránh được cái quả đắng mà ông Trump giành cho đảng cộng sản của các ông hôm nay.

2- Báo Quân Đội nhân dân có một bài của một nhân vật có “nick name” Bắc Hà, nói rằng mọi người đã hiểu sai ý của Trưởng ban tuyên giáo. Không có đối thoại với đối lập nào cả. Những người khác quan điểm với đảng mà ông Thưởng đề cập, là những người chưa hoặc không hiểu đường lối chính sách của đảng, được mời “đối thoại để được giải thích thông suốt”, không có chuyện đối thoại để thay đổi luật pháp và chính sách, càng không thể có chuyện đối thoại để thay đổi thể chế chính trị.

Bài báo cố ý để người đọc hiểu rằng, chân lý không phải cần qua cọ xát, nhất là cọ xát với với đối lập quan điểm. Tất nhiên, một nhận định có tính cốt lõi như vậy đăng trên mục “chống diễn biến” của cơ quan Quân ủy mà ông Trọng trực tiếp là bí thư, thì phải hiểu rằng cái ông Bắc Hà vô danh nào đấy chỉ là cái lưỡi thay lời ông Trọng, theo chỉ thị của ông trọng hay ít nhất cũng được ông Trọng cho phép.

Nghĩa là, nếu không phải là ông Thưởng phạm lỗi dùng từ “đối thoại” không đúng chỗ, hoặc lẫn lộn nghĩa của từ “đối thoại” với “quán triệt” thì rất có thể chính ông trưởng ban tuyên giáo đang có vấn đề về tư tưởng.

Khi ông Thưởng nói: “Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc "tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước” và còn nhấn mạnh thêm, rằng: “Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý...” thì không thể hiểu là ông Thưởng chờ Ban bí thư hướng dẫn những người dân đến gặp đảng và chính quyền để nghe giải thích đường lối và quán triệt “chân lý” của đảng?!!

Ông Trọng chỉ đạo bẻ quặt ý của ông Thưởng, vuốt mặt ông Thưởng hay còn tính gì khác!?

Chân lý xưa nay vẫn là độc quyền của đảng, không phải “hình thành qua đối thoại và cọ xát”, nhất là lại cọ xát với đối kháng. Đây là diễn biến suy thoái. Trưởng ban Tuyên giáo mà suy thoái tư tưởng? Nếu ông Trọng không bị loại khỏi ghế Tổng bí thư, thì ông Thưởng phải chuyển nghề khác. Hãy chờ xem.

Vở kịch còn đang diễn. Xung đột chỉ đang tiệm cận đỉnh điểm.

3- Đảng cộng sản Việt Nam nếu loại bỏ được vai trò cá nhân của ông tổng bí thư giáo điều Nguyễn Phú Trọng, thì một triển vọng cải cách đi trước Trung Quốc có thể thành hiện thực. Việt Nam gọn nhẹ và thông minh hơn nhiều. Và đã từng bỏ qua các cơ hội đối thoại.

Góp ý vào dự thảo thay đổi hiến pháp năm 2013, Kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức nổi tiếng viết: “Cuộc sống chỉ rõ nguyên nhân gốc rễ dẫn tới tình hình ấy (mất lòng tin của dân, tham nhũng và trì trệ kinh tế) chính là chế độ toàn trị của một đảng trên thực tế đang chi phối toàn bộ quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị, đứng trên Nhà nước và pháp luật, vô hiệu hóa nhiều quyền tự do, dân chủ đã được quy định trong Hiến pháp... đổi mới căn bản thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ, là yêu cầu cấp bách của đất nước, của nhân dân”.

Kiến nghị của 61 đảng viên cộng sản ngày 28/07/2014 cũng viết: “Việc cần làm ngay để thể hiện sự thực tâm chuyển đổi thể chế chính trị, tạo niềm tin trong dân là các cơ quan công quyền chấm dứt các hành động sách nhiễu, trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước, đối với các tổ chức xã hội dân sự mới thành lập, trả tự do cho những người đã và đang bị kết án hình sự chỉ vì công khai bày tỏ quan điểm chính trị của mình”.

Nhưng ông Trọng là người duy nhất trong những người lãnh đạo đảng quy kết: "Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm đấy, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thế là suy thoái chứ còn gì nữa. Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì? Nên phải quan tâm xử lý những điều đó."

Khó có thể hình dung một con người cực đoan đến mức mụ mẫm như vậy có thể đứng đầu một đảng cầm quyền một quốc gia hơn 90 triệu dân.

Chỉ một giả thuyết không có mặt ông Nguyễn Phú Trọng trên sân khấu, đủ để một kịch bản đối thoại tới dân chủ đích thực trở thành hiện thực.

4- Tại sao ông Võ Văn Thưởng phát tín hiệu đối thoại? Có phải sự kiện xảy ra tại Đồng Tâm là hình mẫu lộ trình dẫn đến thế đối thoại? Người dân phải bắt giam công cụ đàn áp của chính quyền. Người dân phải rào làng và sẵn sàng thề chết để bảo vệ quyền và môi trường sống của mình? Muốn chính quyền chịu chấp nhận đối thoại phải theo hình mẫu này? Có phải đây là lời nhắn nhủ của ông Thưởng và những người còn giấu mặt?

Nhưng người dân Đồng Tâm đã không đủ sức bền để khả dĩ chịu đựng thách thức. Họ quá đói nghèo, mỏng manh và cô độc để đương đầu với những thủ đoạn nham hiểm khó lường của chính quyền.

Cần có một cú huých! Có phải quyết định khởi tố hình sự của công an Hà Nội nhằm mục đích tạo ra cú huých? Một ông chủ tịch thất hứa, một chính quyền lừa bịp. Pháp luật của cái chính quyền này tùy thuộc sức mạnh và ý muốn của mỗi phe cánh, không thể tin và vì vậy không thể tuân thủ vô điều kiện. Pháp luật do nhà cầm quyền đặt ra từ tay phải, thực hành bằng tay trái và chỉ nhằm bảo vệ sự tồn tại của chế độ có đủ tư cách và phẩm chất để được gọi là luật không? Sự tráo trở, lật lọng của nhà cầm quyền chỉ xảy ra khi đó là chính quyền độc trị, không có dân chủ đích thực. Cú khởi tố đã cố tình khơi lại ngọn lửa, tạo sức ép cho một cuộc đối thoại? Cuộc đối thoại mới sẽ không phải của ông chủ tịch thành phố mà sẽ là của ông chủ tịch nước!?

Không thể có đối thoại suông kiểu kiến nghị 72 và kiến nghị 61. Chìa khóa của đối thoại là áp lực có thật từ phía quần chúng, một quần chúng có số đông và được tổ chức. Hãy chứng minh khả năng đối thoại bằng một cuộc xuống đường quy mô hơn, sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi với cường độ gay gắt hơn trước sự thách thức công khai, trắng trợn của chính quyền bằng lệnh khởi tố. Nếu không có xuống đường thì sẽ vẫn không có đối thoại, và sự “ngạo mạn ngu xuẩn” sẽ vẫn ngự trị.

5- Khởi tố có thể là hòn đá dò đường, nhưng cũng là loại thuốc thử.

Nếu là hiện tượng bộc phát, chỉ cần quây hai cụ Lê Đình Kình và cụ Lê Hữu Ba là sẽ chẳng có gì xảy ra tiếp theo nữa! Hai cụ sẽ bị khởi tố hình sự cùng với những người đập phá tài sản công.

Nếu 6000 dân Đồng Tâm có một hạt nhân lãnh đạo, người dân tập hợp theo hiệu lệnh và hoàn toàn có ý thức, thì hạt nhân sẽ một mặt, bị buộc phải lộ diện và họ sẽ tức khắc bị tiêu diệt bằng điều 79, tội hoạt động lật đổ chế độ, nhưng ngược lại, nếu quả thực, dân Đồng Tâm đã có một “bộ não” và phong trào dân chủ đã có hình thù như một thực thể có thật, thì những nhân tố trong phe cải cách sẽ tận dụng nó như một lực lượng đồng minh và đối thoại sẽ là công cụ để phe cấp tiến thực hiện cải cách. Như vậy, muốn có đối thoại cải cách thì dứt khoát, dân làng Đồng Tâm phải được tổ chức. Muốn có đối thoại với đảng cầm quyền thì những gì xảy ra tại Đồng Tâm phải được mở rộng ra toàn quốc và có thể vận hành được bằng hiệu lệnh thống nhất.

Chưa có gì, về phía dân chưa có gì giống những điều cần phải có, vì vậy những gì giống như chuyện đối thoại với nhà cầm quyền vẫn chưa thể xảy ra. Ban bí thư sẽ chẳng cần phải mất công soạn thảo bản hướng dẫn, hay nếu có thì chỉ là một bản bày cách lừa bịp dân cho các cấp cơ sở trực tiếp.

6- Nhưng tại sao lại do Võ Văn Thưởng là người phát tín hiệu sẵn sàng đối thoại? Võ Văn Thưởng là quân xanh, là cò mồi hay Võ Văn Thưởng là người ủng hộ cải cách mà người đứng đầu, đang được đồn đoán là thường trực ban bí thư Đinh Thế Huynh, phát tín hiệu khởi động đối thoại để tìm kiếm lực lượng?

Tại sao Công an Hà Nội khởi tố hình sự ngày 13/06, một tháng sau lời kêu gọi đối thoại của ông Thưởng, hai tháng sau khi xảy ra vụ bắt 38 cảnh sát cơ động của dân làng Đồng Tâm? Công an Hà Nội thuộc phe nào? Hạ nhục Nguyễn Đức Chung chỉ nhằm mục đích trả thù vụ tố cáo công an Hà nội bảo kê các quán bia hay nhằm dọn đường cho việc hạ bệ ông Chung khỏi chân chủ tịch thành phố, gạt nốt nhân vật con nuôi của dây Lê Hồng Anh - Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vũ đài Thủ đô, sau khi loại Đinh La Thăng ra khỏi Sài Gòn?

Nhưng nếu Công An Hà Nội cố tình khởi tố chống dân là nhằm hạ nhục chính quyền lừa bịp, kích động lòng dân tẩy chay pháp luật cộng sản? Khó giải thích tại sao Công an Hà Nội hành động đúng như tiên đoán của dư luận trước đó, rằng chính quyền sẽ giả vờ nhân nhượng để tháo ngòi, tước vũ khí, rồi sẽ tách để diệt từng người? Họ muốn phơi trần bộ mặt tráo trở và lừa bịp của chế độ phi dân chủ của đảng cộng sản?!

Trả lời cử tri Hải phòng ngày 26/06, ông Phúc nói “Việc bắt giữ người trái phép, phá hoại tài sản phải được điều tra nghiêm túc. Trước khi xử lý người dân sai trái, quá khích này, phải xử lý ngay những cán bộ đã lạm dụng, vô trách nhiệm, đã làm sai ở tại xã đó”. Ý ông muốn nói, dân sai do quan sai, dân phạm luật do quan phạm luật, phải xử lý quan trước, dân sau.

Vậy ai là người chỉ đạo công an Hà Nội khởi tố hình sự những người nghèo xã Đồng Tâm khi cam kết của ông chủ tịch thành phố còn chưa kịp khô mực? Không phải là chuyện thượng tôn pháp luật, khi pháp luật do chế độ tùy ý làm ra. Vậy cứ theo ý ông Phúc thì trước hết các quan quân đội, rồi đến quan huyện, quan xã phải là đối tượng xử lý đầu tiên.

7- Trong khi Ngoại trưởng Phạm Bình Minh chuẩn bị đi Mỹ (20/04/2017) với nội dung chủ yếu là kiếm được lời mời chính thức của tổng thống Mỹ dành cho thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thì tại Đồng Tâm xảy ra chuyện quan huyện kết hợp quan xã cài bẫy bắt cóc hai cụ Lê Đình Kình, Lê Hữu Ba cùng một số người dân, dẫn đến việc người dân bắt giữ nhân viên an ninh đòi trả người. Nhà cầm quyền huy động công an và cảnh sát cơ động vũ trang, dự định thẳng tay đàn áp. Ngay lập tức, Công ty môi giới của CSVN tại Washington nhắn với Hà Nội rằng "nếu xảy ra đàn áp tại Đồng Tâm thì ông Phạm Bình Minh không nên đi Mỹ"(?).

Theo tác giả Bùi Anh Trinh, nếu Cộng sản Việt Nam hành động tại Đồng Tâm y như nhà cầm quyền Trung Cộng tại Thiên An Môn thì Tổng thống Trump sẽ rút lại lời mời ông Phúc đi Mỹ. (Tổng thống George H. W. Bush đã ra lệnh cấm vận Trung Cộng khi xảy ra vụ đàn áp Thiên An Môn).

Những kẻ chủ mưu gây ra chuyện Đồng Tâm là ai, có nằm trong âm mưu phá hoại chuyến đi của ông Phúc không? Nếu có thì những kẻ thực hiện chắc chắn là tay chân của Trung Nam Hải. Và ông Nguyễn Đức Chung khi ký cam kết không xử lý hình sự toàn thể dân Đồng Tâm, dùng đối thoại để giải tỏa xung đột, chính là kẻ thọc gậy bánh xe, là tên phá đám?!

8- Như vậy, xác suất khả tín là ông Thưởng đánh tiếng đối thoại thật. Chưa thể xác định ông Trọng là chủ mưu của sự kiện Đồng Tâm, nghĩa là tay sai của Tàu, nhưng có thể khẳng định ông Trọng là người phá đối thoại.

Nếu đã xuất hiện nhu cầu đối thoại, thì xu hướng dân chủ hóa là có thật và nội bộ đảng đang chia thành hai luồng khác nhau. Một luồng kiên cố trung thành với chủ nghĩa Mác do ông Trọng đại diện. Luồng thứ hai ủng hộ cải cách triệt để theo mô hình dân chủ hiện đại, có thể bao gồm gần hết nội các của ông Phúc, và có vẻ như có sự hỗ trợ của ông Võ Văn Thưởng và ông Đinh Thế Huynh.

9- Chiến dịch nhân danh tận diệt tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mặc dù trực chỉ tiêu diệt phe cánh ông cựu thủ tướng tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng có thể đang giấu lưỡi gươm thọc sườn ông Phúc bằng chỉ thị kiểm tra tài sản 1000 cán bộ cao cấp. Ông Phúc sẽ phải buông bỏ mục tiêu cải tổ, nếu không kịp che chắn cho đống tài sản khủng mà ông đang sở hữu, thực chất đúng là tài sản tham nhũng, nhưng không thể không tham nhũng nếu muốn tồn tại dưới tay ông Dũng.

Ngày 20/03/2017, thứ trưởng bộ ngoại giao Hà Kim Ngọc đi Mỹ “thăm dò phản ứng của Mỹ và dọn đường cho chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam”. Ngày 16/04/2014 xảy ra vụ Đồng Tâm. Ngày 20/04/2017, phó thủ tướng Phạm Bình Minh đi Mỹ vận động giấy mời cho ông Phúc. Ngày 21/04, ông Minh nhận được lời mời chính thức. Ngày 22/04/2017, ông Nguyễn Đức Chung ký giấy cam kết với dân làng Đồng Tâm. 18/05, ông Thưởng phát tín hiệu sẵn sàng đối thoại. 23/05/2017 bộ chính trị công bố chỉ thị kiểm tra tài sản 1000 cán bộ cao cấp. Ngày 29/05 ông Phúc khởi hành đi Mỹ. Ngày 13/06/2017 Công an Hà Nội công bố quyết định khởi tố dân Đồng Tâm.

Lôgíc các sự kiện dẫn đến một nhận định là nội bộ đảng đang có đặc tình của Trung cộng và phe chống lại cải cách là phe do ông Trọng cầm đầu. Điều còn chưa rõ là phe chống lại cải cách có là một với các phần tử cài cắm của Trung cộng hay không.

10- Vẫn có khả năng Ban bí thư sẽ ra bản hướng dẫn đối thoại, vì nếu ý của ông Thưởng đúng như sự giải thích của ông Bắc Hà, thì ông Thưởng chẳng cần gì phải chờ hướng dẫn, xưa nay vẫn vậy. Nghĩa là ông Thưởng đi tìm “đối thoại thật”. Nhưng cái ông Thưởng đang chờ, rất có thể là kết ục của cuộc phân tranh cuối cùng đang sắp kết thúc. Đó là khi ông Trọng chính thức lấm lưng, và chỉ cần một mình ông Trọng “đi” là đủ, khi đó Ban bí thư sẽ có bản hướng dẫn!.

Có thể vào lúc đó, cuộc đối thoại đích thực hướng tới hình thành một bản hiến pháp mới, đảm bảo cho sự ra đời một thể chế chính trị dân chủ đa đảng, sẽ trở thành hiện thực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét