Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Bị cấm xuất cảnh vì bài giảng 30/4?



 Bị cấm xuất cảnh vì bài giảng 30/4?


Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong của giáo xứ Thái Hà cho biết ông vừa bị chính quyền Việt Nam chặn không cho xuất cảnh vào ngày 27/6 vì lý do “an ninh quốc gia”.

Trao đổi với VOA-Việt ngữ tối 28/6, Linh mục Phong nói:

“Nhà dòng có cho tôi một suất học bổng đi Úc. Hôm qua, tôi ra phi trường, đến chỗ an ninh cửa khẩu thì họ nói là tôi chưa được phép xuất cảnh. Sau đó, họ đưa tôi vào phòng an ninh để làm việc, nhưng thực ra cũng chẳng có việc gì”.

“Họ nói việc chưa cho tôi xuất cảnh là do bên công an Hà Nội có lệnh. Công an cửa khẩu chỉ có nhiệm vụ là làm công việc của họ, không cho tôi xuất cảnh. Còn mọi chuyện nếu tôi có khiếu nại thì về phòng xuất nhập cảnh của Sở Công an Hà Nội làm việc”.

"Tôi có nói với họ rằng việc chặn không cho tôi xuất cảnh là trái với quy định pháp luật, bởi tôi chưa có bất cứ vi phạm nào. Nhà nước cũng chưa có bất cứ văn bản nào nói tôi vi phạm điều khoản nào trong Bộ Luật của nhà nước. Một việc làm như vậy không chỉ trái pháp luật mà còn trái đạo lý nữa. Vì tôi là một chức sắc Công giáo, có rất nhiều việc tôi phải làm. Không cho tôi biết việc tôi bị ngăn chặn như vậy làm ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của tôi”.

An ninh quốc gia?

Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong là người phụ trách các vấn đề pháp lý trong vụ tranh chấp đất đai ở Giáo xứ Thái Hà. Các biện pháp vũ lực mà chính quyền sử dụng để tịch thu đất của giáo xứ này đã bị giáo dân Thái Hà chống trả quyết liệt, dẫn đến những vụ xô xát lớn trong những năm trước.

Năm 2008, chính quyền Việt Nam gửi văn bản yêu cầu Giáo hội Công giáo trục xuất Lm. Nam Phong (cùng với Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt) ra khỏi Hà Nội, nhưng yêu cầu đó đã không được đáp ứng.

Lm. Nam Phong cho biết đây không phải là lần đầu tiên ông gặp khó khăn về vấn đề xuất cảnh. Từ đầu những năm 2000, chính quyền không cấp hộ chiếu cho ông và cũng không nêu lý do vì sao bác đơn xin hộ chiếu của ông.

Mãi đến tháng 11/2014, Cục xuất nhập cảnh mới cấp hộ chiếu cho Lm. Nam Phong và đây lẽ ra là lần đầu tiên ông ra nước ngoài.

“Bây giờ khi họ cấp hộ chiếu rồi thì họ lại không cho tôi đi ra nước ngoài. Họ lấy lý do là tôi đi ra ngoài như vậy ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cũng như an toàn xã hội. Tôi không hiểu việc họ áp đặt cho tôi đấy thì quy định ở điều nào”.

Bài giảng 30/4

Linh mục của Giáo xứ Thái Hà cho biết những hành động quấy nhiễu gần đây nhất mà ông gặp phải là từ một bài giảng về ngày 30/4 trong thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình.

Trong bài giảng, Lm. Nam Phong nói ngày 30/4 là một “ngày đau thương”. Ông nêu lên những hệ lụy vẫn còn kéo dài đến tận hôm nay của cuộc chiến mà theo lời ông, phe thắng cuộc đã dùng những từ ngữ kiều diễm như “giải phóng”, “thống nhất”, “lặp lại hòa bình” để mô tả chiến thắng của họ.

Ông đặt câu hỏi “Liệu có thể gọi nội chiến Nam-Bắc là một cuộc ‘giải phóng’ không?” “Cái gọi là thống nhất, sau 42 năm, có thực sự thống nhất hay không, khi Bắc, Trung, Nam vẫn chưa một nhà, khi đất nước vẫn bị phó mặc cho ngoại bang, cho những nhóm lợi ích xẻ thịt từng tấc đất quê hương”. Vẫn trong bài giảng, Lm. Nam Phong nói “Mẹ Việt Nam đã bị đốn ngã sóng xoài còn bởi vì nhóm này, đảng kia, phái nọ cho mình là chân lý, nhưng lại quên mất rằng chỉ có một chân lý ‘chúng ta là người Việt Nam’”.

Nói với VOA tối 28/6, Lm. Nam Phong cho biết:

“Sau bài giảng lịch sử 30/4 vừa rồi, công an Hà Nội cũng chuẩn bị một màn đấu tố tôi giống như cha Nam, cha Thục ở Nghệ An. Về điều này, những giáo dân của tôi ở đây họ được chính quyền mời lên hợp tác trong việc đấu tố này thì họ về cho tôi biết là chính quyền đã dựng một phim, rồi tổ chức các cuộc mít-tinh, biểu tình trong các cơ sở của Đảng, phản đối tôi về bài giảng ngày 30/4. Tiếp đến thì chính quyền tới đây sẽ làm căng với tôi, họ bắn tiếng như vậy. Sau đó thì đúng là tôi nhận được gần 20 văn bản của các cơ quan, tổ chức ngoại vi của nhà nước như hội cựu chiến binh, hội phụ nữ v.v…”

Bài giảng được giới thiệu là “rúng động lòng người” của Lm. Nam Phong về ngày 30/4 đã lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội như YouTube, Facebook với hàng chục ngàn lượt người xem.

Linh mục Nam Phong cho biết sau bài giảng đó, chính quyền đã gửi công văn cho Giáo hội Công giáo, yêu cầu can thiệp để ông không nói những điều mà ông cho là “chính nghĩa của người dân” và “sự thật lịch sử” nữa. Tuy nhiên, phía nhà thờ cũng không chấp nhận yêu cầu này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét