Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Giới trẻ lo ngại về giá trị tấm bằng đại học

Lan Hương, RFA



              Sinh viên đại học dự lễ tốt nghiệp ở Quốc Tử Giám hôm 18/11/2014. AFP

Hiện tượng giới trẻ hoài nghi về giá trị của tấm bằng đại học đã xảy ra thường xuyên trong những năm gần đây. Điển hình gần đây nhất là vụ việc một hot girl 20 tuổi ở Biên Hòa đã so sánh giá trị của tấm bằng đại học với cuộn giấy vệ sinh. Bài viết của cô được đăng tải trên trang cá nhân và đã “gây bão” mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều.

Vì sao một bộ phận người trẻ không còn tin vào giá trị “đổi đời” của bằng cấp và những thay đổi gì cần được hệ thống giáo dục và các sinh viên thực hiện để tấm bằng đại học phát huy đúng giá trị của nó.


Tấm bằng đại học thời nay

Trên trang cá nhân của mình, cô gái trẻ tuyên bố:

“Tấm bằng Đại học đẹp đấy, oai đấy, nhưng một ngày không có nó không ai đi tìm nó cả.... Còn một cuốn giấy vệ sinh thì không thể thiếu”.

Nếu ai đó hỏi tôi: Tấm bằng Đại học có thật sự quan trọng không? Tôi sẽ nói “Không”! Tôi đã tự đi một con đường dài, bằng đôi chân của một cô gái không bằng cấp 2, chưa giàu bằng ai, chỉ nỗ lực bằng ước mơ và niềm tin vào chính mình.”

Những chia sẻ của cô gái này nhanh chóng nhận được các luồng ý kiến trái ngược nhau. Bạn trẻ Giang Bùi nói trên Facebook:

“Em không biết chị thành công thế nào, cũng không tranh cãi giàu nghèo nhưng em chỉ muốn nói là học đại học không phải con đường duy nhất, nhưng là con đường nhanh nhất và có thể chính là bằng phẳng nhất.

Bạn K.T.V 23 tuổi lại đồng tình với quan điểm của cô gái này:

Tôi đã đọc rất kỹ bài viết của cô gái này. Dù không quen biết, chưa từng một lần gặp gỡ nhưng tôi đồng tình với những ý kiến của bạn gái này.

Thực tế là tôi đã từng học Đại học ở Việt Nam nhưng sau đó cảm thấy không thật sự phù hợp nên đã quyết định lựa chọn con đường vừa du học vừa làm thêm trải nghiệm.

Còn theo Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang, Nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát ngôn của cô gái mặc dù thiếu văn hóa, nhưng cũng phần nào thể hiện đúng thực trạng giáo dục hiện nay của Việt Nam. Theo ông, một trong những lý do dẫn tới giá trị của bằng đại học Việt Nam bị suy giảm là vì số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm quá nhiều:

Tâm lý của tất cả người dân, đặc biệt là nông dân, họ nhìn thấy rằng việc có tấm bằng đại học có thể thay đổi cuộc sống cho con cháu tương lai cho nên họ dồn hết sức cho đi học đại học. Đứng về góc độ giáo dục, hiện tại Việt Nam đang thiếu hụt giáo dục hướng nghiệp, còn thiếu và yếu. Hầu hết các trường phổ thông không có hướng nghiệp nên người ta cứ nghĩ học xong phổ thông là phải thi đại học.

Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang dẫn một ví dụ về một khảo sát do chính ông thực hiện với hàng ngàn hộ nông dân Việt Nam. Câu hỏi là nếu có điều kiện cho con học đến đâu, thì hơn 70% người được hỏi chọn cấp Tiến sĩ.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển IDS tự giải thể, nhiều người trẻ tỏ ra nghi ngại về giá trị bằng đại học của Việt Nam là vì chất lượng giáo dục đại học không cao, và nó đào tạo ra một số lượng đông người thất nghiệp:

Không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới, tình trạng thương mại hóa giáo dục đã xảy ra. Mọi thứ bằng cấp trở thành thứ đồ hàng hóa để mua bán. Đây là một xu hướng rất đáng tiếc trên thế giới nói chung và ở Việt Nam điều này càng thể hiện rõ hơn trong thời gian vừa qua.

Một trong những biểu hiện của hiện tượng thương mại hóa trong giáo dục là tình trạng mua bằng giả tràn lan. Theo Bộ GD&ĐT, tính đến đầu năm 2001, đã phát hiện hơn 3.000 trường hợp sử dụng văn bằng bất hợp pháp, trong đó có hơn 1.000 công chức bị phát hiện dùng bằng giả. Còn theo số liệu của Sở GD-ĐT Sóc Trăng năm 2011, toàn tỉnh có đến 284 cán bộ sử dụng bằng giả, trong đó có 107 viên chức ngành giáo dục.

Một báo cáo khác của Bộ LĐ-TB&XH công bố đầu năm nay cho thấy tính đến quý 4 năm ngoái, cả nước có hơn 218.000 người trình độ đại học trở lên thất nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng người có bằng đại học thất nghiệp là do tư tưởng “phải làm quan” trong bộ máy Nhà nước:

Ở Việt Nam người ta có tâm lý từ xa xưa là học ra muốn để làm quan, chạy đổ xô vào khu vực nhà nước. Trong khi bộ máy nhà nước đã phình rất to rồi, và nó cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ lượng công ăn việc làm. Mà tuyệt đại bộ phận việc làm phải ở khu vực tư nhân tạo ra.

Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang lại cho rằng việc đổ sô vào học các ngành được đồn đoán là “hot” chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cầm bằng trong tay mà việc không có:

Thực tế là việc làm không có nhiều đến vậy cho những người tốt nghiệp đại học. Chương trình đào tạo cũng có nhiều điều cần cải tiến, chưa đáp ứng được nhu cầu. Đấy là còn chưa kể đến việc tư vấn yếu, do đó vào đại học sinh viên cứ sô vào những ngành nghe đồn là dễ kiếm việc, lương cao thì tự nhiên khối đó rất đông ví dụ như quản trị kinh doanh, luật,…

Mới đầu tháng 6 vừa qua, công luận xôn xao vụ một cử nhân đại học đã treo cổ tự sát. Theo lời kể của một người bạn thân, anh này tốt nghiệp đại học đã nhiều năm nhưng không kiếm được việc làm đúng chuyên ngành và thời gian trước đó liên tục than phiền với bạn bè về công việc.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương bình - Xã hội năm 2011, tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành, trái nghề đang chiếm khoảng 60%.

Tập bơi trong nước lớn

Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang cho rằng để giảm tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp cần điều chỉnh chất lượng nền giáo dục và thực hiện tư vấn nghề nghiệp cho học sinh THPT:

Trước hết phải có cách nào đó để nâng cao chất lượng giáo dục, không phải cứ cao lên là thành chất lượng cao mà phải phù hợp với xu thế chung của thế giới, với hoàn cảnh của Việt Nam và trình độ kinh tế của một đất nước. Thứ hai, phải sớm đưa vào trường phổ thông lực lượng chuyên gia hướng nghiệp. Họ sẽ theo dõi từng học sinh và có những lời khuyên cho học sinh nên đi hướng nào là tốt.

Bổ sung quan điểm của Giáo sư Vũ Minh Giang, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng mặc dù nền giáo dục Việt Nam hiện tại còn nhiều khó khăn nhưng học sinh cũng không nên vì vậy mà chán nản buông xuôi việc học, mà thay vào đó hãy tự chủ và năng động hơn trong học tập để tương lai sau khi ra trường thuận lợi hơn:

Thái độ tích cực nhất của sinh viên trong hoàn cảnh này là tự chủ, tìm mọi cách để học, không chỉ học ở trường, mà còn học qua công việc, qua mối quan hệ và phải học suốt đời. Như vậy để thấy rằng dù học đại học hay cao đẳng cũng chỉ là một bước để cho mình một nền tảng nhất định.

Ông nói thêm rằng đội ngũ sinh viên là những người nếu được giáo dục đúng đắn sẽ trở thành một lực lượng có tiếng nói rất ảnh hưởng, và thậm chí có thể thay đổi được cả thể chế giáo dục hiện nay.

Ngoài chuyện ôm tấm bằng đại học “chạy ngược chạy xuôi” tìm việc, sinh viên mới ra trường còn phải đối mặt với gánh nặng cơm áo gạo tiền khi đồng lương ít ỏi so với chi phí đắt đỏ ở đô thị.  Theo khảo sát của trang dịch vụ việc làm trực tuyến JobStreet công bố hồi tháng 7/2015 thì mức lương của đa số sinh viên mới ra trường ở Việt Nam phần lớn dao động ở mức 2 - 5 triệu đồng/tháng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét