Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Viết cho ngày lên tám… mươi



(Hình minh họa: sscc.org)



Sống đến bao nhiêu tuổi thì được gọi là thọ? Người xưa quy định 80 được coi như là thượng thọ, vì ít ai sống đến tuổi này, vì ngay tuổi 70 xưa nay cũng đã rất hiếm rồi.

Tháng Mười, 1924, sau chuyến công du sang Pháp dự hội chợ thuộc địa Marseille, vua Khải Định đã tổ chức lễ tứ tuần Đại Khánh rất long trọng và tốn kém, để mừng mình đến tuổi 40, nhưng chưa thêm được tuổi nào, thì chưa đầy một năm sau, nhà vua bị bệnh nặng mà băng hà, hưởng dương 40 tuổi. 

Trong sách vở đều ghi là hưởng thọ! Có lẽ là vua thì đặc cách được hưởng thọ thay vì hưởng dương chăng?


Người xưa, như ông Bạch Cư Dị cũng mới đến tuổi 40 cũng đã lấy làm mừng, khi thấy trong làng có người khóc chồng chết mới có 25 tuổi, có nhà khóc con chết chỉ mới 17, 18.

 “Dư kim quá tứ thập
Niệm bỉ liêu tự duyệt!” 
(Ta nay đã tuổi bốn mươi
Chuyện đời nghĩ lại cũng nguôi tấm lòng!) 
Văn Khốc Giả (Nghe Người Khóc).


Ở tuổi 50, ông Khổng Tử đã nói “Ngũ thập tri thiên mệnh!”


Ông Đỗ Phủ thì lại có thơ rằng: “Thấp thập cổ lai hy!” (Tuổi 70 xưa nay hiếm có!).


Khổng Tử có nói một câu về những người đến tuổi 70: “Thất thập nhi tùy tâm sở dục” (Người đến tuổi bảy mươi muốn làm gì làm!).


Cụ Khổng ơi! Đến tuổi này thì có người đã trở lại như con trẻ còn mặc tả, nằm một chỗ, không đi đứng được, ăn phải có người đút, áo quần phải có người thay, việc vệ sinh phải có người giúp đỡ, còn chi là “tùy tâm sở dục.”


Có lẽ cụ muốn nói đến một mặt khác, đến tuổi 70 muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, muốn ăn uống gì thì tùy thích, không còn dành dụm (cho ai), cũng không còn kiêng khem gì cho nhọc xác! 

Cũng đừng chuyển chủ quyền nhà cho con, không khéo ra nằm đường lúc nào không hay!


Nhưng cũng đừng ỷ tuổi già mà làm điều thất thố, ít ai dùng lời nặng mà mắng trẻ con lầm lạc, mà thường hay xách mé gọi ông già sai quậy là “già dịch,” “già lựu đạn,” “già mất nết!” Cho nên về già mà giữ được phẩm giá mình còn khó khăn hơn lúc trẻ.


Trong quan niệm truyền thống của người Trung Hoa, “Thọ” đứng đầu trong năm thứ phúc, người đời ai cũng mong thọ, y phục thêu chữ “Thọ,” gối nằm thêu chữ “Thọ,” chăn đắp thêu chữ “Thọ,” cây đòn tay nhà cũng có khắc chữ “Thọ,” bức bình phong trước nhà cũng xây chữ “Thọ,” gặp nhau ai cũng chúc chữ “Thọ.”


Nhưng sao người xưa lại gọi “Đa thọ là đa nhục!” Nhục không phải vì bị ai xúc phạm tinh thần hay thân thể, mà nhục vì thân thể yếu đuối, không làm chủ được mình, có khi không tự lo chuyện vệ sinh được cho mình, phải nhờ cậy đến người khác, đôi khi lại bị khinh bỉ, thậm chí bị chửi rủa, coi thường như số phận những người già nhớ nhớ quên quên trong nhà dưỡng lão!


Càng già nỗi buồn càng tăng: “Mối sầu như tóc bạc/ Càng cắt càng dài ra!” (Phan Khôi).


Bởi vậy nên mong không bệnh hơn là mong sống lâu. Vậy mà gặp ai cũng chúc thọ, kiểu “Sống lâu trăm tuổi!” Sống lâu 100 tuổi mà quanh quẩn từ “nursing home” đến nhà “hospice care” thì ai mà muốn sống!


Nhà văn Bùi Bảo Trúc ra đi lúc 73 tuổi, thiên hạ cho rằng đây là một cái chết trẻ, quá vội vàng, nhưng sao bà Hạnh Nhơn, người đứng đầu một hội thiện nguyện giúp cho thương phế binh VNCH, mất năm 90 tuổi, mà người ta vẫn thương tiếc, nghĩ giá mà bà sống thêm được vài năm nữa!


Vấn đề là sống như thế nào, hay sống mà người đời coi như đã chết! Mà cái chết không có định kỳ, không có giới hạn. Bao nhiêu tuổi là thọ, mà bao nhiêu tuổi là chết yểu?


Được chết như nhà báo Vũ Ánh, vừa gửi bài viết đi xong là ngã xuống; chết như nhà văn Bùi Bảo Trúc, đang giờ phát thanh mà nghẹn lời; chết như Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đang trên đường đi họp chuyện Biển Đông mà tim ngừng đập, không khác gì cái chết như người lính xông xáo giữa trận tiền, chưa bắn hết băng đạn, nòng súng đang bốc khói trên tay. Người ta gọi đó là chết vì công vụ, hay chết lúc còn sống, chứ không phải chết khi đã chết, là “chết lâm sàng!”


Tuần lễ này người viết lên tuổi tám… mươi.


Sướng chưa! “Một sợi râu là một xâu bánh!”


Tuổi 80 đã được xếp vào loại “thượng thọ.” Rồi đây trên cáo phó, chia buồn trước cái tên mình có thêm hai chữ “Cụ Ông” trang trọng. Vậy mà cứ tưởng mình còn trẻ như ngày xưa, “đừng gọi Anh bằng Chú,” không lẽ giờ lại nói: “Đừng gọi Anh bằng Cụ Ông, tội nghiệp nghe em!”


Qua chiến tranh, tù đày, chiến hữu, bạn bè, con cái nằm lại trên rừng dưới biển, phần mình lưu lạc quê người, may mắn còn sống đến tuổi 80 có gì đâu mà vinh dự. Được sống càng lâu, càng thấm buồn.


“Ngoảnh lại trước, người xưa vắng vẻ Trông về sau, quạnh quẽ người sau Ngẫm hay trời đất dài lâu Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan.”
(Bài Ca Lên Đài U Châu của Trần Tử Ngang-Trần Trọng San dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét