Nguồn: Omar Ashour, “A Game Changer for Syria?”, Project Syndicate, 12/04/2017.
Tháng 4/2017, Tổng thống Mỹ
Donald Trump đã cho phép một cuộc tấn công quân sự vào một sân bay ở Syria, nơi
từ đây một cuộc tấn công hóa học đã được chế độ Bashar al-Assad phát động. Cuộc
không kích đó đánh dấu một bước ngoặt đáng kể so với chính sách Syria bị nhiều
người phê phán của cựu Tổng thống Barack Obama. Nó có thể làm thay đổi các quy
tắc can dự vào cuộc xung đột Syria, nếu không là toàn bộ chiều hướng cuộc xung
đột đó.
Việc sử dụng vũ khí hóa học chống
lại quân nổi dậy và thường dân ở Trung Đông không phải là một hiện tượng mới,
và các chế độ Ả-rập và Baathist – với mối liên hệ gần gũi về tư tưởng với chủ
nghĩa quốc xã và chủ nghĩa phát xít của họ, là những thủ phạm phổ biến nhất. Dưới
thời Gamal Abdel Nasser, quân đội Ai Cập thường xuyên sử dụng vũ khí hoá học chống
lại các đội quân du kích Yemen và dân làng không vũ trang từ năm 1963 đến năm
1967. Quân đội của Saddam Hussein cũng thường xuyên sử dụng vũ khí hóa học chống
lại người Iran, người Kurd Iraq và cả người Shia chiếm đa số của Iraq, từ năm
1983 đến năm 1991.
Nhưng chế độ Assad đã vượt qua tất
cả các ví dụ này, tiến hành chiến dịch vũ khí hóa học có lẽ gây chết người, dữ
dội, và có quy mô lớn nhất ở Trung Đông. Kể từ cuối năm 2012, đã có khoảng 64 vụ
tấn công bị cáo buộc sử dụng các hóa chất độc hại khác nhau, từ chlorine đến
khí sarin. Cuộc tấn công mới nhất, khiến hơn 85 thường dân thiệt mạng và trên
550 người bị thương, là một phần của chiến dịch đang tiếp diễn này.
Trong lịch sử kéo dài sáu thập
niên ở Trung Đông của các vụ giết người hàng loạt bằng hóa chất do nhà nước chỉ
đạo, một cường quốc đã liên tục bảo vệ các thủ phạm: Nga. Trong những năm 1960,
Liên Xô đã bóp nghẹt những chỉ trích về các cuộc tấn công của Nasser đối với
người Yemen, dẫn tới việc Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khi đó, U Thant, tuyên bố rằng
ông không có đủ quyền lực để giải quyết vấn đề này.
Ngày nay, sự can dự của Nga đi xa
hơn việc bóp nghẹt tranh luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hay việc thúc đẩy
trừng phạt ngoại giao và pháp lý. Chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin có thể
đã góp phần gây ra cuộc tấn công hóa học mới nhất này, bằng cách bí mật bội ước
“hiệp định khung về xoá bỏ vũ khí hóa học Syria” năm 2013, trong đó kêu gọi loại
bỏ các kho dự trữ vũ khí hóa học của Syria trước giữa năm 2014. Nước này thậm
chí có thể đã trực tiếp đồng lõa trong cuộc tấn công này.
Trong bất kỳ trường hợp nào, Hoa
Kỳ dường như đang thay đổi cách tiếp cận của nước này theo cách có thể gây ra
những tác động sâu rộng đối với cuộc xung đột Syria. Những tác động này hầu như
sẽ tồi tệ đối với Assad và những người bảo trợ của ông ta ở Nga và Iran. Từ
quan điểm quân sự, tác động chính của cuộc tấn công này, dường như đã phá huỷ
20% số máy bay đang hoạt động được của Assad trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ,
sẽ thúc đẩy sự răn đe, mặc dù đến mức nào vẫn còn chưa rõ ràng.
Điều rõ ràng là chính quyền của Tổng
thống Obama đã không thiết lập được một chút răn đe nào cả. Ông Obama đã xác định
việc sử dụng vũ khí hóa học là một “lằn ranh đỏ” mà chế độ Assad không được
phép vượt qua. Nhưng khi Assad giết chết ít nhất 1.429 người tại Ghouta, bao gồm
hơn 426 trẻ em, bằng khí sarin vào tháng 8 năm 2013, các tên lửa hành trình
Tomahawk đã không dội xuống quân đội của Assad. Và mặc dù thỏa thuận với Nga
vào tháng 8 năm 2014 đã dẫn tới việc phá hủy hơn 600 tấn chất hóa học, nhưng
Assad và các đồng minh của ông ta đã tiến hành 20 cuộc tấn công hóa học vào các
khu vực Aleppo, Idlib và Rif Damascus từ tháng 7 năm 2014 đến hết nhiệm kỳ của
Tổng thống Obama.
Việc răn đe Assad đòi hỏi hành động
quân sự đáng tin cậy. Đó là những gì chính quyền Trump hiện cung cấp, chứng
minh rằng chính quyền Mỹ vừa sẵn sàng vừa có khả năng trừng phạt những người vượt
qua lằn ranh đỏ.
Vế “có khả năng” có ý nghĩa quan
trọng. Kremlin đã triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa, bao gồm hệ thống
SA-21 Growler hiện đại, ở Syria sáu tháng trước, tuyên bố rằng các căn cứ không
quân của Assad hiện nay an toàn trước các tên lửa hành trình của Mỹ. Mặc dù các
tuyên bố này có thể hữu ích trong việc tăng doanh số bán những vũ khí của Nga
được giới thiệu ở Syria, nhưng chúng trở nên nhạt nhòa: Nga đã không chặn được
tên lửa của Mỹ.
Tất nhiên, bằng cách báo tin trước
cho Nga, chính quyền Trump có thể đã thành công trong việc ngăn chặn một nỗ lực
của Nga nhằm phá các kế hoạch này. Tuy nhiên, Nga có lẽ cũng không thể đánh chặn
được các tên lửa của Mỹ trong mọi trường hợp. Các hệ thống Growler được đặt tại
căn cứ không quân của Nga tại Latakia và một căn cứ hải quân tại Tartus, cách
căn cứ không quân Shayrat mà Hoa Kỳ tấn công lần lượt là hơn 46 dặm (75 km) và
75 dặm (121 km). Khoảng cách đó quá xa đối với những phi đạn tầm ngắn của
Growler, và các phi đạn tầm xa của hệ thống này không thể đánh chặn tên lửa,
như các tên lửa Tomahawks BQM-109 được Hoa Kỳ sử dụng, vốn có thể lướt trên mặt
đất ở độ cao chỉ 5 mét (16 feet).
Nhưng nếu cuộc không kích này của
Hoa Kỳ đã để lại một vết bầm đối với Nga thì thiệt hại gây ra cho quân đội của
Assad lại không rõ ràng. Chắc chắn, họ đã mất khoảng 20 chiếc máy bay và phải
chịu thiệt hại đáng kể đối với các boong-ke, các bể chứa nhiên liệu, các cơ sở
chứa đạn dược và radar phòng không. Tuy nhiên, một số khu vực của sân bay vẫn
còn hoạt động được sau vụ tấn công, và quân đội của Assad vẫn tiếp tục đánh bom
thành phố Khan Sheikhun, vốn trước đó đã bị bóp ngạt bằng khí sarin, với các vũ
khí thông thường, chỉ vài giờ sau khi cuộc tấn công bằng Tomahawks của Mỹ.
Điều này chỉ ra một lỗ hổng cơ bản
trong cách tiếp cận của Mỹ đối với Syria. Phần lớn các nạn nhân của Assad đã bị
giết hại bởi vũ khí thông thường, chứ không phải vũ khí hóa học. Tuy nhiên,
chính quyền của Trump, giống như chính quyền Obama trước đó, đã tập trung vào
việc ngăn chặn các cuộc tấn công hóa học. Trong cả hai trường hợp, các nhà hoạch
định chính sách của Hoa Kỳ đã tìm kiếm các chiến thuật nhằm giảm các tội ác chiến
tranh hơn là các chiến lược đáng tin cậy để chấm dứt chiến tranh.
Một câu nói được nhắc đi nhắc lại
trong các cuộc thảo luận ngoại giao về cuộc xung đột Syria là không có giải
pháp quân sự. Điều đó không có nghĩa là hành động quân sự không đóng vai trò
gì. Ngược lại, có thể không có giải pháp ngoại giao hoặc dàn xếp lâu dài nào nếu
không có hành động nhằm khôi phục cán cân quân sự và làm suy yếu năng lực quân
sự cả truyền thống và phi truyền thống của Assad cũng như những người bảo trợ của
ông ta.
Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là một
liên minh của các bên này không thể triệt tiêu được những đối thủ còn lại phía
bên kia. Nó cũng có nghĩa là thách thức đối với chính quyền Trump vượt ra ngoài
việc vô hiệu hóa các hệ thống phòng không của Nga và trừng phạt về mặt chiến
thuật một nhà độc tài dã man, tàn bạo.
*
Omar Ashour, Giảng viên cao cấp về
Nghiên cứu An ninh tại Đại học Exeter và Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm
Chính sách Toàn cầu, là tác giả của cuốn sách: “The De-Radicalization of
Jihadists: Transforming Armed Islamist Movements và Collusion to Collision:
Islamist-Military Relations in Egypt”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét