Sân bay Tân Sơn Nhất.
Kỳ họp vào tháng 5 - 6 của Quốc hội
Việt Nam đã bất chợt ghi một dấu ấn đáng ngạc nhiên so với rất nhiều kỳ họp trước
đây cũng của cơ quan dân cử này - xét trên phương diện “mở miệng”. Hai “thành tựu mở miệng” là nợ xấu
quốc gia và sân golf Tân Sơn Nhất.
Nợ xấu
Chưa bao giờ trong lịch sử tồn tại
của mình, Quốc hội Việt Nam phải nhận một trọng trách lớn đến như vậy khi được
Chính phủ tự nguyện “nhường phần” trách nhiệm xử lý nợ xấu.
Cũng chưa bao giờ giới đại diện nửa
đại biểu nửa nghị sĩ trong nghị trường quốc hội lại “bừng bừng khí thế” như lúc
này, khi họ lần đầu tiên cảm thấy sức ép trách nhiệm thực sự đặt lên vai mình.
Lần đầu tiên số đại biểu chịu “mở
miệng” về nợ xấu nhiều đến mức báo chí đã đúc kết “10 phát ngôn bức xúc về nợ xấu”,
dù 10 con người đó mới chỉ chiếm có 2% trong tổng số gần 500 tâm trạng mà dư luận
vẫn mỉa mai là “nghị gật”.
Phải nói, nói thay cho quá khứ phải
im lặng trước “cường quyền”.
Ít nhất, Quốc hội sẽ phải ban
hành một bản nghị quyết về xử lý nợ xấu. Nhưng nghị quyết không thôi chưa đủ,
và sẽ không giống với vô số nghị quyết khác, mà nghị quyết lần này còn ràng buộc
trách nhiệm của Quốc hội vào từng điều khoản. Chính phủ khôn ngoan sẽ căn cứ
vào đó mà làm.
Chính phủ lại thật khôn ngoan.
Sau thời “phá chưa từng có” của các ông Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình, thời
Thủ tướng Phúc đã phải lãnh trách nhiệm “đổ vỏ” cho ít nhất 600 ngàn tỷ đồng nợ
xấu theo thống kê chắc chắn chưa đầy đủ. Trong hơn một năm kể từ lúc thành lập
tân chính phủ của chế độ độc đảng, cho tới giờ tất cả đều thất vọng đến mức vô
vọng, nợ xấu không những không giảm đi mà còn đội lên, còn Công ty quản lý tài
sản các tổ chức tín dụng (VAMC) - một doanh nghiệp được đẻ ra từ thời Nguyễn
Văn Bình - đã hầu như chẳng làm được gì ngoài chuyện kê biên và luân chuyển nợ
xấu trên giấy. Thậm chí 2 ngàn tỷ đồng vốn lưu động mà ngân sách cấp cho VAMC
còn không được dùng tới một đồng nào để mua nợ xấu.
Bây giờ, nhiều đại biểu quốc hội
phải “lên ruột”.
Vào cuối năm 2014, gần 500 “nghị
gật” của Quốc hội đã được nghe Thống đốc Nguyễn Văn Bình lần đầu tiên tiết lộ
con số nợ xấu lên đến 500 ngàn tỷ đồng. Còn trước đó, Thống đốc Bình chỉ báo
cáo nợ xấu vào khoảng 100 ngàn - 150 ngàn tỷ đồng mà không có bất kỳ cơ sở nào
đính kèm. “Biết cho vui, chẳng làm gì được” - một số đại biểu tự cám cảnh. Rồi
cũng như một thói quen đã ăn vào não trạng, các đại biểu quốc hội chỉ biết gật
gù rồi gật đầu biểu quyết cho một bản nghị quyết chấp nhận con số đó.
Nhưng đến cuối năm 2015 thì tình
thế đã cháy bỏng. Khi đó diễn ra chiến dịch “ép nợ xấu về dưới 3%”, được chỉ đạo
bởi Nguyễn Tấn Dũng nhằm lấy thành tích trước Đại hội 12. Một lần nữa, Quốc hội
của một ủy viên bộ chính trị sắp hết thời là ông Nguyễn Sinh Hùng lại chỉ biết
gục gặc. Không ai biết nợ xấu thực là bao nhiêu và cũng chẳng biết nó sẽ gây ra
hậu quả lớn đến mức nào.
Điều duy nhất mà Quốc hội làm được
vào cuối năm 2015 là phản đối việc dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu - một
hành động phản đối dũng cảm một cách đáng ngạc nhiên nếu so với thái độ gần như
cấm khẩu trước Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình vào những năm trước.
Tuy nhiên, câu trả lời cho sự ngạc
nhiên trên lại thật đơn giản: ngân sách cuối năm 2015 đã “chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng
mà không biết chi cho cái gì” - như trần thuật đầy chua chát của bộ trưởng kế
hoạch đầu tư khi đó là ông Bùi Quang Vinh.
Không còn bất kỳ khoản kết dư
nào, ngân sách dù có muốn đổ ra để giải quyết nợ xấu cũng đành bó tay. Giới đại
biểu quốc hội cũng bởi thế đã mạnh miệng hơn một chút.
Còn giờ đây, không nói thì chết.
Nợ xấu đã trở nên vô phương cứu chữa, hẳn nhiều dân biểu đã nhận thấy như vậy.
Nhất là khi họ đã nhận ra một sự
dối trá vĩ đại trong quá khứ: những con số báo cáo ra Quốc hội, nếu được cộng dồn
lại, sẽ cho thấy tổng nợ xấu đã xử lý và chưa xử lý lên tới khoảng 1.200 ngàn tỷ
đồng, chiếm đến hơn 40% tổng dư nợ cho vay là hơn 3 triệu tỷ đồng vào giai đoạn
năm 2011-2012, gấp đến 10 lần so với tỷ lệ nợ xấu chỉ 4% từ báo cáo của Ngân
hàng nhà nước vào thời gian đó!
Sân golf Tân Sơn Nhất
Nhưng trào lưu “mở miệng” bùng nổ
và đáng ngạc nhiên hơn cả là vụ “sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất”.
Trước kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6
năm 2017, có lẽ nhóm lợi ích sân golf Tân Sơn Nhất và Bộ Quốc phòng khó ngờ về
một làn sóng “đấu tố” quyết liệt đến thế từ đại biểu quốc hội đối với sân golf
Tân Sơn Nhất được ưu ái từ thời “tướng chữa bệnh” Phùng Qang Thanh.
Còn hơn cả làn sóng “mở miệng” đối
với quốc nạn nợ xấu, không biết được tiếp liệu nguồn nhựa sống nào mà con số đại
biểu quốc hội gián tiếp lẫn trực tiếp “tố cáo” nhóm lợi ích quân đội chiếm dụng
157 ha của sân bay tân Sơn Nhất trong hàng chục năm trời đã vượt qua cả tỷ lệ
2% tổng số nghị sĩ.
Không chỉ là một ít gương mặt phản
biện cũ như chuyên gia Nguyễn Thiện Tống, nhiều chuyên gia khác cũng đã lần đầu
tiên lên tiếng về sự đọa đày trên.
Phản ứng từ nhiều tầng lớp xã hội
lại kéo theo phản bác của chính giới quân nhân và cựu quân nhân. Thậm chí, báo
chí còn cả gan đăng tải kiến nghị của một cựu sĩ quan quân đội là Trung tá Lê
Trọng Sành - nguyên Cục phó Cục tác chiến Quân chủng Phòng không không quân -
cho rằng “Quân ủy trung ương cần có ý kiến”.
“Quân ủy trung ương” ở đây không
ai khác là Bí thư quân ủy Nguyễn Phú Trọng và Phó bí thư quân ủy kiêm bộ trưởng
quốc phòng Ngô Xuân Lịch - những nhân vật chưa bao giờ dám lộ diện để hồi âm
trước đòi hỏi “trả sân golf về sân bay” của công luận.
Cũng có những nhân vật khác như
thể cố ý không chịu lộ diện. Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017, hình như
Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã không thể “làm chủ tình hình” trước
con sóng “mở miệng” của nhiều đại biểu. Duy có điều đáng tiếc, thật đáng tiếc
là bà Ngân, trong lúc luôn diện những bộ váy áo đa sắc và đắt tiền, đã chẳng thấy
biểu hiện chính kiến nào về quốc nạn nợ xấu lẫn “sân golf trong sân bay”.
Trên phương diện công luận và
phát biểu công khai, một nhân vật ủy viên bộ chính trị khác cũng nín tiếng một
cách đáng ngạc nhiên là Nguyễn Thiện Nhân - phụ trách khu vực TP.HCM là nơi có
“sân golf trong sân bay”. Bất chấp việc tờ báo Tuổi Trẻ - sau một thời gian khá
dài chìm lắng - đã như “lên đồng” bằng loạt bài phong phú nhằm phản biện nạn
sân golf Tân Sơn Nhất, ông Nhân vẫn giữ tư thế “khép miệng truyền thống” như
ông vốn thế ở nhiều kỳ họp quốc hội trước.
Rốt cuộc là “cái gì cũng đến tay
thủ tướng” - như than vãn của vài quan chức trước tình trạng gần hết 63 tỉnh
thành ngày càng lộ ý đồ muốn bắt ông Nguyễn Xuân Phúc phải chịu trách nhiệm
liên đới với những quyết định thuần túy trong thẩm quyền địa phương. Vào lần
này, cũng như bà Ngân và ông Nhân khi không chịu lộ diện và chẳng chịu có phát
ngôn nào, Thủ tướng Phúc đã “âm thầm” họp thường trực chính phủ để đưa ra một
phương án nước đôi: mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cả về phía Bắc (khu vực sân
golf Tân Sơn Nhất ) lẫn phía Nam.
Phía Bắc là khu vực sân golf Tân
Sơn Nhất.
Còn “phía Nam” là gì?
Đó là toàn bộ các khu dân cư của
các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và cả Công viên Gia Định - một trong hiếm
hoi lá phổ xanh cuối cùng của Sài Gòn.
Nhưng đã không thấy một chỉ đạo
nào từ Thủ tướng Phúc về truy cứu trách nhiệm đối với Bộ Quốc phòng và những cơ
quan liên quan về vụ hợp đồng trái phép xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất trong một
thời gian rất dài.
Phải chăng Thủ tướng Phúc muốn
“đi hàng hai”, vừa không mất lòng Bộ Quốc phòng và Quân ủy trung ương mà ông
Nguyễn Phú Trọng là bí thư, cũng không đụng chạm đến nhóm lợi ích quân đội, vừa
được tiếng “xử lý sân golf trong sân bay”?
Rõ ràng, phương án dễ nhất là
thay vì mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam, Chính phủ hoàn toàn có thể lấy
lại 157 ha sân golf Tân Sơn Nhất để làm sân bay mà còn không tốn một đồng ngân
sách nào.
Một con số ước tính của giới
chuyên gia cho biết nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam, kinh phí giải
tỏa đền bù các khu dân cư sẽ lên đến hơn 9 tỷ USD, tương đương hơn 200 ngàn tỷ
đồng. Ngân sách tìm đâu ra con số đó, trong lúc “chỉ có” vài chục ngàn tỷ đồng
để giải tỏa đền bù ở khu vực dự án sân bay Long Thành ở Đồng Nai mà còn tìm
không ra?
Vì sao được “mở miệng”?
Cần nhắc lại, ở nhiều kỳ họp quốc
hội trước đây, đặc biệt là kỳ họp quốc hội vào cuối năm 2016 khi sân bay dân sự
Tân Sơn Nhất đã “kẹt cả dưới đất lẫn trên trời”, Quốc hội Việt Nam vẫn chỉ chăm
chăm bàn đến việc làm sao có tiền để triển khai sân bay Long Thành. Vài ý kiến
đại biểu về “sân golf trong sân bay” đã bị mất hút. Còn Chính phủ thì bặt tăm.
Vậy làm sao vào kỳ họp lần này,
nhiều đại biểu quốc hội và nhiều tờ báo được “mở miệng”?
Sân golf phải trả về cho sân bay
đương nhiên là công bằng và tốt cho xã hội, cho người dân. Nhưng lại chẳng hề tốt
cho nhóm lợi ích quân đội và giới quan chức, đại gia ăn theo. Đó là khía cạnh
xã hội.
Nhưng một khía cạnh khác cũng có
thể thú vị nếu được mổ xẻ: tương quan chính trị.
Việc tìm hiểu những lực lượng
chính trị nào đã “bật đèn xanh” cho trào lưu “mở miệng” về “sân golf trong sân
bay” có thể dẫn đến vài đánh giá và dự đoán sát thực hơn về biến diễn của chính
trường Việt Nam, ít nhất trong nửa cuối năm 2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét