Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Phê phán đề thi môn Văn THPT Quốc gia năm 2017





Đề thi yêu cầu học sinh phân tích và bình luận văn của tác giả: Đặng Hoàng GiangNguyễn Khoa Điềm.



Đặng Hoàng Giang là ai ?



Tôi biết cái tên Đặng Hoàng Giang khi coi Chương trình 60 phút mở VTV3“Làm từ thiện để làm gì” do MC Tạ Bích Loan chủ xị nhằm đấu tố những nhà từ thiện tự nguyện không cần báo cáo xin phép Mặt trận Tổ quốc. Chương trình bị công luận phê phán và ném đá dữ dội đến mức sau đó VTV khai tử luôn chương trình này. MC Loan thất thần và trầm cảm mất một thời gian.


Trong chương trình đó, anh tiến sĩ giấy ngoại Đặng Hoàng Giang đã vội vã hoạ theo MC Tạ Bích Loan trên ti vi. Anh ta cho rằng không nên làm việc từ thiện cho người dân thiểu số vùng cao, chẳng hạn như đem cái quần cái áo người Kinh lên cho sẽ làm mất “bản sắc dân tộc” của họ. Anh ta không “thấu cảm” được cái rét buốt của những em bé nghèo khổ không quần không áo mà lại dám cao đàm khoát luận về “thấu cảm” trong sách của mình.



Hồi năm ngoái, trả lời phỏng vấn báo Lao Động, anh tiến sĩ này bèn nịnh chế độ bằng cái quan điểm trung dung đi hai hàng rằng “Nếu đã sống ở nhiều nơi, bạn sẽ thấy không có nơi nào hoàn hảo cả. Ở đâu cũng có cái hay và cái dở, nhưng chắc chắn không có nơi nào lung linh như thiên đường”.



Đặng Hoàng Giang viết hai cuốn sách:“Bức xúc không làm ta vô can” và “Thiện, Ác và Smartphone”. Anh ta phê phán người dân Việt Nam bây giờ hay “bức xúc”, nhất là trên mạng xã hội. Anh ta chỉ nhăm nhe bươi móc cái xấu của người dân và thanh niên trong nước. Anh ta giả câm giả điếc trước những điều đau lòng vì nạn tham nhũng hoành hành và những thói bóp nghẹt dân chủ nghiêm trọng do nhà cầm quyền gây ra. Học được một mớ kiến thức hổ lốn bội thực ở nước Áo mang về để dạy đời cho người Việt.



Là một tiến sĩ kinh tế người Áo gốc Việt, Đặng Hoàng Giang về nước, lại say mê nghiên cứu tâm lý xã hội và làm phó Giám đốc cái gọi là Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) ở Hà Nội.



Năm nay Ban Đề Thi môn Văn tú tài bị ma dẫn lối quỉ đưa đường thế nào lại đi chọn cuốn sách của TS Đặng Hoàng Giang- một người không rành tiếng Việt để làm đề thi khuôn vàng thước ngọc. Đề thi bắt 900 nghìn học sinh thanh niên Việt Nam bóp đầu bóp trán cắn bút làm bài thi “đọc hiểu”. Ai cũng biết rằng Đề thi môn Văn phải là tiêu biểu cho môn quốc văn Việt Nam ngàn năm văn hiến, sao Bộ Giáo dục lại coi rẻ như vậy được. Nền giáo dục XHCN thêm một chỉ dấu báo hiệu thời mạt vận rồi !



Đây, mời các bạn đọc cái quan niệm "sự thấu hiểu" và "lòng trắc ẩn" của Đặng Hoàng Giang.





I. Đọc hiểu (3.0 điểm)


Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm. Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Giống như cái lạnh thấu tuỷ hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm. Thấu cảm khiến ta hồi hộp khi quan sát một người đang đi trên dây ở trên cao, làm chúng ta cùng vui buồn với một nhân vật trong truyện.


Thấu cảm xảy ra trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Một đứa trẻ ba tuổi chìa con gấu bông của mình cho em bé sơ sinh đang khóc để dỗ nó. Một cô gái nhăn mặt khi theo dõi bạn mình trên giừơng bệnh chật vật uống một viên thuốc đắng. Mùa EURO 2016 kết thúc với một hình ảnh đẹp: một cậu bé Bồ Đào Nha tiến tới an ủi một fan người Pháp cao to gấp rưỡi mình, đang ôm mặt khóc vì đội Pháp thua trận chung kết. Anh người Pháp cúi xuống ôm cậu bé mà người vẫn rung lên nức nở. Cậu đợi cho tới khi anh đi khuất hẳn rồi mới tiếp tục phất cờ mừng chiến thắng.



(Trích Thiện, Ác và Smartphone - Đặng Hoàng Giang, NXB Hội nhà văn, 2017, tr. 275).



Lời bàn



Tiếng Việt vốn có hai từ “đồng cảm” và “cảm thông” tuy gốc Hán nhưng đã Việt hoá nhuần nhuyễn từ lâu, rất quen thuộc, ai cũng hiểu.



Từ" thấu cảm" của Đặng Hoàng Giang không có trong mọi từ điển tiếng Việt, nhất là từ điển của Hoàng Phê (từ điển tốt nhất, dùng rộng rãi hiện nay). Đây là một từ tự tiện  dùng của tác giả Đặng Hoàng Giang , hầu như chưa từng ai dùng trong lời thoại và văn bản. Lẽ nào anh ta tuỳ tiện nói tắt hai từ" thấu hiểu" và "cảm thông" !



Đặng Hoàng Giang viết lủng củng, chập cheng, khái niệm mơ hồ, biện luận loanh quanh.



Chúng ta hãy phân tích hai đoạn văn A và B.



Đoạn A tác giả say sưa bàn về khả năng “thấu hiểu” như là điều kiện tiên quyết dẫn đến tri âm tri kỷ, người này hiểu biết cảm xúc (vui và buồn) trọn vẹn của người kia. Thực ra đó là khả năng hai người có thể là bạn thân, trở thành tri âm tri kỷ. Đoạn văn không hề bàn tới lòng thương xót của người này hướng đến mối khổ tâm của người kia (nội hàm của lòng trắc ẩn).





Đoạn B nêu các dẫn chứng tạp nhạp (cô bé chơi búp bê, cô bạn người yêu, cậu bé bồ Đào Nha) về nỗi khổ tâm của người này được người kia an ủi chia xẻ (thực chất đó là biểu hiện lòng trắc ẩn chứ không phải sự thấu cảm).



Lí luận A và dẫn chứng B khập khiễng, lộn xộn như vậy, bởi vì anh tiến sĩ Giang ngẫu hứng tự ý ghép hai chữ “thấu hiểu” và “cảm thông” (thành “thấu cảm” ?) . Mặt khác anh ta chả hiểu hai chữ Trắc Ẩn là gì.



Nguyên tắc của văn phong nghị luận khoa học: tác giả phải dùng từ ngữ chính thức (có trong từ điển). Khi tác giả tạo ra một từ mới, coi như một thuật ngữ khoa học, thì phải tự mình giới thuyết rõ ràng (Ngoại lệ: chỉ có nhà văn nhà thơ trong sáng tác văn chương mới có quyền dùng từ ngữ mới do mình tạo ra).



Thấu cảm trong từng khoảnh khắc”thì làm sao mà “hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn” người khác  được? Muốn được thế thì phải tìm hiểu, điều tra dài ngày mới mong có kết quả (Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người có nhân). Mà lúc đó thì phải gọi là “thấu hiểu”, chứ không phải “thấu cảm”! Ban ra đề soạn câu hỏi và đáp án lại đồng nhất thấu hiểu với thấu cảm, coi hai từ như đồng nghĩa (?). Trong khi đó tác giả xem “thấu cảm” là hoạt động xảy ra trong chốc lát trực giác, thế là tác giả tự mâu thuẫn. Tôi cho rằng người làm đáp án đã bắt học sinh chấp nhận tuỳ tiện một khái niệm tù mù, trôi nổi, thiếu khoa học.



Lại nữa, tại sao lại “không có phán xét”? Đã có bao kẻ giả vờ, giả nghèo giả khổ, nhỏ ra những giọt nước mắt cá sấu che mắt thế gian, anh nhìn bề ngoài chốc lát rồi “thấu cảm” liền mà không phán xét thì anh lầm chết.



Theo tác giả, “nhìn thế giới trong mắt người khác”, thế nghĩa là “cái tôi” biến mất hay sao ? “Cảm thông” nghĩa là nối cái Tâm của mình với cái Tâm của người khác, từ đó sinh ra lòng trắc ẩn với người đó.



Về việc soạn từ điển cập nhật: Người làm từ điển thu thập các từ ngữ có trong sách báo một thời, đặc biệt là trong tác phẩm của những tác giả có uy tín, đưa vào từ điển, rồi giải thích theo ngữ cảnh được sử dụng. Như thế số từ trong từ điển bao giờ cũng ít hơn từ ngữ có trong thực tế giao tiếp. Do đó cách một thời gian, các từ điển phải tiến hành bổ sung các từ mới được dùng, nhằm phản ánh được thực tế từ ngữ trong tiếng mẹ đẻ. Do thế, một từ chưa có trong từ điển cũng có thể chấp nhận được trong thực tế. Nhưng từ mới ấy phải được giai thích và dùng hạn chế (ý kiến GS Trần Đình Sử).



Một đề thi Ngữ Văn như thế là thiếu tính khoa học, kém tính sư phạm và  không chuẩn mực.



Tuy nhiên đề thi được cứu vãn phần nào là nhờ câu 2 đọc hiểu và bình luận trích đoạn thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Tôi khen Ban đề thi dũng cảm chọn thơ của một “chính khách cao cấp” đã sám hối tỉnh ngộ với bài thơ nặng ngàn cân “Đất Nước những tháng năm thật buồn”.



Tái bút



Thực ra bài viết của Đặng Hoàng Giang nói về “lòng trắc ẩn”. Và thí sinh phải cố hiểu như vậy thì làm bài mới đạt yêu cầu. Phần B nêu dẫn chứng đã nói lên điều đó. Tuy nhiên vì không hiểu rõ từ Việt gốc Hán nên anh ta lờ đi và nói loanh quanh vòng vo, nhảy đại vào “thấu cảm”.



Nhân tiện đây tôi xin chiết tự hai từ “trắc ẩn” giúp  anh Ts.Giang hiểu rõ tiếng Việt:



Trắc ẩn (恻隱) tuy là từ gốc Hán nhưng người Việt xưa nay dùng đã quen, như “động lòng trắc ẩn, giàu lòng trắc ẩn”. Nôm na hơn nữa : ai đó giàu lòng thương người.

恻 trắc: Thương xót, xót xa, bùi ngùi. Chữ này có bộ Tâm.

隱 ẩn: Nghĩa rộng, nghĩa bóng: “cảm xúc, tâm trạng lo lắng, đau buồn không thể bộc bạch cho ai nấy đều biết, cũng gọi là “ẩn tình”, cách khác là mối “khổ tâm”. Chữ này cũng có bộ Tâm.


Tổng hợp lại, trắc ẩn là lương tri của một người có cái tâm cảm thông được nỗi khổ tâm của người khác. Lòng trắc ẩn thuộc về phạm trù tình cảm, đạo đức chứ không phải phạm trù nhận thức (như tiến sĩ Giang mải miết thuyết minh).



Từ cái lòng trắc ẩn ấy, dẫn tới hành vi an ủi giúp đỡ tuỳ khả năng và hoàn cảnh cụ thể, cốt sao giảm nhẹ nỗi khổ tâm của người khác.



Lòng trắc ẩn trái ngược đối lập với thói vô cảm của người đời chẳng quan tâm tới nỗi khổ tâm của ai hết.



Dân gian thường gọi người có lòng trắc ẩn là “người có Tâm”.



Cớ chi Đặng Hoàng Giang đi sang tận nước Áo lấy cái bằng tiến sĩ về nước chém gió dạy đời. Lại bốc phét nói “lòng trắc ẩn” sinh ra từ “sự thấu cảm”. Lòng trắc ẩn là căn bản lương tri của con người. Anh ta viết vòng vo mãi mà chẳng bật ra được nội hàm hai chữ trắc ẩn. Một tiến sĩ khoa học nhân văn hành nghề trên đất Việt Nam mà không rèn luyện được cái căn bản Hán ngữ thì dễ rơi vào cảnh chém gió tào lao lắm.



Tái bút



Sau khi thí sinh nộp bài Văn, một phóng biên báo Tuổi Trẻ đến nhà phỏng vấn tôi về đề thi. Tôi nhận xét ưu khuyết điểm đề thi. Khi báo đăng chiều ngày 22/6, ban biên tập đã cắt 99% gồm tất cả các khuyết  điểm, chỉ còn chừa mmột câu nói về ưu điểm. Xem bài báo ở đây:


http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/20170622/de-ngu-van-thpt-quoc-gia-2017-de-tho/1335855.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét