Nguyên Lê
Dạo này, trên các mặt
báo thường xuất hiện các bài viết về “dinh thự”, “biệt thự” gọi là “khủng” của
các quan chức hàng tỉnh, mà kèm theo đó là các câu hỏi về nguồn gốc tài sản để
tạo lập nên chúng cũng như tính hợp pháp của các quy trình pháp lý hành chính
liên quan. Gần đây nhất là các bài viết về
“cụm biệt thự” rộng tới 1,3 héc ta của gia đình ông Phạm Sĩ Quý, Giám đốc Sở
Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái.
Dư luận xôn xao không chỉ bởi quy mô của
các biệt thự, mà còn vì thủ tục chuyển mục đích sử dụng nhanh chóng bất thường,
từ đất nông nghiệp sang đất ở, của khu đất này. Yên Bái đã ra quyết định thanh
tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, việc cấp phép xây dựng
và quản lý xây dựng liên quan đến khu đất. Yên Bái cũng đã “cam kết làm nghiêm”
vụ này.
Người dân không còn cách nào khác
là kiên nhẫn chờ, như đang chờ kết luận vụ vì sao các quan chức đầu tỉnh Lào
Cai đồng loạt trúng đấu giá khu đất vàng bốn mặt tiền tại trung tâm thành phố
Lào Cai. Vào thời điểm vụ việc mới được phát hiện, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lào
Cai cho biết: “Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang làm việc tại
Lào Cai. Sau khi đoàn kiểm tra có kết luận, sẽ công khai cho người dân biết”.
Một diễn biến thời sự khác, trong
báo cáo vừa gửi các đại biểu Quốc hội về nội dung chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn
hóa - Thể Thao và Du lịch đã chỉ ra một biểu hiện đặc trưng của sự xuống cấp đạo
đức xã hội hiện nay. Đó là “một bộ phận cán bộ, đảng viên đã có biểu hiện phai
nhạt lý tưởng, lợi dụng vị trí lãnh đạo và quyền lực để mưu lợi cá nhân, lo thu
vén cho cá nhân, gia đình, họ tộc”.
Các hiện tượng kể trên đã trở
thành vấn đề nhức nhối trong xã hội, đòi hỏi phải có giải pháp ngăn ngừa. Theo
cơ chế của Đảng, mới đây Bộ Chính trị ra quy định về kiểm tra, giám sát việc kê
khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (khoảng
1.000 người), cho thấy các quy định về kê khai tài sản đã được thực hiện trong
nhiều năm qua vẫn chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Quy định mới về việc kiểm
tra, giám sát này được đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đón nhận như một
thông điệp chống tham nhũng từ trên xuống, mà theo ông “Trên trong sạch thì dưới
nghiêm ngay”.
Giám đốc một sở thì chắc không nằm
trong danh sách 1.000 người nói trên, nhưng thử đặt câu hỏi: ông Quý ở Yên Bái
đã kê khai tài sản của mình như thế nào, việc kiểm tra, giám sát sẽ được thực
hiện ra sao, khi mà cụm biệt thự nói trên đang được đứng tên... vợ ông ta? Còn
nếu để cho phủ xử bên phủ, huyện xử bên huyện như hiện nay, sẽ còn thêm chuyện
không chỉ là “người nhà xử nhau”, mà địa phương nào cũng có hành động che giấu,
ít nhất là vì bệnh thành tích.
Với tất cả những thực tế khó khăn
trong quá trình kiểm soát việc kê khai tài sản của cán bộ hiện nay, với quy định
việc này đang được thực hiện trong phạm vi nội bộ của Đảng, Nhà nước mà không
có sự tham gia của người dân, thì cho dù chỉ chọn kiểm tra, giám sát để làm
gương trong phạm vi 1.000 cán bộ cấp cao, cũng khó có thể hy vọng đạt được hiệu
quả chống tham nhũng như mong muốn.
Trong khi đó, theo số liệu Cục
trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) công bố với báo chí, trong
năm 2015, cả nước có gần 565.000 cán bộ cấp tỉnh phải kê khai tài sản. Các địa
phương đều báo cáo không phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực. Tỷ
lệ được xác minh trên tổng số bản kê khai chỉ là... 0,05%.
Những con số này nói lên điều gì?
Với khối lượng công việc kiểm tra, giám sát khổng lồ hiện nay, chỉ đôi vai của
cơ quan Đảng, Nhà nước thì không thể kham nổi. Cần có sự tiếp sức của đông đảo
người dân, họ sẽ là “tai vách mạch rừng”
phát hiện tài sản đáng ngờ của quan chức được “giấu” ở đâu, rồi giúp cơ quan chức
năng truy tìm nguồn gốc. Trên thực tế, trong thời gian qua, những vụ lùm xùm về
tài sản của quan chức đều do người dân và báo chí phát hiện. Để phát huy sức mạnh
nhân dân, cần thực sự trao cho họ quyền tiếp cận thông tin - trước mắt là các bản
tự kê khai của quan chức, để so sánh, đối chiếu với cái thực biết của mình. Đây
là việc bình thường ở nhiều nước.
Cho đến nay, trong chuyện này, nước
ta vẫn còn “nặng nề” việc cho dân biết (mà có biết thì mới bàn, mới kiểm tra được),
xuất phát từ việc chưa thấm nhuần mối quan hệ mang tính công bộc của quan chức
với người dân. Khi dư luận đặt vấn đề vì sao các quan đầu tỉnh đồng loạt trúng
đấu giá các lô đất trong khu đất vàng, Phó chủ tịch HĐND Lào Cai nói: “Có tài sản
là quyền của công dân”. Ông nói đúng nhưng chỉ đúng có... một nửa. Một luật sư
bình luận: “Quan vẫn là công dân nên có quyền có tài sản nhưng phải có nghĩa vụ
giải trình một cách minh bạch. Quan cũng không thể viện lý do “có tài sản đúng
quy trình”, vì đó là quy trình do quan tự tạo ra, người dân có quyền không
tin”.
Quan trọng nhất, nếu phát hiện ra
quan chức có tài sản bất minh thì sẽ xử lý ra sao? Thước đo lòng tin của người
dân chính xác là ở chỗ này!
(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét