Đêm thắp nến cầu nguyện cho giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba tại Hồng Kông, 29/06/2017. REUTERS/Tyrone Siu
Việc giải Nobel hòa bình 2010 Lưu
Hiểu Ba (Liu Xiaobo) được ra khỏi trại giam và nhập viện do bị ung thư gan giai
đoạn cuối, đặt ra câu hỏi về số phận phía sau song sắt nhà tù của nhiều nhà ly
khai Trung Quốc khác.
Năm nay 61 tuổi, ông Lưu Hiểu Ba
bị kết án 11 năm tù giam năm 2009 vì tội « nổi dậy ». Là khuôn mặt hàng đầu của
phong trào dân chủ Trung Quốc, ông là đồng tác giả của bản Hiến chương 08, đòi
hỏi tôn trọng nhân quyền và tổ chức bầu cử tự do.
Lưu Hiểu Ba nay đang được chữa trị
tại một bệnh viện sau khi được trả tự do có điều kiện vì lý do sức khỏe – luật
sư của ông cho biết hôm thứ Hai 26/06/2017. Chính quyền Trung Quốc còn khẳng định
một đội ngũ gồm « tám bác sĩ chuyên khoa ung thư nổi tiếng » chăm sóc cho ông tại
một bệnh viện ở Thẩm Dương (Shenyang).
Nhưng các tổ chức bảo vệ nhân quyền
nhấn mạnh, việc quyết định thả Lưu Hiểu Ba không hề là một hành động nhân đạo,
mà chỉ nhằm tránh mang lại một hình ảnh tệ hại cho Bắc Kinh, khi một tù nhân nổi
tiếng như thế lại bị chết sau chấn song nhà tù.
Luật sư Dư Văn Sinh (Yu Wensheng)
ở Bắc Kinh nhận định : « Cộng đồng quốc tế có thể thấy rõ là Trung Quốc chẳng
tôn trọng nhân quyền một chút nào, khi mà một giải Nobel hòa bình còn bị đối xử
như thế ».
Đã từ lâu Trung Quốc vẫn bị chỉ
trích vì xử sự tệ hại với các nhà đấu tranh, nhà đối lập chính trị. Nhưng từ
khi Tập Cận Bình lên cầm quyền vào cuối năm 2012, áp lực đè lên xã hội dân sự lại
càng thêm nặng nề.
Tháng 7/2015, trên 200 luật sư bảo
vệ nhân quyền đã bị công an câu lưu. Hầu hết sau đó được thả ra, nhưng sáu luật
sư năm ngoái đã bị lãnh các bản án lên đến bảy năm tù. Các tòa án Trung Quốc có
tỉ lệ kết án chóng mặt là 99,92%, và trong các cuộc điều tra thường xảy ra nạn
tra tấn để bức cung.
Các điều kiện cụ thể để trả tự do
cho ông Lưu Hiểu Ba vẫn chưa rõ, nhưng ông vẫn tiếp tục bị công an theo dõi chặt
chẽ. Luật gia khiếm thị Trần Quang Thành (Chen Guangcheng) nhận xét : « Ông Lưu
Hiểu Ba sẽ chẳng bao giờ được tự do. Ông luôn bị đảng Cộng Sản Trung Quốc
nghiêm ngặt giám sát, như vợ ông vẫn bị theo dõi từ nhiều năm qua ». Bản thân
ông Trần Quang Thành cũng từng bị quản thúc tại gia, cho đến khi ông vượt thoát
ngoạn mục năm 2012 và tị nạn tại Hoa Kỳ.
Các nhà đấu tranh nhân quyền còn
đòi được biết ông Lưu Hiểu Ba có được chữa trị trong tù hay không, và tại sao
ông không được trả tự do sớm hơn. Nhà nghiên cứu Patrick Poon của Amnesty
International chuyên về Trung Quốc cho biết : « Rất khó thể hiểu được vì sao phải
chờ đến lúc căn bệnh ung thư phát triển đến giai đoạn cuối, ông Lưu Hiểu Ba mới
được chạy chữa ».
Nhưng theo bà Sophie Richardson của
Human Rights Watch, trường hợp « các nhà đối lập ôn hòa lâm bệnh nặng và chết
trong tù » không phải là hiếm.
Trong số đó có thể kể nhà sư Tây
Tạng Tenzin Delek Rinpoche, qua đời trong trại giam năm 2015 sau 13 năm bị giam
cầm vì bản án « khủng bố và ly khai ». Hay nhà đối lập Tào Thuận Lợi (Cao
Shunli), được loan báo đã chết trong tù vào đầu năm 2014, mà theo Bắc Kinh là
do bị « bệnh lao và viêm phổi cấp tính ».
Đối với bà Sophie Richardson, chủ
tịch Trung Quốc phải chịu trách nhiệm phần nào về tình trạng hiện nay của ông
Lưu Hiểu Ba. Bà đặt câu hỏi : « Nếu ông Tập Cận Bình công khai khẳng định Trung
Quốc là một Nhà nước pháp quyền, thì tại sao một bi kịch như thế lại có thể xảy
ra ? »
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét