Trần Quang Thành: Xin chào nhà báo Võ Văn Tạo.
Võ Văn Tạo: Vâng. Xin kính chào nhà báo Trần Quang Thành.
TQT: Thưa nhà báo Võ Văn Tạo. Ngoài quyền lực của lập pháp,
hành pháp, tư pháp, dư luận thế giới cũng như ở Việt Nam thường nói có một quyền
lực khác, quyền lực thứ tư, đó là báo chí. Ông nghĩ thế nào về quyền lực thứ
tư, về vai trò của các nhà báo trong xã hội?
VVT: Dạ vâng. Cái gọi là quyền lực thứ tư trong xã hội, đó
là báo chí truyền thông, là một thực tế ở bất cứ quốc gia nào có báo chí. Nó là
cơ quan chuyên làm cái việc tác động vào công chúng, hướng dẫn dư luận xã hội.
Cho nên nó có có quyền lực, kể cả trong các thể chế cộng sản, nơi báo chí là
công cụ của Đảng cộng sản. Tất nhiên, cái động cơ để cái quyền lực ấy hướng tới
trong các nước cộng sản, nhìn chung không minh bạch, thiếu công bằng so với báo
chí ở các nước tự do, dân chủ, văn minh. Đó là một thực tế.
Tôi nhớ có một Tổng thống Mỹ đã từng nói, đại ý: “Nếu phải
chọn một trong hai. Giữa một bên là có chính phủ mà không có báo chí và một bên
là có báo chí mà không có chính phủ. Tôi chọn báo chí mà không chọn chính phủ”.
Điều đó cho thấy báo chí có vai trò rất lớn trong dẫn dắt dư luận xã hội, mang
đến tri thức cho xã hội. Đó là thực tế phải ghi nhận.
TQT: Báo chí có vai trò lớn như ông vừa nói. Nhưng nhìn lại
hiện trạng báo chí Việt Nam, những người làm báo trong chế độ cộng sản đã làm
được gì, thực tế họ sử dụng quyền lực ấy vào bảo vệ dân hay bảo vệ Đảng?
VVT: Nhà nước cộng sản quan niệm báo chí là một công cụ
tuyên truyền. Họ nắm rất chặt báo chí. Tất cả đội ngũ chủ chốt: phóng viên
chính, biên tập viên chính, thư ký tòa soạn, v.v… trở lên cho đến phó tổng biên
tập, tổng biên tập, tất cả đều phải là đảng viên, nhìn chung là vậy. Để họ nắm
rất chặt bằng kỷ luật Đảng và để họ điều khiển.
Hiện nay ở Việt nam có khoảng hơn 900 tờ báo, tạp chí và cơ
quan truyền thông. Những người hiểu biết đều nói rằng đó là dàn hợp xướng do một
chỉ huy dàn nhạc là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng. Cho nên, báo chí ở
Việt Nam, nói đúng ra, nó méo mó. Chẳng cứ Việt nam, ở các nước cộng sản còn lại
như Trung Quốc, Lào, Cu Ba, Bắc Triều Tiên, báo chí cũng tương tự như vậy.
Chính vì vậy, mỗi lần các tổ chức nhân quyền quốc tế xếp hạng
tự do báo chí, thì Việt Nam luôn ở thứ hạng rất thấp, thấp lắm. Các nước tôi vừa
liệt kê cũng vậy, rất thấp. Tức là, có báo chí với số lượng nhiều, nhưng thực tế
không phải báo chí theo hướng tự do, nó phải phục vụ việc tuyên truyền.
Một chính thể, nếu dân chủ minh bạch công khai, có đa
nguyên, đối lập, v.v… thì báo chí sẽ được hưởng tự do. Còn nếu một quốc gia độc
tài, độc đảng, v.v… thì báo chí chỉ là công cụ phục vụ nhóm lợi ích đang cai trị
xã hội. Ở Việt Nam, nói thẳng là nhóm lợi ích trong Đảng. Nói Đảng chung chung
là không đúng đâu. Thực tế Đảng bây giờ có 4,5 triệu đảng viên. Nhưng tôi biết
thực tế, số hưởng bổng lộc béo bở, có thể ngồi trên đầu trên cổ và bóc lột dân,
hành dân, tham nhũng, v.v… theo tôi ước lượng, không nhiều lắm, chỉ cỡ vài chục
nghìn thôi, nếu xét mức độ tham nhũng, hành dân tương đối lớn. Không nhiều lắm
so với 4,5 triệu đảng viên. Báo chí chỉ phục vụ cho nhóm ấy là chính.
Tôi có mười mấy năm làm báo nhà nước, vừa là phóng viên cho
tờ Nông thôn ngày nay, vừa cộng tác với nhiều tờ. Trước đó là đại diện tờ
Thương mại tại Nha Trang. Một cách khách quan, tôi rút ra điều này, nhìn chung
báo chí ở Việt Nam là tệ hại. Nhưng tôi cũng biết, lúc này lúc khác, báo này
báo khác, phóng viên này, biên tập viên kia, tổng biên tập nọ… trong cái “vòng
kim cô” của Ban Tuyên giáo, vẫn nhiều người có lương tâm. Họ vẫn muốn hướng bài
báo của mình, tờ báo của mình đến mục tiêu tốt đẹp, có lợi cho nhân dân. Cũng
có lúc, họ làm được một vài việc này khác. Nhưng nhìn chung vẫn trong vòng
cương tỏa.
Tôi ví dụ, từ mười mấy năm trở lại đây, chóp bu Đảng Cộng sản
Việt Nam nhìn nhận tham nhũng đã thành quốc nạn tệ hại. Thế nhưng, là những người
trong nghề, chúng tôi nắm rất chắc vụ PMU 18 – vụ tham nhũng trong ngành giao
thông vận tải. Thế nhưng, trong vụ đó, đã bắt giam 2 nhà báo là anh Hải – phó đại
diện Báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội và anh Chiến, biên tập viên báo Thanh Niên, cũng ở
Hà Nội.
Theo quan điểm của tôi, trong vụ đó, 2 nhà báo đã làm tốt chức
năng của mình. Rất nhiều báo đăng vụ đó (PMU 18), nhưng họ bắt giam 2 nhà báo
trên. Vì 2 tờ báo trên có lượng bạn đọc lớn nhất cả nước, nói nôm na là báo “to
mồm”. Họ cách chức 2 tổng biên tập là anh Nguyễn Công Khế ở Thanh Niên và anh
Lê Hoàng ở Tuổi Trẻ. Theo tôi, 2 tờ báo đó, và đặc biệt là 2 nhà báo đó chỉ có
công, chứ không có tội. Trong tình hình tham nhũng đã thành quốc nạn, báo chí
có nhiệm vụ điều tra, phát hiện manh mối tham nhũng, tiêu cực, để các cơ quan
chức năng như công an, kiểm sát, tòa án xử lý, góp phần ngăn chặn quốc nạn tham
nhũng. Thế nhưng họ lại bị bắt bớ, tù tội. Quá vô lý!
Sau đó, tôi biết, trong một cuộc họp của đại diện Liên minh
châu Âu với giới chức Chính phủ Việt Nam về việc EU tài trợ kinh tế cho Việt
Nam, vị Trưởng đại diện EU đã chỉ trích thẳng thừng: “Việc bắt giam 2 nhà báo
là nhằm bắn vào người chống tham nhũng”. Sau đó, tại lớp bồi dưỡng về “Đạo đức
báo chí” do Quỹ SIDA của Thụy Điển tài trợ cho lĩnh vực báo chí của Việt Nam, tổ
chức tại khách sạn Yasaka ở Nha Trang, bà đại diện Quỹ khai mạc với mấu chuyện
cực kỳ bi hài: “Việc bắt giam 2 nhà báo, cách chức lãnh đạo một số báo, điều
tra hàng loạt nhà báo vừa qua đang gây xôn xao, hoang mang trong báo giới Việt
Nam. Tôi muốn nói với các bạn rằng, không như báo chí Thụy Điển chúng tôi là
báo chí độc lập, báo chí Việt Nam là báo chí của chính phủ. Chính phủ tham
nhũng, mà các bạn lại đi phanh phui, thì họ bắt các bạn là đương nhiên (!)”. Cả
hội trường cười ra nước mắt. Đó là một thực tế nghiệt ngã của báo chí Việt Nam.
Còn cái làm được của báo chí Việt Nam. Tôi muốn nói về chuyện
báo Đại Đoàn Kết do anh Lý Tiến Dũng (vừa mất năm ngoái) làm tổng biên tập. Ảnh
gan cùng mình, cho đăng thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Bộ Chính trị, can
ngăn chủ trương đập bỏ Hội trường Ba Đình, là di tích lịch sử, di tích cách mạng
gắn với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập… Lá thư đó nhiều
người biết, Ban Tuyên giáo cũng đã có công văn chỉ đạo các báo không được đăng.
Nhưng Đại Đoàn Kết vẫn đăng. Anh ấy bị cách chức.
Cũng có nhiều trường hợp khác, từ phóng viên, biên tập viên
cho đến tổng biên tập, có những lúc, những vụ việc, họ cố gắng vùng vẫy làm điều
gì đó có lợi cho dân, cho nước, nhưng ít thành công lắm. Cũng có, chứ không phải
không. Ví dụ, vụ Tập đoàn thép Posco được Thủ tướng cho triển khai dự án ở Vịnh
Vân Phong, Khánh Hòa, năm 2008, cùng thời điểm Formosa vào Hà Tĩnh (nhưng hồi
đó tôi không biết vụ Formosa, vì tôi ở Khánh Hòa). Tôi biết vụ Posco là do trước
kia tôi làm trong ngành hàng hải. Anh Chu Quang Thứ, quyền Cục trưởng Cục Hàng
hải (về hưu) báo cho tôi và đề nghị tôi vận động báo chí vào cuộc phản biện, vì
Posco tranh mất vị trí đã quy hoạch cho cảng trung chuyển quốc tế của Việt Nam.
Nhờ có quan hệ rộng với làng báo cả nước, tôi làm “nhạc trưởng”, vận động được
mười mấy tờ cùng tham gia, trong đó có VTV1, Nhân Dân, Tuổi Trẻ, Vietnamnet,
SGGP… Ròng rã mấy tháng trời chúng tôi vào cuộc. Rốt cuộc đuổi được Posco đi chỗ
khác. Vụ đó cho thấy, báo chí nhà nước cũng làm được điều gì đấy, chứ không phải
như trên mạng cứ khẳng định báo chí nhà nước, báo chí quốc doanh, báo nhà Sản
chỉ ăn hại là không đúng.
Nhìn chung, báo chí nhà nước là hầu hạ nhóm lợi ích của Đảng.
Nhưng cá biệt, có những phóng viên, có những tờ báo vẫn cố gắng vùng vẫy làm điều
gì đó có ích cho dân, cho nước, nhưng ít chứ không được nhiều đâu.
TQT: Hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện nhiều người làm
báo, chuyên nghiệp và nghiệp dư, gọi là báo chí lề dân, mà ông Lê Doãn Hợp gọi
là báo chí lề trái. Nhà báo Võ Văn Tạo bình luận gì về lực lượng báo chí này?
VVT: Vâng. Cái đó gọi là mạng xã hội, báo lề dân, mà ông Lê
Doãn Hợp gọi là báo lề trái. Nó xuất hiện rầm rộ khoảng chục năm trở lại đây.
Tôi cho rằng nhìn chung là tốt. Như mọi sự vật, hiện tượng khác, tấm huy chương
nào cũng có 2 mặt, có mặt trái.
Mạng xã hội đưa thông tin rất nhanh, nhất là facebook. Các
blog cũng đóng vai trò nhất định, nhưng facebook là nhanh nhất.
Thế nhưng, càng dễ dãi cho mọi người dân làm báo, thì chất
lượng của nó cũng có vấn đề. Nhanh đấy, nhưng cũng tùy tiện, đưa tin không chuẩn
xác, và có nhiều cái sai chứ không phải luôn đúng.
Tôi biết vấn đề được rất nhiều người dân, cán bộ, đảng viên
quan tâm là Hội nghị Thành Đô năm 1990. Cách nay khoảng 4-5 năm, trên mạng xã hội
đã tung ra thông tin rằng đến năm 2020 thì Việt Nam sẽ thành một tỉnh hay khu tự
trị của Trung Quốc. Trung Quốc cho thời gian chuẩn bị là 30 năm, kể từ 1990…
Khi thấy thông tin đó trên mạng, tôi đã ngờ vực. Không phải cảm tính mà tôi có
nhiều cách để xác minh thông tin đó. Người viết kỹ và rõ về Hội nghị Thành Đô
1990 là Thứ trưởng Trần Quang Cơ, qua hồi ký của ông. Hoàn toàn không có nội
dung đó. Ổng ấy là Thứ trưởng Ngoại giao, rất thân cận với ông Nguyễn Cơ Thạch,
nhưng hồi ký không có nội dung ấy. Thế rồi, cách nay 2 năm, bloger Kami thú nhận
rằng anh ta ở Mỹ, là người tung ra thông tin ấy, để thử xem mức độ công chúng
trên cộng đồng mạng Việt Nam dễ dãi, cả tin đến mức nào. Thế nhưng, khi anh ta
tung tin ra tin đó, đáp ứng đúng tâm lý bài Tàu, bài Trung cộng, bài bành trướng
của người Việt Nam. Thế là họ tin theo. Đến lúc anh ta cải chính, thì không mấy
người để ý, không mấy người tin điều anh ta cải chính. Về phần mình, tôi có nhiều
nguồn để minh xác chuyện đó. Nhưng đến giờ, dù chưa được đọc nghị quyết đó,
nhưng niềm tin nội tâm của tôi cho rằng không có chuyện đến 2020 Việt Nam trở
thành một tỉnh hay khu tự trị thuộc Trung Quốc như đa số công chúng trên cộng đồng
mạng vẫn tin. Đó là cái dở của thông tin trên mạng. Còn rất nhiều rất nhiều
chuyện khác tương tự. Vụ Đồng Tâm vừa qua cũng vậy. Báo nhà nước cũng có bài thổi
phồng, viết rằng dân chuẩn bị vũ khí. Trên mạng cũng vậy, một số người viết dân
Đồng Tâm bố trí chất nổ, kíp mìn… Dân lấy đâu ra những thứ ấy? Không có chuyện
đó đâu. Dân phòng thủ bằng gậy gộc, đất đá thì có. Làm gì có sẵn trong dân chất
nổ, mìn…? Báo chí nhà nước và mạng xã hội đưa tin sai sự thật như thế là rất
tai hại. Đó là cái dở của mạng xã hội.
Cái hay của mạng xã hội là cho phép bất cứ ai cũng được bình
đẳng nói lên tiếng nói của mình, không bị biên tập cắt xén, kiểm duyệt bởi ban
biên tập nào hết. Anh có thể nói hết suy nghĩ của anh. Thứ hai là mạng xã hội
cho phép đưa thông tin nhanh nhất. Ví dụ, người dân tình cờ chứng kiến một vụ
tai nạn giao thông chết mười mấy người. Họ có thể dùng điện thoại chụp ảnh, đếm
xác, rồi 5-10 phút sau, thông tin vụ tai nạn đã xuất hiện trên mạng xã hội. Báo
chí nhà nước thì khác, còn qua biên tập, kiểm duyệt chán chê. Báo in thì phải
sang ngày hôm sau. Tính thời sự giảm đi.
Mạng lề dân cho phép thông tin nhanh, đáp ứng thời sự nhanh
hơn. Nhưng vì ai cũng thể đưa tiếng nói của mình lên, nên nhìn chung chất lượng
không cao, chệch choạc.
TQT: Làm báo chí lề dân, làm báo chí lề Đảng, mọi người đều
nhắc đến đạo đức người làm báo, chuyên nghiệp cũng như không chuyên, đều phải
có đạo đức. Theo nhà báo Võ Văn Tạo, cái đạo đức chung đó mà mỗi người làm báo
cần phải tuân thủ là cái gì?
VVT: Tôi nghĩ đạo đức người làm báo, cũng như mọi ngành nghề
khác, đều dựa trên nền tảng chung về đạo đức, là phải tử tế, có lương tâm và
tâm huyết, phải có ý chí phấn đấu cống hiến cho lợi ích chung của xã hội, và đặc
biệt là phải bảo vệ quyền lợi của những người thấp cổ bé họng, những người ở
đáy xã hội.
Về chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, đạo đức người làm báo buộc
anh phải trung thực, phải khách quan, phải công bằng, và phải đa chiều. Phải phản
ánh đầy đủ mọi góc nhìn khác nhau, những thông tin từ mọi hướng, để công chúng
tự đánh giá. Anh đừng có lợi dụng việc làm báo để lạm quyền. Là quyền lực thứ
tư, nên cũng dễ lạm quyền lắm. Thường thường, quyền lực hay dẫn con người ta đến
chỗ hư hỏng. Quyền lực tuyệt đối sẽ sinh ra tha hóa tuyệt đối. Người làm báo có
chút quyền lực. Nếu anh mắc cái tật đó thì chắc chắn anh đã vi phạm đạo đức báo
chí, không làm tốt nhiệm vụ của báo chí đối với xã hội. Tôi nghĩ rằng, dù ở Việt
Nam hay bất kỳ nước nào, như Hòa Kỳ cũng vậy thôi. Tờ báo chân chính, giữ đạo đức
phải tôn trọng sự thật, không được bóp méo sự thật, cố gắng khách quan nhất có
thể để phản ánh các sự kiện, các vấn đề trong xã hội đang diễn ra. Tôi nghĩ đạo
đức báo chí là như vậy.
Đặc biệt là, nếu như anh đã cầm bút mà còn dám bịa đặt,
xuyên tạc, bóp méo sự thật thì cái thứ đó không bàn đến nữa rồi, quá tệ rồi.
TQT: Xin cảm ơn nhà báo Võ Văn Tạo.
VVT: Xin cảm ơn nhà báo Trần Quang Thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét