Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Đối sách nào là hữu hiệu cho Hoa Kỳ khi đối phó Trung Cộng?



Vào tháng Ba, Ngoại trưởng Rex Tillerson cố đưa ra công thức đối ngoại cho Hoa Kỳ trước Trung Cộng trong năm thập niên sắp tới. Đó là "Không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác để đôi bên cùng có lợi." Đương nhiên chẳng ai muốn đối đầu hay xung đột và cả hai quốc gia đều muốn có sự tôn trọng cũng như muốn hợp tác để có lợi cho quốc gia mình. Tuy nhiên, công thức của Tillerson đưa ra không thể thực hiện và những dự tính đằng sau công thức đối ngoại này đều vô dụng. Do đó, Hoa Kỳ cần phải có một công thức đối ngoại mới thích hợp hơn khi quan hệ với Bắc Kinh.

Trước hết, xin lưu ý rằng công thức của Tillerson đưa ra không phải là đường lối đối ngoại hiện nay của Hoa Thịnh Đốn đối với Bắc Kinh mà là ngược lại, đây là công thức của Bắc Kinh khi quan hệ với Hoa Thịnh Đốn. Bắc Kinh từ lâu dựa vào công thức này làm nền tảng ràng buộc cho quan hệ giữa các siêu cường. Nhìn tổng quát, công thức đối ngoại này của Bắc Kinh thuyết phục Hoa Kỳ không ngăn cản sức mạnh ảnh hưởng của Bắc Kinh lên các nước Á Châu. Do đó, Trung Cộng sẽ tin rằng lời tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ đồng nghĩa với việc chính phủ Trump không ngăn cản thái độ lấn hiếp lãnh hải hung hãn của Bắc Kinh lên các nước trong vùng.

Dĩ nhiên, Tillerson khi tuyên bố như vậy không hề ám chỉ là Hoa Kỳ sẽ để Trung Cộng lộng hành nhưng lời tuyên bố này lộ ra sự nôn nóng từ phía Hoa Kỳ muốn hòa đàm nhanh chóng giải quyết căng thẳng giữa hai quốc gia.

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, mục tiêu hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng là muốn sửa đổi đất nước này từ từ trong ôn hòa để Trung Cộng có thể hòa nhập với cộng đồng thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo. Hoa Thịnh Đốn đã cố áp dụng mọi biện pháp mềm mỏng như Robert Zoellick (1) đã miêu tả vào năm 2005, cố biến Trung Cộng thành "một quốc gia có trách nhiệm", nghĩa là Trung Cộng sẽ giúp Hoa Kỳ củng cố thêm sức mạnh và ổn định tăng trưởng cho trật tự thế giới đã có. Có thể nói, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng là hoang tưởng phiêu lưu nhất trong thời đại thực tiễn này.

Và bây giờ, sự phiêu lưu hoang tưởng đó đang dần dần trở thành một lầm lẫn mà lịch sử phải bàng hoàng. Nói một cách ngắn gọn, đối sách ngoại giao hoang tưởng của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng đã đem đến một điều mà Hoa Kỳ lúc nào cũng tìm cách tránh né, đó là dẫn đến hình thành một quốc gia hung hãn sẵn sàng bành trướng lãnh thổ bằng vũ lực, bóp nát mọi giá trị tiến bộ của thế giới và xô ngã mọi giá trị nền tảng công pháp của các hệ thống tổ chức quốc tế.

Thập niên này, ngoại trừ quan điểm về ảnh hưởng biến đối khí hậu, thái độ của Trung Cộng trên mọi lĩnh vực đã đẩy Hoa Kỳ vào thế khó xử. Chẳng hạn như trong thời gian qua, Trung Cộng đã cho phép các công ty quốc doanh tuồn lậu các nguyên nhiên liệu cần thiết để Bắc Hàn tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạch tâm. Các bộ phận ráp thành hỏa tiễn của Bắc Hàn hoàn toàn sản xuất từ Trung Cộng hoặc do các công ty trung gian của Trung Cộng đầu tư. Thậm chí hình như Trung Cộng cũng đã bán cho Bình Nhưỡng kỹ thuật tân tiến chế tạo xăng đặc thường dùng làm nhiên liệu cho hỏa tiễn.

Trung Cộng cũng cho phép tin tặc của Bắc Hàn sử dụng các trang mạng từ Trung Cộng làm cứ điểm để tấn công vào mạng của Hoa Kỳ như vụ tấn công vào hãng phim Sony vào năm 2014 chẳng hạn. Bản thân tin tặc của Trung Cộng cũng tấn công vào nhiều tổ chức của Mỹ như các hãng thông tấn báo chí, các tổ chức dân sự, các viện nghiên cứu để rồi chôm chĩa kỹ thuật hay bản quyền mà trị giá thiệt hại có thể từ 300 tỷ đến 500 tỷ Mỹ kim mỗi năm.

Trung Cộng cũng xé bỏ cam kết của mình vào năm 2015 là sẽ không biến các đảo xây trái phép tại biển Đông thành các tiền đồn hải giám quân sự, bác bỏ phán quyết sau cùng của tòa án quốc tế về biển đảo khi Phi kiện Trung Cộng vào năm 2016, cố tình gây rối ngăn cản không tôn trọng tự do hàng hải trên hải phận quốc tế bằng cách chận ngang hải lộ của Hải quân Hoa Kỳ hay tịch thu máy do tìm tự động của Hoa Kỳ trong vùng biển Đông; thậm chí ngang ngược tuyên bố vùng cấm bay bất chấp lý lẽ tại nơi này. Quá trớn hơn, Trung Cộng còn cảnh cáo máy bay ném bom B-1 của Hoa Kỳ vào tháng Ba này để lộ rõ rệt tham vọng muốn độc chiếm hoàn toàn vùng biển vùng trời biển Đông theo đường lười bò chín đoạn, mà Bắc Kinh nay gọi lóng là "vùng đất xanh dương."

Ngoài lãnh hải, Bắc Kinh cũng muốn bành trướng lãnh thổ. Trung Cộng thường xuyên tăng quân xâm nhập vào biên giới Ấn.

Trung Cộng dưới sự lãnh đạo của người có giấc mơ "Đại Hán" Tập Cận Bình, tiếp tục siết chặt thị trường nội địa đối với hàng hóa của Hoa Kỳ và các nước khác bất chấp thỏa hiệp WTO, lộ rõ nhất là khi Trung Cộng ban hành chính sách "Made in China 2025" (2) cũng như nhiều luật lệ kiểm soát máy vi tính, mạng của các công ty ngoại quốc.

Thái độ và những hành động kể trên của Bắc Kinh trong bao năm qua không phải ngẫu nhiên hay lỗi lầm tức thời mà là những hành động có chủ ý tính toán hẳn hòi theo kế hoạch. Và chiều hướng hung hãn ngang ngược của Bắc Kinh ngày nay cũng giống như những thập niên trước, nên không thể bảo là sự ngang ngược hiện nay của Bắc Kinh là thể hiện bản chất của lãnh tụ mà thật ra, đây phải là thể hiện bản chất của cả chế độ.

Hoa Kỳ khi giao tiếp với Bắc Kinh có thói quen cưng chìu nên thường bỏ qua thái độ ngang ngược lộng hành hoặc xem nhẹ dã tâm của Bắc Kinh. Rộng lượng trước sự ngang ngược lập đi lập lại qua năm tháng sẽ khiến Hoa Kỳ bị lờn mặt. Bắc Kinh cứ càng ngang ngược thì Hoa Kỳ lại càng muốn mềm dẻo thuyết phục. Và vì Hoa Kỳ cứ mãi mềm dẻo thuyết phục cưng chìu quá đáng, Bắc Kinh cảm thấy không có lý do gì phải bỏ đi sự ngang ngược hung hãn của mình. Arthur Waldron từ đại học Pennsylvania đã buộc phải khẳng định như sau: "Chúng ta đã dạy hư Trung Cộng!”

Vụ tranh chấp đảo Scarborough là một thí dụ cụ thể cho sự cưng chiều rồi dạy hư Trung Cộng của Hoa Kỳ. Vào đầu năm 2012, các tàu chiến của cả Phi lẫn Trung Cộng đâm lộn kình chống lẫn nhau tại nơi này, cách đảo chính Luzon của Phi chỉ có 124 hải lý nhưng cách đến 550 hải lý từ đảo Hải Nam của Trung Cộng. Hoa Thịnh Đốn đứng ra dàn hòa, chỉ thấy có Phi là làm theo lời hứa khi dàn hòa, Trung Cộng cứ lì ra chẳng chịu rút.

Không muốn làm lớn chuyện, chính quyền Obama chẳng có hành động cụ thể nào để buộc Trung Cộng thực thi những cam kết dàn hòa trước đó. Điều mà Hoa Kỳ làm, tức là bỏ qua thái độ lật lọng của Trung Cộng trong vụ này, tăng thêm tự tin cho Bắc Kinh và làm cho Bắc Kinh nghĩ rằng ngang ngược hung hãn lên các nước trong vùng là một đối sách có lợi.

Nhu nhược nuông chìu Bắc Kinh còn gây thêm hậu quả tai hại khác. Thấy lấn hiếp có kết quả quá khá, Bắc Kinh lấn tiếp đảo Thomas kế cận của Phi cũng như tính bể chiếm luôn đảo Điếu Ngư của Nhật. Nói một cách ngắn ngọn, Trung Cộng hung hãn không chỉ ở biển Đông mà nay còn lan rộng ra toàn cỏi châu Á. Và tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ngày mỗi lớn; báo chí quốc doanh của Trung Cộng loan báo Bắc Kinh đang đề ra kế hoạch thâu tóm quần đảo Okinawa và và dãy đảo Ryukyu trong tương lai.

Có rất nhiều lý do Bắc Kinh không muốn đi theo quỹ đạo của Hoa Kỳ định sẵn. Đang trên đà phát triển kinh tế quân sự trở thành siêu cường dễ dẫn đến hoang tưởng và tham vọng; cũng như tranh chấp nội bộ lãnh đạo buộc Bắc Kinh phải hung hãn ngoài mặt để che giấu rối loạn bên trong. Bàn luận sâu rộng đến vấn đề nằm ngoài chủ ý của bài viết này, nhưng rõ ràng là Hoa Kỳ cần thay đổi phương thức đối ngoại khi quan hệ với Bắc Kinh.

Vậy thì Hoa Kỳ cần thay đổi phương thức đối ngoại của mình như thế nào?

Trước hết, giới lãnh đạo Hoa Kỳ cần phải nhận thực rõ đối sách hiện nay không hiệu quả. Khổng giáo có bảo "danh chánh thì ngôn mới thuận", và dựa theo lời giáo huấn này, chúng ta (tức Hoa Kỳ) không thể cứ mãi tiếp tục gọi Trung Cộng là bạn hàng hay là đối tác. Trung Cộng đang đe dọa đến an ninh và vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ giống như khối Cộng Sản Xô-viết trước đây trong thời “chiến tranh lạnh.”

Qua bao thập niên đối mặt, Trung Cộng, một chế độ Cộng Sản toàn trị đang muốn bành trướng sức mạnh của mình, muốn xóa bỏ trật tự thế giới và phủ nhận mọi tư tưởng tiến bộ của phương Tây, đó là chưa kể muốn bành trướng lãnh thổ bằng vũ lực. Hoa Thịnh Đốn cần phải nhận rõ là mình đang đối diện với kẻ thù hung hiểm ở mọi mặt có tên là Trung Cộng chứ không phải đang đối tác với bạn hàng hiền lành có tên là Trung Hoa.

Giới chức Hoa Kỳ trước đây vẫn ngụy biện rằng: "Nếu chúng ta đối xử với Trung Cộng như là kẻ thù thì Trung Cộng sẽ là kẻ thù." Nay thì dù Hoa Kỳ có đối xử với Trung Cộng như là bạn thì Trung Cộng cũng trở thành kẻ thù của Mỹ như thường.

Hai là Hoa Kỳ phải khiến Trung Cộng trả giá cho từng hành động hung hãn ngoài công pháp quốc tế của mình. Việc gì Trung Cộng phải chùn bước hung hãn của mình nếu không bị nện đòn?

Thí dụ như các ngân hàng quốc doanh của Trung Cộng giúp Bắc Hàn giặt ủi tiền. Vào tháng Chín năm ngoái, triều Obama đã không phong tỏa các tổ chức tài chánh Trung Cộng khi bắt giữ một ngân khoản của Bắc Hàn do 25 tổ chức tài chánh quốc doanh của Trung Cộng tiến hành giặt ủi tiền giùm. Tuy triều Obama có gởi thông điệp cảnh cáo Bắc Kinh nhưng không trừng phạt các tổ chức tài chánh này thì nói ai nghe?

Đương nhiên, giới chức Trung Cộng lại nghĩ khác đi khi nhận thông điệp cảnh cáo, như tờ ban biên tập tờ Wall Street thừa nhận, điều này cho thấy là Hoa Kỳ không dám sờ tới gáy các ngân hàng của Trung Cộng. 

Các ngân hàng quốc doanh của Trung Cộng từ đó nghênh ngang hơn nữa, tháng Tư vừa qua, cũng chính Wall Street loan báo các viên chức Liên bang đang điều tra có phải các viên chức kế toán tài chánh của Trung Cộng giúp Bắc Hàn tấn công vào tài khoản ở Quỹ Dự Trữ Liên Bang tại New York của ngân hàng Trung Ương Bangladesh, lấy mất 81 triệu Mỹ kim hay không (3) .

Trong một chế độ đảng trị, nếu mà cấp dưới tiến hành chuyện này thì đương nhiên, giới chức cấp trên tại các ngân hàng trung ương của Trung Cộng có ra lệnh thì mới tiến hành được. Và nếu đúng là như thế thì mọi liên hệ của các ngân hàng lớn của Trung Cộng có dính líu liên can phải bị cắt đứt khỏi hệ thống tài chánh New York.

Hành động trừng phạt này có thể khiến giới tài chánh thế giới sửng sốt nhưng sẽ đảm bảo Bắc Kinh run sợ khi thấy là lần đầu tiên, Hoa Kỳ chứng tỏ rất cương quyết đối phó với Hàn Cộng, và nếu Trung Cộng thập thò cứu giúp Hàn Cộng thì sẽ nhận lãnh hậu quả; hành động trừng phạt này cũng khiến chương trình hạch tâm của Hàn Cộng bị đình trệ vì không có tài chánh. Hơn thế nữa, sự trừng phạt này giúp hệ thống tài chánh thế giới thêm an toàn, không bị thất thoát bởi tin tặc Hàn Cộng nữa.

Kinh tế Trung Cộng đang suy yếu, nên giới chức Hoa Kỳ chỉ cần cứng rắn như thế một lần cũng đã đủ khiến Bắc Kinh run sợ và phủi tay hết mọi dự tính giúp Bắc Hàn thập thò lén lút.

Trừng phạt Trung Cộng cũng có nghĩa là Hoa Kỳ cũng chịu tổn thất nhưng tình thế hiện này không còn một giải pháp nào mà không có tổn thất vì mức độ nguy hại của Trung Cộng đã quá lớn. Đây cũng là cái giá mà chúng ta (Hoa Kỳ) phải trả do "dưỡng hổ di họa" gần hai thập niên qua.

Ba là Hoa Thịnh Đốn nên nghe theo lời khuyên của Taro Aso (4) vào năm 2006 khi bàn về chính sách "vành đai tự do và thịnh vượng" cho vùng Á châu, nghĩa là Hoa Kỳ phải liên kết thắt chặt tình đồng minh với mọi nước trong vùng Á Châu tạo sức mạnh chung chống Trung Cộng, nhất là những đồng mình của Mỹ từ nào giờ như Nhật, Nam Hàn, Úc. Tất cả các nước trong vùng, trải dài từ Ấn cho đến Nam Hàn, vốn từ lâu bị Trung Cộng lấn hiếp, rất muốn mong Hoa Kỳ nỗ lực gầy dựng và lãnh đạo tạo ra mối liên kết đồng minh tại nơi này để ngăn cản Trung Cộng.

Cuối cùng, Hoa Kỳ cần phải tự tin là sự hùng mạnh của mình là không ai có thể bì và sức mạnh này sẽ khiến thế giới ngày một ổn định phát triển hơn, nên Hoa Kỳ không cần Trung Cộng hợp tác khi giải quyết các vấn đề. Tông thống Trump đã đi được một bước trên quan niệm này khi trả lời trước tạp chí Financial Times vào ngày 2 tháng Tư là Hoa Thịnh Đốn sẽ tự giải quyết vấn đề Hàn Cộng một mình nếu Trung Cộng bướng bỉnh không muốn giúp.

Giới chóp bu Trung Cộng cần phải thấy rõ là Hoa Thịnh Đốn đang thay đổi phương thức đối ngoại và không còn cưng chìu dạy hư Trung Cộng như xưa nữa. Tillerson nên đưa ra phương thức đối ngoại có lợi cho quyền lợi của Hoa Kỳ và các nước đồng mình của mình trong vùng chứ không nên phát biểu ngược lại và có lợi cho Trung Cộng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét