Đoàn Đạt (Một Thế
Giới)
(Ảnh minh họa)
“Cải cách giáo dục”,
cụm từ thoạt đầu mới nghe người ta cứ dễ lầm đó là một cụm từ biểu hiện cho
tinh thần cầu tiến, ham đổi mới, nhưng cứ nghe đi nghe lại hết năm này đến năm
khác người nghe không khỏi thở dài như nhân vật của Vũ Trọng Phụng mà than rằng:
“Biết rồi, khổ lắm, cải mãi!”…
Thật vậy, tính từ năm 1950 đến nay, ngành giáo dục Việt Nam
đã có không biết bao nhiêu cuộc cải cách, cải đổi. Từ chuyện bỏ học phân ban tú
tài sang học phổ thông 9 năm rồi 10, sau lại thành 12 năm rồi cuối cùng cũng…
trở về với tú tài!
Từ chuyện phân ban, rồi lại bỏ phân ban, sau đó lại vừa phân
ban vừa không phân ban. Trong vòng khoảng mười năm trở lại đây, tốc độ cải đổi,
cải cách càng tăng chóng mặt với mật độ năm nào cũng có một vài thay đổi khiến
cho cả giáo viên và học sinh quay mòng mòng như… dế. Và năm nay lại là năm
“giao thừa” cho một cải cách “lớn”: chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng
vào năm 2018.
Nói theo ngôn ngữ “showbiz” thì bộ giáo dục mấy năm qua
chính là “ngôi sao” của các bộ ngành, vì năm nào cũng xuất hiện dày đặc trên
các mặt báo với những cải cách của mình. Thế nhưng, phàm đã là một bộ máy thì
việc không ngừng cải tiến, sửa chữa, một mặt có thể chứng tỏ bộ máy ấy là năng
động, nhưng mặt khác có thể lại chứng tỏ bộ máy ấy còn khá lạc hậu nên cứ còn
mãi dư địa cho chuyện “cải tiến cải lùi”.
Người Việt vốn có bản tánh mê “sửa vặt” (bricolage) như thực
tế và phân tích của nhiều nhà nghiên cứu. “Bê nguyên” thì không chịu, cứ thích
cù mì củ mỉ sửa chữa, cải tiến vặt. Điều này có lẽ cũng khá “ứng” với ngành
giáo dục. Như chương trình giáo dục phổ thông mới đang được kêu gọi góp ý, nhiều
người đặt ra câu hỏi vì sao chúng ta không học tập hẳn một mô hình giáo dục
tiên tiến nào đó trên thế giới, thì các “nhà cải cách” của ta bảo là không nên,
vì đặc thù của đất nước.
Nhưng nếu nói về “đặc thù” hay “bản sắc” thì chúng ta thử
nhìn về nước Nhật. Người Nhật vốn có một nền văn hoá truyền thống rực rỡ, nhưng
đến thời Minh Trị, họ cũng phải học người Mỹ trong thiết chế giáo dục đại học.
Đầu thế chiến thứ hai, dù coi nước Mỹ là “kẻ thù” song người Nhật cũng đành phải
dẹp bỏ lòng tự tôn dân tộc để lại phải học tập tinh hoa giáo dục của người Mỹ.
Người Hàn Quốc, để “cất cánh” được phải học mô hình kết hợp giữa Nhật và Mỹ. Họ
sẵn sàng dịch các sách giáo khoa về khoa học tự nhiên và ngoại ngữ của nước
ngoài và biên soạn lại các sách về khoa học xã hội để dạy học sinh.
Nếu bảo rằng các thiết chế giáo dục của các nước tiên tiến
là không phù hợp với tình hình đất nước thì sao bây giờ chúng ta hàng năm lại
có cả trăm ngàn sinh viên học sinh đi du học? Và rất nhiều du học sinh hay các
quan chức khi đi du học về rất hữu dụng, thậm chí còn được trọng vọng quá mức về
bằng cấp này, học vị nọ? Vì sao chúng ta không có kế hoạch “bê” các thiết chế
giáo dục đó về rồi biên soạn, thay đổi để mọi học sinh, sinh viên đều có thể là
“du học sinh tại chỗ”?
Triết lý giáo dục của bất cứ một nền giáo dục nào đáng gọi
là giáo dục bao gồm trong ba câu hỏi: Bản chất con người là gì? Chúng ta muốn
con người trở thành như thế nào? Và phải làm gì để có con người chúng ta mong
muốn? Quy cho cùng, theo triết lý này thì chúng ta mơ hồ mong muốn sẽ có những
con người nhân văn (giáo dục nhân văn), đồng thời phải là những con người giỏi
nghề (đào tạo). Thế nhưng hệ quả tiêu cực của hệ thống giáo dục lạc hậu những
năm qua là con người nhân văn có vẻ như đang xuống cấp hơn so với trước qua những
biểu hiện tiêu cực của số đông thanh thiếu niên, còn con người kỹ thuật thì
hàng năm có cả hàng trăm ngàn sinh viên ra trường thất nghiệp.
Vậy thì vì lý do gì chúng ta không học tập những mô hình
thành công trong việc giáo dục nhân văn và kỹ thuật cho học sinh, sinh viên mà
chúng ta đang ra sức đưa con em đi “tha phương cầu chữ”? Đã bao nhiều lần rồi
chúng ta đã cải cách giáo dục mà chưa lần nào thấy ổn (thế mới tiếp tục cải
cách), đến nỗi một đất nước vốn còn bảo thủ lạc hậu như nước ta mà người dân
nghe đến “cải cách giáo dục” thì đa số lại thấy ngán ngẩm, thậm chí thấy tội
cho con em mình, thấy chúng chỉ như là những chú “chuột bạch” bị thử nghiệm, thử
sai? Và đâu phải chỉ như một bộ máy đơn giản như động cơ đốt trong đối với mấy
anh thợ sửa xe, giáo dục là cả một hệ thống bộ máy mà mỗi đợt cải cách, cải tiến
là phải tốn kém bạc nghìn tỉ…
Bao giờ thì ngành giáo dục, ngành có nhiều giáo sư, tiến sĩ
nhất nước, mới trưởng thành, hay nói như ngôn ngữ mạng bây giờ là “dậy thì
thành công”, để thôi, để bớt thử nghiệm, cải cách…?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét