Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Quan hệ chiến lược Mỹ-Trung và tương lai trật tự khu vực

Biên dịch: Phạm Nguyễn Anh Thư & Vũ Hồng Trang

Nguồn: “Disorder Under Heaven: America and China’s Strategic Relationship,” The Economist, 22/04/2017.


Sau bảy thập niên bá quyền ở châu Á, giờ đây Mỹ phải thích ứng với một Trung Quốc ngày một lớn mạnh. Liệu chính quyền Donald Trump có làm được điều đó hay không? Lần cuối cùng Trung Quốc tự cho là mình lớn mạnh như cách mà đất nước này tự nhận ngày nay là khi Abraham Lincoln còn làm chủ Nhà Trắng. Ở thời điểm đó, bất chấp bằng chứng ngày càng tăng về sự cướp phá của phương Tây, hoàng đế Trung Quốc vẫn bám vào niềm tin từ xa xưa rằng Trung Quốc thống trị thiên hạ, một trật tự thế giới của riêng mình. 

Trung Quốc chưa bao giờ có đồng minh theo cách hiểu của phương Tây, mà chỉ có các quốc gia triều cống cho mình để đổi lấy giao thương. Hoàng đế Trung Quốc đã viết cho Lincoln rằng cả Trung Quốc lẫn “các ngoại bang” tạo nên “một gia đình, không có khác biệt”.

Ngày nay, trải qua một thế kỷ rưỡi với sự chiếm đóng của đế quốc phương Tây, tình trạng lộn xộn của nền cộng hòa, sự cướp bóc của loạn sứ quân, cuộc xâm lược của Nhật Bản, cuộc nội chiến, biến động cách mạng và gần đây hơn là sự tăng trưởng kinh tế phi thường, Trung Quốc một lần nữa tự cảm nhận vị thế của một cường quốc. Nhưng lần này, Trung Quốc đã làm được điều đó trong một thế giới hoàn toàn khác: một thế giới do Mỹ dẫn dắt. Trong ba phần tư thế kỷ, Mỹ đã là thế lực bá quyền ở Đông Á, sân sau của Trung Quốc trong lịch sử.

Nhưng giờ đây, không thể phủ nhận là Trung Quốc đã trở lại. Những tòa tháp mới đã thay đổi đường chân trời ở cả những thành phố xa xôi nhất. Một mạng lưới tàu cao tốc siêu hiện đại, chỉ trong một vài năm ngắn ngủi, đã thu hẹp một quốc gia có kích cỡ tương đương với một lục địa. Sức mạnh mới của Trung Quốc nằm ở sản lượng kinh tế gia tăng gấp 20 lần kể từ cuối những năm 1970, khi các nhà lãnh đạo thực dụng của nước này bắt đầu cải cách theo định hướng thị trường. Cũng trong thời gian đó, số dân Trung Quốc sống trong tình trạng nghèo cùng cực, theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới, đã giảm xuống còn 80 triệu người, một phần mười con số trước đây. Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Hầu như không có nước nào trên thế giới không để tâm tới Trung Quốc, bất kể với tư cách là nguồn cung hàng tiêu dùng hay là nơi tiêu thụ hàng hóa cơ bản, tư liệu sản xuất và đầu tư.

Dựa trên tất cả những điểm này, Trung Quốc muốn – và xứng đáng có – một vai trò lớn hơn ở Đông Á cũng như trong trật tự toàn cầu. Mỹ phải dành chỗ cho Trung Quốc. Nhưng nhiệm vụ này đòi hỏi cả trí tuệ lẫn sự cân bằng tinh tế giữa sự cứng rắn và mềm dẻo của cả hai bên. Chỉ dấu đầu tiên của những gì chúng ta mong đợi được thể hiện tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tập Cận Bình và Donald Trump vào ngày 6 và 7 tháng 4 ở Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng sân gôn của Tổng thống Mỹ ở Florida. Dù không nhiều nội dung được thảo luận, Trump đã ca ngợi mối quan hệ song phương giữa hai nước là “nổi bật” còn Tập thì tuyên bố có “cả ngàn lý do để hoàn thiện mối quan hệ Trung-Mỹ”. Không ai đề cập tới việc Mỹ vừa phóng tên lửa hành trình vào một căn cứ không quân của Syria, hay về việc áp đặt thuế quan sắp tới.

Bất chấp sự thân mật bề ngoài tại hội nghị thượng đỉnh, hai nước có cách nhìn rất khác nhau. Hệ thống chính trị vừa quan liêu vừa chuyên chế của Trung Quốc đã góp phần phát triển kinh tế ở nước này, nhưng lại khác xa với quan niệm của Mỹ về dân chủ. Giới hoạch định chính sách Mỹ vẫn luôn coi các giá trị dân chủ tự do và sự chú trọng vào nhân quyền là những nhân tố giúp chính danh hóa và củng cố trật tự thế giới. Còn giới hoạch định chính sách Trung Quốc lại xem đó là âm mưu của phương Tây nhằm thúc đẩy kiểu cách mạng màu từng lật đổ các chế độ chuyên chế Xô-viết cũ, và có thể sẽ cố gắng làm điều tương tự với Trung Quốc.

Các chiến lược gia Trung Quốc cho rằng các lực lượng quân đội đang nhanh chóng hiện đại hóa của đất nước là thiết yếu đối với việc bảo vệ tuyến đường biển vốn là nền tảng của sự phồn thịnh và an ninh quốc gia. Họ cho rằng một lực lượng hải quân mạnh là cần thiết để kiềm chế các đối thủ tiềm năng khỏi bờ cõi và ngăn chặn họ chiếm đoạt các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng. Họ cũng ngờ rằng sự hiện diện quân sự quy mô lớn của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nhằm kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trái lại, các chiến lược gia Mỹ cho rằng họ buộc phải có mặt trong khu vực bởi sức mạnh cứng của Trung Quốc đang khiến các bạn bè của Mỹ tại Đông Á và Đông Nam Á lo ngại. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã thách thức Nhật Bản trên quần đảo Senkaku (mà người Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư) do Nhật Bản kiểm soát và tiến hành các công trình xây dựng dày đặc để dựng căn cứ và đường băng trên các đảo đá và rặng san hô đang tranh chấp ở Biển Đông. Các chiến lược gia Mỹ nghi ngờ Trung Quốc muốn biến vùng biển rộng lớn này thành cái hồ của mình; và nói rộng hơn là tìm cách thống trị khu vực Đông Á và đảo lộn trật tự hiện thời.

Một tình huống tiến thoái lưỡng nan

Mỹ từ lâu đã tìm cách ngăn cản bất cứ cường quốc nào nắm bá quyền ở châu Á, trong khi Trung Quốc lại muốn kiềm chế các đối thủ tiềm năng ra khỏi bờ biển của họ. Bằng cách nào đó, hai nước phải tìm cách đáp ứng các mục tiêu chủ đạo của nhau, như Henry Kissinger đã giải thích trong cuốn sách kinh điển của ông về nghệ thuật quản lý nhà nước, World Order (Trật tự thế giới). Hòa bình tùy thuộc vào kết quả này.

Nền hòa bình đó không thể xem là điều hiển nhiên. Trong phần lớn Đông Á, lịch sử vẫn chưa ngã ngũ. Đài Loan, nơi phe theo chủ nghĩa dân tộc chạy trốn sau thất bại trong cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949, là một nền dân chủ hòa bình và đang lớn mạnh. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc coi sứ mệnh thiêng liêng của họ là đưa Đài Loan trở lại đúng khuôn nếp của mẫu quốc, và bảo lưu quyền sử dụng vũ lực để làm điều này. Sự giám hộ của Mỹ đối với hòn đảo này chính là để đảm bảo Trung Quốc không dám làm điều đó. Nhưng khi Trung Quốc phát triển và cam kết của Mỹ có vẻ dần suy yếu, khả năng sai lệch trong tính toán cũng có thể tăng lên. Ít lâu sau khi đắc cử, Trump dường như thậm chí còn nghi ngờ sự ủng hộ của Mỹ với “chính sách một Trung Quốc” – Trung Quốc luôn một mực khẳng định Đài Loan là một phần của nước này.

Một điểm nóng sắp tới có nguy cơ bùng nổ trong khu vực là bán đảo Triều Tiên, vốn bị chia cắt từ cuối Thế chiến II. Bắc Triều Tiên, dưới sự thống trị của một gia đình mafia đến bây giờ đã là thế hệ thứ ba, có nền kinh tế suy sụp và một lực lượng quân đội được đào tạo kém. Nhưng nước này đã đổ tiền vào các chương trình hạt nhân, đe dọa Hàn Quốc, khiến Nhật Bản lo lắng, và chẳng bao lâu nữa cũng sẽ đặt ra một mối đe dọa đối với Mỹ. Bắc Triều Tiên chọc giận các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhưng lại thấy cần phải thể hiện sự đoàn kết với một đồng minh cũ để chống lại Mỹ trong cuộc chiến đẫm máu do Bắc Triều Tiên khơi mào năm 1950. Trung Quốc thà có một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân dưới quyền Kim Jong Un còn hơn một nhà nước thất bại đẩy hàng triệu người tị nạn tuyệt vọng vượt biên sang Trung Quốc. Điều khiến Trung Quốc lo lắng hơn cả là viễn cảnh một Triều Tiên dân chủ, thống nhất với quân đội Mỹ kế bên. Ở Mar-a-Lago, Trump đã hỏi Tập về những ý tưởng đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, nhưng vụ phóng tên lửa của Mỹ vào Syria đã cho thấy rõ ràng Mỹ có thể tự mình đối đầu với Bắc Triều Tiên. Xử lý thái độ hiếu chiến của Kim – và sự sụp đổ cuối cùng của chế độ – sẽ là một phép thử lớn đối với sự hợp tác của hai cường quốc này.

Tuy vậy, xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ không phải là tất yếu. Cả hai đều muốn tránh điều đó và do đó có thể điều chỉnh. Truyền thống hợp tác của hai nước ngày một củng cố qua bốn thập niên Trung Quốc cải cách thị trường cũng giúp ích phần nào và điều này khó có thể thực hiện được nếu không có sự bảo đảm an ninh của Mỹ đối với môi trường bên ngoài Trung Quốc. Hợp tác Mỹ-Trung cũng là mối quan hệ kinh tế song phương quan trọng nhất trên thế giới ngày nay, với kim ngạch thương mại hàng năm lên tới 600 tỷ đô la Mỹ và tổng đầu tư của hai nước vào nền kinh tế của nhau xấp xỉ 350 tỷ đô la Mỹ.

Trung Quốc không hăng hái truyền bá tư tưởng hay xuất khẩu cách mạng, hay có bất cứ lo lắng nào về ý thức hệ đối với trật tự hiện nay, và chính điều này khiến Trung Quốc bực bội bởi nước này không có tiếng nói lớn hơn trong việc điều hành trật tự này. Đảm bảo một vai trò lớn hơn của Trung Quốc có lẽ là sứ mệnh chính của Tập, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc kể từ năm 2012. Tập đã tích lũy thêm quyền lực cho bản thân, nhiều hơn bất cứ lãnh đạo nào kể từ thời Đặng Tiểu Bình, và bây giờ đang cẩn trọng đưa ra một mô hình lãnh đạo toàn cầu lớn hơn mà các lý thuyết gia của đảng đang bắt đầu gọi là “giải pháp Trung Quốc”. Một mặt, điều này liên quan tới những vấn đề thiết thực như đầu tư vào Trung Á để giảm đói nghèo. Mặt khác, mô hình này thách thức sự thống trị của Mỹ. Như Tập phát biểu trong một hội nghị hồi tháng 2, Trung Quốc nên “dẫn dắt an ninh quốc tế” hướng tới một “trật tự thế giới mới đúng mực và duy lý hơn”. Kiểu phát ngôn này gợi nhớ tới những phẩm chất của đế quốc Trung Hoa xa xưa. Nhưng cho dù trước đây từng thống trị cả thiên hạ thì giờ đây Trung Quốc sẽ phải chấp nhận đơn thuần nó chỉ là một siêu cường trong những siêu cường khác. Về phần mình, Mỹ chưa bao giờ nhường lại nhiều ảnh hưởng và quyền lực như nó có thể sẽ phải làm với Trung Quốc trong tương lai.

Mối quan hệ vốn đã căng thẳng lại càng trở nên đáng ngại hơn khi Trump đắc cử Tổng thống. Trong bảy thập niên, đại chiến lược của Mỹ vẫn dựa vào ba trụ cột: thương mại rộng mở, liên minh mạnh mẽ, và thúc đẩy các giá trị nhân quyền và dân chủ. Các bạn bè của Mỹ ở châu Á chưa rõ mức độ sẵn sàng gìn giữ ba trụ cột này của Trump, nếu xét tới sự khinh thị của ông đối với quá trình ngoại giao, tính cách đặc thù của một người theo chủ nghĩa bảo hộ và một định nghĩa hẹp hòi “nước Mỹ trên hết” về lợi ích quốc gia. Theo Michale Fullilove, Viện trưởng Viện Lowy, một viện nghiên cứu chính sách ở Sydney, Trump là “một người không tin vào trật tự tự do toàn cầu và hoài nghi về các liên minh. Và ông ta phải lòng các nhà chuyên chế.”

Chiến thắng của Trump là một cú sốc lớn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Họ không ưa sự khó đoán và có lẽ thích Hillary Clinton hơn, con người ghê gớm mà họ biết. Điều này cũng diễn ra vào một thời điểm bất lợi cho Trung Quốc. Tập đang tập trung cho Đại hội Đảng Cộng sản năm năm một lần vô cùng quan trọng vào cuối năm nay. Tập có vẻ ra sức củng cố quyền lực trong bối cảnh bong bóng tín dụng đáng lo ngại và tăng trưởng kinh tế chậm lại đột ngột từ mức đỉnh 10% một năm xuống còn 6,5%.

Đa phần Trung Quốc che dấu sự lo ngại về Trump đằng sau sự thận trọng có tính toán kỹ lưỡng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói với Kevin Rudd, cựu thủ tướng Australia và là người am tường về Trung Quốc, trích dẫn một trong vô số câu thành ngữ tiếng Trung: “Dĩ bất biến ứng vạn biến.” Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã quyết định sẽ chờ đợi và xem xét tình hình. Nhưng ở hậu trường, họ vẫn luôn cố gắng nỗ lực để gây ảnh hưởng lên Trump, làm việc chủ yếu qua Jared Kushner, con rể của Trump, một nhà đầu tư bất động sản có nhiều mối quan hệ với Trung Quốc.

Người Trung Quốc cũng nhanh chóng hiểu ra phương thức giao dịch của tân tổng thống Mỹ nên đã cử Jack Ma, ông chủ Alibaba, một người khổng lồ trong ngành thương mại điện tử, tới gặp Trump. Jack Ma cam kết công ty của mình có thể tạo ra một triệu việc làm tại Mỹ. Ngay sau đó các hồ sơ đăng ký nhãn hiệu để bảo vệ thương hiệu Trump tại Trung Quốc vốn chờ đợi mòn mỏi ở các tòa án của nước này trong nhiều năm bỗng lập tức được cấp phép. Nguyên nhân và hệ quả vốn không thể tách rời, nhưng Trump chắc chắn đã hạ giọng so với luận điệu chống Trung Quốc của mình trong thời gian trước cuộc bầu cử.

Nhìn vào vực thẳm

Tuy nhiên, những bất định sâu sắc muôn thuở trong mối quan hệ hai nước vẫn còn đeo đẳng, nhất là trong lĩnh vực thương mại, điều mà suốt ba thập niên qua đã làm nền tảng cho quan hệ hai nước. Trump có vẻ không coi thương mại là một thứ đôi bên đều có lợi mà là một trò chơi có tổng bằng không, và cũng không để tâm tới hệ thống thương mại đa phương thời hậu thế chiến. Một trong những điều đầu tiên mà Trump thực hiện sau khi nhậm chức là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại tự do giữa 12 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (mặc dù không bao gồm Trung Quốc) – một đòn giáng lớn lên vai trò kinh tế của Mỹ ở châu Á.

Nói rộng hơn, quan điểm về thế giới của một số cố vấn cho Trump xoay quanh một kỳ vọng kiểu chỉ có thiện và ác về xung đột, khẳng định rằng Trung Quốc kiên quyết cạnh tranh chiến lược với Mỹ đến mức xung đột vũ trang là không thể tránh khỏi, và lập luận rằng cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia là chi nhiều hơn cho quân đội và ít hơn cho ngoại giao. Những tiếng nói này không chi phối hoàn toàn các tranh luận nội bộ về mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc, cũng như trong lĩnh vực thương mại. Khi bản báo cáo đặc biệt này được ấn hành, một hướng tiếp cận khác đối với thương mại, xoay quanh một chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ, đang thắng thế. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, trong chuyến công tác đầu tiên tới châu Á vào đầu tháng 2, đã kêu gọi thận trọng khi thách thức các công trình xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông bằng vũ lực quân sự, và nhấn mạnh sự ưu tiên ngoại giao hơn là hành động quân sự khi giải quyết những khác biệt.

Mattis, một cựu tướng có năng lực toàn diện, được những nhân vật dày dặn kinh nghiệm của Washington gọi là một trong số hiếm hoi “những người trưởng thành” trong chính quyền Trump. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson, nguyên là một ông chủ ngành dầu khí, cũng nằm trong số đó, mặc dù đã có nhiều câu hỏi dấy lên quanh đường lối ngoại giao châu Á của ông. Và mặc dù mọi chính quyền mới đều cần có thời gian để lấp đầy những ghế trống, những vị trí khuyết trong đội ngũ chính sách đối ngoại của Trump, đặc biệt là địa bàn châu Á, thật đáng báo động. Ngoài ra, gần như phần lớn các chuyên gia châu Á giàu kinh nghiệm của Đảng Cộng hòa, những người làm việc trong các viện nghiên cứu chính sách, các trường đại học hay trong khối tư nhân trong nhiệm kỳ của Obama, đã thề trước cuộc bầu cử rằng họ sẽ không bao giờ phục vụ dưới quyền Tổng thống Trump. Một số sau đó đã nén lòng tự ái và xích lại gần hơn với chính quyền mới, nhưng các tay chân trung thành của Trump sẽ nhớ rất dai những lời chỉ trích ông chủ của họ.

Nhiều nhà quan sát vẫn hy vọng rằng một khi chính quyền hỗn loạn bất thường này đi vào ổn định, nó sẽ quay trở lại một chính sách dựa trên bảy thập niên kinh nghiệm của Mỹ ở châu Á. Nhưng điều đó chưa thể chắc chắn. Một số thành viên chủ chốt của chính quyền vẫn giữ quan điểm mâu thuẫn về chính sách của Mỹ tại châu Á. Có lẽ điều đó phản ánh sự bất đồng lớn hơn của Mỹ về những vai trò và trách nhiệm toàn cầu. Tuy vậy, bản thân Tổng thống Trump có vẻ như không nhận thức được sự thiếu hụt một chiến lược toàn diện của Mỹ ở châu Á, và vấn đề này có thể sẽ còn dai dẳng. Một chuyên gia về châu Á của Đảng Cộng hòa từng phục vụ dưới quyền Ronald Reagan và George H.W. Bush lý giải rằng “Tôi không thấy được sự tiếp thu của Trump. Vì thế tôi không mong đợi điều gì tốt đẹp hơn.”

Giữa tất cả những sự bất định về chính sách của Trump ở châu Á, hai rủi ro chính đối với khu vực này lại có vẻ gần như mâu thuẫn. Thứ nhất, sau tuần trăng mật dạo đầu với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, lập trường ngày càng hung hăng của chính quyền Mỹ mới đã khiến Trung Quốc nổi giận trong khi không thể trấn an các bạn bè của Mỹ ở châu Á. Thứ hai là chính sách của Mỹ ở châu Á đang trở nên hời hợt và tách rời, một lần nữa khiến các bạn bè châu Á của Mỹ lo lắng và có lẽ còn khiến Trung Quốc bạo gan hơn. Những hệ quả trong cả hai trường hợp có thể là như nhau – các động lực quyền lực đang thay đổi đòi hỏi sự điều chỉnh nhanh chóng, và có nguy cơ gây bất ổn và thậm chí là hỗn loạn trong khu vực. Chúng ta hy vọng điều tốt đẹp nhất, nhưng hãy chuẩn bị sẵn sàng cho tình cảnh thiên hạ đại loạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét