Lãnh đạo các nước G7 chụp hình với các lãnh đạo Liên Hiệp
Châu Âu, Taormina, ngày 26/05/2017.
REUTERS/Jonathan Ernst
Thượng đỉnh 7 quốc gia công nghiệp hùng mạnh nhất thế giới lần
thứ 47 kết thúc chiều 27/05/2017 tại Taormina, đảo Sicilia, Ý. Tuy bất đồng sâu
rộng trên hồ sơ biến đổi khí hậu vì chủ trương trái chiều của tổng thống Mỹ, thủ
tướng nước chủ nhà Paolo Gentiloni nhấn mạnh đến các điểm đồng thuận tích cực,
từ chống khủng bố trên toàn cầu đến tình hình nóng bỏng tại châu Á như hồ sơ Bắc
Triều Tiên, và xung khắc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Liên quan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông, G7 bày tỏ lo ngại
về diễn biến tại đây. Tuy không chỉ đích danh Trung Quốc, bản thông cáo chung
nhấn mạnh đến các nguyên tắc quốc tế cũng như Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật
Biển UNCLOS. Khác với tuyên bố tại Ise-Shima, Nhật Bản, năm 2016, lần này G7 «
kiên quyết chống lại mọi hành động đơn phương có thể làm căng thẳng gia tăng »
và kêu gọi « phi quân sự hóa ở các khu vực tranh chấp ».
Về bản thông cáo chung do chính phủ Ý công bố, từ Taormina,
đặc phái viên Romain Lemaresquier tường trình :
« Cuối cùng, G7 cũng tìm được đồng thuận tương đối trên các
hồ sơ được thảo luận trừ vấn đề biến đổi khí hậu. Trong bản thông cáo chung, G7
ghi nhận lập trường của Mỹ, cần thời gian suy nghĩ và sẽ thông báo quyết định đi
hay ở vào tuần tới. Trong khi đó, 6 nhà lãnh đạo còn lại cam kết tuân thủ hiệp
định COP 21, chống trái đất bị hâm nóng.
Về thương mại quốc tế , G7 thành công duy trì nước Mỹ trong
khuôn khổ đa phương trong khi Donald Trump chủ trương co cụm. Hồ sơ di dân nhập
cư, tuy nghiêm trọng, nhưng không đạt được tiến bộ cụ thể. Trái lại, cuộc chiến
chống khủng bố là hồ sơ được 7 nước đồng ý nhanh chóng nhất ngay trong ngày họp
đầu tiên. Bản thông cáo chung còn kêu gọi những tác nhân internet gia tăng phương
tiện phát hiện các nội dung kích động dùng bạo lực.
Một hồ sơ quan trọng khác mà mọi người mong chờ là quan hệ với
Nga. G7 khuyến cáo Matxcơva tôn trọng lịch trình thỏa thuận ngưng bắn Minks, nếu
không sẽ bị trừng phạt thêm. Thái độ triệt để ủng hộ chế độ Syria của Nga cũng
được G7 xem xét kỹ và kêu gọi một cuộc ngưng bắn thật sự và một giải pháp chính
trị.
Tuy có nhiều hồ sơ được bàn thảo trong hai ngày thượng đỉnh,
nhưng không một thỏa thuận nào có tầm cỡ. Đây có lẽ là sự kiện làm nhớ đến thượng
đỉnh thứ 43 của G7, vừa kết thúc tại Taormina, nước Ý ».
Phản ứng của Trung Quốc
Về phản ứng của Trung Quốc trước tuyên bố G7 liên quan đến
Biển Đông và Biển Hoa Đông, theo Reuters, hôm nay, phát ngôn viên Lục Khảng của
bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh cam kết giải quyết tranh chấp với
các nước « thông qua đàm phán để đảm bảo hòa bình và ổn định ». Bắc Kinh hy vọng
nhóm các nước G7 và các quốc gia khác không can thiệp và tôn trọng nỗ lực giải
quyết tranh chấp của các nước trong khu vực, và đề nghị G7 « ngưng các tuyên bố
vô trách nhiệm ».
G7 răn đe Bắc Triều Tiên
Về tình hình bán đảo Triều Tiên, bản thông cáo chung G7 cho
rằng Bắc Triều Tiên càng ngày càng trở thành « nguy hiểm cho hoà bình và ổn định
» thế giới, với tham vọng trang bị vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. G7 đã sẵn
sàng ban hành thêm biện pháp trừng phạt.
Là thành viên của G7, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hài lòng
vì hồ sơ Bắc Triều Tiên được G7 « xem là ưu tiên trong số các ưu tiên ». Hàn Quốc
và Nhật Bản là hai nước bị đe dọa trực tiếp.
Dường như để thách thức thế giới, trong bản tin hôm nay, chủ
nhật 28/05/2017, hãng KCNA của Bình Nhưỡng loan báo lãnh đạo Kim Jong Un « giám
sát một hệ thống phòng không mới », nhưng không nói rõ lúc nào và ở đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét