Một nhà quan sát bình luận với BBC rằng chuyến thăm Mỹ của
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "có thể không mang đến một kết quả kinh tế hay
chính trị gì đáng kể". Trong khuôn khổ chuyến thăm từ ngày 29 tới 31/5, dự kiến ông
Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, tiếp xúc một số nghị
sĩ và bộ trưởng, dự tọa đàm với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, phát biểu tại Quỹ Di sản,
tới thành phố New York để hội kiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, và gặp gỡ cộng đồng
người Việt tại Hoa Kỳ.
Hôm 29/5, Tiến sĩ Lê Vĩnh Triển từ Đại học Kinh Tế TP Hồ Chí
Minh nói với BBC: "Tôi nghĩ chuyến thăm Mỹ của ông Phúc có ý nghĩa về mặt
ngoại giao, có thể tạo cho ông ấy một dấu ấn trong quan hệ quốc tế chứ có thể
không mang đến một kết quả kinh tế hay chính trị gì đáng kể."
"Tuy nhiên có chút thú vị vì hai ông Trump và Phúc đều
có vẻ thực dụng."
"Ông Trump thì chú trọng vấn đề nước Mỹ được gì về mặt
kinh tế là chủ yếu, còn ông Phúc thì có vẻ cũng không đặt nặng đến các vấn đề
khác ngoài tăng trưởng kinh tế."
Trước khi có chuyến đi chính thức tới Hoa Kỳ, Thủ tướng Phúc
trong cuộc trả lời phỏng vấn của Bloomberg hôm 27/5 nói rằng ông tin tưởng mức
tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt mục tiêu 6,7% mà chính phủ đề ra, trong lúc
đảm bảo giữ lạm phát ở mức 4%. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận đây là mức tăng
trưởng "rất khó đạt được".
"Trong bối cảnh nước Mỹ của ông Trump chủ trương bảo hộ
mậu dịch thì bài toán kinh tế đặt ra cho Thủ tướng Phúc không phải đơn giản,"
Tiến sỹ Lê Vĩnh Triển nhận xét.
"Làm sao để Mỹ mở cửa thị trường cho xuất khẩu Việt
Nam, làm sao hấp dẫn đầu tư Mỹ vào Việt Nam, thậm chí việc khuyến khích đầu tư
Việt Nam tại Mỹ cũng không dễ vì Mỹ đang muốn chính các công ty Mỹ tạo công ăn
việc làm trên đất Mỹ."
"Như vậy, nếu Thủ tướng Phúc làm được ít nhiều những việc
này thì đã thành công."
Tư lệnh Cảnh sát biển VN, Trung tướng Nguyễn
Quang Đạm (trái) và Chuẩn đô đốc Tuần duyên Hoa Kỳ Michael J. Haycock tại lễ
bàn giao tàu tuần duyên cho VN hôm 25/5 - AFP/GETTY IMAGES
'Tính hình thức'
"Vì thế có thể chuyến thăm sẽ không có kết quả gì đáng
kể về mặt kinh tế."
"Thay vào đó là những nhắc nhở từ phía Mỹ về mặt nhân
quyền dân chủ, kêu gọi cải cách chính trị trong bối cảnh chính quyền Trump cũng
không thực sự quan tâm lắm về vấn đề đó."
Ông Triển cho biết thêm: "Chưa bao giờ Mỹ ở vị thế mà
tiếng nói kêu gọi tôn trọng các giá trị dân chủ nhân quyền, cải cách chính trị
lại có thể mang tính hình thức như lúc này."
"Tuy vậy điều này lại có cái hay là làm Việt Nam tự nhận
thấy rõ hơn đây là vấn đề của chính mình nếu muốn không lệ thuộc ngày càng quá
mức vào Trung Quốc, một quốc gia bất chấp các giá trị phổ quát và thực dụng xem
ra còn hơn Mỹ rất nhiều."
"Tình hình Việt Nam đang rất bi đát về hướng cải cách
thể chế và bảo vệ môi trường, và những việc này không cho thấy là kết quả trực
tiếp từ điều hành của cá nhân ông Phúc."
"Cho nên, nếu không chỉ quan tâm đến hình thức của chuyến
đi, ông Phúc có thể nhấn mạnh mong muốn Mỹ trợ giúp giải quyết những vấn đề
này."
"Nếu đạt được một cam kết nào đó về việc này, chuyến đi
có thể xem như thành công."
Theo Giáo sư Jonathan London, Đại học Leiden, Hà Lan, thì
thách thức lớn với chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Xuân Phúc là tìm ra hướng để
"đôi bên cùng có lợi".
"Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Đáng lưu ý là tốc độ tăng trưởng trong giao thương của Việt Nam với Hoa Kỳ,"
ông London viết trong bài đăng trên trang web của Viện Nghiên cứu Quốc tế và
Chiến Lược, CSIS.
"Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn sang Hoa Kỳ hơn
bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác. Đến cuối năm 2016, kim ngạch thương mại Việt
- Mỹ (không bao gồm dịch vụ) giữa hai nước đã đạt 50 tỷ đôla mỗi năm, và được dự
báo sẽ tăng lên 80 tỷ đôla trước năm 2020. Đặc biệt, xuất khẩu sang Hoa Kỳ
chiếm tỷ trọng một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt
Nam."
Cũng liên quan đến chuyến đi Mỹ của ông Phúc, tờ South China
Morning Post hôm 29/5 cho hay giới quan sát nhận định, dưới thời Tổng thống
Trump, Mỹ đang lặng lẽ rút khỏi Biển Đông, về cơ bản cho phép Trung Quốc có thể
tăng bá quyền tại khu vực này.
"Việc Mỹ thoái lui, gây bất lợi cho các quốc gia như Việt
Nam, là một củ cà rốt lớn để đổi lại sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong vấn đề Bắc
Hàn, điều mà Trump cần và sẵn sàng thỏa hiệp," báo này viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét