Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Mối tình Macron : Vì sao vợ tổng thống Pháp trở thành ''hiện tượng'' ?






Brigitte Trogneux và Emmanuel Macron tại điện Elysée ngày nhậm chức tổng thống 14/05/2017.

REUTERS/Philippe Wojazer


Hai tuần trước cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp vòng một (11/06/2017), khả năng hành động của tân chính phủ Macron là chủ đề chính của nhiều tuần báo. Le Point lo lắng : « Tổng thống có trụ được trước áp lực của công đoàn CGT và giới cực tả ? ». L’Express thì hướng cái nhìn về những người xuất thân xã hội dân sự nay đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong tân chính phủ, với vẻ ngờ vực : « Xã hội dân sự nắm quyền, tốt hay dở ? ». Ngược lại, l’Obs tuần này tạm lánh « không khí chính trị sôi sục », như đề nghị của nhà triết học Abdennour Bidar, để đến với « Hiện tượng Brigitte Macron ( phu nhân tân tổng thống Pháp) ». Nhân vật đang gây nhiều phản ứng trái nghịch, từ yêu mến - ngưỡng mộ, đến bêu riếu - bài bác.

Bài « Khi nước Pháp…. sáng tạo ra Brigitte » mở đầu với hình ảnh Brigitte Macron « đột ngột trỗi dậy trong tâm thức cộng đồng như một ngôi sao thời hiện đại, vụt sáng trên bầu trời, nhờ ở cuộc hội ngộ bất ngờ giữa sự sụp đổ của một hệ thống chính trị và xu thế thời đại vốn thuận lợi cho sự lên ngôi của các giá trị nữ tính… ».

Ngôi sao Brigitte át đi bao nhiêu vì tinh tú đang hội tụ về Liên hoan phim Cannes nổi tiếng toàn cầu. « Brigitte. Dường như chỉ có bà. Trên báo chí, truyền hình, từ bàn cà fê đến các tiệm ăn Paris, từ hiệp hội từ thiện Rotari đến quầy đánh cá ngựa, toàn nước Pháp bình luận, ngưỡng mộ hoặc chê bai nhất cử nhất động của người phụ nữ 64 tuổi, vợ tân tổng thống ».


Brigitte Trogneux - Brigitte Bardo : Những người phá tung gông cùm

L’Obs so sánh Brigitte Macron (hay Brigitte Trogneux, tên khai sinh của bà) với minh tinh điện ảnh Brigitte Bardot (hay BB) cách đây hơn nửa thế kỷ, cho dù có bao nhiêu điều chia cách họ : BB khi ấy là một nghệ sĩ còn rất trẻ, còn Brigitte Macron, một nhà giáo về hưu, bước vào tuổi làm bà.

Điểm giống nhau giữa họ là, giống như Brigitte tài tử điện ảnh năm nào, Brigitte Macron đã « phá tung những gông cùm của một nước Pháp khuôn phép và bảo thủ ». Vadim, đạo diễn bộ phim « Et Dieu… créa la femme » (tạm dịch là : Khi Chúa… tạo ra người đàn bà), do BB thủ vai (công chiếu năm 1956), từng nhận xét về người diễn viên huyền thoại như sau. Đó là người đàn bà đã « vượt thoát khỏi mọi mặc cảm tội lỗi, mọi cấm kỵ do xã hội áp đặt, để có một đời sống tình dục hoàn toàn tự do ».

Cũng giống như Brigitte Bardot, hàng nghìn trang viết, tại Pháp và trên thế giới, đã được dành cho Brigitte Macron, về mối tình như tiểu thuyết của bà với vị tổng thống tương lai.

Emmanuel Macron gặp Brigitte, khi nàng 39 tuổi, còn chàng mới 15, đang là học sinh tại một trường Công Giáo. 17 tuổi, chàng tuyên bố bất luận thế nào cũng sẽ kết hôn với nàng.

Vì mối tình với người thiếu niên, mà cô giáo dạy văn đã có một gia đình yên ổn, danh giá, một dòng họ « năm đời » làm sô-cô-la, nổi tiếng thành đạt tại địa phương, đã quyết định đoạn tuyệt với người chồng, 11 năm để hoàn tất cuộc ly dị, để chuẩn bị dấn thân vào một cuộc phiêu lưu phi thường.


Ngoài 50 tuổi không hề « quá đát »

Nhà tâm thần và tình dục học Philippe Brenot thốt lên : « Cặp Macron... tình yêu trên đỉnh cao quyền lực… đưa ra một cách xử thế mới cho những ai không dám phá rào ».

Brigitte Macron đã trở thành một hiện tượng xã hội, biểu tượng mới của một kiểu phụ nữ dám vượt lên, dám là chính mình. Bà mang trong mình « tình yêu » và « tự do ». Đối với những ai đau khổ bao lâu nay, bởi quan niệm thống trị trong xã hội, coi phụ nữ nhiều hơn 50 tuổi là « quá đát », Brigitte đã mở ra « một cánh cửa » giải thoát.

Sự nổi lên của Brigitte khiến cách nhìn hạ cố lâu nay đối với những phụ nữ được gọi là những « cougar » ( tạm dịch là « già chơi trống bỏi ») - do có quan hệ với những người đàn ông trẻ hơn - trở nên lạc điệu.

Brigitte không chỉ mang lại cho Emmanuel tình yêu, mà cả một gia đình lớn, với ba con và bảy người cháu. Lập gia đình với Brigitte, nhà chính trị trẻ tuổi xuất hiện trước công chúng như một người đàn ông già dặn.

Brigitte yêu mãnh liệt, bà gắn đời mình với sự nghiệp của chồng. Vận động trong giới truyền thông, xuất bản.

Cống hiến hết mình, luôn túc trực, nhưng lặng lẽ, và khi cần, bà sẵn sàng xuất hiện trên báo People để quảng bá cho chồng, bất chấp kẻ thích, người chê.


« Tôi yêu nước Pháp như yêu Brigitte »

Buổi tối ngày chiến thắng vòng một cuộc bầu cử tổng thống, Emmanuel Macron đã có một tuyên bố mà L’Obs cho là kỳ lạ : « Không có bà ấy, tôi sẽ không phải là tôi bây giờ ».

Cặp Brigitte và Emmanuel Macron đã trở thành huyền thoại khi truyền đi « một thông điệp xưa như Trái đất. Đó là đối với tình yêu, không có gì là không thể ».

Trong thời gian tranh cử, Emmanuel Macron từng nói : « Tôi sẽ chinh phục được nước Pháp, như tôi đã chinh phục được Brigitte. Tôi yêu nước Pháp, như tôi yêu Brigitte ». « Brigitte và nước Pháp hòa trộn, là suối nguồn tình yêu và hạnh phúc tràn ngập đối với tân tổng thống… và với đối với cả chúng ta, dường như thế ».

L’Obs khép lại bài phân tích « hiện tượng xã hội » Brigitte, với nhận xét của Roland Barthes, như một lời chia tay : « huyền thoại là một thông điệp phi chính trị ». Sớm hay muộn, các vấn đề chính trị sẽ phải có tiếng nói riêng.

Đệ nhất phu nhân Pháp « gây khó » cho Mỹ

Việc người vợ hơn người chồng tổng thống đến hai con giáp tại Pháp gây nhiều phản ứng trái ngược ở Mỹ, theo nhận định của L’Obs. Trong khi tờ Boston Herald (được l’Obs dẫn lại) ca ngợi đệ nhất phu nhân « mở ra con đường giải phóng giới tính thực sự », thì Washington Post « nhạo báng », với bình luận là « giữa tổng thống Pháp và tổng thống Mỹ có một điểm giống là có vợ chênh nhau 24 tuổi, chỉ có điều khác biệt là vợ ông Macron già hơn ».

Tuy nhiên, điều nổi bật hơn cả là hiện tượng Brigitte đã « gây khó xử cho một nước Mỹ thanh giáo ». Tờ New York Post của tỉ phú Muchdoc lên án nước Pháp « quá phóng túng ». Trên các mạng xã hội thân tổng thống Trump, người ta phê phán và so sánh mối tình Macron với vụ Mary Kay Letourneau, một nữ giáo viên bị kết án tù, vì yêu học trò 12 tuổi, hai người đã lập gia đình sau khi cô giáo mãn hạn.

« Đâu rồi những nhà nữ quyền nổi tiếng, những nhà văn đáng kính hay các siêu sao màn bạc » của nước Mỹ ? ». L’Obs nhận xét : « Hoa Kỳ giờ đây dường như còn bảo thủ hơn cả châu Âu » vốn bị coi là già nua. Tuy nhiên, l’Obs cũng dự đoán một chuyến công du « thành công » của cặp Macron tại Hoa Kỳ rất có thể sẽ làm dân Mỹ thay đổi quan điểm.


Con Đường Tơ Lụa : Vì sao Bắc Kinh chịu lỗ nặng ?

Về dự án khổng lồ Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, một chủ đề đã được nói đến nhiều, nhân thượng đỉnh quy tụ đến 60 lãnh đạo các nước tại Bắc Kinh giữa tháng qua, Le Courrier International giới thiệu một góc nhìn mới của Radio Free Asia (RFA).

Chương trình truyền thanh chuyên cổ vũ cho nhân quyền tại châu Á của Mỹ lý giải vì sao Tập Cận Bình lại sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỉ đô la cho một dự án, rất nhiều khả năng sẽ thua lỗ nặng, thay vì chi ra để cải thiện đời sống cho gần một trăm triệu người Trung Quốc hiện thu nhập dưới mức một đô la/ngày.

Truyền thông Mỹ chỉ ra hai lý do chính trong nước khiến Bắc Kinh không đầu tư để nâng thu nhập cho những người nghèo nhất trong xã hội. Lý do thứ nhất là vì điều này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Trung Quốc, một phần chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ.

Điều thứ hai – và cũng là điều quan trọng nhất – là việc này có thể giúp những người nghèo khổ nhất ý thức được « những quyền căn bản về chính trị và xã hội » của mình, ý thức được « tình trạng yếu kém trầm trọng của các dịch vụ xã hội » tại Trung Quốc, trước hết là những bất bình đẳng trong giáo dục (hiện tượng con cái hàng trăm triệu lao động nhập cư không có điều kiện học hành như trẻ thành phố) và chăm sóc y tế.

Theo RFA, sự thức tỉnh chính trị của những tầng lớp nghèo khổ nhất là « một tiến trình không thể tránh được, nhưng Tập Cận Bình, với tư cách là lãnh đạo một Nhà nước toàn trị hy vọng tiến trình này đi chậm lại, để có thể dễ dàng bảo vệ được quyền lực ». Lãnh đạo Trung Quốc muốn làm chủ vận tốc của xã hội, cho dù cái giá phải trả là sự phá sản của dự án Con Đường Tơ Lụa Mới.

Về điều này, theo RFA, ông Tập Cận Bình đã có phương án. Thu hút được một loạt đầu tư lớn của nhiều nước trong một thời gian dài, cột chặt đồng tiền Trung Quốc với các ngoại tệ mạnh, trong trường hợp đồng nhân dân tệ « khủng hoảng », đây sẽ không chỉ là khủng hoảng của Bắc Kinh. RFA nhận xét : chiến lược « bắt con tin » này cũng là một mục tiêu chính của dự án Con Đường Tơ Lụa Mới.


Big Bang và lương tri con người : Bí mật của tiến hóa

Trong lĩnh vực khoa học, l’Obs tuần này đưa độc giả ghé thăm nhà vật lý thiên văn học Hubert Reeves, ẩn dật tại một căn hộ nhỏ bé trong khu phố Latinh, Paris. Cùng với chuyên gia về thế giới các vì sao, bạn đọc ngược về với nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc của sự sống.

Nhà khoa học 84 tuổi, gốc Canada, định cư tại Pháp từ hơn nửa thế kỷ nay, lược lại với chúng ta những khám phá khoa học quyết định của thế kỷ XX, giúp con người nhận ra bản chất « bất định » của thế giới, và vai trò vô cùng lớn của « cái ngẫu nhiên » trong tiến hóa của vũ trụ, của xã hội con người.

Bài phỏng vấn « Big Bang chính là lịch sử của chúng ta » cho biết trong một thời kỳ dài, nhiều người từng tin tưởng là vũ trụ được tạo thành dựa trên các quy luật cố định, sẵn có, chặt chẽ như các công thức toán học. Tuy nhiên, khoa học lượng tử và lý thuyết tương đối của Einstein đã lật đổ quan niệm này. Vũ trụ hiện ra như một tồn tại vô cùng phức tạp, vận động không ngừng, đầy rẫy bất ngờ.

Những gì chúng ta biết trong vũ trụ, tức các vật chất « thông thường », chỉ chiếm khoảng 5%, một phần quan trọng còn lại là « vật chất tối » (hay « vật chất trong suốt », theo tác giả)… Việc ra đời của « sự sống » trên Trái đất vẫn còn chứa đầy bí ẩn.

Phải trong những điều kiện hết sức thuận lợi, « sự sống » mới xuất hiện. Điều quan trọng là thời gian hội tụ phải « đủ dài ». Khoảng một tỉ năm đối với trường hợp sự sống trên Trái đất. Một tỉ năm trong khoảng thời gian 14 tỉ năm kể từ vụ nổ Big Bang, dẫn đến sự ra đời của vũ trụ ! Nhà bác học thời Hy Lạp cổ Aristote là « người đầu tiên » đã trực giác được rằng bí mật của tiến hóa ẩn chứa trong sự hòa kết kì lạ giữa « cái ngẫu nhiên » và « điều tất yếu ».

Nhà thiên văn học Pháp nhắc đến hai đặc điểm của loài người hiện nay. Vừa rất hùng mạnh về kỹ thuật, có khả năng chinh phục và tác động đến mọi ngóc ngách trên Trái đất, nhưng cũng lại vừa « mong manh », « dễ bị hủy diệt ». Hubert Reeves nhấn mạnh đến một biến cố đơn lẻ kỳ lạ, đã cứu Trái đất khỏi thảm họa. Đó là vào năm 1983, một sĩ quan Liên Xô, ông Stanislav Petrov, khi nhận được thông tin cho biết Hoa Kỳ bắn năm trái hỏa tiễn hạt nhân, đã không truyền thẳng lên cấp trên, mà bình tĩnh thẩm định thông tin…

Nhắc chuyện xưa, để ngẫm việc nay. Khi môi trường sống khắp nơi trên Trái đất bị đe dọa do các hoạt động của con người, từ rừng sâu cho đến đại dương, từ lòng đất cho đến bầu trời... Nhà thiên văn cảnh báo, con người cần hiểu rằng loài sinh vật « thọ nhất » chính là loài biết sống hòa hợp nhất với hệ sinh thái của mình. Ông nêu ẩn dụ về loài rùa trải qua mọi thăng trầm trên Trái đất từ 250 triệu năm nay.

Bài « Big Bang chính là lịch sử của chúng ta » như một lời mời gọi mỗi người đối diện với lương tri, với số phận của giống loài.


Sứ mạng của công ty Pháp Essilor : Kính mắt cho hàng trăm triệu dân Ấn

Trên đời này có một thứ rất quan trọng, mà có rất nhiều người cần mà không có, bạn có biết đó là thứ gì không ?

Bốn tỉ sáu trăm triệu dân trên thế giới cần đến kính thuốc, nhưng chỉ hơn 2 tỉ người có được. Riêng tại Ấn Độ, có đến 550 triệu người cần kính, đa số sống tại vùng nông thôn. Theo Le Point, mang kính đến cho những người cần kính tại Ấn Độ là mục tiêu của công ty Pháp Essilor.

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, các khuyết tật thị giác gây thiệt hại hàng năm khoảng 272 tỉ đô la. Riêng tại Ấn Độ, khoảng 60% tai nạn giao thông xảy ra do mắt kém.

Tổng giám đốc Essilor Hubert Saginières giải thích vệc rất đông người mắt kém không có kính dùng không phải là do giá kính đắt, mà trước hết bởi vì họ không biết là kính có thể giúp họ sống thoải mái hơn.

Để đưa được kính đến với người dân, tập đoàn Essilor công phu xây dựng từ nhiều năm nay một mạng lưới tiệm kính mắt giá rẻ ngay tại khu dân cư, do những người tình nguyện trực tiếp quản lý. Trên khắp Ấn Độ, đã có khoảng 2.600 tiệm kính như vậy, với hơn 800.000 khách hàng. Essilor dự kiến sẽ mở rộng thành 10.000 tiệm vào năm 2020.

Trước mắt, công ty phải bù lỗ cho dự án, nhưng họ đang tạo ra cả một mạng lưới khách hàng cho tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét