Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

Quận 1 TPHCM 'giành lại vỉa hè để cho thuê'?

BBC



 Bản tin VTV xác nhận văn bản cho thuê vỉa hè của Ủy ban Nhân dân quận 1 là có thật 



Truyền hình Việt Nam hôm 18/5 xác nhận văn bản cho thuê vỉa hè quận 1, TP Hồ Chí Minh là có thật, động thái này diễn ra hai tháng sau chiến dịch giải cứu vỉa hè gây tranh cãi. Trước đó, ảnh chụp 'Giấy phép sử dụng tạm vỉa hè' có đóng dấu và chữ ký của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 1 cấp cho một quán cà phê trên địa bàn quận khiến công luận xôn xao.

"Lệ phí sử dụng: 12.000 đồng x m2 x số tháng," văn bản ký vào tháng 1/2017 ghi. Mục đích cho thuê vỉa hè được ghi là: "Để xe cho khách và nhân viên không thu tiền."



Hôm 18/5, bản tin trên kênh VTV1 xác nhận văn bản nêu trên là có thật tuy nhiên "Ủy ban Nhân dân Quận 1 chưa giải đáp hết thắc mắc về văn bản cho thuê đó."



Hôm 18/5, bà Hương Nguyễn, phóng viên tự do ở quận 1, TP Hồ Chí Minh, nói với BBC: "Tôi thấy vụ dọn dẹp hóa ra là chỉ để dọn đường cho vụ cho thuê. Một người bán cơm trên đường Lý Tự Trọng cho tôi biết là phường Bến Nghé cho họ thuê vỉa hè với giá 50.000 đồng/m2 nên vỉa hè đương nhiên là sở hữu của họ."



"Bây giờ thì ai cũng thấy việc ban đầu ông Hải tuyên bố chiến dịch đòi vỉa hè là để đòi quyền lợi cho người đi bộ hóa ra thật kệch cỡm."


Chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ khởi đầu từ Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh



'Kiếm tiền một cách chính danh'



"Người ta không đi bộ không phải vì không có đường. Tôi thấy những chỗ bị chính quyền cho người đập phá toàn lề to cả, 5-10m."



"Hơn nữa, việc họ tháo dỡ mái che là đáng nói nhất, vì cái đó tạo tiện ích chung cho người đi bộ."



"Chính quyền nói là dọn vỉa hè nhân danh người đi bộ mà lại đi phá tiện ích miễn phí được doanh nghiệp đầu tư mà người dân vô tình được hưởng thì rất vớ vẩn."



Cùng ngày, trả lời BBC, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói: "Giấy cho thuê vỉa hè do Ủy ban Nhân dân Quận 1 ký nếu có thật thì là hoàn toàn trái luật."



"Bởi lẽ, theo Luật phí và lệ phí năm 2015 thì chỉ có phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Việc ban hành phí này thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân thành phố thông qua."



"Hiện nay, Hội đồng nhân dân thành phố chưa có thông qua loại phí này nên việc Ủy ban Nhân dân Quận 1 tự ý thu phí là trái quy định. Thậm chí, ngay cả Hội đồng nhân dân đã thông qua mức phí này đi chăng nữa thì việc Ủy ban Quận 1 cho sử dụng như vậy cũng sai."



"Luật chỉ cho phép thu phí cho mục đích sử dụng tạm thời còn trong trường hợp này thì không thể nói là tạm thời được, dù thời hạn sử dụng là 6 tháng. Để xác định có phải là tạm thời hay không thì phải căn cứ vào mục đích sử dụng. Trong trường hợp này mục đích sử dụng của nó là nhằm phục vụ mục đích kinh doanh của công ty cổ phần dịch vụ cà phê. Mục đích này là lâu dài chứ không phải một vài tháng là xong."



"Nếu giấy này được cấp trước thời điểm có chủ trương của quận hoặc của thành phố về chiến dịch giải cứu vỉa hè thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu giấy này ra đời sau khi có chủ trương giải cứu vỉa hè thì người dân, trong đó có tôi, có quyền đặt nghi vấn về động cơ thực sự của chiến dịch giải cứu vỉa hè của ông Hải là nó không phải muốn làm cho quận 1 trở thành một Singapore thu nhỏ như ông từng tuyên bố."



"Theo giấy này thì số tiền mà người dân, doanh nghiệp phải nộp được tính trên diện tích và số tháng sử dụng (chứ không phải số lần sử dụng) và nó không mang tính chất bù đắp chi phí mà nhà nước bỏ ra nên về bản chất số tiền thu được là tiền cho thuê chứ không phải là phí hay lệ phí."



"Và hiện tại chưa có quy định nào cho phép chính quyền sử dụng vỉa hè để cho thuê hay cho phép thu phí để sử dụng dài hạn cả. Do đó, về mặt pháp lý là không ổn."



"Và nếu xét ở góc độ công bằng cũng không ổn vì vỉa hè là tài sản chung. Mục đích vỉa hè là phục vụ cho người đi bộ, người tàn tật. Vỉa hè không phải là của riêng những hộ dân tiếp giáp vỉa hè hay của phường hay quận nơi có vỉa hè."



Luật sư cho biết thêm: "Theo tôi, chính quyền không nên cho thuê vỉa hè vì việc này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những người khác. Chính quyền không nên vì lợi ích cục bộ của mình mà xâm phạm đến lợi ích chung."



"Trong trường hợp, bất đắc dĩ phải cho thuê thì cần có quy chế rõ ràng. Quy chế phải nêu rõ điều kiện để được cho thuê, cơ chế quản lý, sử dụng và kiểm soát tiền thuê này. Toàn bộ số tiền cho thuê này phải quay trở phục vụ cộng đồng chứ không phải để nuôi bộ máy."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét