Một máy bay A321 của VietJetAir đậu trên sân phi cảng quốc tế
Nội Bài, Hà Nội, trong khi chiếc máy bay chở Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe cất cánh
rời khỏi Việt Nam sau chuyến thăm chính thức ngày 17 Tháng Giêng, 2017. (Hình:
Getty Images)
Trong một số báo ra cuối tuần trước,
tờ Wall Street Journal nói về nữ tỷ phú đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam
Á, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, 46 tuổi, năm 2017 được tap chí tài chính Forbes xếp
vào hàng các tỷ phú đô la trên thế giới, với khối tài sản ước tính khoảng $1.7
tỷ.
Bà Phương Thảo là tổng giám đốc điều hành VietJet Air, công
ty hàng không tư doanh mới ra đời 10 năm nay nhưng đang trên bước có thể qua mặt
công ty hàng không quốc danh Vietnam Airlines.
Giống như tình trạng các nước đang phát triển ở Châu Á,
ngành hàng không thương mại tại Việt Nam bành trướng rất nhanh từ đầu thế kỷ 21
với tiềm năng lớn về hành khách trong dân số 90 triệu, môi trường khai thác thuận
lợi cho các hãng hàng không vé rẻ bay đường quốc nội và đến các quốc gia trong
khu vực.
VietJet Air hầu như chỉ mới được chú ý khi truyền thông đặt
cho tên lóng “Bikini Air” do sự kiện Tháng Tám, 2012, trên chuyến bay để khánh
thành đường bay từ Sài Gòn đến Nha Trang, hãng này đã để cho các nữ tiếp viên mặc
bikini biểu diễn vũ điệu kiểu Hawaii.
Hậu quả là VietJet Air bị Tổng Cục Hàng Không Dân Dụng Việt
Nam phạt $1,000 vì không xin phép trước để tổ chức buổi trình diễn khác thường ấy.
Nhưng theo lời bà Phương Thảo thì số tiền phạt $1,000 đó quá rẻ trong việc cổ
vũ đường bay mới đến thành phố biển và đồng thời là quảng cáo cho cái tên VietJetAir.
Giới kinh doanh quốc tế bắt đầu quan tâm đến VietJet Air vào
Tháng Chín, 2013, khi công ty này ký hợp đồng đặt mua 20 máy bay Airbus A321 trị
giá $9.1 tỷ. Tới Tháng Năm, 2016, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống
Barack Obama, phái đoàn thương mại Mỹ đã ký thỏa thuận bán cho VietJet Air 100
máy bay Boeing 737 MAX-200 với giá $11.3 tỷ.
Một số người tỏ ra hoài nghi về khả năng tài chính của
VietJet, do không theo dõi sát những chuyển biến tại Việt Nam 40 năm sau chiến
tranh và sự ra đời của một giai cấp mới được quen gọi là “Tư Bản Đỏ” có điều kiện
cơ hội làm giàu nhanh chóng trong xã hội Cộng Sản. Họ là những kẻ có quan hệ họ
hàng với giới quyền thế hoặc đã được thụ hưởng ưu đãi nào đó trong chế độ rồi
biết vận dụng thời cơ để thăng tiến.
Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty cổ phần VietJet Air, bà
Nguyễn Thanh Hà, là người đã làm việc lâu năm trong ngành với công ty hàng
không và Cục Hàng Không. Bà là con của Tướng Nguyễn Chí Thanh, và chị của tướng
tình báo quân đội Nguyễn Chí Vịnh, ủy viên trung ương đảng cộng sản và là thứ
trưởng bộ trưởng Quốc Phòng.
Bà Phương Thảo không có những mối quan hệ gia đình như thế,
chỉ là nữ doanh nhân lập nghiệp và thành công từ sớm.
Bà Thảo sinh ngày 7 Tháng Sáu, 1970, tại Hà Nội và được qua
Liên Xô du học, tốt nghiệp khoa quản trị kinh tế đại học Mendeleev, Moscow, vào
thời điểm chế độ Cộng Sản sụp đổ. Bà ở lại Nga, làm thương mại từ bán máy fax,
nhựa cao su, plastic, đến nhiều dịch vụ khác giữa Đông Âu và Châu Á.
Theo Bloomberg bà đã kiếm được một số tiền tới $1 triệu khi
mới 21 tuổi. Sau năm 2000 bà trở về Việt Nam, những năm đầu kinh doanh trong
ngành ngân hàng và địa ốc.
Bà Thảo bước vào lãnh vực kinh doanh hàng không thương mại
năm 2007, học kinh nghiệm của các hãng như Southwest Airlines, RyanAir và các
hãng hàng không giá rẻ rất thành công ở Đông Nam Á. Sau những khó khăn buổi đầu,
VietJet Air tiến nhanh từ 2011, vượt các hãng giá rẻ khác như Pacific và trở
thành đối thủ duy nhất đủ sức cạnh tranh với tổng công ty hàng không quốc doanh
Vietnam Airlines trên đường bay quốc nội cũng như quốc ngoại.
Năm ngoái VietJet Air đã vượt Vietnam Airlines về số lượng
hành khách quốc nội. Quý 1 năm 2017, VietJet Air có 3.7 triệu hành khách, tăng
29% so với cùng thời kỳ năm ngoái, thu nhập 5,000 tỷ đồng ($219 triệu). VietJet
Air dự tính xin chính phủ cho tăng mức trần thu vốn đầu tư nước ngoài từ 30%
lên 49% để đáp ứng với kế hoạch phát triển trên đường bay quốc nội cũng như quốc
ngoại.
Cho đến bây giờ, hầu hết máy bay của VietJet Air là thuê của
nước ngoài, nhưng trong tương lai gần sẽ nhận được các máy bay đặt mua từ
Airbus và Boeing, có khả năng cạnh tranh với Vietnam Airlines trên các đường
bay quốc ngoại và đáp ứng nhu cầu du khách đến hay đi từ Việt Nam gia tăng.
Trên đường bay quốc tế, Vietnam Airlines hiện vẫn nắm ưu thế
hơn nhờ 11 chiếc Boeing 787 Dreamliners mới nhận được. Tuy nhiên về mặt điều
hành và sáng kiến kinh doanh, công ty quốc doanh này không thể có khả năng cạnh
tranh linh động như VietJet Air.
Theo nhận định của CAPA, cơ quan thông tin và tư vấn hàng
không ở Australia, hiện nay VietJet khai thác 28 đường bay quốc nội và 7 đường
bay quốc tế. Trong năm nay VietJet Air sẽ có thêm 12 máy bay mới, đa số là
A321, và một số máy bay thuê mướn khác.
CAPA cho rằng với hợp đồng 100 chiếc 737 MAX-200 đã ký kết với
Boeing, tới năm 2021 phi đội của VietJet Air sẽ có trên 100 máy bay và vượt qua
Vietnam Airlines để trở thành hãng hàng không lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, với nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang
tăng mạnh ở Việt Nam, VietJet Air không phải là không gặp những tiềm lực cạnh
tranh khác.
Hãng tin Bloomberg cho biết, AirAsia, công ty hàng không giá
rẻ lớn nhất khu vực Đông Nam Á, dưới sự lãnh đạo của “đại gia” người Malaysia,
Tony Fernandes, dự định sẽ mở một liên doanh tại Việt Nam.
Theo kế hoạch AirAsia sẽ hợp tác với Gumin Co., công ty Cổ
Phần Hàng Không Hải Âu, và doanh nhân Trần Trọng Kiên, để mở một công ty hàng
không liên doanh tại Việt Nam hoạt động từ đầu năm tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét