Nguồn: Evan Osnos, “Born Red,” The New Yorker, 06/04/2015.
Làm thế nào Tập Cận Bình, từ một cán bộ huyện không có gì nổi bật, trở thành nhà lãnh đạo chuyên chế nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông? Trước thềm giao thừa 2014, Chủ tịch và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho phép một đoàn quay phim tới thăm nơi làm việc và ghi lại thông điệp mừng năm mới của ông gửi tới nhân dân.
Thời niên thiếu, Tập từng bị gửi đi lao động ở nông trường, ông yếu ớt đến mức những người lao động khác chỉ chấm cho ông 6 trên thang điểm 10, “còn chẳng bằng phụ nữ,” sau này ông kể lại với đôi chút ngượng ngùng. Giờ ở tuổi 61, với tầm vóc 1m80, ông là lãnh đạo Trung Quốc cao nhất trong gần bốn thập niên qua, cùng giọng baritone trầm ấm và phong thái tự tin. Khi tiếp khách, ông thường đứng yên, đôi tay dài thả lỏng, tóc vuốt thẳng nếp, khắc họa thái độ “tiếp hay không thì tùy,” dẫn dụ vị khách của mình phải băng qua phòng để nhận được một cái bắt tay.
Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của Tập, vẫn đọc lời chúc Tết
hàng năm từ chiếc bục trong căn đại lễ sảnh được sát trùng. Khi lên nắm quyền
vào tháng 11 năm 2012, Tập gắn mình với một thế hệ cộng sản gần gũi hơn, một hệ
thống quân sự đề cao tinh thần “làm việc chăm chỉ và sống giản dị.” Ông phát đi
lời chúc mừng năm mới từ bàn làm việc. Đằng sau ông, giá sách bày biện những
bức ảnh khắc họa ông như một tổng tư lệnh và một người đàn ông của gia đình.
Trong một bức ảnh, ông mặc áo lính, đội mũ lông, thăm chiến sĩ trong vùng giá
tuyết; trong một bức khác, ông tản bộ cùng vợ con, đẩy cha mình, Tập Trọng
Huân, một lão thành cách mạng, trên xe lăn. Giá sách còn có những bộ sách cùng
loại. Việc học trên trường lớp của Tập bị gián đoạn trong gần một thập niên do
Cách mạng Văn hoá, và ông có thói quen khoe sự am hiểu văn chương của mình như
những người tự học khác. Ông thường trích dẫn Hán văn, và trong một lần phỏng vấn
với báo chí Nga hồi năm ngoái, ông tự giới thiệu mình đã đọc Krylov, Pushkin,
Gogol, Lermontov, Turgenev, Dostoyevsky, Nekrasov, Chernyshevsky, Tolstoy,
Chekhov, và Sholokhov. Khi tới Pháp, ông nhắc đến việc mình đã đọc Montesquieu,
Voltaire, Rousseau, Diderot, Saint-Simon, Fourier, Sartre, và hàng chục triết
gia khác. Trong bài phát biểu đầu năm của mình, Tập pha trộn tuyên ngôn xã hội
chủ nghĩa (“Vung cao thanh gươm chống tham nhũng”) với cách nói lấy từ mạng xã
hội Trung Quốc (“Tôi muốn bấm like cho nhân dân vĩ đại của chúng ta”). Ông cam
kết đấu tranh với nghèo đói, cải thiện pháp quyền, và kiên định với lịch sử.
Khi điểm lại những thành tựu của năm cũ, ông đề cao việc thành lập một dịp lễ kỷ
niệm Thế chiến II: “Ngày chiến thắng kháng chiến chống Nhật xâm lược của nhân
dân Trung Quốc.”
Tập là người thứ sáu cai trị Trung Quốc, và người đầu tiên
sinh ra sau cách mạng 1949. Ông đứng trên đỉnh kim tự tháp quyền lực gồm 87 triệu
Đảng viên Cộng sản, một tổ chức lớn hơn cả dân số nước Đức. Đảng giờ đây không
còn vươn tới mọi ngóc ngách của đời sống người dân Trung Quốc như trong những
năm 1970, nhưng Tập vẫn nắm giữ một nền kinh tế mà, theo một phép đo, đã vượt
qua nền kinh tế Hoa Kỳ về quy mô; ông có thẩm quyền tối thượng với mọi vị tướng,
thẩm phán, tổng biên tập, hay CEO của các công ty nhà nước. Như Lenin từng đúc
kết năm 1902, “Đối với trung ương… để có thể thực sự chỉ huy dàn nhạc, phải biết
ai chơi violin và ở vị trí nào, ai chơi sai nốt và tại sao.”
Thông điệp năm mới của Tập được phát sóng trên các kênh truyền
hình và phát thanh quốc gia lúc 18h30, trước thời sự tối. Chỉ vài giờ sau, tin
tức đột ngột tuột khỏi tầm kiểm soát của ông. Ở Thượng Hải, người dân đang tụ tập
rất đông ăn mừng ngày lễ bên Bến Thượng Hải dọc bờ Hoàng Phố với đường chân trời
hiện ra lộng lẫy. Đám đông ngày càng lớn so với sức chứa của bến. Khoảng 23h30,
cảnh sát tăng cường hàng trăm sĩ quan để giữ trật tự, nhưng đã quá muộn; một cầu
thang bị kẹt, mọi người xô đẩy và la hét. Cuộc tháo chạy diễn ra. Tổng cộng 36
người đã chết ngạt hoặc bị giẫm đến chết.
Thảm hoạ diễn ra ở một trong những nơi hiện đại và sầm uất
nhất Trung Quốc đã khiến dư luận bàng hoàng. Trong những ngày sau đó, chính quyền
Thượng Hải cho tổ chức một lễ tưởng niệm các nạn nhân và động viên người dân; bộ
phận kiểm duyệt Internet bưng bít những bài thảo luận xem ai sẽ chịu trách nhiệm;
cảnh sát thẩm vấn những người đăng bài chỉ trích nhà nước trên mạng. Khi người
thân các nạn nhân tới thăm nơi xảy ra vụ giẫm đạp, an ninh theo dõi họ sát sao
rồi dựng rào sắt để cách ly khu vực. Tài Tân, một tổ chức truyền thông điều
tra, tiết lộ rằng trong khi vụ giẫm đạp diễn ra, các cán bộ chịu trách nhiệm
khu vực đang say sưa bên bàn nhậu với sushi và rượu sake, bằng ngân sách nhà nước,
trong một phòng riêng ở Empty Cicada, một nhà hàng sang trọng gần đó. Quả là
tin tức trớ trêu bởi một trong những mệnh lệnh đầu tiên của Chủ tịch nước là nội
quy “8 điều” dành cho công viên chức, nhằm chống lãng phí và tham nhũng. Bên cạnh
những điều khác, chiến dịch kêu gọi quan chức chấn chỉnh theo tiêu chí “bốn món
ăn một món canh.” (Cuối cùng, 11 cán bộ đã bị trừng phạt vì lạm dụng ngân quỹ
và không ngăn chặn được rủi ro cho công chúng.)
Vài tuần sau sự cố ở Thượng Hải, tôi tới thăm một biên tập
viên lâu năm ở Bắc Kinh, đặc thù công việc cho anh một cái nhìn về công việc của
Đảng. Khi tôi tới căn hộ của anh, bọn trẻ đang hò hét ở phòng khách nên chúng
tôi lui về phòng ngủ để nói chuyện. Khi tôi hỏi về tình hình Chủ tịch Tập, anh
nhắc tới bữa tiệc ở Empty Cicada. Anh nghĩ nó cho thấy một vấn đề nghiêm trọng
hơn nhiều so với lối sống xa xỉ của quan chức. “Trung ương đã ban hành lệnh
cấm tuyệt đối không được ăn uống nhà hàng bằng công quỹ. Vậy mà họ vẫn làm!”
anh nói. “Điều đó cho thấy quan chức địa phương đang tìm cách đáp trả sự thay đổi.
Có câu: ‘Khi luật lệ trở nên hà khắc, luôn có cách làm nó dễ thở
hơn.’” Cuộc đối đầu giữa hoàng đế và bộ máy quan lại của ông ta luôn đi theo một
mô hình kinh điển của chính trị Trung Quốc, và hiếm khi dẫn đến cái kết có hậu
cho hoàng đế. Nhưng vị biên tập viên vẫn đặt cược vào Tập. “Ông ấy không sợ trời
cũng chẳng sợ đất. Vả lại, như chúng tôi vẫn nói, ông ấy ngoài tròn trong
vuông; trông có vẻ mềm dẻo, nhưng bên trong lại rất cứng rắn.”
* * *
Trước khi lên nắm quyền, trong và ngoài nước ông Tập được mô
tả như một cán bộ hành chính cấp tỉnh không có gì nổi bật, hâm mộ văn hoá đại
chúng Mỹ (thích phim Bố Già, Giải cứu binh nhì Ryan), quan tâm kinh doanh hơn
chính trị, và được chọn chủ yếu do ít làm các đồng nghiệp xa lánh hơn các đối
thủ. Đây là một bức chân dung không hoàn chỉnh. Ông đã trải qua hơn ba thập
niên làm quan chức, nhưng nền chính trị Trung Quốc chỉ bộc lộ ông qua một góc
nhìn giới hạn. Tại một buổi họp báo, một phóng viên địa phương đã đề nghị ông Tập
đánh giá hiệu quả làm việc của mình: “Ông sẽ cho mình 100 điểm – hay là 90?” (Cả
hai đều không, Tập trả lời; điểm cao thì có vẻ “huênh hoang,” điểm thấp lại
thành “tự ti”).
Nhưng, mới qua một phần tư nhiệm kỳ 10 năm của mình, Tập đã
nổi lên như nhà lãnh đạo chuyên chế nhất kể từ thời Mao Chủ tịch. Dưới danh
nghĩa bảo vệ và làm trong sạch, ông đã điều tra hàng chục ngàn đồng bào, với những
cáo buộc từ tham nhũng đến làm lộ bí mật quốc gia và kích động lật đổ nhà nước.
Ông đã thâu tóm hoặc tự phong cho mình cả chục tước hiệu, không chỉ là nguyên
thủ nhà nước và thống lĩnh quân đội mà còn lãnh đạo những ủy ban quan trọng nhất
của Đảng – về đối ngoại, Đài Loan, và kinh tế. Ông đặt mình vào vị trí lãnh đạo
các cơ quan mới có nhiệm vụ giám sát Internet, tái cơ cấu chính phủ, an ninh quốc
gia, và cải cách quân đội, và trên thực tế ông cũng kiểm soát toà án, cảnh sát,
và công an mật. “Ông ta ở trung tâm của mọi thứ,” Gary Locke, cựu Đại sứ Hoa Kỳ
tại Bắc Kinh, nói với tôi.
Trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, người ta tiến hành chiến dịch
sau khi đắc cử, chứ không phải trước đó, và trong quá trình xây dựng sự ủng hộ
của công chúng và mài giũa một thông điệp, Tập đã bộc lộ một khát vọng chuyển
biến mạnh mẽ. Ông kêu gọi Trung Quốc theo đuổi Giấc mơ Trung Hoa: cuộc “đại cải
hoàn của dân tộc,” pha trộn giữa thịnh vượng, đoàn kết, và sức mạnh. Ông đề xuất
ít nhất 60 cải cách xã hội và kinh tế, từ nới lỏng chính sách một con đến loại
bỏ các trại “cải tạo lao động” và hạn chế độc quyền nhà nước. Ông cũng tìm cách
gia tăng danh tiếng ở ngoài nước; trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên (đến
Moskva), đi cùng ông là phu nhân, giọng nữ cao Bành Lệ Viên, người truyền cảm hứng
cho việc đưa tin rộng rãi về cặp vợ chồng nguyên thủ hiện đại đầu tiên của
Trung Quốc. Bà Bành nhanh chóng xuất hiện trong danh sách những người ăn mặc đẹp
nhất của tạp chí Vanity Fair.
Sau Mao, Trung Quốc bắt đầu đề cao hình ảnh “lãnh đạo
tập thể” hơn tầm quan trọng của các lãnh đạo cá nhân. Tập đã thay đổi cách tiếp
cận này, và chính phủ của ông, sử dụng cả những biện pháp cũ lẫn mới, đã khuếch
trương hình ảnh của ông. Với tinh thần của cuốn Mao chủ tịch ngữ lục, các nhà
xuất bản đã cho ra tám đầu sách tập hợp những phát biểu và bài viết của Tập; cuốn
mới nhất có tên Tập Cận Bình dụng điển, mổ xẻ những phát biểu của ông, đánh giá
những câu ông yêu thích, và bình giảng những đề cập đến văn hoá của ông. Một
nghiên cứu của tờ Nhân dân Nhật báo phát hiện ra rằng mới tròn hai năm nhiệm kỳ,
Tập đã xuất hiện trên báo chí với tần suất nhiều hơn hai lần so với người tiền
nhiệm trong cùng kỳ. Ông còn xuất hiện trong loạt phim hoạt hình nhắm đến giới
trẻ, bắt đầu với “Tạo nên một nhà lãnh đạo như thế nào,” tập phim mô tả ông như
biểu tượng của một chế độ trọng dụng nhân tài, bất kể thân thế gia đình – “một
trong những bí mật của sự thần kỳ Trung Quốc.” Cơ quan thông tấn nhà nước đã
làm một điều chưa từng có là đặt biệt danh cho Tổng bí thư: Tập Đại Đại – tức
Bác Tập. Hồi tháng 1, Bộ Quốc phòng cho ra mắt các bức tranh sơn dầu khắc hoạ
ông trong những tư thế hùng dũng; hàng ngàn sinh viên mỹ thuật thi vào Đại học
Kỹ thuật Bắc Kinh được sát hạch bằng khả năng phác hoạ chân dung ông. Tờ Bắc
Kinh Vãn báo cho hay có một thí sinh ngưỡng mộ Chủ tịch tới mức “cô phải gắng hết
sức để ngăn tay mình khỏi run.”
Với người bên ngoài, Tập là chủ đề không nhất quán. Các nhà
xuất bản ở Hồng Kông, vốn độc lập trước sự kiểm soát của đại lục, đã cung cấp
những những chân dung khác nhau về ông – đáng tin cậy nhất bao gồm Tập Cận Bình
tân truyện của Lương Kiếm, và Tương lai của Trung Quốc của Ngô Minh – nhưng phần
lớn được viết một cách bí mật dưới bút danh. Mô tả rõ ràng nhất về cuộc đời và ảnh
hưởng của Tập đến từ chính lời nói và quyết định của ông, dọc theo con đường đi
tới đỉnh cao quyền lực.
Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, một người biết tiếng Quan Thoại
từng nói chuyện với Tập trong nhiều năm qua, nói với tôi: “Cái ông ấy nói là
cái ông ấy nghĩ. Kinh nghiệm của tôi về ông ấy là không có nhiều xảo ngôn.”
Trong một nền lãnh đạo nổi tiếng với hình ảnh các quan chức
cộng sản chải chuốt và nhạt nhẽo, Tập thể hiện một sức sống nam tính.
Ông chế giễu giới “trí thức suông” và ca ngợi “tinh thần tập thể của đàn chó ăn
thịt sư tử.” Trong cuộc gặp tháng 3 năm 2013, ông nói với Tổng thống Nga
Vladimir Putin, “Chúng ta giống nhau về tính cách,” tuy Tập ít có xu hướng lực
lưỡng ngực trần. Tập ngưỡng mộ Tống Giang, một kẻ giang hồ trong Thuỷ hử, cuốn
tiểu thuyết kinh điển của Trung Quốc được viết từ thế kỷ 14, bởi năng lực “thu
phục người tài” của nhân vật này. Không tuấn tú cũng không đẹp mã, Tống Giang cầm
đầu một băng đảng hảo hán nổi dậy. Trong một trích đoạn nổi tiếng, Tống Giang
nói về con sông Tầm Dương:
“Một mai may báo được oan cừu
Máu nhuộm Tầm Dương sẽ biết nhau.”
Tập mô tả kế hoạch trọng yếu của mình như một cuộc giải cứu:
ông phải bảo vệ nhà nước Cộng hòa Nhân dân và Đảng Cộng sản trước khi chúng bị
nhấn chìm bởi tham nhũng; ô nhiễm môi trường; bất ổn tại Hồng Kông, Tân Cương,
và các khu vực khác; và sức ép của một nền kinh tế tăng trưởng chậm chưa từng
thấy kể từ năm 1990 (dù vẫn ở mức 7%, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với bất
kỳ nước lớn nào). “Những nhiệm vụ Đảng ta phải đối mặt trong cải cách, phát triển,
và ổn định đang trở nên nặng nề hơn bao giờ hết, và xung đột, hiểm hoạ, và thử
thách đang nhiều chưa từng thấy,” Tập nói trước Bộ Chính trị hồi tháng 10. Theo
Chinese Human Rights Defenders, một tổ chức vận động có trụ sở tại Hồng Kông,
trong năm 2014, chính phủ đã bắt giữ gần một ngàn thành viên của xã hội dân sự,
nhiều hơn bất cứ năm nào kể từ giữa những năm 1990, theo sau vụ thảm sát Thiên
An Môn.
Tập thẳng thừng phản đối những khái niệm dân chủ của Mỹ.
Trong các năm 2011 và 2012, ông dành nhiều thời gian tiếp xúc với Phó Tổng thống
Joe Biden, người đồng cấp chính thức của ông ở thời điểm đó, ở cả Trung Quốc và
Mỹ. Biden kể với tôi rằng Tập đã hỏi ông tại sao nước Mỹ “chú trọng nhân quyền
đến vậy.” Biden trả lời, “Không tổng thống Hoa Kỳ nào có thể đại diện cho nước
Mỹ nếu không cam kết về nhân quyền,” và nói tiếp, “Nếu ông không hiểu điều này,
ông không thể làm việc với chúng tôi. Tổng thống Barack Obama cũng không thể tại
vị nếu không nói về vấn đề này. Hãy nhìn vào đó như một điều kiện chính trị
tiên quyết. Nó không làm chúng tôi tốt hơn hay xấu đi. Chúng tôi là như vậy.
Ông có quyết định của ông. Chúng tôi sẽ có quyết định của chúng tôi.”
Trong những tháng đầu nắm quyền của Tập, những người ủng hộ
ông ở phương Tây suy đoán rằng ông muốn dập tắt những lời chỉ trích cứng rắn, rồi
sẽ cởi mở hơn, có thể là trong nhiệm kỳ hai, bắt đầu vào năm 2017. Quan điểm
này phần lớn đã biến mất. Cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson, tác giả cuốn
Dealing with China sắp ra mắt, mô tả quãng thời gian một thập niên tiếp xúc với
Tập, nói với tôi: “Ông ta kiên quyết và thẳng thắn – cả công khai lẫn riêng tư
– về việc Trung Quốc đang bác bỏ những giá trị phương Tây và nền dân chủ đa đảng.”
Ông nói thêm, “Đối với người phương Tây, có vẻ rất phi lý khi một mặt thì cam kết
thúc đẩy nhiều hơn sự cạnh tranh và linh hoạt theo định hướng thị trường trong
nền kinh tế, mặt khác lại tìm cách kiểm soát chặt hơn lĩnh vực chính trị, truyền
thông, và Internet. Nhưng đó là mấu chốt: ông ta coi một Đảng vững mạnh là tối
cần thiết cho sự ổn định, và chỉ nó mới đủ mạnh để giúp ông ta hoàn thành những
mục tiêu khác của mình.”
Trong quyết tâm giành quyền kiểm soát và bảo vệ Đảng, có lẽ
Tập đã tạo ra một mối đe doạ khác: ông khoét sâu thêm những rạn nứt nội bộ và
làm lung lay thế cân bằng đặc trưng cho sự trỗi dậy của đất nước trong một thế
hệ. Trước khi Tập nắm quyền, các quan chức hàng đầu vẫn đinh ninh mình được bảo
vệ. Nhà văn Dư Hoa nói với tôi, “Khi Trung Quốc bắt đầu phát triển, những ‘luật
lệ bất thành văn’ đã thực sự trở thành vấn đề. Khi luật pháp hiện hành không đủ
cụ thể và rõ ràng, khi chính sách và các đạo luật không theo kịp thực tế, người
ta luôn phải dựa vào những luật lệ bất thành văn.” Chúng chi phối mọi thứ, từ số
tiền phải phong bì cho bác sĩ phẫu thuật đến giới hạn hoạt động của một tổ chức
phi chính phủ nếu không muốn bị xoá sổ. “Luật lệ bất thành văn đã bắt đầu bị
xoá bỏ,” ông Dư nói. “Dĩ nhiên đó là điều đáng làm, nhưng luật pháp thì chưa kịp
đến.”
* * *
Đảng Cộng sản xác định sứ mệnh của mình là phụng sự
cho một xã hội phi giai cấp nhưng lại tự tổ chức theo một hệ thống phân cấp khắt
khe, trong đó Tập Cận Bình ra đời ở vị trí gần chóp. Ông sinh ra tại Bắc Kinh
năm 1953, là con thứ ba trong gia đình bốn người con. Cha của ông, Tập Trọng
Huân, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Tuyên truyền của Trung Quốc, bắt đầu làm cách mạng
ở tuổi 14, khi ông và các bạn cùng lớp tìm cách đầu độc một giáo viên mà họ cho
là phần tử phản cách. Ông bị tống vào tù, nơi ông gia nhập Đảng Cộng sản, rồi
cuối cùng trở thành một chỉ huy cấp cao và bị cuốn vào những xích mích nội bộ của
Đảng. Năm 1935, một phe nhóm đối thủ cáo buộc Tập Trọng Huân phản bội và ra lệnh
chôn sống ông, nhưng Mao đã tháo gỡ vụ khủng hoảng này. Tại một hội nghị Đảng
tháng 2 năm 1952, Mao tuyên bố để “ngăn chặn các phần tử phản cách” cần trung
bình cứ một đến hai nghìn người dân phải hành quyết một tên. Tập Trọng Huân ủng
hộ “ngăn chặn và trừng phạt nghiêm khắc,” nhưng trong khu vực của ông, “việc giết
hại xảy ra tương đối ít,” theo tiểu sử chính thức của ông.
Tập Cận Bình lớn lên với những câu chuyện của cha mình. “Cha
tôi kể chuyện tham gia cách mạng và ông thường nói, ‘Chắc chắn con sẽ làm nên
cách mạng trong tương lai,’” Tập hồi tưởng trong một cuộc phỏng vấn năm 2004 với
Tây An Vãn báo, một tờ báo nhà nước. “Rồi cha tôi giảng giải về cách mạng.
Chúng tôi đã nghe nhiều đến mức chai cả tai.” Trong sáu thập niên tham chính,
cha ông đã chứng kiến và thực hành mọi chiến lược. Trong bữa tối với Tập Trọng
Huân năm 1980, David Lampton, một chuyên gia về Trung Quốc của Trường Nghiên cứu
Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học John Hopkins, đã rất ngạc nhiên khi thấy ông có
thể tiếp rượu Mao Đài với hàng chục quan khách mà không có biểu hiện gì. “Hoá
ra ông ấy uống nước,” Lampton nói.
Khi Tập Cận Bình lên năm, cha ông được thăng làm phó thủ tướng,
và ông thường tới thăm cha ở Trung Nam Hải, khu quần thể đặc biệt dành cho các
lãnh đạo cấp cao. Tập theo học ở trường Mùng 1 tháng 8, đặt theo tên một chiến
thắng vang dội của Đảng Cộng sản. Nằm trong khuôn viên cung điện cũ của một
hoàng tử nhà Thanh, ngôi trường được mệnh danh là lãnh tụ diêu lam, tức “cái
nôi của lãnh tụ.” Học sinh ở đó tạo thành một nhóm tinh hoa nhỏ, gắn kết;
cùng sống trong những khu nhà, cùng hưởng một kỳ nghỉ hè, và cùng chia sẻ những
nề nếp quý tộc. Trong hàng thế kỷ trước thời Cộng hoà Nhân dân, danh sách những
danh gia vọng tộc ngày càng nhiều, sở hữu cả của cải và chính trị. Con cháu các
gia đình đó một số làm kinh doanh, một số theo đuổi chức tước. Những người chiến
thắng cũng thay đổi theo thời gian, và khi những người cộng sản thắng thế năm
1949, họ đã giành được hồng bào. “Ngôn ngữ phổ thông để mô tả điều này là họ
đã ‘chinh phục thiên hạ,’” nhà xã hội học Dương Quốc Bân ở Đại học Pennsylvania
nói với tôi. “Họ tin mình được an bài làm lãnh đạo. Họ làm chủ. Và con cháu họ
cũng nghĩ một cách tự nhiên rằng chúng sẽ là, và nên là, những người chủ trong
tương lai.” Như sử gia Mễ Hạc Đô nhận xét trong Thế hệ Hồng vệ binh, cuốn sách
xuất bản năm 1993 của ông, học sinh trường Mùng 1 tháng 8 “so bì lẫn nhau xem
cha ai có chức cao hơn, cha ai đi xe xịn hơn. Một số đứa nói, ‘Tuân lệnh ai có
cha giữ chức vụ cao nhất.’” Khi Cách mạng Văn hoá bắt đầu năm 1966, những sinh
viên Bắc Kinh thuộc diện tự lai hồng (tức “sinh ra đã đỏ”) đã đề cao khẩu hiệu:
“Cha anh hùng, con anh hùng; cha phản động, con vô lại.” Hồng vệ binh tìm cách
xoá sạch tài sản phe đối lập để làm chúng “trong sạch và tinh khiết như pha
lê,” họ nói. Từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9 năm 1966, gần 2 ngàn người đã bị
sát hại ở Bắc Kinh, và ít nhất 4.900 di tích lịch sử bị hư hại hoặc phá huỷ,
theo Ngô Nhất Khánh, tác giả cuốn The Cultural Revolution at the Margins.
Nhưng Tập Cận Bình không đóng vai trò rõ rệt của kẻ tấn công
lẫn nạn nhân. Năm 1962, cha ông bị buộc tội cổ xuý cho cuốn tiểu thuyết mà Mao
bài xích, và bị đưa đi lao động trong một nhà máy; mẹ ông, Tề Tâm, bị giao nhiệm
vụ lao động khổ sai ở nông trại. Tháng 1 năm 1967, sau khi Mao khuyến khích
sinh viên vạch mặt “kẻ thù giai cấp,” một nhóm thanh niên đã lôi Tập Trọng Huân
ra đấu tố trước đám đông. Trong các tội danh, ông bị cáo buộc đã nhìn sang Tây
Berlin bằng ống nhòm trong chuyến thăm Đông Đức cách đó vài năm. Ông bị giam
trong một doanh trại quân đội, nơi trong nhiều năm ông giết thời gian bằng cách
đi bộ trong buồng giam, sau này ông kể lại – một vạn vòng xuôi, rồi một vạn
vòng ngược. Con trai ông còn quá nhỏ để làm một Hồng vệ binh chính thức, và lý
lịch của cha cũng khiến Tập Cận Bình không được tin dùng. Hơn nữa, việc sinh ra
đã đỏ đã trở thành một thứ trách nhiệm. Các trường ưu tú bị coi là tiểu bảo
tháp và bị đóng cửa. Tập và con của các cán bộ bị đấu tố khác đã ở bên nhau, cuốn
vào những vụ ẩu đả đường phố và ăn cắp sách vở từ các thư viện bị đóng cửa. Về
sau Tập mô tả thời kỳ này như một sự mất kiểm soát hoàn toàn. Ông bị các đội Hồng
vệ binh bắt đến “ba bốn lần,” và bị ép đấu tố cha mình. Năm 2000, ông kể với
nhà báo Dương Tiểu Hoài về lần bị một nhóm thân tín với vợ của người đứng đầu cảnh
sát mật Trung Quốc bắt giữ:
Tôi mới 14. Hồng vệ binh hỏi, “Mày thấy tội của mày nặng thế
nào?”
“Cái đấy bọn mày có thể tự đánh giá. Đã đủ để xử tử tao
chưa?”
“Bọn tao có thể xử tử mày cả trăm lần.”
Trong đầu tôi bị xử tử một lần hay một trăm lần cũng không
khác nhau, vậy tại sao phải sợ một trăm lần? Hồng vệ binh muốn doạ tôi, nói tôi
sắp cảm nhận được chuyên chính dân chủ nhân dân, và tôi chỉ còn năm phút. Nhưng
cuối cùng, thay vì giết tôi, chúng lại bảo
tôi mỗi ngày đều phải đọc ngữ lục của Mao Chủ tịch cho đến đêm.
Tháng 12 năm 1968, trong nỗ lực giành lại kiểm soát, Mao ra
lệnh cho Hồng vệ binh và học sinh sinh viên phải về nông thôn để “được giai cấp
bần cố nông cải tạo lại.” Các gia đình gia thế gửi con cái tới những vùng họ có
quan hệ hoặc có gia đình, và Tập Cận Bình tới nơi đồn trú cũ của cha ở Thiểm
Tây. Ông được chỉ định về Lương Gia Hà, một ngôi làng nằm giữa những vách đá
hoàng thổ. “Cường độ lao động làm tôi choáng váng,” Tập hồi tưởng trong một buổi
phỏng vấn truyền hình năm 2004. Để trốn việc, ông tập hút thuốc – không ai làm
phiền người đang hút thuốc – và ở lỳ trong nhà vệ sinh. Sau ba tháng, ông trốn
về Bắc Kinh, nhưng bị bắt và bị gửi trả về địa phương. Trong cái sau này trở
thành phần trung tâm trong tiểu sử chính thức của ông, Tập đã được tái sinh.
Một bài viết của cơ quan thông tấn nhà nước gần đây còn đưa ra giai thoại: “Chủ
tịch Tập đã sống cùng dân làng trong hang, ngủ trên kháng (giường bằng gạch và
đất nung, bên dưới có ống dẫn khói từ bếp qua để sưởi ấm – NHĐ), chịu chấy rận
đốt, gánh phân, đắp đập, và sửa đường.” Nó đã bỏ sót vài chi tiết tàn khốc. Có
lần, ông nhận được thư báo Tập Hòa Bình, người chị cùng cha khác mẹ, đã qua đời.
Nhà báo người Úc John Garnault, tác giả cuốn sách sắp ra mắt về sự trỗi dậy của
Tập và nhóm thân tín, nói, “Đó là một vụ tự tử. Những người thân cận nói với
tôi, có ghi âm, rằng sau một thập niên bị ngược đãi bà ấy đã treo cổ mình lên
vòi tắm.”
Tập đã chọn gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản. Do lý lịch của
cha, đơn xin gia nhập của ông đã bị từ chối tới bảy lần, theo số lần ông đếm.
Sau khi kết thân với một cán bộ địa phương, ông đã được chấp nhận. Tháng 1 năm
1974, ông chính thức vào Đảng và trở thành bí thư làng. Quyết tâm vào Đảng của
ông đã khiến một vài người bạn đồng lứa cảm thấy khó hiểu. Một người bạn lâu
năm sau này trở thành giáo sư đã kể cho một nhà ngoại giao Mỹ rằng ông cảm thấy
“bị phản bội” trước tham vọng “gia nhập hàng ngũ” của Tập. Trong một bức điện
ngoại giao của Mỹ ghi lại quan điểm của ông, nhiều người trong nhóm bạn bè của
Tập đã tìm mọi cách thoát khỏi chính trị; họ hẹn hò, uống rượu, và đọc văn học
phương Tây. Họ “cố gắng bù lại những năm tháng đã mất bằng cách tìm thú vui,”
giáo sư nói. Cuối cùng, ông kết luận Tập có “tham vọng khác thường,” và biết
mình sẽ “không đặc biệt” bên ngoài Trung Quốc nên ông “chọn tồn tại bằng cách
trở nên đỏ hơn cả đỏ.” Suy cho cùng, Dương Quốc Bân nói với tôi về con cái các
cựu lãnh đạo, “ý thức cầm quyền đã không mất đi. Niềm tự hào và ý thức về ưu thế
vẫn ở lại, họ phần nào tự tin rằng nghịch cảnh của cha mình chỉ là nhất thời và
sớm muộn họ cũng sẽ trở lại. Đó chính là những gì đã diễn ra.”
Năm sau, Tập vào Đại học Thanh Hoa với tư cách sinh viên
“công-nông-binh” (thí sinh được nhận trên cơ sở lý lịch chính trị thay vì điểm
số). Mùa xuân năm đó, Tập Trọng Huân được phục hồi danh dự sau 16 năm chịu án.
Khi gia đình đoàn tụ, ông không còn nhận ra những đứa con trai đã trưởng thành
của mình. Lòng tin của ông chưa bao giờ dao động. Tháng 11 năm 1976, ông viết
thư cho lãnh đạo Đảng Hoa Quốc Phong, đề nghị được phục chức, nhằm “cống hiến phần
đời còn lại cho Đảng và phấn đấu hơn nữa vì nhân dân.” Ông ký thư, “Tập Trọng
Huân, người đi theo Mao Chủ tịch và người Đảng viên chưa được phục hồi sinh hoạt
Đảng.”
Gia thế của Tập Cận Bình khiến ông được tiếp xúc với nền
chính trị khốc liệt – thanh trừng, trả thù, phục chức – và ông đã rút ra những
bài học thẳng thắn từ đó. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2000 với nhà báo Trần Bằng
của tờ Trung Hoa Thời báo ở Bắc Kinh, Tập nói, “Những ai có ít trải nghiệm với
quyền lực, những ai xa lạ với nó, sẽ có xu hướng nhìn nhận mọi thứ như điều bí ẩn
và hư cấu. Nhưng tôi nhìn sâu hơn những thứ bên ngoài: quyền lực, những bó hoa,
ánh hào quang, và những tràng vỗ tay. Tôi thấy những nhà giam, sự thay lòng đổi
dạ giữa quan hệ con người. Tôi hiểu chính trị ở một mức độ sâu hơn.” Cách mạng
Văn hoá và những năm tháng ở Diên An, nơi ông được gửi đến thời niên thiếu, đã
tạo nên ông. “Diên An là điểm khởi đầu của cuộc đời tôi,” ông nói năm 2007.
“Nhiều phẩm chất và ý tưởng nền tảng mà tôi có hôm nay được hình thành ở Diên
An.” Cựu Thủ tướng Úc Rudd nói với tôi, “Mấu chốt trong mọi nhận định về Tập Cận
Bình phải bắt đầu từ sự cống hiến của ông ta dành cho tổ chức Đảng – cho dù
trong đời sống riêng lẫn đời sống chính trị ông đã nếm trải cả điều tốt nhất lẫn
tệ nhất của Đảng.”
***
Evan Osnos là nhà báo người Mỹ. Ông tốt nghiệp ngành Khoa học
Chính trị tại Đại học Harvard và trở thành cây viết của tạp chí The New Yorker
từ năm 2008. Cuốn Age of Ambition: Chasing Fortune, Truth, and Faith in the New
China đã mang lại cho ông Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ cho thể loại Phi hư cấu
năm 2014.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét